Vũ Lan
(Tin tức thời sự) - Không thể đổi mới kinh tế và tạo
bước đột phá... nếu nhiều quan điểm còn đang “ngập ngừng”, trái chiều nhau- ông
Trương Trọng Nghĩa.
PV:- Vấn đề giảm bớt sự phụ thuộc vào
một thị trường, cụ thể là Trung Quốc đã được thống nhất từ ý chí của Quốc hội
tới quyết tâm điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, trong suốt 10 tháng qua,
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 35,6 tỷ USD,
tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2013, nhập siêu từ Trung Quốc ước tính đạt 23,1
tỷ USD, tăng 17,6%. Xuất khẩu gạo, nông sản và tài nguyên thô vẫn chủ yếu sang
Trung Quốc.
Thưa ông, các số liệu trên đã nói lên điều gì? Theo quan điểm của ông, vướng
mắc lớn nhất trong việc thoát khỏi phụ thuộc thị trường TQ là gì?
ĐBQH
Trương Trọng Nghĩa: - Điều đầu tiên là phân tích cơ cấu xuất nhập khẩu và
có đối sách cho từng mặt hàng hay ngành hàng. Cụ thể, cần xem xét và có đáp án
câu trả lời cho những vấn đề sau đây:
- Đối với thiết bị, linh kiện và nguyên phụ liệu
phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu dùng của VN: Cần tiếp tục nhập khẩu
những gì có lợi cho nền kinh tế VN. Vấn đề là không nên chỉ dựa vào giá rẻ hay
do bị mua chuộc mà hạ thấp tiêu chuẩn, hoặc cứ nhập mặc dù trong nước cũng có
thể làm được, hoặc giảm chi phí do thông đồng trốn thuế hay buôn lậu.
Mặt khác, về lâu dài, bộ ngành liên quan của ta phải
nghiên cứu và có chính sách để từng bước sản xuất những hàng hóa ấy để giảm bớt
nhập khẩu. Thay thế nhập khẩu hợp lý cũng là một trong những chủ trương cần
thiết để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Vì sao 15 năm qua, VN vẫn phải nhập 80 - 90% sợi,
vải, da, phụ liệu khác cho ngành dệt may, da giày xuất khẩu, mà không thể kéo
xuống 40-50% hay thấp hơn như Trung Quốc và các nước khác đã làm? Trả lời câu
hỏi này thuộc trách nhiệm của nhà nước, nhưng cũng là của các hiệp hội có liên quan.
Có tiêu cực hay lợi ích nhóm gì ở đây không?
- Đối với nhập khẩu hàng tiêu dùng: nhập khẩu hàng
tiêu dùng mà mình làm được sẽ dẫn đến hậu quả là giúp nước khác cạnh tranh với
nước mình trên sân nhà, thậm chí giết chết sản xuất nội địa. Việt Nam đã làm
được phích nước từ 40-50 năm trước, vì sao cứ phải nhập phích nước Trung Quốc?
Còn nhiều điều tương tự như vậy, thậm chí nhập cả tăm xỉa răng.
Theo quy luật, một nước từ bỏ sản xuất nội địa và
thay bằng nhập khẩu vì họ tập trung vào những mặt hàng, ngành hàng có giá trị
gia tăng cao hơn và lợi thế so sánh lớn hơn. Ví dụ, họ giảm bớt sản xuất gạo,
tập trung sản xuất hàng điện tử để xuất khẩu, từ đó có dư ngoại tệ để có thể
nhập khẩu nhiều gạo hơn và cao cấp hơn cho dân họ tiêu dùng. Ta thì nhập khẩu những
thứ ta làm tốt hơn Trung Quốc như thực phẩm, rau quả v.v…!
Ngoài ra, phải chấn chỉnh hiện trạng và cơ chế kinh
doanh biên mậu, hay xuất nhập tiểu ngạch vì tình hình vừa qua là lợi bất cập
hại.
- Xuất khẩu sang TQ: nói chung, phần lớn hàng chế
biến của Việt Nam không thể cạnh tranh với hàng cùng loại Trung Quốc về giá cả
nên không thể cạnh tranh. Chi phí đầu vào của hàng chế biến Việt Nam quá cao,
trong đó có chi phí trung gian quá lớn, một phần do tham nhũng, tiêu cực. Để
cạnh tranh được, Việt Nam phải có chính sánh hỗ trợ khôn ngoan, trung hạn và
dài hạn, nhưng phải hợp lệ. Điều này, ta chưa làm được và trách nhiệm chủ yếu
thuộc nhà nước, nhưng cũng có trách nhiệm của cả doanh nghiệp.
Tóm lại, yếu kém của sản xuất trong nước, mà một
phần trách nhiệm không nhỏ là thuộc về quản lý nhà nước vĩ mô, là nguyên nhân
và cũng là khâu chủ yếu cần tháo gỡ. Tất nhiên, nếu doanh nghiệp Việt Nam, nhất
là các hiệp hội, không phát huy tinh thần yêu nước, lợi ích cộng đồng, tầm nhìn
dài hạn, và chung tay với Chính phủ thì cũng không thể thành công.
PV:- Xét riêng khía cạnh công nghiệp,
dù đã nếm đủ trái đắng từ công nghệ lạc hậu Trung Quốc, việc nhập khẩu thiết
bị, công nghệ Trung Quốc vẫn không giảm bớt: lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu
từ Trung Quốc về Việt Nam trong 9 tháng
năm 2014 đã tăng gần 200% so với cùng kỳ, chủ yếu là xe hổ vồ-nguyên nhân làm
hỏng đường mà Bộ GTVT đang cố gắng xử lý xe quá tải; xi măng lò đứng bị xóa sổ,
xi măng lò quay nhập về nhiều hơn và chủ yếu từ Trung Quốc, công nghệ dệt may,
thép...
