21 août 2014

Thoát Trung là thoát cái gì?

Nguồn: Theo Văn Hóa Nghệ An

Đặng Hoàng Giang

1. Kể từ tháng 5/2014, khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt nam, xâm phạm vùng biển nước ta, qua đó bộc lộ tham vọng kiểm soát Việt Nam một cách toàn diện và lâu dài, đông đảo người Việt ở trong/ngoài nước đã nhận thấy cái bóng khổng lồ của người láng giềng phương Bắc đang lởn vởn trên đời sống dân tộc, đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Thoát ra khỏi cái bóng này trở thành một nhu cầu bức bách, sống còn của toàn thể cộng đồng. Trong bối cảnh ấy, vấn đề thoát Trung hay thoát Hoa được đặt ra và nhanh chóng trở thành một chủ đề thời sự nóng bỏng, thu hút sự quan tâm rộng rãi của nhiều thành phần xã hội.


 
Đến nay, trong cộng đồng trí thức Việt Nam, đã có nhiều ý kiến trả lời cho câu hỏi: thoát Trung là gì ?[hay là thoát cái gì?] Theo nhận thức của đa số, thoát Trung là một nổ lực chuyển hướng nhằm ra khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc, hướng sang một quỹ đạo mới hầu phát triển Việt Nam theo hướng dân chủ, hiện đại. Sở dĩ phải khẩn trương thực hiện cuộc chuyển hướng này là vì: chừng nào còn nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc (về chính trị, kinh tế, văn hóa ...), chừng đó Việt Nam còn mang thân phận nhược tiểu lệ thuộc, sớm muộn sẽ trở thành đối tượng lí tưởng cho tham vọng bành trướng của quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, phía sau lớp vỏ hợp lí bề ngoài, cách nhìn này lại chưa cụ thể hóa được bản chất của vấn đề. Thoát Trung thì đã đành rồi nhưng cụ thể là thoát cái gì? Hơn nữa, người ta có quyền nghi ngờ sức thuyết phục của nó vì nếu cho rằng ảnh hưởng của Trung Quốc là thậm xấu thì tại sao một số quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan lại vươn lên thành cường quốc mặc dù họ đã từng chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn minh Trung Hoa?

Rõ ràng, thoát Trung là một đòi hỏi chính đáng và tất yếu nhưng không thể thoát Trung một cách chung chung, mơ hồ. Để tìm ra một lối đi khả dĩ, vấn đề thoát Trung cần được nhận thức lại. Có lẽ, chúng ta nên dựa vào một khái niệm có khả năng định hướng nhận thức, phân tích và mở rộng vấn đề. Với cách nhìn như thế, bài viết này được triển khai dựa trên một khái niệm: chất Tàu. Tác giả cho rằng, thực chất của thoát Trung là đoạn tuyệt với cái gọi là chất Tàu nhằm chuyển hóa nội lực dân tộc sang một trạng thái mới, phẩm chất mới.

2. Khái niệm chất Tàu - kitaitshina (tiếng Nga) được triết gia lỗi lạc người Nga Vladimir Soloviev sử dụng trong khảo luận xuất sắc của ông: Trung Quốc và châu Âu[1]. Trong khảo luận đó, chất Tàu được V. Soloviev định nghĩa là cái nguyên tắc lịch sử đã và đang làm cơ sở cho cái thể chế hạn hẹp và ngoại biệt của đời sống Trung Hoa, là cơ sở đạo đức-xã hội trường tồn vừa tạo ra sức mạnh vừa tạo ra sự hạn chế của dân tộc ấy[2]. Kết hợp định nghĩa này với toàn bộ nội dung khảo luận, có thể hiểu rằng, chất Tàu là các đặc tính đã góp phần làm nên đời sống Trung Hoa cổ truyền, một kiểu đời sống hết sức đặc trưng, ngoại biệt. Dĩ nhiên, là tập hợp của nhiều đặc tính văn hóa, chất Tàu không dễ dàng mất đi. Trong hơn 50 năm qua, dưới một hình thức đã biến thái ít nhiều, chất Tàu tiếp tục trỗi dậy và chi phối đường lối phát triển của nước Trung Hoa hiện đại. Vậy thì, các đặc tính nổi bật đã làm nên chất Tàu là gì?

