13 août 2014

Trâu lành, trâu què

Nguồn: Theo LĐO

Đào Tuấn


Có đau không cơ chứ khi có người đã nói thế này: Các bác sỹ mang "giấc mơ tỷ phú" đều viết trong đơn xin nghỉ việc với lý do "không đủ sức khoẻ để công tác, nghỉ để chăm lo mẹ già". Nhưng chỉ ngay sau khi giải quyết xong thủ tục nghỉ việc tại các bệnh viện công thì những bác sỹ này bỗng dưng "khoẻ lại" để "cao chạy xa bay" với việc tự an ủi: À thì là vì “Trâu lành ra đi, trâu què ở lại".



                                             Khám chữa bệnh tại BV Đa khoa Tư Nghĩa.

Cứ cái kiểu "trên đe, dưới búa": Trên thì không coi trọng, bệnh nhân thì coi thường, dọa nạt. Lương không đủ mua bỉm cho con, thử hỏi có ai chuyên tâm làm làm bác sĩ? Thử hỏi có y đức được không?
Đây là những câu hỏi, mà thật ra là không phải không có lý của một nữ bác sĩ.
Nhưng nếu đây chỉ là tâm sự thổn thức thuần túy, dư luận, bản chất cũng là những con bệnh không trước thì sau cũng phải qua tay bác sĩ, rất dễ thông cảm.
Nhưng câu chuyện sẽ rất khác khi “tiền ít” lại là lý do để những người coi mình “chưa được đãi ngộ tương xứng” dứt áo ra đi.
4 năm, 35 bác sĩ bỏ việc. Những con số không nhỏ và một thực tế phũ phàng đang xảy ra ở Quảng Ngãi đang gây xôn xao dư luận.
Người trong nghề thì thở dài ngậm ngùi. Người lắc đầu nhắc lại chuyện những công chức có cỡ của một bộ lớn màu mỡ được cử đi nước ngoài rồi… bye bye.
Người có trách nhiệm, như Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, GS Đào Trọng Thi thì lo lắng: Nếu chỉ tăng lương 10% thôi (cho các bác sĩ), ngân sách của Nhà nước đã phình rất lớn và lấy đâu ra? Chỉ tăng cho bác sỹ, giáo viên cũng đòi hỏi thì biết xử lý thế nào? Bác sỹ trình độ cũng chỉ ở mức độ đại trà không phải là thiên tài mà đòi hỏi sự đãi ngộ đặc biệt.
Nhưng thiệt thòi nhất phải là những người bệnh Quảng Ngãi nói riêng, và những người bệnh tiềm năng là chúng ta nói chung. Không phải ai cũng đủ giàu để đến phòng mạch tư mà câu chuyện “cá hộp bệnh viện” chính là minh chứng xác đáng nhất.
Người ta cần tiền để sống. Cần nhiều tiền để có một cuộc sống dễ thở. Cần rất nhiều tiền để sung túc, lịch lãm, quý tộc…
Nhưng giá như tiền không phải là lý do để người ta “dứt áo” ra đi với nơi nuôi dưỡng, đào tạo và trọng dụng mình. Giá như đó không phải là câu chuyện xảy ra ở Quảng Ngãi, nơi là hồi đầu năm ngoái, có người đã ngợi ca chính sách “trải thảm đỏ”.
Năm ngoái, trước thực trạng chỉ có 4,5 bác sĩ/10.000 dân, Quảng Ngãi đã trải thảm đỏ với quy định ngoài lương, các tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II (sản khoa) được hỗ trợ 300 triệu đồng. Còn bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I, bác sĩ nội trú, dược sĩ đại học (tốt nghiệp trung bình, khá, giỏi) được hỗ trợ 180 - 230 triệu đồng.
Quảng Ngãi đã làm hết mình, bởi không chỉ trải thảm đỏ, trước tình trạng chảy máu chất xám, lãnh đạo tỉnh từ bí thư, chủ tịch đã liên tiếp tổ chức các cuộc đối thoại, tháo gỡ. Các cuộc “cầu hiền” mà báo chí gọi là “hội nghị Diên Hồng”. Và dù khó, cùng với lời nói, tiền cũng đã được rót xuống, từ chính sách cho các y bác sĩ cho đến hàng chục tỷ nâng cấp trang thiết bị y tế cho xứng tầm.
Bác sĩ làm ở trong nhà nước hay ngoài nhà nước, làm ở công lập hay bệnh viện, phòng mạch tư thì cũng đều là vì phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân cả thôi. Điều đó đúng.
Nhưng cũng không sai nếu người ta bảo đặt câu chuyện “quay lưng vì tiền” bên cạnh ước mơ quá đỗi giản dị của chính sách cầu hiền - mỗi một vạn dân Quảng Ngãi sẽ được 7,5 bác sĩ chăm sóc - cũng có thể nói rằng việc “quay lưng, ngoảnh mặt” hôm nay có cái gì đó giống như là sự nhẫn tâm, giống như là phụ bạc.
Có đau không cơ chứ khi có người đã nói thế này: Các bác sỹ mang "giấc mơ tỷ phú" đều viết trong đơn xin nghỉ việc với lý do "không đủ sức khoẻ để công tác, nghỉ để chăm lo mẹ già". Nhưng chỉ ngay sau khi giải quyết xong thủ tục nghỉ việc tại các bệnh viện công thì những bác sỹ này bỗng dưng "khoẻ lại" để "cao chạy xa bay" với việc tự an ủi: À thì là vì “Trâu lành ra đi, trâu què ở lại".