Nguyễn Phú Trọng đi Mĩ: Đồng sàng dị mộng, mượn gió bẻ măng
Con đường của chúng ta, những người dân chủ vững
bước tiến lên
* Tương quan mật thiết giữa ngoại giao với
nội trị
* Tại sao chỉ chống hậu quả nhưng vẫn muốn
giữ nguyên nhân?
* Chủ thuyết đối ngoại của Thổng thống
Obama ở châu Á-Thái bình dương
* Vì sao hiện nay Nguyễn Phú Trọng phải đề
ra sách lược “hòa với Mĩ” để cứu phe bảo
thủ
giáo điều ?
* Đồng sàng dị mộng và mượn gió bẻ măng!
* Những sự kiện đáng chú ý sau chuyến đi Hoa
kì của Nguyễn Phú Trọng
* Con đường của chúng ta, n
Những người dân
chủ hãy vững bước tiến lên!
Âu Dương Thệ
“Phát biểu kết luận Hội
nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích, làm sáng tỏ thêm một số
diễn biến cơ bản của tình hình trong nước và thế giới; khẳng định đây là một
Hội nghị rất quan trọng và cần thiết, được tổ chức do đòi hỏi của tình hình,
nhiệm vụ công tác bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới. Vấn đề mấu chốt
là phải quán triệt sâu sắc và chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt những nhiệm
vụ, giải pháp mà Chỉ thị của Bộ Chính trị đã đề ra. Đồng chí Tổng Bí thư yêu
cầu các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo
chủ chốt các bộ, ban, ngành, địa phương, trước hết là người đứng đầu trực tiếp
lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị, tạo chuyển biến thực sự về
nhận thức và hành động trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật
tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, bảo vệ Đảng,
bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây
dựng và phát triển đất nước; bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị
quan trọng của đất nước, chuẩn bị và tiến hành thành công đại hội đảng bộ các
cấp và Đại hội lần thứ XII của Đảng./.”
Trên đây là chỉ thị của Nguyễn
Phú Trọng tại „
Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới“
được tổ chức rất vội vã sau chuyến đi Mĩ. Ngoài ông Trọng chỉ có Trương Tấn
Sang và Lê Hồng Anh, nhưng vắng Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Sinh Hùng. [1]
***
Tương
quan mật thiết giữa ngoại giao với nội trị
Khi hoạch định chiến lược
đối ngoại có những khác biệt căn bản giữa một chính quyền dân chủ văn minh với
chính quyền một chế độ độc đảng toàn trị. Vì mục tiêu chính sách đối ngoại của
hai chế độ này hoàn toàn khác với nhau. Chế độ dân chủ đa nguyên đặt ưu tiên
bảo vệ quyền lợi quốc gia và các lợi ích căn bản của nhân dân. Trong khi đó chế
độ toàn trị đặt thượng tôn cho quyền lợi của đảng, làm sao để đảng có thể vượt
qua các khó khăn để độc quyền cai trị tiếp. Nhiều khi nếu sự kình chống nhau
giữa các phe phái trong đảng quá lớn thì các phe nhóm sẵn sàng chuyển hướng
ngoại giao để bảo vệ quyền lợi riêng của từng phe.
Lịch sử hai ĐCSVN và ĐCS Trung
quốc đã chứng minh điều này. Sau khi Mao
Trạch Đông mất (1976) hai phe Đặng Tiểu Bình và “Tứ nhân bang” (bè lũ bốn tên)
do vợ Mao, Giang Thanh và vây cánh giành giựt quyền lực quyết liệt, gây phân
hóa trầm trọng trong ĐCS Trung quốc. Để củng cố quyền lực Đặng Tiểu Bình đã tìm
cách ngả theo Mĩ và từng tuyên bố Trung quốc sẽ làm NATO ở phương Đông chống
Liên xô, rồi đánh VN đang là đồng minh của Liên xô ở phương Đông. Khi ấy TT Mĩ
Carter đã trải thảm đỏ tiếp họ Đặng mặc dầu ông chỉ là Phó Thủ tướng.
Còn tại VN vào thời kì
cuối thập niên 50 của Thế kỉ trước phe Lê Duẩn quyết dùng võ lực để chiếm miền
Nam thay vì “Chung sống hòa bình” với
Hoa kì như Chrutschew, thủ lãnh Liên xô và lãnh tụ thế giới CS. Nên Lê Duẩn đã
quay đầu về Bắc kinh, ca ngợi Mao là Lenin của phương Đông, đồng thời cô lập Hồ
Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và dựng lên vụ án chống “Nhóm xét lại trong đảng”.
Những người
làm công tác trong khoa học chính trị, đặc biệt những nhà hoạt động chính trị,
cần phải nắm vững sự khác biệt quan trọng này và những mưu đồ quyền lực của các
phe phái trong ĐCSVN hiện nay để nhận rõ đâu là hình hài thực sự và đâu chỉ là
bóng dài trước ánh đèn của sân khấu tuyên truyền.
Một kế hoạch đối ngoại có
khi chỉ để phục vụ mục tiêu đoản kì trước mắt, nhưng cũng có thể là mục tiêu
trung hạn và đài hạn. Tuy nhiên nhiều khi lúc đầu một kế hoạch đối ngoại chỉ
tính đoản kì, nhưng do những biến động lớn cả trong lẫn ngoài nước làm thay đổi
cơ bản tương quan lực lượng, khiến cho mục tiêu đối ngoại đoản kì có thể trở
thành dài hạn. Lịch sử chính trị cận đại cũng đã từng diễn ra nhiều lần các khả
năng này. Sau Thế chiến thứ hai Đức và Nhật đã bắt buộc phải thay đổi chính
sách đối ngoại, từ là những tử thù trở thành thân Hoa kì. Tiếp đó trước sự đe
dọa trực tiếp của Liên xô, các lực lượng dân chủ ở Đức và Nhật đã nắm được đa
số chuyển hai nước thành chế độ dân chủ đa nguyên như ở Mĩ và nhiều nước Tây
Âu. Nhờ thế các xã hội Hoa kì, Đức và Nhật đã có những tương đồng giá trị lớn về
hệ thống tư tưởng và cấu trúc xã hội, từ đó các quốc gia này trở thành bạn và
đồng minh chiến lược từ 70 năm qua. 30 năm trước đây khi Gorbatschow thay đổi
sách lược đối ngoại với Mĩ và Tây Âu, đặc biệt với nhiều nước chư hầu ở Đông Âu
qua việc từ bỏ chủ thuyết của Breschnew can thiệp bằng võ lực vào các nước này.
Sau đó khi Liên xô rơi vào khủng hoảng nội bộ trầm trọng, nên nhân dân nhiều
nước Đông Âu biết lợi dụng thời cơ, đứng lên đấu tranh tách nhanh ra khỏi khu
vực ảnh hưởng của Liên xô và trở thành những nước Dân chủ đa nguyên.
Nhưng cũng có những kế
hoạch ngoại giao bề ngoài tưởng như có thay đổi lớn và toàn diện, nhưng thực sự
chỉ là mưu kế dương đông đánh tây, hòa hoãn tạm thời đối với bên ngoài cũng như
trong nước. Như hai trùm độc tài Hitler và Stalin đã kí Thỏa hiệp mật Bất can
thiệp (1939), nhưng chỉ ít năm sau Hitler đã cho mấy trăm ngàn quân tính xâm
chiếm Liên xô.
Lịch sử cận đại VN cũng
đã diễn ra một số lần tương tự. Gần cuối Thế chiến thứ hai Nhật chiếm Đông
dương của thực dân Pháp, nhưng sau đó thua trận, VN rơi vào khoảng trống chính
trị. Nhóm CS của Hồ Chí Minh đã biết lợi dụng tình thế tổ chức biểu tình mở ra „Cách mạng tháng 8“
để „cướp
chính quyền“ cuối tháng 8 đầu tháng
9. 1945. Nhưng chính quyền non trẻ của Hồ Chí Minh phải đối diện với 20 vạn
quân của Tưởng Giới Thạch tiến vào Bắc VN để giải giới quân Nhật và các chính
đảng không CS đang hoạt động trở lại. Trước tình thế lưỡng nan này Hồ Chí Minh
đã đưa ra sách lược ngoại giao „Hòa với Tưởng“ để giệt đối thủ chính trị trong
nước bằng các thủ đoạn mua chuộc các tướng Tầu tham nhũng, kể cả biếu nhiều kí
vàng sau “tuần
lễ quyên vàng“ để các tướng Tầu như Lư Hán, Tiêu văn,
Trương Phát Khuê… nhắm mắt làm ngơ cho Hồ Chí Minh thẳng tay đàn áp các chính
đảng và chính trị gia không CS.