- Sùng bái mô hình chuyên chế và bạo lực: Trong lịch sử chính trị Trung Hoa, qua rất nhiều biến động và xáo trộn, mô hình nhà nước tồn tại xuyên suốt là mô hình chuyên chế. Đó là kiểu nhà nước mà toàn bộ quyền lực tập trung vào một nhân vật đã được thần thánh hóa: Hoàng đế - Thiên tử - con Trời. Để biện minh cho tính chính danh của mình, nhà nước quân chủ chuyên chế dựa vào Nho giáo. Từ đời Hán trở về sau, Nho giáo được nâng lên hàng quốc giáo, thống trị đời sống tư tưởng Trung Hoa, đẩy các trường phái triết học, tư tưởng, tôn giáo khác xuống hàng thứ yếu (Phật giáo, Lão giáo, ...). Trên thực tế, các nhà nước quân chủ chuyên chế đã tìm cách kết hợp Nho gia lẫn Pháp gia trong đường lối trị quốc. Nếu Nho gia buộc chặt con người trong vô số nguyên tắc của Lễ, biến con người thành con người chức năng, con người nghĩa vụ; thì Pháp gia lại đề cao bạo lực, xem bạo lực như một phương tiện hữu hiệu để tập trung, thống nhất quyền lực trong nước và mở rộng quyền lực ra bên ngoài bằng chiến tranh xâm lược.    

 - Sùng bái quá khứ: Dân tộc Trung Hoa có một cách nhìn quá khứ rất đặc biệt. Thừa nhận ở bên trên mình quyền lực của chỉ một quá khứ, họ chối từ tư duy sáng tạo, chối từ sáng kiến chủ động, đè nén trong mình mọi ước mơ về một tương lai khác, tốt đẹp hơn. Giữ nguyên vẹn bất biến cái thể chế đời sống mà cha ông để lại và chuyển giao nó cho các thế hệ mai sau, không thêm bớt một tí gì - đó là thực chất của minh triết Trung Hoa, cái minh triết rõ ràng bảo thủ và sùng cổ, có thể nói nệ cổ[3]. Nhờ vậy, chế độ chuyên chế Trung Hoa trường thọ hơn bất cứ nhà nước nào trên thế giới và gần như miễn nhiễm với các dự án cải cách, đổi mới.

- Coi khinh văn hóa: Xu hướng coi khinh văn hóa có nguồn gốc sâu xa trong quan điểm của Pháp gia. Theo Pháp gia, con người không có xu hướng vươn đến cái thiện như lời Khổng Mạnh; nó cũng không phải là vị ngã chỉ lo giữ gìn sinh mệnh và lạc thú của thân mình từ đó mà có thái độ xa lánh đi đến phi chính trị, phi xã hội như Đạo gia. Ngược lại, bản tính của con người là thói vị kỷ, là xu hướng đòi thoả mãn những bản năng tầm thường trong tình trạng sống còn dã man, chưa có đòi hỏi văn hoá nhưng lại sợ uy vua, phép nước[4]. Pháp gia coi con người như súc vật, như công cụ và tìm cách biến con người thành súc vật, thành công cụ nhằm phục vụ cho lợi ích của nhà nước. Vì giá trị con người bị hạ rẻ nên văn hóa cũng được quy giản như một phương tiện của chính trị. Văn hóa không có chức năng nào hơn là phản ánh và phục vụ chính trị vô điều kiện. Trí thức - lực lượng tinh hoa của văn hóa, chỉ đơn giản là người có học vấn, đi thi, làm quan, phụng sự hoàng đế. Vậy nên, trong lịch sử tồn tại của nó, các nhà nước chuyên chế Trung Hoa đều nhất quán thực hiện chính sách ngu dân, mị dân. Điều này đã kích thích con người suy nghĩ và hành động theo bản năng thuần túy, biểu hiện thành các dị tật trong đạo đức xã hội. Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, nhiều trí thức Trung Hoa cấp tiến đã phê phán gay gắt các căn bệnh ích kỷ, tàn bạo, dối trá, hình thức trong tính cách Trung Hoa. Để đảm bảo tính khách quan, chúng tôi xin dẫn lại nhận xét của Vladimir Soloviev – một người quan sát từ bên ngoài. Theo triết gia Nga, trong nền tảng đạo đức của người Hoa, «chúng ta không tìm thấy một lời nào lên án sự giả dối và sự nhẫn tâm. Tinh thần đề cao lễ tiết một chiều luyện cho con người thói quen lấy vẻ bề ngoài thay thế thực chất, thậm chí còn tạo điều kiện cho tính đạo đức giả, tính dối trá phát triển. Còn nếu nói về sự nhẫn tâm thì không có một chỉ huấn có tính nguyên tắc nào chống lại nó trong đạo lý Trung Hoa (Khổng giáo), đạo lý ấy chỉ thừa nhận những nghĩa vụ xác định đối với loại người này hay loại người kia, chứ tuyệt đối không phải đối với con người nói chung»[5].