Đã có ý kiến lo lắng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn nhập công nghệ
"rác" thứ hai từ Trung Quốc, trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang loại
công nghệ lạc hậu, thoát bẫy thu nhập trung bình. Ông có nhận xét gì về sự lo
lắng này không và vì sao?
ĐBQH
Trương Trọng Nghĩa: - Trở thành bãi rác công nghệ là
điều đau lòng. Trở thành bãi rác cho những sản phẩm làm ra từ công nghệ rác lại
càng đau lòng hơn. Đối với những nước như Việt Nam, tình hình này khó tránh. Có
hai điều phải làm:
Thứ nhất là phải có quy định pháp lý hợp lý và hợp
lệ. Hợp lý là sát hợp và thuận lợi cho thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh
nghiệp, không buông lỏng, cũng không cực đoan. Hợp lệ là không được vi phạm các
cam kết quốc tế. Do đó, phải rất khéo léo và biết học tập kinh nghiệm các nước
trong việc này.
Thứ hai là tổ chức thực hiện tốt các quy định ấy.
Cần nhất là tránh nhũng nhiễu, tiêu cực, ăn tiền của bên này hay bên kia rồi
cho qua.
PV:-
Cũng ý kiến trên
cho rằng, Việt Nam dù đặt quyết tâm vẫn khó thoát khỏi việc nhập công nghệ lạc
hậu bởi lẽ: về giá bán, Trung Quốc sẵn sàng bán giá siêu rẻ; về yêu cầu kỹ
thuật để vận hành, công nghệ Trung Quốc rất dễ tính, phù hợp với trình độ nhân
lực thấp như VN. Nếu đồng tình với quan điểm trên, liệu có thể hiểu, việc
"thoát Trung" phải dựa vào nội lực của bản thân nền kinh tế mà điều
này đang thiếu ở Việt Nam?
ĐBQH
Trương Trọng Nghĩa: - Tôi không thích khẩu hiệu
“thoát Trung”vì dễ gây hiểu lầm là kỳ thị doanh nghiệp và hàng hóa Trung Quốc.
Chúng ta chỉ muốn hội nhập tốt để xây dựng nền kinh tế Việt tự chủ, phát triển
cao và bền vững.
Như tôi đã nhấn mạnh, là láng giềng của một nền kinh
tế mạnh như TQ đem lại nhiều cơ hội, và VN cũng có thế mạnh của mình. Hãy làm
cho kinh tế TQ cũng cần VN, nhưng hai bên cần nhau một cách lành mạnh, cùng có
lợi. Giao thương với TQ có thể giúp VN phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, với điều
kiện phải có chính sách đúng, khôn ngoan và sự thống nhất hành động của cả
Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là không vì lợi ích cá nhân hay cục
bộ, “ăn xổi, ở thì”, chụp giật, thậm chí phá nhau.
PV:- Nhìn tổng thể nền kinh tế, động
lực của nền kinh tế là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chết hàng loạt, các DNNN
làm ăn thua lỗ liên miên, nông nghiệp là người khổng lồ chân đất sét, chúng ta
phải đặt vấn đề việc giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc như thế nào là phù
hợp, để quyết tâm đi liền với hành động? Cùng với đó, nền kinh tế Việt Nam cần
phải thay đổi điều gì đầu tiên để có thể bắt đầu nghĩ tới việc đứng vững trên
đôi chân của mình?
ĐBQH
Trương Trọng Nghĩa: - Điều đầu tiên là phải tâp trung chuyển đổi mô hình
và phương thức tăng trưởng, khởi đầu bằng việc định hình một chiến lược tái cơ
cấu toàn diện, tất nhiên, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, cách thức.
Nói nôm na, phải xác định lại cả hướng đi, thiết kế
lại đường ray, đại tu cả đoàn tàu và xây dựng lại lộ trình mới. Ví dụ: tại sao
không thể xác định nông nghiệp công nghệ cao, sinh học công nghệ cao, công nghệ
thông tin và dịch vụ (dựa vào kinh tế biển và du lịch) là hướng phát triển để
có một nước VN giàu mạnh? Đó là chưa kể, không thể đổi mới kinh tế và tạo bước
đột phá nếu thiếu những chuyển biến đồng bộ về chính trị, về văn hóa, xã hội,
mà hiện nay nhiều quan điểm còn đang “ngập ngừng”, thậm chí trái chiều nhau.
Tóm lại để đưa nền kinh tế VN vượt lên giai đoạn
phát triển mới về chất, cần phải có sự tổng hợp lực của nhiều yếu tố, nhiều lực
lượng, mà trước hết là nhân tố lãnh đạo chính trị, đội ngũ doanh nhân, giới
khoa học, giáo dục và văn hóa, và các tầng lớp xã hội khác. Nghĩa là yếu tố con
người.
Trong đó, nổi lên vai trò dẫn dắt của các nhà lãnh
đạo, tức là những người lái tàu. Nếu có được cơ chế chọn lọc được và trọng dụng
người tốt và giỏi, có khả năng xử lý thích đáng người sai phạm, thay thế kịp
thời người kém cỏi, qua đó hình thành được văn hóa lãnh đạo trọng danh dự, cần
kiệm liêm chính, chí công vô tư, đồng thời có chính sách đãi ngộ hợp lý với họ
thì VN sẽ thành công. Thành bại phụ thuộc vào điều này. Đó cũng là điều mà nhân
dân đang đòi hỏi và kỳ vọng.
PV:-
Xin cảm ơn ông!
Vũ
Lan