Tiếp đó trước khi sang
Pháp đàm phán để tìm cách hòa hoãn với Pháp ở Đông dương Hồ Chí Minh đã căn dặn
các đồng chí thân cận nhất phải nắm vững sách lược ngoại giao „Dĩ bất biến, ứng vạn biến“ [mọi thay đổi
phải phục vụ mục tiêu duy nhất là giữ vững chính quyền cho đảng]. Cho nên trong
thời gian Hồ Chí Minh đàm phán ở Pháp các đồng chí của ông đã thẳng tay đàn áp các chính đảng và sát hại các chính
trị gia không CS. Tàn bạo nhất là vụ bắt giam và thủ tiêu nhiều lãnh tụ và cán
bộ nhiều chính đảng tại phố Ôn Như Hầu ở Hà nội (ngay là phố Nguyễn Gia Thiều)
7.1946. Từ đó đến nay suốt trên 70 năm
những người cầm đầu CSVN qua nhiều thế hệ vẫn ca tụng các thủ đoạn và quỉ kế
hòa với ngoại thù để giệt nội thù „Dĩ bất biến, ứng vạn biến“
là sách lược ngoại giao khôn ngoan, là bửu bối hay đũa thần
và được dùng lại mỗi khi gặp tình thế ngặt nghèo! [2]
Vì vậy những
nhà hoạt động chính trị dân chủ cần nắm vững thông tin, phân tích sâu sắc và
nhận thức rõ ràng để biết ý định thực sự, các ý đồ thầm kín trước những thay
đổi sách lược đối ngoại của các phe nhóm trong Bộ chính trị và Trung ương đảng
chế độ toàn trị….Có nắm vững được như vậy thì mới biết rõ thời cơ, triển khai
những thuận lợi và ngăn ngừa những khó khăn…
Chủ
thuyết đối ngoại của Tổng thống Obama ở châu Á-Thái bình dương
Sách lược vung tay quá
trán của TT Bush (Bush con), chỉ dùng quân sự mở các cuộc chiến tranh ở Irak và
Afghanistan đã khiến Mĩ bị sa lầy ở Trung đông, tổn phí hàng vạn sinh mạng và
hàng ngàn tỉ Mĩ kim. Khiến cho vị thế siêu cường cả về quân sự lẫn kinh tế của Hoa
kì chỉ trong vòng một thập niên bị lung lay.
Trong khi ấy lợi dụng sự
sa lầy ở Trung đông, suy thoái kinh tế trầm trọng và mất uy tín trên thế giới
của Hoa kì, Bắc kinh đã vươn lên rất nhanh trở thành cường quốc kinh tế thứ hai
chỉ sau Mĩ. Hàng hóa Trung quốc tràn ngập thị trường Mĩ và thế giới, đồng thời
Mĩ còn trở thành con nợ lớn của Trung quốc! Nhóm cầm đầu Bắc kinh không thỏa
mãn mà còn nuôi mộng bá quyền mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới, đặc biệt ở
Đông á, Đông nam á và Á châu, bằng các sức mạnh mềm kinh tế, tài chánh, điệp
viên và bằng cả quân sự, như tăng cường không quân và hải quân biến các đảo ở
biển Đông thành cái ao của Trung quốc. Chính sách này đe dọa không chỉ trước
mắt mà còn dài hạn cho vai trò siêu cường của Mĩ và các đồng minh của Mĩ ở châu
Á.
Các nhà lập chiến lược
đối ngoại và an ninh của chính phủ Mĩ thời Obama đã nhìn thấy rõ các nguy cơ
cực kì nguy hiểm đe dọa quyền lợi sinh tử trước mắt cho Mĩ. Cho nên sau khi rút
quân khỏi các chiến trường Trung đông. Từ đầu thập niên thứ hai của Thế kỉ này
TT Obama và cựu ngoại trưởng bà Clinton đã đưa ra học thuyết „Quay trục sang châu Á-Thái bình dương“.
Do vị trí địa lí chiến
lược đặc biệt nên VN với bờ biển dài 3000 cây số, hai quần đảo Hoàng sa và
Trường gia nằm trực diện và không xa trên biển Đông dọc theo bờ biển của VN
đang bị Bắc kinh chiếm đóng biến thành các căn cứ quân sự đe dọa trực tiếp
đường hàng hải quốc tế rất quan trọng. Nên trong sách lược mới „Quay trục sang
châu Á-Thái bình dương” của Hoa kì VN trở thành một trọng điểm chiến
lược.
Trung quốc với trên 1.300
triệu dân, theo chế độ CS và lại nuôi tham vọng bành trướng với khẩu hiệu „Thực hiện giấc mơ vĩ đại của Trung quốc“ do chính Tập Cận Bình đề ra. Điều này giống như Liên
xô sau Thế chiến thứ hai và còn nguy hiểm hơn Liên xô cũ vì Trung quốc có dân
số đông nhất thế giới. Vì vậy Obama muốn thực hiện sách lược bao vây và ngăn đe
Trung quốc như chủ thuyết Containment policy của TT Mĩ Truman, bao vây và
ngăn đe Liên xô sau Thế chiến thứ 2. Điểm mấu chốt trong sách lược „Quay trục sang
châu Á-Thái bình dương“ là Hoa kì
không làm thay những gì các nước châu Á có thể tự làm được. Hoa kì chỉ giữ vai
trò chiến lược là phối hợp, ủng hộ chính trị, kinh tế, quân sự và dùng cái dù
nguyên tử để bảo vệ các đồng minh và các nước thân hữu ngăn chặn những chủ
trương phiêu lưu của Bắc kinh. [3]
Vì
sao lúc này Nguyễn Phú Trọng phải đề ra sách lược “hòa với Mĩ”
để
cứu phe bảo thủ giáo điều ?
Muốn hiểu lí do này cần
nắm vững các biến chuyển chính của chế độ toàn trị từ sau 1975. Từ khi nạn đói
khủng khiếp kéo dài, lại phải đương đầu cuộc chiến ở phía Bắc và sa lầy ở Kambodscha,
tiếp đến sự tan dã của Liên xô, chế độ toàn trị của CSVN rơi vào hoàn cảnh cực
kì hiểm nghèo như sợi chỉ treo ngàn cân. Vì thế để cứu đảng nên từ cuối thập
niên 80 họ bề ngoài phải đưa ra chiêu bài “đổi mới”, nhưng vẫn giữ đất đai là tài sản của
nhà nước, đồng thời lại vội vàng đưa ra chủ trương Kinh tế thị trường định
hướng XHCN, trong đó các Doanh nghiệp nhà nước nắm vai trò chủ đạo. Với mục
tiêu là sử dụng khu vực Kinh tế nhà nước làm phương tiện kiểm soát toàn bộ nền
kinh tế tài chánh và qua đó chỉ huy và kiểm soát tất cả các lãnh vực đời sống
của nhân dân và nhờ thế vẫn giữ được độc quyền cho đảng. Nghĩa là đảng vẫn nắm
độc quyền phần chính các sinh hoạt kinh tế-tài chính. Các Doanh nghiệp nhà nước
không chỉ được ưu đãi tiền bạc của nhà nước, đất đai, nhà cửa mà còn giành độc
quyền sử dụng các công trình ODA với nhiều tỉ Mĩ kim viện trợ và vay với lãi suất
rất thấp của các nước ngoài. Các cán bộ có quyền lực, tuy không có khả năng
chuyên môn, được cất nhắc vào các ban điều hành và giám đốc các Doanh nghiệp
nhà nước và được hưởng lương bổng cao cùng các đặc quyền đặc lợi.[4]
Dưới chế độ
độc đảng lại không có cơ chế kiểm soát độc lập, nên không bao lâu các tổng công
ti của Doanh nghiệp nhà nước dưới chế độ toàn trị đã trở thành ổ nuôi tham
nhũng cho các cán bộ cho chức quyền từ trung ương tới địa phương.