Chất Tàulà sản phẩm tự nhiên của môi trường chính trị - kinh tế - xã hội Trung Hoa cổ truyền. Ở đó, đặc điểm bao trùm là sự tồn tại dai dẳng của nhà nước quân chủ chuyên chế. Dựa trên một hệ tư tưởng độc đoán, mị dân và bạo lực, nhà nước chuyên chế đã phủ bóng lên toàn bộ đời sống Trung Hoa cổ truyền và định hình nên chất Tàu hết sức đặc trưng. Chất Tàu vừa tạo ra một vài ưu thế, vừa cản trở nghiêm trọng sự phát triển của dân tộc Trung Hoa. Một mặt, nó tạo cơ sở cho phép chế độ chuyên chế Trung Hoa trường tồn; mặt khác, nó để lại những khuyết tật nặng nề cho chính dân tộc này: không thể phát triển đúng sức do bị kìm hãm lâu dài trong giáo điều, thủ cựu, bạo lực và chia rẽ. Bởi vậy, Vladimir Soloviev hoàn toàn có cơ sở khi cho rằng: «văn hoá Trung Hoa, với tất cả tính bền vững và sung mãn vật chất của nó, lại nghèo nàn về tinh thần và ít bổ ích cho nhân loại»[6].

3. Từ đầu công nguyên, các nhà nước chuyên chế Trung Quốc đã tiến hành thôn tính lãnh thổ, thực hiện đồng hóa văn hóa hòng biến nước ta thành thuộc địa vĩnh viễn. Tuy nhiên, với ý thức dân tộc mạnh mẽ, suốt 1000 năm Bắc thuộc, người Việt liên tục nổi dậy và đến thế kỉ X, đã khôi phục được quyền tự chủ. Bấy giờ, một vấn đề cơ bản được đặt ra đối với các nhà nước Việt Nam là lựa chọn mô hình phát triển nào để bảo vệ và duy trì nền độc lập non trẻ vừa giành được. Cho đến trước thế kỉ XV, trong hào quang của kỉ nguyên Lí – Trần, đặc biệt trong thời Trần, người Việt đã thành công với chủ trương tiếp nhận hạn chế các giá trị Trung Hoa, đồng thời đặt trọng tâm phát triển trên các giá trị căn bản của Phật giáo và truyền thống dân tộc: khoan dung, vị tha, cởi mở, hòa hiếu. Tuy nhiên, từ thế kỉ XV trở về sau, xu hướng thân Hoa (sinophile) ngày càng chiếm ưu thế và đạt đến đỉnh cao dưới thời Lê Thánh Tông trị vì (1460 - 1497):

-  Bộ máy quản lí nhà nước được tổ chức theo mô hình chuyên chế Trung Hoa;

- Nho giáo (Tống nho) trở thành hệ tư tưởng chính thống của nhà nước;

- Chế độ giáo dục và thi cử Nho giáo được áp dụng và mở rộng trên phạm vi toàn quốc;

- Nền kinh tế lấy nông nghiệp làm căn bản, thủ công nghiệp tồn tại nhỏ lẻ, thương nghiệp không đủ điều kiện phát triển thành kinh tế hàng hóa;

- Nho sĩ và nông dân là hai lực lượng xã hội trụ cột, trong đó, nếu giấc mơ của nho sĩ là thi đỗ, làm quan thì giấc mơ của người nông dân là trời yên biển lặng để vun vén cho niềm hạnh phúc bé nhỏ, mong manh của họ.

Các điều kiện nêu trên đã trực tiếp tạo nên một môi trường lí tưởng cho chất Tàu hình thành, nảy nở. Sang thế kỷ XIX, trong bối cảnh quốc tế và trong nước đã hoàn toàn thay đổi, triều Nguyễn không khác triều Lê là bao khi tiếp tục đi trên con đường mòn của triều đại trước, chìm đắm trong giấc mơ Tống nho và thờ ơ với mọi chủ trương canh tân. Từ cuối thế kỉ XIX trở đi, mặc dù đã xuất hiện một số điều kiện khách quan để thay đổi phẩm tính người Việt theo hướng hình thành tư cách công dân hiện đại, nhưng quá trình này đã bị gián đoạn và chấm dứt giữa chừng.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, có thể nói, chất Tàu đã đưa đến những hậu quả nặng nề đối với sự phát triển của dân tộc:

