20 août 2014

Về lễ “sinh nhật to” cho Hai Bà Trưng


Nguồn: Theo LĐO
 
 Đào Tuấn
 


Vì sao lại có thể tồn tại trong SGK một bài học tuyệt không một chữ nào vạch mặt chỉ tên kẻ cướp mà toàn những danh từ nhợt nhạt, mập mờ, chung chung: tướng giặc, quân thù, giặc ngoại xâm, kẻ thù, quân xâm lược. Viết về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc (năm 40 - 43) gắn với tên tuổi Hai Bà Trưng lừng lẫy nhưng không chỉ đích danh bọn xâm lược.

 
Vào ngày đầu năm học mới 2012, một câu hỏi lớn đặt ra trên tờ Thanh Niên đã gây ra một cơn bão ý kiến trên mạng xã hội. Câu hỏi ấy giản dị thôi, của một học sinh lớp 3, rằng: “Cháu đọc hoài mà không hiểu Hai Bà Trưng đánh giặc nào!”.

Và sau câu hỏi nhỏ của trẻ con, có thêm biết bao nhiêu câu hỏi to đùng của người lớn: Vì sao SGK không cho các cháu biết quân giặc nào đã bắt tổ tiên của chúng lên non tìm ngà voi, xuống biển mò ngọc trai, để phải làm mồi cho hùm beo, thuồng luồng, cá sấu? Vì sao SGK không cho các cháu biết giặc ngoại xâm nào đã khiến “lòng dân oán hận ngút trời”? Và vì sao SGK không nói rõ cho các cháu biết Hai Bà Trưng đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân xâm lược nào, chúng từ đâu đến?

Và vì sao lại có thể tồn tại trong SGK một bài học tuyệt không một chữ nào vạch mặt chỉ tên kẻ cướp mà toàn những danh từ nhợt nhạt, mập mờ, chung chung: tướng giặc, quân thù, giặc ngoại xâm, kẻ thù, quân xâm lược. Viết về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc (năm 40 - 43) gắn với tên tuổi Hai Bà Trưng lừng lẫy nhưng không chỉ đích danh bọn xâm lược.

Những câu hỏi ấy được đặt ra rồi rơi vào im lặng. Cho đến hôm nay. Cho đến khi người ta nói về việc tổ chức sinh nhật to, sinh nhật lần thứ 2000 cho Hai Bà Trưng.

Nào là hội thảo, hội thi, hội diễn, hội trại, hội chợ… bởi “Hai Bà Trưng là hai chị em sinh đôi, sinh ngày 1.8.14, mất ngày 8.3.43”, bởi “rất lâu mới có một cái mốc 2000 năm”.

Thật đúng là những ý tưởng giời ơi.

Giời ơi là lời than của GS Ngô Đức Thịnh khi ông bất bình: “Theo sử sách thì bà ấy có họ, có tên đệm. Nhưng lúc đó người Việt không có họ. Tất cả những chuyện đó là do sau này được Việt hóa. Lý lịch đó không phải lịch sử mà là thần tích. Thần tích ghi bố mẹ bà ấy khi sinh bà ấy mang thai đến 13 tháng mới đẻ thì nó cũng là thật à. Giời ơi”.

Một thời vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh” vừa khiến người ta rơi bao nhiêu nước mắt trước bi kịch của một người phụ nữ mất chồng, vừa khiến người ta hào hùng với khí phách của người con gái đất Việt.

Để Hai Bà Trưng sống mãi trong lòng con dân đất Việt không phải và không bao giờ là việc tổ chức một cái sinh nhật to. Bởi điều đó nó ngớ ngẩn, giời ơi. Có một cách thiết thực và hiệu quả hơn nhiều là trả lại kẻ thù cho bà, thay vì giấu biệt như… SGK. Bởi, có ai đó đã nói rồi đó: Cốt lõi của lịch sử là sự thật. Mỗi dòng lịch sử nước Việt đều được viết bằng mồ hôi và máu của biết bao thế hệ. Có thể nói mỗi trang sử là một mảnh hồn thiêng sông núi. Và con cháu không thể phải học một bài học sự thật nửa vời, thiếu minh bạch, nếu không muốn nói là né tránh.

Ngay cả cái chết oanh oanh liệt liệt nữa. Xin các nhà sư phạm hãy trả lại sự bi tráng khi Hai Bà gieo mình xuống dòng Hát Giang tuẫn tiết, thay vì một câu khô khốc, lạnh lùng “đã hy sinh oanh liệt trên đất Cẩm Khê” - như SKG lớp 6, hay thậm chí vô cảm hơn: “Hai Bà Trưng hy sinh” - như SGK lớp 10. Có lẽ chỉ khi ấy chúng ta mới khỏi phải chứng kiến những bi kịch xã hội: Hai Bà Trưng là Bà Trưng và Bà Triệu!?