26 novembre 2016

WB đổi hướng hỗ trợ tại Việt Nam

Đinh Hiệp

Hội thảo tham vấn về đề cương CPF mới của WB với các cơ quan tổ chức có liên quan diễn ra tại TP.HCM ngày 25-11-2016. Ảnh: Chính Phong.

(TBKTSG Online) - Ngân hàng Thế giới (WB) đang đi những bước đầu tiên trong lịch trình xây dựng Khuôn khổ hợp tác quốc gia (Country Partnership Framework - CPF) với Việt Nam trong giai đoạn tài khóa 2017-2022.

Quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam và WB sắp bước sang giai đoạn mới: Việt Nam sẽ "tốt nghiệp" vốn vay IDA vào tháng 6-2017 tới. Sau giai đoạn này, Việt Nam sẽ chỉ tiếp cận với các nguồn vốn kém ưu đãi hơn là IBRD và IDA+ từ World Bank, điều này cũng ảnh hưởng tới sự hỗ trợ về vốn của các tổ chức khác như IMF, ADB.
 


CPF mới sẽ định hướng các chương trình hoạt động của WB tại Việt Nam trong giai đoạn này. CPF mới được xây dựng dựa trên các báo cáo đánh giá quốc gia (SCD) năm 2016 của tổ chức này, dựa trên Báo cáo Việt Nam 2035 (do WB phối hợp với Chính phủ Việt Nam xây dựng) và dựa trên Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016-2020 (SEDP) của Chính phủ Việt Nam.

Với các CPF trước đây, WB hỗ trợ Việt Nam xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, tiếp cận các dịch vụ căn bản, tạo thêm nhiều việc làm, tăng trưởng kinh tế nhanh thì với CPF tới đây, WB sẽ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang mô hình phát triển mới, tập trung nâng cao năng suất lao động, hướng tới toàn xã hội và phát triển bền vững.

WB đề xuất kết cấu của CPF mới sẽ có lĩnh vực xuyên suốt là “quản lý nhà nước” tập trung vào các vấn đề: quan hệ nhà nước – thị trường; hiệu quả của Chính phủ; công khai minh bạch trong quá trình ra quyết định, phân bổ nguồn lực, cải tổ luật pháp, quản lý tài sản công và cung cấp dịch vụ công.

Bên cạnh đó, CPF mới cũng sẽ có 3 lĩnh vực trọng tâm. Thứ nhất,“đẩy mạnh tăng trưởng toàn diện và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân” với các nội dung chính là cải thiện môi trường kinh doanh, củng cố quản lý nền kinh tế và các định chế thị trường, xây dựng cơ sở hạ tầng hiệu quả và phục vụ sản xuất, hỗ trợ tiến trình chuyển đổi thành thị - nông thôn, hỗ trợ chuyển đổi nền nông nghiệp.

Thứ hai, “đầu tư vào nguồn nhân lực và trí thức”, cụ thể là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo năng lực, đảm bảo phúc lợi và y tế chất lượng với chi phí có thể chi trả, nâng cao cơ hội cho các nhóm dễ bị tổn thương và đồng bào dân tộc thiểu số, Đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới.

Thứ ba, “phát triển bền vững về môi trường và nâng cao khả năng ứng phó”, gồm sử dụng và quản lý tài nguyên hiệu quả, phòng tránh tình trạng thiếu nước và nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng điện và năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm và hậu quả thiên tai.

Tổng vốn WB dự kiến cam kết hỗ trợ cho Việt Nam vay trong giai đoạn 2017-2022 khoảng 35 tỉ USD, tập trung vào các lĩnh vực nước sạch, vận tải, công nghệ thông tin, hạ tầng, năng lượng.