- Xu hướng chuyên chế và độc tôn tư tưởng đã làm nghèo nền văn hóa dân tộc do tính đa dạng, đa nguyên của đời sống văn hóa ngày càng bị bào mòn, xâm phạm. Thiếu một nội lực cần thiết, nền văn hóa bị mất sức đề kháng, mất khả năng độc lập để hình thành nên một chủ thuyết phát triển cho riêng mình. Bởi vậy, từ sau thế kỷ XV, người Việt luôn bị động chạy theo các học thuyết bên ngoài. Phan Chu Trinh gọi hiện tượng này là tâm lí vọng ngoại và cho rằng, muốn dân tộc trở nên độc lập, phú cường, trước hết phải thoát khỏi tâm lí vọng ngoại bằng cách đào tạo con người có nhân cách tự chủ để xây dựng một nền văn hóa tự chủ, một xã hội tự chủ.

- Xu hướng chuộng bạo lực đã biến bạo lực thành phương tiện giải quyết các vấn đề chính trị - xã hội, kể cả văn hóa. Bạo lực xuất hiện tùy tiện, tràn lan làm đảo lộn sinh hoạt xã hội, tàn phá, hủy hoại vốn văn hóa dân tộc. Lịch sử Việt Nam ghi nhận một thực tế quen thuộc: sự thay đổi thể chế nhà nước/triều đại luôn diễn ra song hành với quá trình xáo trộn, đứt gãy cơ tầng văn hóa dân tộc. Đó là chưa nói rằng, bạo lực còn gây nên tình trạng chia cắt đất nước, làm suy yếu giống nòi.

- Tính vị kỉ, bè phái, ngôi thứ đã tạo nên một cộng đồng rời rạc, manh mún, rất dễ chia cắt và phân hóa. Hiện nay, đặc điểm bao trùm trong đời sống xã hội là tình trạng thiếu liên kết, thiếu niềm tin, thiếu khoan dung giữa các cá nhân, các thế hệ, các nhóm và các cộng đồng.

- Bệnh khoa trương, hình thức ru ngủ người Việt trong ảo tưởng về năng lực của chính mình. Dần dà, họ mất liên hệ với thực tế bên ngoài, không dám nhìn thẳng vào sự thật, không dám điều chỉnh để cải thiện hiện trạng dù hiện trạng ấy ngày càng trở nên bất lợi cho họ.

Vĩ thanh   

Từ chỗ là sản phẩm đặc trưng của xã hội Trung Hoa, khi các điều kiện cần và đủ xuất hiện, chất Tàu đã hình thành, nảy nở trong xã hội của người Việt, trở thành một bộ phận của tính cách dân tộc, chi phối sự phát triển của dân tộc trong cả quá khứ lẫn hiện tại. Với đặc trưng là xu hướng chuyên chế, bạo lực, coi khinh văn hóa, vị kỷ, bè phái, giả tạo, hình thức, não trạng phát triển ấy chỉ mang đến đặc quyền đặc lợi cho một nhóm thiểu số nắm trong tay quyền lực, nhưng hoàn toàn bất lợi cho sự phát triển của đất nước và nhân dân trên con đường đi tới dân chủ, văn minh, hiện đại. Không nên quy nguyên nhân lạc hậu, trì trệ của đất nước cho tác động của văn hóa Trung Quốc vì chất Tàu là do chúng ta tự nguyện chuốc lấy. Bởi vậy, trong bản chất, thoát Trung không phải là một chuyển động hướng ngoại mà là một cuộc phản tỉnh của toàn thể dân tộc nhằm khắc phục những nhược điểm từ bên trong, phát triển nội lực, chấn hưng đất nước.
 




[1]Vladimir Soloviev (1890), Trung Quốc và châu Âu, Phạm Vĩnh Cư dịch, bản word) (Khảo luận này đã được đăng nhiều kỳ trên Tạp chí văn hóa Nghệ An. Nguồn: vanhoanghean.com.vn).

[2]Vladimir Soloviev (1890), Trung Quốc và châu Âu, tlđd, tr. 6.

[3]Vladimir Soloviev (1890), Trung Quốc và châu Âu, tlđd, tr. 33.

[4]Trần Đình Hượu, Nho Pháp tịnh dụng và con đường bành trướng thiên triều, Nguồn: vanhoanghean.com.vn

[5]Vladimir Soloviev (1890), Trung Quốc và châu Âu, tlđd, tr. 48.                

[6]Vladimir Soloviev (1890), Trung Quốc và châu Âu, tlđd, tr. 58