Dưới nhiệm kì thứ hai làm Tổng bí thư của Nông Đức
Mạnh nhiều Ban Trung ương của đảng đã bị giải tán, trong đó có cả Ban Kinh tế
trung ương, giao cho Chính phủ. Đúng vào lúc này Nguyễn Tấn Dũng trở thành Thủ
tướng (2006) và thực hiện chủ trương mở rộng các Tổng công ti thành các Tập
đoàn kinh tế nhà nước và hô hoán sẽ biến các Tập đoàn kinh tế thành những “quả đấm thép” cho chế độ toàn trị!
Nhưng hiện nay chỉ trong vòng gần một thập niên, thay vì là những
quả đấm thép bảo vệ chế độ toàn trị, các Tập đoàn kinh tế nhà nước trở thành
quả đấm thép của riêng Nguyễn Tấn Dũng và các bộ trong chính phủ, cũng như các
cơ quan nắm kinh tế, tài chánh ở các thành phố và tỉnh trong toàn quốc. Các
cán bộ có chức quyền đã lợi dụng độc quyền để lộng quyền tham nhũng, làm giầu
bất chính rất nhanh và rất lớn. Điển hình như các vụ Vinashin, Vinalines, PMU
18…. làm thất thoát và phí phạm tài sản của nhà nước hàng trăm ngàn tỉ đồng.
Các đại quan đỏ từ Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Tấn Dũng, Phùng Quang
Thanh……đã lợi dụng quyền lực thu vén cho bản thân, gia đình và vây cánh. Vì thế
một số người khi về hưu sống trong những biệt thự nội thất trang trí nguy nga
như thời vua chúa. [5]
Hiện nay hệ thống của bọn
quan tham nhũng từ trung ương tới địa phương đã kết nối với nhau thành những nhóm lợi ích,
đang dùng sức mạnh của đồng tiền và quyền lực thành những quả đấm thép đánh phá
ngay trong nội bộ đảng, những ai không theo vây cánh hay chống lại họ. Chính Nguyễn
Phú Trọng cũng đã phải chẩy nước mắt mấy lần!
Trước và trong khi đi Hoa
kì ông Trọng đã để cho ban Tuyên giáo dưới quyền ủy viên Bộ chính trị Đinh Thế
Huynh –ngôi sao chính trị lớn- mở mặt trận tuyên truyền hạch tội các Nhóm lợi
ích. Ủy viên Trung ương đảng kiêm Phó
Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương Vũ Ngọc Hoàng đã viết liên
tiếp nhiều bài tố cáo nghiêm khắc tư duy ích kỉ “lợi ích nhóm” của các “nhóm lợi ích” đang
lộng hành bòn rút tài sản quốc gia và phá hoại đảng. Các bài này đã được các tờ
điện tử CS, Tạp chí CS, Tuổi trẻ và nhiều cơ quan báo chí khác phổ biến rộng
rãi. Tuy không trực tiếp nêu tên Nguyễn Tấn Dũng, nhưng lời chỉ trích của ông
lại chĩa chính vào người cầm đầu chính phủ …
“Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ
cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền
cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội.
Nhận thức sự quan trọng của thông tin, “nhóm lợi ích” còn móc nối, “kết nạp”,
kết hợp với một số nhóm truyền thông không lành mạnh để tác động chi phối dư
luận theo hướng có lợi cho “nhóm lợi ích” và xuyên tạc vu cáo những người,
những doanh nghiệp không cùng nhóm để tranh quyền lực và lợi ích. “Lợi ích
nhóm” sẽ kéo theo và song hành với tham vọng quyền lực cùng với tham vọng tiền
bạc.”[6]
Đoạn trên đây Vũ Ngọc Hoàng
đã ám chỉ dư luận cho là Blog Chân dung quyền lực do cánh Nguyễn Tấn Dũng đứng
đằng sau, trước và trong Hội nghị trung ương 10 (1.15) đã đăng hàng loạt bài
bôi xấu Nguyễn Phú Trọng và nhiều ủy viên Bộ chính trị, vì thế đã gây tác động làm điêu đứng và tê
liệt cho phe Nguyễn Phú Trọng tại cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong Hội nghị trung
ương 10. Trong khi Nguyễn Tấn Dũng về đầu thì Nguyễn Phú Trọng lẹt đẹt gần đội
sổ!
Theo Vũ Ngọc Hoàng, cách
làm ăn và mưu đồ của các Nhóm lợi ích trong đảng hiện nay chính là “CNTB thân hữu còn
có các cách gọi khác nhau, là “CNTB lợi ích”, “CNTB bè phái”, “CNTB bè cánh”,
“CNTB lũng đoạn”. Từ đó Vũ
Ngọc Hoàng đã kết án là hoạt động của các “nhóm lợi ích” nhất định sẽ dẫn tới làm „chệch hướng khỏi
mục tiêu xã hội chủ nghĩa chân chính”! [7]
Mặc dầu sự hình thành và
ngày càng lộng quyền của các nhóm lợi ích ngay trong đảng đã được Nguyễn Phú
Trọng nhìn nhận và tố cáo công khai
trong nhiều Hội nghị trung ương từ khi lên làm Tổng bí thư đầu 2011. Nhưng ông Trọng đã tránh né không dám nói tới nguyên nhân
dẫn tới tình trạng này. Là người cực kì bảo thủ giáo điều, dù không biết thế kỉ
này có đưa đất nước tiến vào XHCS hay không, nhưng cả trong Cương lĩnh chính trị
2011 và Hiến pháp 2013 ông vẫn ngang ngạnh giữ nguyên Điều 4 giành độc quyền
cho ĐCS, giữ nguyên “đất đai là thuộc
công hữu” và duy trì hệ thống Kinh tế nhà nước. Nghĩa là ông Trọng không
dám nhìn thẳng vào sự thật: Sự tham nhũng và thoái hóa đạo đức của cán bộ và sự bùng nổ của các „Nhóm lợi ích“
là do độc quyền của đảng!
Không những thế, Nguyễn
Phú Trọng còn tăng cường gắn bó với Bắc kinh, từng tuyên bố “tình hình biển
Đông không có gì mới”, mặc dù Bắc kinh đã chiếm đóng các đảo của VN
và đang biến biển Đông thành cái hồ của Trung quốc. Ông Trọng còn mở rộng hợp
tác chiến lược với Trung quốc kể cả quốc phòng và an ninh, cũng như chỉ đàm
phán song phương với Trung quốc và chống lại quốc tế hóa tranh chấp biển Đông.
Thanh niên, nhân sĩ biểu tình chống Bắc kinh bành trướng bị đàn áp. Trí thức, chuyên viên và đảng viên tiến bộ
gởi kiến nghị cảnh báo các chính sách sai lầm trong đối nội và chủ trương phiêu
lưu với Trung quốc thì bị Nguyễn Phú Trọng kết tội là “suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức“.
Chính vì các lí do nêu
trên, nên trong suốt trên 4 năm làm Tổng bí thư, tất cả các kế hoạch chỉnh
đảng, thanh lọc hàng ngũ và chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng đều thất bại.
Nguyễn Tấn Dũng –với bí danh “đồng chí X” do Trương Tấn Sang đặt cho- không bị cách chức.
Ngược lại, vây cánh của ông ta trong Trung ương đảng và cả trong Quốc hội ngày
càng lấn áp phe bảo thủ đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng. Thậm chí các quyết định
nhân sự quan trọng trong Bộ chính trị của phe Nguyễn Phú Trọng bị phe các nhóm
lợi ích đứng đầu là Nguyễn Tấn Dũng đánh thảm bại nhiều lần.[8]
Quyền-tiền đã
trở thành sức mạnh áp đảo và thay thế ý thức hệ Marx-Lenin ngay trong Trung
ương đảng. Sự thất bại nhiều lần và kéo dài của Nguyễn Phú Trọng đã làm cho ông
ta mất uy tín ngay trong đảng và trong nhân dân và còn dẫn tới hoang mang, phân
hóa ngay trong nội bộ của phe bảo thủ giáo điều. Sự thất bại mới đây nhất đã diễn ngay trong Hội
nghị trung ương 10 (đầu tháng 1.15). Mặc dù đã phải hoãn đi hoãn lại nhiều
tháng, nhưng kết quả bỏ phiếu trong Trung ương đảng thì Nguyễn Tấn Dũng vẫn dẫn
đầu còn Nguyễn Phú Trọng và vây cánh cứ lẹt đẹt về hậu.
