24 août 2014

Tuyên truyền − tẩy não trong chế độ cộng sản



Nguyễn Chính Kết
Sách Cổ Học Tinh Hoa kể chuyện: “Ông Tăng Sâm ở đất Phi, ở đấy có kẻ trùng danh với ông giết chết người. Một người hớt hải chạy đến báo mẹ ông Tăng Sâm rằng: ‘Tăng Sâm giết người’. Bà mẹ nói : ‘Chẳng khi nào con ta lại giết người’. Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi. Một lúc lại có người đến bảo: ‘Tăng Sâm giết người’. Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên dệt cửi . Một lúc lại có người đến bảo : ‘Tăng Sâm giết người’, thế là bà mẹ sợ cuống cuồng, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.”

Câu chuyện trên cho thấy niềm tin cho dù vững chắc của con người vẫn có thể bị lung lạc khi có một nguồn tin trái ngược được lặp đi lặp lại nhiều lần bởi nhiều người khác nhau. Tinh thần con người dù mạnh mẽ tới đâu cũng có giới hạn của nó. Một lời nói, cho dù dối trá hay hoàn toàn sai lầm, nghe vài lần đầu ta hoàn toàn không tin, nhưng nếu cứ nghe hoài, ta cũng đâm ra hoài nghi cho rằng “không có lửa sao có khói?” nên nghĩ rằng lời nói ấy có thể đúng, nhất là khi thấy rất nhiều người nói như vậy, ta liền tin nó là sự thật. Điều đó cho thấy sức mạnh của dư luận là không thể coi thường.
Tâm lý thường tình ấy được các nhà kinh doanh tận dụng để bán chạy sản phẩm của mình qua nghệ thuật quảng cáo. Nó càng được tận dụng bởi những người làm chính trị, những người điều hành bộ máy tuyên truyền. Nhưng nó được tận dụng tài tình nhất, khoa học nhất bởi các chế độ độc tài, nhất là độc tài cộng sản. Đỉnh cao của việc tận dụng này là kỹ thuật tẩy não
Như vậy, chúng ta thấy việc tận dụng tâm lý trên có 3 cấp độ:quảng cáo, tuyên truyền và tẩy não. Tất cả đều nhằm mục đích làm cho các đối tượng tin thật một điều nào đó, cho dù điều này có thể là hoàn toàn dối trá.
Tuy nhiên, tẩy não đi một bước xa hơn khá nhiều. Nó không chỉ làm người ta tin thật một điều nào đó ngược với suy nghĩ trước đó của họ, mà còn thay đổi hoàn toàn quan niệm, nề nếp tư tưởng, thái độ sống cũng như cách hành xử tùy theo sự dẫn dụ của người chủ mưu [1]. Mục đích cuối cùng của tẩy não là khiến con người phục tùng mệnh lệnh một cách tuyệt đối, và coi mệnh lệnh đó là lẽ phải, lẽ đương nhiên để tự nguyện làm theo.
Trong bài này, chúng tôi muốn nói về chính sách và kỹ thuậttuyên truyền, tẩy não của chế độ cộng sản.
***
Phần 1: Chính sách tuyên truyền và tẩy não dưới chế độ cộng sản
Tuy rất ngu xuẩn trong việc xây dựng đất nước, nhưng cộng sản nói chung, và CSVN nói riêng, phải nói rằng rất giỏi, rất tài tình trong nghệ thuật tuyên truyền cũng như trong kỹ thuật tẩy não. Đối tượng tuyên truyền và tẩy não của họ không chỉ là một số cá nhân, mà là toàn thể dân chúng. Và không chỉ người dân của họ, họ còn muốn tuyên truyền và tẩy não cả thế giới. Họ không hoàn toàn thành công, nhưng phải nói rằng họ đã thành công rất nhiều, kể cả đối với những người rất trí thức, nhất là những người dễ tin, thiếu đầu óc phê bình (esprit critique), chấp nhận không cần đủ bằng chứng hay sự hợp lý, sẵn sàng suy nghĩ theo sự dẫn dụ của người mình nghe hay đọc.
