27 août 2014

Những nỗi sợ kỳ cục



NGUYỄN TRẦN SÂM

 
Ấy thế mà đã có thời kỳ người ta sợ cái từ “xét lại” như sợ một con quái vật ba đầu sáu tay. “Chủ nghĩa xét lại” (revisionism) bị xem là bệnh dịch. Người ta thầm thì to nhỏ với nhau với vẻ nghiêm trọng về những kẻ xét lại. Người ta viết báo, viết sách chửi bới những kẻ xét lại ở nước khác. Người ta đấu tố và hãm hại những kẻ xét lại trong nước. Dân tình thì hoang mang, không biết tin vào đâu (rồi cuối cùng cũng nhắm mắt, cố tự trấn an để tin vào những vị đang cầm quyền).





Con người khác các loài động vật khác ở chỗ có khả năng nhận thức. Nhận thức không chỉ giúp con người đạt được mục đích này nọ trong cuộc sống, mà bản thân nó cũng là mục đích. Mặt khác, vì những bí ẩn của sự tồn tại là vô cùng vô tận, nên hoạt động nhận thức phải là hoạt động thường xuyên, liên tục.

Do tính thường xuyên, liên tục của hoạt động nhận thức nên vốn tri thức và cách nhìn nhận của con người thay đổi không ngừng. Bên cạnh một số những điều bất biến, luôn có rất nhiều thứ phải xem xét lại. Thậm chí, đôi khi phải rà lại xem những thứ ta tưởng là bất biến có thực sự là bất biến hay không.

Như vậy, những ai không chịu thường xuyên xem xét lại nhận thức của mình, người đó vẫn còn ở mức phát triển thấp. Và sẽ là cực kỳ nguy hiểm cho cả một quốc gia, khi những người chịu trách nhiệm định ra đường lối phát triển có nhận thức vừa mù mờ, vừa xơ cứng, và không chịu thường xuyên xem xét lại quan điểm của chính mình, không cho phép và khuyến khích sự xem xét lại.

Ấy thế mà đã có thời kỳ người ta sợ cái từ “xét lại” như sợ một con quái vật ba đầu sáu tay. “Chủ nghĩa xét lại” (revisionism) bị xem là bệnh dịch. Người ta thầm thì to nhỏ với nhau với vẻ nghiêm trọng về những kẻ xét lại. Người ta viết báo, viết sách chửi bới những kẻ xét lại ở nước khác. Người ta đấu tố và hãm hại những kẻ xét lại trong nước. Dân tình thì hoang mang, không biết tin vào đâu (rồi cuối cùng cũng nhắm mắt, cố tự trấn an để tin vào những vị đang cầm quyền).

Đó là vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Một số đảng “anh em” bắt đầu nhận ra rằng chủ nghĩa tư bản tuy có giãy chết, nhưng càng giãy càng khỏe ra, còn chủ nghĩa cộng sản thì chưa biết khi nào mới xây dựng được. Trong bối cảnh đó, nếu các nước XHCN cứ luôn mồm tuyên bố làm cách mạng thế giới và liên tục chuẩn bị cho tình huống chiến tranh thì không mấy lúc sẽ bị suy kiệt. Hơn thế, những người đi sang phương Tây về đều chứng kiến một sự thay đổi nhận thức trong chính con người mình. Họ nhận ra chính các nước tư bản phát triển mới đang dần đạt được những mục tiêu gần giống như mơ ước của những người khởi xướng CNCS. Tuy nhiên, đa số họ phải giữ im lặng để bảo toàn sinh mạng, chỉ một số ít mới dám thầm thì với vài người thân. Chỉ vài người không chịu nổi sự dối trá mới lên tiếng nói rõ sự thật, để rồi phải chịu đày đọa trong phần còn lại của cuộc đời.

Chấp nhận thực tế tình hình thế giới, ở cương vị đứng đầu đảng CSLX, Nikita Khruschëv đã thực hiện một bước đi khá liều lĩnh: đưa ra chính sách “chung sống hòa bình” với thế giới tư bản, trong sự phẫn nộ của chính những đồng chí gần gũi nhất của ông và của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc. Do ngấm ngầm không ưa chính sách đó và do những thất bại trong các quyết sách về kinh tế của ông, tháng 10 năm 1964, các đồng chí của ông, đứng đầu là Leonid Brezhnev, đã tổ chức phế bỏ ông. (Người tiếp quản vị trí đảng trưởng từ ông chính là Brezhnev, còn vị trí đứng đầu chính phủ được trao vào tay Aleksey Kosygin.) Tuy nhiên, sau đó các chính sách đối nội và đối ngoại của đảng CSLX cũng không quay trở lại y hệt như thời kỳ Stalin nữa.

Ở Việt Nam, công cuộc “đổi mới” được khởi xướng vào năm 1986, mặc dù vẫn còn nửa vời và chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nhưng đã chấp nhận những thay đổi còn vượt xa cả chuyện “xét lại” ở Liên Xô trước đây. Những chuyện như chấp nhận cơ chế thị trường trong kinh tế hay “làm bạn với tất cả các nước” chẳng phải là xét lại còn hơn cả Khruschëv hay sao? Mặc dù vậy, một điều kỳ lạ là người ta vẫn sợ cái từ này, và sợ tất cả những việc bàn bạc để đổi mới thực chất hơn nữa vì tương lai dân tộc. Họ cho rằng chỉ đổi mới ở mức độ mà họ định ra mới là tuyệt đúng đắn, còn yêu cầu hơn nữa là suy thoái đạo đức, là làm tay sai cho các thế lực thù địch.

Sợ xét lại, đó là một thứ bệnh. Một thứ bệnh của những kẻ không muốn thực hiện chức năng chính của con người: chức năng nhận thức.

Kèm theo nỗi sợ xét lại là nỗi sợ “diễn biến hòa bình”. Nếu nhận thức của mỗi con người thay đổi thì nhận thức xã hội cũng phải thay đổi, kéo theo những cải cách trong hệ thống nhà nước. Nếu hệ thống nhà nước trì trệ lâu thì sẽ xảy ra “tai biến”, tức “diễn biến không hòa bình”. Nếu nó thay đổi uyển chuyển, bắt kịp với nhận thức của xã hội, thì diễn biến sẽ là hòa bình, sẽ không có những sự đổ vỡ, tránh được cảnh tan nát, máu chảy đầu rơi.

Miến Điện là một trường hợp điển hình về diễn biến hòa bình. Việc chấp nhận một chế độ đa đảng thật sự đã làm cho lãnh đạo đất nước này được cả thế giới ca ngợi. Mọi việc diễn ra nói chung là êm thấm.

Ví dụ về diễn biến không hòa bình thì nhiều: Romania, Egypt, Libya,… Trong những cuộc diễn biến đó, xã hội mất mát rất nhiều, và kẻ độc tài luôn hứng chịu số phận thê thảm.

Vậy mà, thật kỳ lạ, người ta lại cứ sợ diễn biến hòa bình, và cố tình làm mọi cách để tránh né nó. Nếu vậy, sẽ chỉ còn một khả năng, không chóng thì chầy sẽ xảy ra, là diễn biến không hòa bình!

Sợ xét lại, sợ diễn biến hòa bình – đó thực sự là những nỗi sợ của người thiếu tầm nhìn.

NGUYỄN TRẦN SÂM