Hiện nay sự tung hoành
công khai của phe lợi ích nhóm đã trở thành tình trạng “một quốc gia trong một quốc gia” ở ngay trong đảng. Họ sẵn sàng ăn miếng trả miếng
với phe bảo thủ, điển hình như trong khi phe bảo thủ thất bại trong việc hạ Nguyễn
Tấn Dũng thì phe của ông ta đánh quật lại làm hoang mang và tê liệt phe Nguyễn
Phú Trọng. Sự tàn bạo cùng tận giữa các “đồng chí” với nhau đến nỗi khai thác
cả cái chết của ủy viên Trung ương đảng kiêm Trưởng ban Nội chính trung ương
Nguyễn Bá Thanh và cánh tay mặt của Nguyễn Phú Trọng trong Ban chỉ đạo trung
ương phòng chống tham nhũng giữa lúc Hội nghị trung ương 10 họp đầu 1.15![9]
***
Phe Nguyễn Phú Trọng đã
thấy rõ nỗi nguy hiểm là có thế mất tất cả trong Đại hội 12 chỉ còn vài
tháng. Vì thế sau Hội nghị trung ương 10
phe Nguyễn Phú Trọng đã phải ra tay
triển khai một sách lược mới cả trong đảng lẫn đối ngoại, với mục tiêu là chặn
lại ảnh hưởng của phe Nguyễn Tấn Dũng, rửa lại bộ mặt dơ dáy trước nhân dân và
quốc tế, cải thiện uy tín đang đi xuống; từ đó tìm cách tái tập hợp lực lượng
của phe bảo thủ giáo điều mong giành lại quyền chủ động đang bị mất về phe nhóm
lợi ích của Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội 12 vào đầu 2016.
Vì thế tại Hội nghị trung
ương 11 (đầu tháng 5.15), để thỏa mãn những yêu sách của ngay trong phe cánh
mình, đặc biệt nhiều tướng lãnh trong quân đội, Nguyễn Phú Trọng đã phải chiều
họ, đưa Dự án xây dựng sân bay Long thành trên 18 tỉ USD vào chương trình làm
việc của Hội nghị này, bất kể tới tình trạng nợ công đang gia tăng tới mức báo động.[10]
Nếu không làm thế thì không thể cột quân đội hậu thuẫn cho phe mình.
Đối với nội bộ đảng, tại Hội
nghị trung ương 11 phe Nguyễn Phú Trọng đặt ra những tiêu chuẩn rất cao trong
việc chọn người vào Bộ chính trị và Ban bí thư của Đại hội 12 nhằm chĩa mũi dùi
tấn công vào phe nhóm lợi ích của Nguyễn Tấn Dũng, dù ông Trọng thừa biết là
các tiêu chuẩn này ngay cả các thân tín của ông cũng chẳng có người nào hội đủ:
“Ủy
viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là những đồng chí thật tiêu biểu của Ban
Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí
chiến đấu, năng lực lãnh đạo quản lý, có tầm nhìn và tư duy chiến lược, có khả
năng phân tích, dự báo, tổng hợp, đề xuất những vấn đề mới một cách đúng đắn;
có trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị, biết phát hiện và sử dụng
người có đức có tài; đã tham gia Ban Chấp hành Trung ương, hoàn thành tốt nhiệm
vụ được giao, trong độ tuổi theo quy định và đủ sức khỏe để đảm đương nhiệm vụ.
Kiên
quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các
khuyết điểm, như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường
lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương
lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt,
vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh
bảo vệ lẽ phải; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc
đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; để xảy ra tình trạng mất
đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị;
không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói
không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân
công của tổ chức; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh,
nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc;
bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để
thu lợi bất chính; có vấn đề về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.” [11]
Các tiêu chuẩn
vào Bộ chính trị và Trung ương đảng trong Đại hội 12 tới trên đây không có gì
mới, chỉ lập lại các Đại hội trước. Nó chỉ là con hổ giấy không thể hù dọa bọn
tham quan mọc lên như rươi thuộc phe các nhóm lợi ích ở trong đảng. Có chăng
chỉ là để ru ngủ đảng viên nhẹ dạ và tạo ra một dư luận hồ hổi mới giả tạo để
đánh lừa nhân dân!
Sau đó Tô Huy Rứa, ủy
viên Bộ chính trị kiêm Trưởng ban Tổ chức trung ương –cơ quan phụ trách tuyển
chọn nhân sự ở cấp cao- vây cánh của ông Trọng, đã thay đổi hàng loạt nhiều ủy
viên Trung ương đảng là Bí thư tỉnh ủy và đứng đầu các ban trung ương. Mục đích
là đưa vây cánh vào để chặt bớt ảnh hưởng của phe Nguyễn Tấn Dũng trong Trung
ương đảng. Song song với việc chặt vây cánh các đối thủ ở trung ương, Nguyễn
Phú Trọng còn để báo chí lề đảng đăng loạt bài của Vũ Ngọc Hoàng, người thứ hai
trong Ban Tuyên giáo Trung ương, đánh trực diện bằng cách tố sát ván để làm mất
uy tín phe các „nhóm
lợi ích“ của ông Dũng, như đã trình bầy trên đây.
Mũi tấn công thứ ba và
cũng là trọng tâm để phá phe Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời thuyết phục các đảng
viên và vỗ về nhân dân nằm trên mặt trận đối ngoại. Trong đó phải vận động để
TT Obama mời Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa kì. Chỉ khi nào Nguyễn Phú Trọng thân
hành sang Mĩ thì mới mong giải tỏa được dư luận vô cùng bất lợi cả trong đảng
lẫm ngoài xã hội từ khi phe bảo thủ giáo điều cúi đầu trước nhóm cầm đầu Bắc
kinh tại Thành đô đầu tháng 9.1990.
Tuy việc đi Hoa kì rất
gian nan, nhưng Nguyễn Phú Trọng không thể thoái thác. Vì chính thái độ cúi đầu
của ông trong thời gian làm Tổng bí thư đã cổ vũ Bắc kinh càng lấn tới, từ
chiếm một số đảo của VN tới công khai khoanh biển Đông thành 9 đoạn rồi hô hoán
bảo là thuộc lãnh hải của Trung quốc. Không những thế, sau khi biết Nguyễn Phú
Trọng không dám chống việc các tầu hải giám Trung quốc vào ngay trong lãnh hải
VN ngăn cản và phá hoại việc VN thăm dó và khai thác dầu khí vài năm trước, nên
Bắc kinh đã được đằng chân lân đằng đầu. Giữa năm 2014 họ lại một mặt đưa giàn
khoan khủng HD 918 ngay trên lãnh hải của VN, mặt khác mở rộng và xây dựng các
pháo đài, phi trường trên các đảo xâm chiếm thành các căn cứ quân sự , “hàng
không mẫu hạm không bao giờ chìm” để kiểm soát đường hàng hải quốc tế quan
trọng, đồng thời uy hiếp an ninh VN. Các chính sách bành trướng của bá quyền Bắc
kinh đã phơi bày những lời tuyên bố “Tình hình biển
Đông không có gì mới” của Nguyễn Phú Trọng; hay của Thứ trưởng
quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh “Một thực tế hiển nhiên là Trung quốc cam kết không lấy đất,
lấy biển của Việt Nam“ và còn long trọng hứa
ngăn cấm nhân dân VN không được biểu tình chống Bắc kinh xâm lấn: „Kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với
tinh thần không để sự việc tái diễn. Hoặc thái dộ của
bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh lo sợ nhân dân VN ngày càng ác cảm với Bắc
kinh „cảnh báo xu thế “bài” [12]
Trung quốc. Các chủ trương cúi đầu trước Bắc kinh xuyên qua những
lời tuyên bố này nay đã bị thực tế chứng minh là hoàn toàn thiển cận, ngờ ngệch và vô trách
nhiệm. Nó minh chứng rõ
ràng là chủ trương thần phục Bắc kinh của Nguyễn Phú Trọng đã phá sản toàn bộ!