Sức mạnh của một tổ chức chính trị tùy thuộc rất nhiều vào niềm tin của quần chúng. Quần chúng có tin thì mới ủng hộ, và từ đó mới có người sẵn sàng gia nhập, dấn thân và hy sinh cho tổ chức ấy. Niềm tin của quần chúng chỉ có được khi họ được thông tin để biết rõ về tổ chức ấy. Muốn thế tổ chức ấy phải biết vận động quần chúng. Vận động có thành công hay không là do tuyên truyền có nghệ thuật và kỹ thuật hay không. Đối với những người đầu óc cứng cỏi, đã có quan niệm hay nếp suy nghĩ ngược lại với đường lối của tổ chức thì cần phải dùng đến hình thức tuyền truyền mạnh hơn là tẩy não để buộc họ thay đổi quan niệm hầu suy nghĩ thuận chiều với đường hướng của tổ chức..
Ý thức được sự quan trọng của việc tuyên truyền, vận động quần chúng cũng như tẩy não đối với việc gây sức mạnh cho tổ chức của mình, các chế độ cộng sản đã nâng việc tuyên truyền và tẩy não lên hàng chính sách, và chính sách này đã góp phần rất quan trọng vào sự thành công của chế độ cộng sản.
Nguyên lý của tuyên truyền và tẩy não là câu nói nổi tiếng của Goebel, Bộ trưởng bộ thông tin của Đức quốc xã: “Một câu chuyện dù hoàn toàn không đúng sự thật, nhưng nếu chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại, thì lúc đầu dân chúng có thể không tin, nhưng rồi sẽ bán tín bán nghi, và nếu cứ tiếp tục nhắc lại mãi thì cuối cùng họ sẽ phải tin đó là sự thật.
Chính vì thế, với chủ trương “mục đích biện minh cho phương tiện”, người cộng sản sẵn sàng nói đi nói lại hoài không hề ngượng miệng, thậm chí cho toàn thế giới, một điều mà thoạt tiên ai cũng biết là hoàn toàn sai sự thật. Chẳng hạn, CSVN luôn luôn xác định như đinh đóng cột rằng họ luôn luôn tôn trọng nhân quyền, rằng trong nước không hề có tù nhân lương tâm, v.v... Còn Trung Cộng thì một mực quả quyết Hoàng Sa, Trường Sa (cũng như vùng biển Lưỡi Bò) thuộc chủ quyền của Trung Quốc như một điều hiển nhiên không thể chối cãi, v.v... Nghệ thuật tuyên truyền và tẩy não có thể nói rằng rất hữu hiệu trong môi trường thiếu thông tin, nhất là đối với những người dân sống sau bức màn sắt của chế độ. Ngày nay, với sự bùng nổ thông tin và sự toàn cầu hóa của thời đại Internet, việc tuyên truyền và tẩy não không còn hữu hiệu như xưa, nhưng nó vẫn còn khá hữu hiệu đối với những người dễ tin, đón nhận mọi thông tin trên Internet mà không hề suy xét.
