Giới quan sát cho rằng giới lãnh đạo thường không đưa ra quyết định táo bạo về cải cách kinh tế truớc đại hội Đảng. |
Một chuyên gia cảnh báo giới lãnh đạo Việt Nam phải lấy ngày hôm nay để khắc phục khó khăn kinh tế chứ đừng chờ tới Đại hội 12.
Trả lời BBC qua điện thoại, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành ở Hà Nội nói "đợi tới đại hội đảng mới làm chính sách là vấn đề của Việt Nam”.
“Chính sách kinh tế là ngày hôm nay, chứ sao lại nhìn vào Đại hội.
“Làm sao để mà doanh nghiệp có thể phục hồi và phát triển, làm sao để doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho nhân dân. Làm sao để doanh nghiệp trả lại được nợ xấu.
“Chuyện kinh tế là chuyện kinh tế còn các ông làm chính trị thì lại là chuyện khác. Ai mà suy nghĩ giải quyết kinh tế phụ thuộc vào chính sách của Đại hội thì có lẽ nên nghĩ lại,” ông Thành nói thêm.
Một số nhà quan sát nói rằng trong quá khứ thường Việt Nam không đưa ra các chính sách cải cách mạnh từ khoảng 1-2 năm trước Đại hội Đảng.
Truyền thông trong nước cho đầu tuần này cho hay phần lớn các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm theo đó nhìn chung, nợ xấu đồng loạt tăng.
"Chuyện kinh tế là chuyện kinh tế còn các ông làm chính trị thì lại là chuyện khác."
Bùi Kiến Thành
"Tình hình chung, nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính tính đến 30/6/2014 đều tăng, có những bước tăng mạnh và có những thành viên đã vượt 5%, thậm chí từ 7-8%... Theo đó, mức bình quân hệ thống đến tháng 6/2014 (hiện chưa công bố) có thể cũng đã tăng mạnh sau khi giảm dưới 4% cuối 2013.Bùi Kiến Thành
"Ngay cả những thành viên có tỷ lệ nợ xấu rất thấp những năm gần đây như Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng không tránh khỏi xu hướng chung," Bấm Vneconomy đưa tin.
'Toàn số ảo'
Trước câu hỏi của BBC về việc có tổ chức tín nhiệm quốc tế lại có đánh giá tích cực cho Việt Nam trong thời gian gần đây, ông Bùi Kiến Thành nói ông không hiểu họ đưa ra mức đánh giá đó dựa trên cơ sở nào.
"Các thông tư đưa ra không được áp dụng. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý thì lại thông cảm với các ngân hàng thì làm gì chúng ta có con số thật. Con số nào đưa ra cũng là con số ảo cả."
"Hiện hệ thống ngân hàng Việt Nam không khai báo nợ xấu với con số thực và bức tranh thực tế không những không được cải thiện mà còn tồi đi.
"Đó là vì ngân hàng cho doanh nghiệp vay, mà doanh nghiệp thi chết hàng loạt. Vừa rồi báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư và Viện thống kê cho thấy doanh nghiệp bị phá sản năm nay còn nhiều hơn năm ngoái.
"Vậy nếu doanh nghiệp mà như thế thì làm sao mà ngân hàng lại sáng sủa hơn được," ông Thành nói.
Hồi tháng Hai năm nay, hãng đánh giá tín dụng Moody’s, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam ước tính ở mức thấp nhất là 15% tổng tài sản. Con số này cao hơn gấp ba lần số liệu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) công bố vào cuối năm ngoái là 4.7%.
Một nhân viên ngân hàng muốn ẩn danh nói với BBC vấn đề về nợ xấu của ngân hàng đang là ẩn số vì "định nghĩa nợ xấu rất khác nhau". Người này cũng nói thêm rằng nợ xấu trên thực tế gấp nhiều lần so với những gì công bố và rằng nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã "vượt qua cả vốn đăng ký".