Không chỉ đứng trước nguy
cơ bị phe các nhóm lợi ích đang tìm cách hất cẳng trong Đại hội 12 sắp tới, Nguyễn
Phú Trọng và phe bảo thủ cũng bị mất uy tín rất lớn với các đảng viên tiến bộ,
lo sợ trước phong trào “tự diễn biến”, “tự chuyến hóa” ngày càng mạnh trong
hàng ngũ đảng viên. Trong khi ấy các phong trào dân sự đang có nhiều khí thế
của nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt với thanh niên và các chuyên viên, trí
thức đứng lên đấu tranh; từ các kiến nghị đòi thay đổi nội trị và ngoại giao,
tới những cuộc biểu tình chống bành trướng của Bắc kinh, chống công an đàn áp
bạo hành nhân dân, tố cáo các quan đỏ tham nhũng, ủng hộ các cuộc xuống đường
và thắp nến đòi lại đất đai của nông dân và tín đồ các tôn giáo. Nhiều đảng
viên tiến bộ và quí tự trọng đã trả lại thẻ đảng, rút ra khỏi các tổ chức tay
sai của đảng, gởi kiến nghị đòi thay đổi toàn diện cả chính trị và tham gia
tích cực các cuộc vận động dân sinh và dân quyền.
Các cuộc vận động dân chủ
và nhân quyền bằng phương pháp phi bạo lực của nhân dân VN đã được Hoa kì, EU
và nhiều nước dân chủ nhiệt tình ủng hộ. Chính vì thế tiếng nói và thông tin
của các Blog điện tử độc lập đã nhiều lúc áp đảo được toàn hệ thống báo chí với
trên 800 () báo, đài và cả hàng chục ngàn kí giả và vận động viên của bộ máy
tuyên truyền khổng lồ của chế độ toàn trị.
Chính đứng
trước các áp lực ngày càng mạnh cả trong đảng lẫn ngoài xã hội, phe giáo điều
bảo thủ đã thấy, nếu không có thay đổi - dù chỉ là tạm thời hay bề ngoài- từ
nội trị lẫn ngoại giao thì họ không thể trụ lại được trong Đại hội 12.
Đồng
sang dị mộng và mượn gió bẻ măng
Phải thấy rõ hoàn cảnh
gian nan hiện nay của phe bảo thủ giáo điều từ trong đảng tới nhân dân và với
người „Bạn“ lớn Bắc kinh, mới có thể hiểu được động cơ và ý đồ của sự thay đổi
thái độ và đi đến thay đổi sách lược hiện nay của Nguyễn Phú Trọng. Theo lời
của Nguyễn Phú Trọng thì chính phủ Mĩ đã mời ông từ 2012 (nói với cử tri Hà nội).
Nhưng khi ấy do thái độ cao ngạo CS và tự tin nên ông Trọng trong tư cách tân Tổng
bí thư đã gởi trọn niềm tin vào Bắc kinh và nghĩ mình sẽ thành công trong kế
hoạch chỉnh đảng để đưa VN tiến nhanh tiến mạnh lên XHCN….nên đã khước từ lời
mời của Hoa kì. Nhưng chỉ vài năm sau,
mặc dù TT Obama chỉ dùng nghi lễ bình thường so với các nghi lễ rất trịnh trọng
của Tập Cận Bình giành cho ông vài tháng trước, nhưng ông Trọng vẫn phải thân
hành sang Washington. Ông Trọng đã phải chịu tạm gác thái độ thách lối
kiêu hãnh là “Mình phải như thế nào thì người ta mới mời
chứ” để bằng lòng âm thầm chấp nhận ”Mình phải nguy khốn như thế nào thì mới phải
đi cầu khẩn đế quốc chứ!” Đắng cay ngậm quả bù hòn để từ người cầm
cờ “chống tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” và cảnh giác trước các “diễn biến hòa bình”
nay phải thân hành bắt tay với „đại tư bản“ và „đế quốc“ để âm mưu tái thực
hiện câu thần chú “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Trong tình thế “tứ bề thụ
địch” như vậy thì họ phải tìm cách thoát hiểm.
Vì vậy sau khi Tập Cận Bình từ chối dứt khóa lời khẩn khoản của Nguyễn
Phú Trọng xin gặp để giải quyết trong vụ dàn khoan HD 981 thì một kế hoạch đối
ngoại tìm cách thoát hiểm đã được triển khai với đối tượng tranh thủ là Hoa kì.
Kế hoạch này theo hướng dương đông kích tây, hư hư
thực thực, mục tiêu ưu tiên trước mắt là làm sao trụ lại cho phe bảo thủ giáo
điều tại Đại hội 12 đầu 2016, phá kế hoạch tìm cách đánh sụp của các nhóm lợi
ích. Trong đó phải làm sao dựng được các ấn tượng nổi bật để tạo dư luận cả
trong đảng lẫn nhân dân có cảm tưởng là họ còn nắm được chủ động, được sự ủng
hộ của siêu cường Hoa kì, mà không phải thiệt thòi gì, thể chế toàn trị vẫn giữ được.
Vì thế ngay từ hè 2014
một số phái đoàn cao cấp làm tiền trạm, như ủy viên Bộ chính trị kiêm Bí thư
thành ủy Hà nội Phạm Quang Nghị (7.14)
và ủy viên Bộ chính trị kiêm bộ trưởng Công an Trần Đại Quang (3.15) đã
được lần lượt được phái sang Mĩ vận động trực tiếp với chính phủ Obama, chính
giới trong lưỡng viện Hoa kì và dư luận Mĩ cho chuyến thăm của Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng trước đó ông Trọng đã sang Bắc kinh gặp Tập Cận Bình để tìm cách trấn an
và đồng thời tạo thế tốt để đàm phán với
Obama. [13]
Nhân dịp kỉ niệm 20 năm
thiết lập quan hệ Việt-Mĩ Nguyễn Phú Trọng kéo theo một phái đoàn cao cấp đã
chính thức thăm Hoa kì từ 6-10.7.2015. Ngày 7.7 ông Trọng đã hội đàm khoảng hơn
một giờ với Obama tại phòng bầu dục tòa Bạch ốc…Các vấn đề chính hai bên đã đưa
ra bàn là: 1. Việc VN xin gia nhập TPP (Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái
bình dương) và quan hệ kinh tế-đầu tư, giáo dục giữa hai nước. 2. Tình hình vi
phạm nhân quyền ở VN. 3. Yêu cầu Hoa kì bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương.
4. Tình hình biển Đông.
Việc xin gia nhập TPP,
Obama vẫn giữ lập trường là chế độ toàn trị VN phải cải thiện luật lao động
theo hướng để người lao động VN được quyền thành lập các nghiệp đoàn độc lập để
bảo vệ quyền lợi chính đáng. Chế độ toàn trị phải chấm dứt chủ trương bất bình
đẳng trong các hoạt động kinh tế bằng cách chấm dứt việc giành ưu đãi cho các Doanh
nghiệp nhà nước. Trong dịp này Nguyễn Phú Trọng chỉ khẩn khoản lên tiếng yêu
cầu Hoa kì thông cảm, khoan nhượng và công nhận nền Kinh tế thị trường định
hướngXHCN ở VN là Kinh tế thị trường. Cuối cùng, dù đã được đưa ra ở cấp cao
nhất, nhưng chủ đề quan trọng này vẫn không đạt được kết quả cụ thể nào. Trong “Tuyên bố về tầm nhìn chung VN-Hoa kì” công bố ngày 7.7 các đòi hỏi của phía Mĩ đối với chế
độ toàn trị lại được ghi rất rõ, dù dưới ngôn ngữ ngoại giao:
„Việt Nam và Hoa Kỳ mong đợi phối hợp chặt chẽ
với các bên tham gia đàm phán khác để hoàn tất sớm nhất có thể Hiệp định Đối
tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) toàn diện và tiến hành những cải cách thấy có
thể cần thiết nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cao của Hiệp định TPP, kể cả khi cần
thiết đối với các cam kết liên quan tới Tuyên bố của ILO năm 1998 về Nguyên tắc
cơ bản và Quyền tại nơi làm việc.“ [14]
Về chủ đề vi phạm nhân
quyền ở VN: Trước khi tiếp ông Trọng TT Obama đã gặp riêng nhà báo Điếu Cày,
Nguyễn Văn Hải, người đấu tranh dân chủ từng bị chế độ toàn trị cầm tù nhiều
năm ở VN và do can thiệp của chính quyền Hoa kì nên đang sinh sống và hoạt động
tại Mĩ.[15]
Việc Obama gặp riêng nhân vật đối lập trước khi tiếp Nguyễn Phú Trọng đã như
cái tát tai với Tổng bí thư chế độ toàn trị. Nhưng trong cuộc hội đàm với Obama
ông Trọng vẫn phủ nhận tình trạng chà đạp nhân quyền ở VN. Trong cuộc họp báo
tại tòa Bạch ốc Nguyễn Phú Trọng vẫn ngụy biện và ngoan cố cho rằng, chế độ
toàn trị „chỉ xử
lí vì họ vi phạm pháp luật“, xác
nhận “nhận
thức hai bên còn khác nhau” và kêu
gọi Mĩ , “những
khác biệt không nên cản trở hợp tác”!