Các xã hội độc tài, cộng sản, chẳng hạn như CSVN, còn dùng hình thức nhồi sọ là nhồi nhét những ý niệm, tư tưởng của chế độ vào đầu óc non nớt của các thiếu nhi, thiếu niên. Đầu óc của các em giống như một tờ giấy trắng sẵn sàng tiếp thu những ý tưởng, quan niệm mà người lớn muốn nhét vào đầu các em. Những ý niệm hay nề nếp tư tưởng này sẽ in sâu vào trí não của các em khiến các em coi đó là chân lý, là sự thật hiển nhiên, nó sẽ hình thành nên con người cũng như tâm thức của các em sau này… Về sau, người khác có muốn thay đổi tâm thức hay quan niệm của các em cũng rất khó. Dưới chế độ CSVN, tại các trường học, các em được các thầy cô dạy rằng:
− không có Chúa, Phật, cũng như không có linh hồn hay đời sau gì cả;
− Bác Hồ là một bậc anh hùng của dân tộc, là một mẫu người lý tưởng cả tài lẫn đức;
− đảng Cộng sản là một đảng tốt nhất, có thể đưa các em cũng như toàn dân tộc đến tự do, hạnh phúc, cường thịnh;
− chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản là học thuyết đúng đắn và hoàn hảo nhất;
− chế độ tư bản là chế độ bóc lột người một cách dã man,
− đế quốc Mỹ là cái gì xấu xa nhất trần gian cần phải hủy diệt,
− chế độ VNCH là thù địch, là tay sai của Mỹ,
− người dân miền Nam rất đau khổ dưới sự kìm kẹp của Mỹ Ngụy,
− v.v...
Còn tại Trung Quốc, từ chục năm nay, sách giáo khoa cũng như thầy cô tại các trường học dạy các học sinh rằng Trung Quốc có những vùng biển cũng như những quần đảo, hải đảo bị những nước khác xâm chiếm những khi Trung Quốc bị suy yếu. Trong đó có những đảo mà hiện nay Trung Quốc đang đòi lại chủ quyền như đảo Điếu Ngư (Senkaku) bị Nhật Bản chiếm, bãi cạn Hoàng Nham (Scarborough) bị Philippines chiếm, quần đảo Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa - Trường Sa) bị Việt Nam chiếm, v.v... Thậm chí các học sinh được dạy rằng Việt Nam trước đây vốn là một tỉnh của Trung Quốc nhưng đã ly khai khỏi Trung Quốc khi Trung Quốc suy yếu… Vì thế, việc Trung cộng tìm cách xâm chiếm vùng biển cũng như các hải đảo này, kể cả việc xâm lược Việt Nam, được đa số người dân Trung Quốc ủng hộ, coi là chuyện rất hợp lý, hợp lẽ phải.
Sự nhồi sọ như vậy đã tạo nên những con người có những quan niệm cũng như tư tưởng hết sức khác biệt với những con người bình thường trong thế giới. Khi lớn lên, chỉ khi được tiếp xúc với thế giới tự do, với những luồng thông tin và thực tế hoàn toàn trái ngược với những gì đã được nhồi sọ, những con người xã hội chủ nghĩa này mới dần dần tỉnh ngộ, mới biết được rất nhiều điều trong quan niệm cũng như tư tưởng của mình là hoàn toàn sai. Tuy nhiên, sự tỉnh ngộ này đòi hỏi thời gian, lâu hay chóng tùy trí tuệ từng người.
Mỗi người chúng ta nên nghiêm túc tự hỏi và trả lời: nếu chúng ta bị nhồi sọ và bị đầu độc tư tưởng như vậy từ hồi nhỏ và tiếp tục bị nhồi sọ và đầu độc như vậy hàng chục năm như những người đã phải sống trong xã hội cộng sản, liệu chúng ta có thoát khỏi những quan niệm hay suy nghĩ sai lầm mà người cộng sản đã nhét vào đầu óc trắng tinh của mình từ hồi nhỏ không? Phải bao lâu chúng ta mới có thể thoát khỏi những quan niệm và tư tưởng sai lầm như thế? Hãy tự hỏi như thế để chúng ta bao dung và thông cảm hơn với những người kém may mắn hơn chúng ta về mặt này [2]. Kết án họ chỉ chứng tỏ rằng đầu óc của chúng ta chẳng khác hoặc chẳng hơn gì những người cộng sản.