Tuy nhiên trong Thông cáo
chung Việt-Mĩ “Tuyên bố về tầm nhìn chung
VN-Hoa kì” chủ đề tình hình nhân quyền ở VN đã chiếm một phần rất quan
trọng và nêu ra những điểm rất rõ đòi hỏi chế độ toàn trị ở VN phải tôn trọng.
Từ những điều tổng quát về nhân quyền với mọi công dân, còn nhấn mạnh tới cả “bao gồm cả những thành viên của các nhóm dễ bị tổn thương,
không phân biệt giới, chủng tộc, tôn giáo” –tức là chế độ toàn trị phải tôn trọng tự do thành lập và
hoạt động của các tổ chức dân sự. Ngoài ra còn nhấn mạnh tới đòi hỏi
chế độ toàn trị phải thực sự tôn trọng và thực hiện triệt để các Công ước Quốc
tế về Nhân quyền, như Công ước về chống Tra tấn:
„Hai nước hứa hẹn tiếp tục ủng hộ việc thúc
đẩy và bảo vệ quyền con người và ủng hộ việc duy trì đối thoại tích cực, thẳng
thắn và xây dựng về quyền con người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp
khác biệt.
Hai nước khuyến khích sự hợp tác hơn nữa nhằm
bảo đảm rằng mọi người, bao gồm cả những thành viên của các nhóm dễ bị tổn
thương, không phân biệt giới, chủng tộc, tôn giáo hoặc khuynh hướng giới tính,
bao gồm cả người tàn tật, được hưởng đầy đủ các quyền con người.
Hoa Kỳ hoan nghênh những nỗ lực hiện nay của
Việt Nam hài hòa hóa luật với Hiến pháp năm 2013 và các cam kết quốc tế mà Việt
Nam thực hiện nhằm phát triển toàn diện đất nước, kể cả trong việc thúc đẩy và
bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản.
Hoa Kỳ hoan nghênh việc Việt Nam phê chuẩn
Công ước về chống Tra tấn và các Hình thức Đối xử hoặc Trừng phạt Tàn bạo, Vô
nhân đạo hoặc Hạ nhục Con người và Công ước về Quyền của Người Khuyết tật, và
hai nước mong muốn thúc đẩy hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực này.“ [16]
Ngoài ra, trước khi gặp Nguyễn
Phú Trọng, Thượng nghị sĩ McCain, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Hoa kì,
cũng đã ra thông cáo và nhấn mạnh đặc biệt về nhân quyền ở VN, nhưng báo chí
chế độ toàn trị đã không dám phổ biến:
"Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ xã hội dân
sự ở Việt Nam, bao gồm việc ủng hộ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và
quyền của người lao động, như một phần của mối quan hệ giữa hai nước. Chính
quyền Việt Nam gần đây đã tiến một bước khiêm tốn nhưng đáng cổ vũ trong việc
cải thiện tình hình nhân quyền, và Hoa Kỳ phải tiếp tục hỗ trợ tất cả các công
dân Việt Nam - những người tìm cách xây dựng bằng những phương thức hòa bình
một quốc gia giàu và mạnh, tôn trọng quyền con người và pháp trị..." [17]
Nếu trong „Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ“ đã dành một phần rất dài nói về chủ đề nhân quyền ở
VN thì việc Hà nội yêu cầu Mĩ sớm hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương lại chỉ
ghi rất vắn tắt trong một câu:
„Việt Nam và Hoa Kỳ tái khẳng định tiếp tục
hợp tác song phương trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, như đã được đề cập
trong Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ.“[18]
Vì thế có thể hiểu là,
việc hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho VN tùy thuộc chính liệu chế độ
toàn trị có chấm dứt đàn áp nhân quyền hay không. Vì ở Hoa kì hành pháp không
thể qua mặt lập pháp. Lưỡng viện và dư luận Hoa kì không thể làm ngơ việc dùng
súng đạn, thiết giáp Mĩ bắn giết những người đấu tranh dân chủ theo tinh thần
bất bạo động ở VN.
Một điểm duy nhất có sự
đồng thuận của hai bên là tình hình biển Đông. TT Obama và Tổng bí thư Nguyễn
Phú Trọng đã xác nhận tình hình biển Đông đang căng thẳng đến mức độ nguy hiểm.
Tuy không nêu tên trực tiếp Trung quốc, nhưng cả hai bên đã yêu cầu nhà cầm
quyền Bắc kinh phải xuống thang, nhìn nhận những nguyên tắc về luật biển quốc
tế, tôn trọng đường hàng hải quốc tế và phải thảo luận với các nước trong khu
vực và các quốc gia có quyền lợi thiết thực để đảm bảo hòa bình trên biển Đông.
Việc này xác nhận là, việc gởi gấm “niềm tin” vào Bắc kinh từ Nguyễn Phú Trọng
tới Nguyễn Tấn Dũng trong những năm qua hoàn toàn là không tưởng, cũng như phải nhìn nhận chủ trương chỉ muốn đàm
phán song phương với Bắc kinh và bác bỏ quốc tế hóa tranh chấp biển Đông của
nhóm cầm đầu CSVN từ bao năm qua đã thất bại và phá sản!:
„Hai nước bày tỏ quan ngại về những diễn biến
gần đây ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và đe dọa làm
phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định.
Hai nước nhấn mạnh sự cần thiết đề cao các quyền tự do hàng
hải và hàng không được quốc tế công nhận; thương mại hợp pháp không hạn chế, an
ninh và an toàn hàng hải; kiềm chế những hành động làm gia tăng căng thẳng; bảo
đảm tất cả các hành động và hoạt động phải phù hợp với luật pháp quốc tế; phản
đối việc ép buộc, hăm dọa, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Hai nước ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh
chấp theo luật pháp quốc tế, kể cả như đã được thể hiện trong Công ước của Liên
Hợp Quốc về Luật Biển ngày 10-12-1982 (UNCLOS), và thừa nhận tầm quan trọng của
việc thực hiện đầy đủ toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC),
đồng thời ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển
Đông (COC).“[19]
Nói tóm lại, ngoài vấn đề
biển Đông, quan điểm giữa Obama và Nguyễn Phú Trọng rất khác biệt trên những
điểm chính. Đặc biệt những vấn đề này lại liên quan trực tiếp chính trị, kinh
tế của VN hiện nay và tương lai. Nguyễn Phú Trọng muốn sang Mĩ ngủ chung giường với Obama,
nhưng rõ ràng là đồng sàng dị mộng!