Các chế độ cộng sản luôn luôn đặt rất nặng chính sách tuyên truyền. Ngay khi cộng sản chiếm được miền Nam, người dân miền Nam phải bị tra tấn lỗ tai mỗi ngày mấy tiếng đồng hồ suốt nhiều năm liền vì những loa phát thanh với cường độ thật lớn trên các cột điện hay những nơi có đông dân cư… Và người dân chỉ được nghe những luận điệu một chiều là ca tụng đảng và chế độ cộng sản, tôn vinh bác Hồ cũng như những lãnh đạo cộng sản khác... đồng thời chửi và nói xấu không tiếc lời chế độ VNCH cũng như người Mỹ và chế độ tư bản... Những luận điệu này cùng với một số khẩu hiệu được nhắc đi nhắc lại hết năm này đến năm khác. Đó là một hình thức ám thị người dân, những luận điệu này sẽ in sâu vào tiềm thức cũng như vô thức của người dân mỗi ngày một chút khiến người dân dần dần suy nghĩ và phát biểu y hệt những gì mình đã nghe.
Sự việc đối với dân miền Nam thế nào thì chắc hẳn đối với dân miền Bắc cũng tương tự như vậy. Chỉ có điều hơi khác nhau ở chỗ: người dân miền Nam vì đã từng sống dưới chế độ tự do dân chủ của nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa, được chế độ Cộng Hòa cho biết sự tào bạo và gian trá của chế độ cộng sản, nên những tư tưởng ngược chiều này của cộng sản khó in vào đầu óc họ hơn. Còn người miền Bắc vốn phải nghe những luận điệu này trước đó cả hai chục năm, khi họ chưa có kinh nghiệm gì về một chế độ tự do dân chủ, nên những luận điệu một chiều này tương đối dễ thấm vào tiềm thức và vô thức của họ hơn. Bị thấm vào mà họ thường không hề hay biết.
Do đó, người miền Nam đừng lấy làm lạ khi người miền Bắc có sự khác biệt với mình trong cách suy nghĩ, cách diễn đạt, cũng như trong những từ ngữ họ dùng. Những người Việt tị nạn từng ở hải ngoại nhiều năm cũng không nên dị ứng với cách suy nghĩ hay phát biểu của những người trong nước hoặc những người mới từ trong nước ra hải ngoại. Chúng ta đừng quên khả năng điều kiện hóa của môi trường xã hội. Một cách nào đó và trong một mức độ nào đó, chúng ta là sản phẩm của môi trường xã hội mình sống.
Trong cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ của chúng ta, việc tuyên truyền là điều hết sức cần thiết. Nhưng chúng ta không nên tuyên truyền những điều sai sự thật như cộng sản chủ trương [3]. Chúng ta cần nói cho mọi người dân Việt trong nước cũng như hải ngoại, và cho cả cho thế giới biết sự thật về chế độ cộng sản, về sự dối trá và tàn bạo cũng như tình trạng đàn áp nhân quyền của CSVN. Đồng thời cho mọi người thấy được rằng đất nước chỉ có thể phát triển và thịnh vượng, người dân chỉ có thể tự do và hạnh phúc khi thoát khỏi ách thống trị độc tài của cộng sản, để trở thành một nước tự do dân chủ pháp trị.

Phần 2: Kỹ thuật tuyên truyền và tẩy não trong chế độ cộng sản
Tuyên truyền và tẩy não là tiến trình tác động vào trí não của đối tượng để làm thay đổi cách suy nghĩ, quan niệm, nhận thức, thậm chí niềm tin tưởng trước đó của đối tượng theo hướng mà người tẩy não muốn. Đây là điều mà các chế độ độc tài, nhất là các chế độ cộng sản đặc biệt quan tâm thực hiện và nâng lên hàng quốc sách. Vì thế nó được nghiên cứu kỹ càng để trở thành một khoa học và được biến thành bài bản để các ngành công an có thể thực hiện.