Nguyễn Phú Trọng cố tình
lấp liếm những thất bại trong việc thuyết phục Obama trong các vấn đề quan
trọng trên. Nhưng ông đã tìm cách đề cao việc tiếp người cầm đầu ĐCSVN của TT
Obama là sự ”tôn
trọng thể chế chính trị“, tức là „thừa nhận vai trò lãnh đạo của ĐCSVN.“[20] Nguyễn Phú Trọng và phe bảo thủ
giáo điều cố tình thổi phồng điều này trước dư luận là chính họ mới những người
đang ra tay bảo vệ cho chế độ toàn trị, chứ không phải Nguyễn Tấn Dũng và phe
nhóm lợi ích. Từ
nay tới Đại hội 12 họ sẽ còn đề cao mạnh mẽ „thắng lợi“ này theo ý đồ mượn gió
bẻ măng để áp đảo tinh thần, chia rẽ nội bộ để cắt vây cánh của phe nhóm lợi
ích đứng đầu là Nguyễn Tấn Dũng.
Nhưng nếu bình tâm và
nghiêm túc cân nhắc thì đây chỉ là lí luận vơ vào, nói lấy được vì nhiều lẽ. Về mặt công pháp quốc tế, khi các nước lập quan hệ ngoại
giao với nhau là mặc nhiên nhìn nhận thể chế chính trị HIỆN TẠI của hai bên. Về
thực tế, VN và Hoa kì thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau từ 20 năm. Các TT
Mĩ Clinton và Bush đã thăm chính thức VN và đã từng gặp các Tổng bí thư Lê Khả
Phiêu và Nông Đức Mạnh, các Chủ tịch
nước Nguyễn Minh TriếtT, Trương Tấn Sang và các Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyễn
Tấn Dũng cũng đã tới Mĩ. Những sự kiện này cho thấy không phải qua chuyến đi
của Nguyễn Phú Trọng thì Mĩ mới nhìn nhận chế độ chính trị hiện hành ở VN, mà
đã từ 20 năm.
Vì vậy, việc
cố tình thổi phồng trên đây của Nguyễn Phú Trọng và báo chí lề đảng chỉ mới là
nửa sự thật. Nửa sự thật kia họ không dám nói tới, đó là khi hai bên đặt quan
hệ toàn diện trên mọi mặt thì mỗi bên đều có quyền đặt liên hệ dân sự với công
dân và các đoàn thể của nước liên hệ. Trong tương quan hai chiều và đa diện này
thì chế độ chính trị-kinh tế nào có sức thuyết phục cao hơn, mạnh hơn, được
nhân dân nước liên hệ yêu mến, tin tưởng thì sớm muộn sẽ dẫn tới thay đổi thể
chế chính trị. Dù chế độ toàn trị có hù dọa „tự
diễn biến, tự chuyển hóa“. Đây là sự thực và qui luật của chính trị từ cổ
chí kim, từ đông sang tây, rõ ràng nhất là những chuyển hóa chế độ chính trị
một cách hòa bình từ toàn trị sang Dân chủ đa nguyên ở các nước Đông Âu hơn hai
thập niên trước đây!
Suốt thời gian
trước-trong và sau chuyến đi Mĩ các hình ảnh và tường thuật đã tràn ngập báo
chí của chế độ. Các bài nói xấu Hoa kì không còn, chỉ thấy những hình ảnh và
những bài tường thuật các cuộc gặp Nguyễn Phú Trọng với Obama, đại diện lưỡng
viện, các doanh nhân Hoa kì, các học viện nghiên cứu….Lúc đầu tờ điện tử Chính
phủ dưới quyền Nguyễn Tấn Dũng chỉ đăng rải rác một số bài, nhưng các ngày tiếp
theo cũng phải đăng nhiều hơn.
Thâm ý trước
mắt của Nguyễn Phú Trọng cho chuyến đi Mĩ là nhằm ý đồ thực hiện âm mưu đồng
sàng dị mộng để mượn gió bẻ măng nhằm cứu phe bảo thủ giáo điều đang đứng trước
trận cuồng phong chính trị do phe nhóm lợi ích thổi lên ngay trước Đại hội 12!
Như vậy đây chỉ là giải pháp tình thế.
Những
sự kiện mới đáng chú ý sau chuyến đi Hoa kì của Nguyễn Phú Trọng
Vừa trở lại được vài hôm,
ngày 16.7 Nguyễn Phú Trọng đột ngột chủ trì „Hội nghị Cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện
Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh,
trật tự trong tình hình mới“, trong đó tự đề cao kết quả chuyến đi Hoa
kì của ông. Nhưng tham dự chỉ có Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và Lê Hồng
Anh, không thấy Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Sinh Hùng. Kết thúc hội nghị này ông
Trọng đã “phân
tích, làm sáng tỏ một số diễn biến cơ bản của tình hình trong nước và thế giới”
và khẳng định:
“Đây là một Hội nghị rất quan trọng và cần thiết, được tổ chức do
đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ công tác bảo vệ an ninh, trật tự trong tình
hình mới. Vấn đề mấu chốt là phải quán triệt sâu sắc và chỉ đạo tổ chức thực
hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp mà Chỉ thị của Bộ Chính trị đã đề
ra.“[21]
Tại sao bảo là „rất quan trọng và
cần thiết, được tổ chức do đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ công tác bảo vệ an
ninh, trật tự trong tình hình mới”, nhưng
Nguyễn Tấn Dũng, người cầm đầu chính phủ lại không có mặt? Có phải Nguyễn Phú Trọng đang tìm cách mượn
gió bẻ măng sau chuyến đi Hoa kì bằng cách triệu tập các cán bộ cao cấp toàn
đảng để áp đảo tâm lí, lung lạc tinh thần, tạo lợi thế cho phe bảo thủ giáo
điều trong vài tháng cuối trước Đại hội 12?
Hội nghị này diễn ra cùng
ngày khi Phó thủ tướng Trung quốc Trương Cao Lệ, người đứng thứ năm trong số
các ủy viên thường trực Bộ chính trị và vây cánh của Tổng bí thư và Chủ tịch
nước Tập Cận Bình và cùng lúc tình hình biên giới VN-Kambodscha đang rất căng
thẳng. Khi tiếp họ Trương Nguyễn Tấn Dũng đã nói:
“Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, quan hệ Việt-Trung là
quan hệ rất đặc biệt, Việt Nam luôn ghi
nhớ và kiên định giữ gìn tình hữu nghị vừa là đồng chí vừa
là anh em giữa Việt Nam và Trung Quốc.” [22]
Trong buổi hội kiến này
Trương Cao Lệ cho biết là, Tập Cận Bình được mời sang VN và đổi lại ông Lệ nói
là Bắc kinh „mời
Nguyễn Tấn Dũng sớm sang thăm Trung quốc“.[23] Nhưng trong
bản tin nói về cuộc tiếp Trương Cao Lệ của Nguyễn Phú Trọng, sau khi gặp Nguyễn
Tấn Dũng, thì không thấy ông Trọng ngỏ lời mời Tập Cận Bình.[24]
Các sự kiện này để lộ những dấu hiệu không bình thường
giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng cũng như giữa Hà nội và Bắc kinh. Về nghi lễ ngoại giao giữa hai ĐCSVN
và Trung quốc, mời cấp nào thì người đứng đầu cấp đó đứng ra chính thức mời.
Nghĩa là mời Tập Cận Bình thăm thì chỉ Nguyễn Phú Trọng mới được làm việc này,
chứ không phải là Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng tại sao ông
Dũng đã qua mặt ông Trọng để đứng ra mời Tập Cận Bình? Mặt khác nữa là tại sao
nhóm cầm đầu Bắc kinh lại chỉ mời Nguyễn Tấn Dũng và mong ông ta sớm thăm Trung
quốc? Bắc kinh muốn vực Nguyễn Tấn Dũng
để trả đũa Nguyễn Phú Trọng gặp Obama? Rõ ràng đây là chủ ý gây chia rẽ và phân
hóa ngay trong nhóm cầm đầu CSVN, đặc biệt giữa giữa hai đối thủ Nguyễn Phú
Trọng và Nguyễn Tấn Dũng, ngay thời gian trước Đại hội 12, việc này có lơi cho Bắc
kinh trong chính sách chia để trị.