Tuyên truyền là một hình thức tẩy não nhẹ nhàng, chỉ dùng những phương tiện những lời nói, bài viết, truyền đơn, phát thanh, truyền hình, các phương tiện Internet... để thuyết phục đối tượng thay đổi tư tưởng hay cách suy nghĩ theo hướng mà chế độ độc tài mong muốn mà thôi. Đối tượng của tuyên truyền nếu còn tỉnh táo và suy nghĩ sáng suốt, vẫn có thể chống lại để không bị ảnh hưởng bởi tuyên truyền.
Còn tẩy não là một hình thức tuyên truyền vô đạo đức, sử dụng những phương tiện vô nhân đạo để làm suy nhược thần kinh của đối tượng, khiến đối tượng không còn khả năng chống lại cái hệ thống tư tưởng mới mà kẻ tẩy não muốn áp đặt vào tâm trí đối tượng bằng cách gây khủng hoảng, căng thẳng, mệt mỏi hay sợ hãi đến cùng cực cho đối tượng.
Một tiến trình tẩy não thành công có thể khiến đối tượng thay đổi tư tưởng, quan niệm cũng như niềm tin của mình từ 70% đến 100%. Chẳng hạn trong cuộc chiến Triều Tiên thế kỷ 20, một số tù binh Hoa Kỳ bị Trung cộng bắt và tẩy não. Khi được trao trả lại cho Mỹ, dường như những tù binh này đã trở nên những con người khác hoàn toàn trong quan niệm, cách suy nghĩ, cách ứng xử và trong hành động. Thậm chí có những người tố cáo chính phủ Hoa Kỳ là vô nhân đạo, đã phát động cuộc chiến tranh vi trùng đối với nhân dân Triều Tiên, một điều hoàn toàn không hề xảy ra.
Một số kẻ khủng bố Hồi giáo cũng là những nạn nhân bị tẩy não hoặc nhồi sọ khiến họ sẵn sàng ôm bom tự sát với niềm tin chắc chắn sẽ được Thượng Đế tưởng thưởng bội hậu vì hành vi khủng bố của họ. Như trường hợp Lee Boyd Malvo (17 tuổi) bị John Allen Muhammad (42 tuổi) tẩy não bằng cách nhồi nhét vào đầu những tư tưởng của Đạo Hồi khiến cả hai tham gia vào cuộc khủng bố bắn tỉa suốt 3 tuần tại Washington DC vào tháng 10-2002 khiến 10 người chết và 3 người bị thương.
Chúng ta cũng có thể nghi ngờ một trường hợp bị cộng sản tẩy não, đó là trường hợp của Phạm Tuyên, con trai ông Phạm Quỳnh, người đã bị Hồ Chí Minh giết chết cách tàn độc. Đáng lẽ Phạm Tuyên phải căm thù Hồ Chí Minh và đảng CSVN mới phải. Nhưng thật khó hiểu và không ngờ là Phạm Tuyên đã sáng tác một trong những bài hát đáng khinh tởm nhất dưới chế độ CSVN, đó là bài “Đảng đã cho ta mùa Xuân”. Trường hợp khó hiểu này sẽ trở nên dễ hiểu nếu thật sự Phạm Tuyên đã bị cộng sản tẩy não.
Tuyên truyền thường được áp dụng cho đám đông quần chúng trong môi trường xã hội tự do hay còn chút ít tự do. Còn tẩy não thường chỉ áp dụng được trong những điều kiện mà đối tượng bị mất tự do hoàn toàn như bị bắt, bị tù khiến sự an toàn hay thoải mái của họ hoàn toàn tùy thuộc vào kẻ tẩy não. Đó chỉ là phân biệt trên lý thuyết, còn trên thực tế, giữa tuyên truyền và tẩy não không có ranh giới rõ ràng.
Theo Albert D. Biderman, một nhà tâm lý và khoa học xã hội thuộc đại học Michigan Hoa Kỳ, thì tiến trình tẩy não đúng nghĩa hay triệt để một con người phải được thực hiện trong một thời gian dài gồm nhiều giai đoạn [4] như:
− Cô lập đối tượng, cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài kể cả người thân hay bạn bè khiến đối tượng phải tập trung mọi quan tâm cũng như suy nghĩ vào tương quan duy nhất với kẻ tẩy não.
− Cắt đứt mọi nguồn ủng hộ vật chất cũng như tinh thần, tình cảm khiến sự sống, sự an toàn cũng như thoải mái của đối tượng hoàn toàn tùy thuộc vào sự định đoạt của kẻ tẩy não.
− Làm đối tượng bị kiệt quệ về tinh thần cũng như thể lý bằng cách gây khủng hoảng, đau đớn, căng thẳng, mệt mỏi, lo sợ, tuyệt vọng đến cùng cực, khiến đối tượng không còn khả năng đối kháng, chống lại những ý tưởng mà kẻ tẩy não muốn cài cấy vào đầu óc đối tượng.
− Dùng biện pháp thưởng phạt nếu cần (tương tự như chính sách “cây gậy và củ cà rốt”) để đối tượng nhận ra rằng nếu không tuyệt đối tuân hành mọi lệnh lệnh của kẻ tẩy não thì chỉ hoàn toàn bất lợi cho mình mà thôi. Điều này tạo cho đối tượng một phản xạ là thói quen tuân lệnh vô điều kiện.
− Tất cả những giai đoạn trên là để chuẩn bị tốt cho việc cài một hệ thống tư tưởng mới mà kẻ tẩy não muốn cấy vào đầu óc đã trở nên trống rỗng và vô phương tự vệ của đối tượng.
Tiến trình tẩy não mà triệt để có thể ví như việc cài đặt lại một máy vi tính: không chỉ là xóa bỏ những chương trình hay nhu liệu đã được cài đặt trước đó để cài đặt những thứ mới, mà còn thay đổi luôn cả hệ điều hành, như đổi từ hệ Microsoft thành Macintosh hay Linux... Điều này khiến cho nạn nhân bị tẩy não dường như trở thành một con người hoàn toàn khác về tinh thần và tâm thức, tuy dù thể xác thì hầu như không có gì thay đổi.
Muốn thay đổi hệ thống điều hành máy vi tính, người ta phải xóa bỏ hệ điều hành cũ trước khi cài đặt hệ điều hành mới. Nếu không thì sự thay đổi không thực hiện được hoặc khó thành công. Cũng vậy, trong tiến trình tẩy não, giai đoạn quan trọng nhất là xóa bỏ hệ tư tưởng cũ trong đầu óc đối tượng, thì việc đưa hệ tư tưởng mới vào thay thế mới thành công được.
Để xóa bỏ hệ tư tưởng cũ trong đầu óc đối tượng thì phải làm cho trí óc của đối tượng mất hết khả năng chống cự bằng cách đe doạ, khủng bố, nhục hình, không cho ngủ, có ngủ được cũng không yên giấc (chẳng hạn trong phòng đã chật chội lại nóng nực, bị một bóng đèn thật sáng suốt ngày suốt đêm, và nhiều thứ gây bất tiện khác như muỗi, rệp, chí, rận, rắn rết, v.v...), hầu tạo căng thẳng, mệt mỏi trong một thời gian dài.
Tình trạng thiếu ngủ này nếu kéo dài quá lâu sẽ làm cho cơ thể nạn nhân hoàn toàn suy nhược, những gì lưu giữ trong bộ nhớ của não dần dần bị xóa hết, quên sạch. Thật vậy, theo các nhà khoa học, tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ và cần ngủ mà không ngủ được khiến bộ não mất tự chủ, mất trí nhớ, không kiểm soát được tư tưởng và hành động, không suy nghĩ được cũng không nhớ được điều gì [5]. Điều này trong cuộc sống bình thường, chúng ta cũng có thể kinh nghiệm được phần nào khi chúng ta mất ngủ chừng vài ngày.
Khi hệ thống tư tưởng cũ đã bị xóa hết, đối tượng không còn nhớ được điều gì trong quá khứ nữa, thì đầu óc của đối tượng giống như một tờ giấy trắng tương tự như đầu óc của một đứa con nít. Đây là lúc đối tượng sẵn sàng tiếp nhận tất cả những gì mà kẻ tẩy não muốn nhồi nhét vào đầu óc mình, biến mình trở thành một con người hoàn toàn khác trước.
Cũng như những người đã từng bị cộng sản tuyên truyền và tẩy não, nếu chính chúng ta cũng bị như thế, chắc chắn chúng ta cũng khó mà cưỡng lại được những gì kẻ tuyên truyền và tẩy não nhồi vào đầu óc chúng ta. Đó là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ để thông cảm và có thái độ thích hợp, công bằng, nhân đạo đối với những nạn nhân từng bị cộng sản tuyên truyền và tẩy não ở nhiều mức độ khác nhau. Đối với những người từng bị cộng sản tuyên truyền tẩy não nặng nề, chúng ta cần phải nghĩ cách hữu hiệu để hạn chế những tai hại mà họ này có thể gây ra cho chúng ta, nhưng cũng phải tìm những phương cách nhân đạo và khôn khéo để giải độc tư tưởng cho họ. Việc kết án chửi rủa họ chỉ làm cho họ phản ứng tự vệ, tự bênh vực lập trường cũ của họ, khiến việc giải độc tư tưởng cho họ trở nên lâu hơn. Chắc chắn có nhiều phương cách giải độc khôn ngoan và hữu hiệu hơn là kết án, chửi rủa, mạt sát họ.
Houston, ngày 23/8/2014.
Nguyễn Chính Kết



[1]    Vào những năm 1950, Triều Tiên đã bắt được một số binh lính Hoa Kỳ và tẩy não họ. Trong số này, sau khi được trả tự do, có ít nhất 20 người đã tình nguyện ở lại Triều Tiên và tuyên bố những điều rất thuận lợi cho Triều Tiên nhưng rất bất lợi cho Hoa Kỳ.
[2] Một trường hợp tương tự nhưng hơi méo mó, đó là những người theo các tôn giáo (méo mó vì các tôn giáo dạy cho các em nhỏ toàn là điều tốt, còn cộng sản thì nhồi vào đầu các em toàn những điều dối trá). Những người trong các tôn giáo thường được cha mẹ và các nhà truyền giáo dạy dỗ từ hồi nhỏ, hoặc khi chưa theo một tôn giáo nào, nên luôn luôn coi những gì của tôn giáo mình là đúng nhất, là tốt nhất... Việc cải đạo để theo một tôn giáo khác không phải chuyện dễ.
[3] Hiện nay, một số người mang danh là chống cộng nhưng lại áp dụng tinh thần độc tài, gian trá của cộng sản, khi lợi dụng internet để tuyên truyền những điều không đúng một cách dai dẳng, lập đi lập lại những điều không thật ấy hết tháng này đến tháng khác. Những người này làm hại cho cuộc đấu tranh chống cộng không kém gì cộng sản.
[4] Xem thêm:
   − Trần Trung Đạo, “Bàn về tẩy não” (http://www.trantrungdao.com/?p=2474);
   − Chuby (Tham khảo: Howstuffworks), “Tẩy não - Sự thật hay chỉ là hoang tưởng?”(http://gamek.vn/kham-pha/tay-nao-su-that-hay-chi-la-hoang-tuong-201206081108981.chn)
[5] Xem: “Thiếu ngủ có thể khiến bạn bị tẩy não" (http://www.khoahoc.com.vn/doisong/yhoc/suc-khoe/42330_thieu-ngu-co-the-khien-ban-bi-tay-nao.aspx)