Dấu hiệu nữa là, trong
khi Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa kì thì tình hình biên giới VN-Kambodscha rất căng
thẳng, người dân Kambodscha đã biểu tình ở biên giới, quân đội hai bên đã được
báo động. Không những thế Bắc kinh còn mời hai bộ trưởng Quốc phòng Kambodscha
và Lào thăm. [25] Bắc
kinh hỗ trợ tài chính để Lào xây đường cao tốc từ biên giới Trung quốc xuống
phía nam Lào, đồng thời Lào sẽ tiếp tục thực hiện dự án thủy điện trên sông Cửu
long, một việc CSVN đã nhiều lần ngăn cản. Tất cả những sự kiện này cho thấy, Bắc
kinh đang chiếm sân sau của CSVN là Lào và Kambodscha và còn sử dụng hai nước
này trở thành đối thủ của VN. Đây là thủ đoạn răn đe, chia để trị của Bắc kinh
với Hà nội từ trước tới nay. Chính vì vậy Nguyễn Phú Trọng vẫn không dám dứt
khoát với Bắc kinh. Thật vậy, tướng Nguyễn Chí Vịnh, từng tháp tùng ông Trọng
sang Mĩ, ngày 28.7 khi dự kỉ niệm 88 năm thành lập Quân đội giải phóng Trung
quốc tại sứ quán Trung quốc ở Hà nội đã „khẳng định quan hệ Việt Trung không bao giờ thay đổi và Trung quốc
luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Đảng.“ [26]
Tín hiệu khác rất đáng
lưu ý liên quan tới bệnh tình của tướng Phùng Quang Thanh, ủy viên Bộ chính trị
và bộ trưởng Quốc phòng. Bộ quốc phòng là một cơ quan công quyền quan trọng,
nên các tin tức liên quan tới sức khỏe của người đứng đầu bộ phải được thông
tin chính xác và kịp thời. Đây là cách ứng xử trong các xã hội Dân chủ đa
nguyên. Chính Nguyễn Tấn Dũng đã từng tuyên bố trong thời đại internet không
thể dấu dư luận được, mà cần thông tin minh bạch. Bộ Quốc phòng dưới quyền trực
tiếp của Thủ tướng, nhưng suốt trong gần một tháng Phùng Quang Thanh chữa bệnh
ở Paris các tin về sự vắng mặt và chữa bệnh của ông rất hiếm hoi, không rõ ràng
và nhiều khi trái ngược nhau. Đặc biệt nữa là trong suốt thời gian 4 tuần Phùng
Quang Thanh vắng mặt, tờ QĐND không đưa tin nào về tình hình chữa bệnh của
người cầm đầu quân đội. Đáng chú ý nữa là, khi ông Thanh trở lại VN thì Nguyễn
Phú Trọng và Trương Tấn Sang đã điện thoại thăm hỏi và sau đó còn gặp riêng.
Trong khi ấy Nguyễn Tấn Dũng lại hoàn toàn im lặng với Phùng Quang Thanh, không
điện thoại hay thăm người đứng đầu bộ Quốc phòng của chính phủ mình. Chuyện gì
đang xẩy ra giữa hai ông Dũng và Thanh, cũng như giữa các phe trong quân đội?
Nó có liên hệ gì tới chuyến đi Mĩ của Nguyễn Phú Trọng và cuộc đấu đá sống chết
giữa các phe trước Đại hội 12?[27]
Con
đường của chúng ta, những người dân chủ hãy vững bước tiến lên!
Bộ máy tuyên truyền khổng
lồ đang tô son, vẽ rồng cho Nguyễn Phú Trọng sau „chuyến đi lịch sử“. Trong đó Nguyễn Phú Trọng làm bộ kiêu hãnh chạy vào
Tòa bạch ốc, chui lên giường của TT Obama để thực hiện mưu kế đồng sàng dị mộng
với hai mục tiêu chính:
1.
Trước mắt tìm cách chia rẽ, cô lập và ngăn
chặn các nhóm lợi ích trong Trung ương đảng đứng đầu là Nguyễn Tấn Dũng để
giành lại thế thượng phong cho phe bảo thủ giáo điều trong Đại hội 12 sắp tới.
2.
Về dài hạn cố gắng kéo dài chế độ toàn
trị, tiếp tục đàn áp nhân dân, giành độc quyền cho các Doanh nghiệp nhà nước và
vẫn cúi đầu thần phục bá quyền Bắc kinh.
Âm mưu mượn gió bẻ măng
này chẳng che dấu được ai. Vì đa số nhân dân, đi đầu là thanh niên, chuyên
viên, trí thức, các văn nghệ sĩ, kể cả các đảng viên tiến bộ đều đã thấy rất
rõ. Việc phải thân hành sang Hoa kì cầu thân với „tư
bản“ và „đế quốc“, dù chỉ là nhất thời, nhưng qua đó Nguyễn Phú Trọng đã phải
thừa nhận: 1. Chính sách cúi đầu trước bá quyền Bắc kinh đã sai lầm và thất bại
ê chề. 2. Mô hình cấu trúc hệ thống XHCN từ A tới Z với chủ thuyết Marx-Lenin
đã bị phá sản toàn bộ: Từ chế độ đảng trị, đất đai là sở hữu công, Kinh tế nhà
nước được ưu đãi, tới thủ tiêu các quyền tự do
dân chủ và đàn áp những người khác chính kiến. 3. Chính các chủ trương sai lầm
và lạc hậu này sau 70 năm cai trị đã đẩy đất nước tụt hậu, nghèo đói, thua kém
so với nhiều nước trong khu vực, biến xã hội VN thành “CNTB lợi ích”, “CNTB bè phái”, “CNTB bè cánh”, “CNTB lũng đoạn”… của thời tư bản rừng rú, cá lớn nuốt cá bé,
biến đảng thành các ổ nuôi bọn quan tham và nay chúng đang kết tụ với nhau đục
khoét công quĩ và tài nguyên…
Từ nhiều năm qua thanh niên, nhân sĩ, trí thức dân chủ
và đảng viên tiên bộ đã cảnh báo nhóm cầm đầu toàn trị, nhưng đã không được lưu
tâm trái lại còn bị xuyên tác và tù tội!
Từ nay tới Đại hội 12 hai
phe bảo thủ giáo điều và các nhóm lợi ích sẽ còn tung nhiều đòn đánh phá tàn
bạo lẫn nhau để giành thượng phong cho phe mình. Nhưng cũng có thể lại phải
thỏa hiệp lười biếng với nhau để chia ghế giữ quyền như trong Đại hội 11. [28]
Trước hào nhoáng sau chuyến thăm Hoa kì của Nguyễn Phú
Trọng, nhóm cầm đầu bảo thủ đang hô hoán là đã được Mĩ ủng hộ và muốn âm mưu
tái lập thủ đoạn đàn áp phong trào dân chủ và những người khác chính kiến, như
các thủ đoạn tiêu giệt các đoàn thể và lãnh tụ không CS thời kì 45-46. Tuy
nhiên khả năng này không còn lớn và không còn hiệu nghiệm nữa vì nhiều lẽ.
Trước đây họ vừa cướp được chính quyền nên dân còn tin, còn kì vọng, chưa biết
những người cầm đầu CS thực sự là ai, chủ trương và chính sách như thế nào.
Nhưng nay sau 70 năm độc quyền cai trị và 40 năm thống trị cả nước thì qua bao
nhiêu triệu nạn nhân, đất nước vừa độc tài vừa tụt hậu, chủ quyền đang bị đe
dọa nghiêm trọng, trong khi ấy bọn quan đỏ tham nhũng bung ra như rươi, bọn
tham quan „ăn
không chừa một thứ gì“.
Vì thế nay nhân dân từ
Bắc chí Nam đã thấy rất rõ bộ mặt thực giả nhân giả nghĩa, suy thoái đạo đức
cùng cực, bất tài vô đức nhưng vẫn muốn kéo dài độc quyền của cả hai phe bảo
thủ giáo điều cũng như các nhóm lợi ích. Mất uy tín ở trong nước, sự tan dã của
Liên xô và thế giới CS đang làm băng hoại uy thế của chế độ toàn trị. Trong
thời đại toàn cầu hóa và kỉ nguyên thông tin điện tử làm cho các nước, các khu
vực gần nhau hơn, tùy thuộc nhau hơn, các thông tin được truyền tải chỉ trong
vài giây tới hàng triệu triệu người, nó có khả năng làm tê liệt toàn bộ hệ
thống tuyền truyền lừa bịp của các chế độ độc tài. Hiện nay tất cả những sức
mạnh này, cả trong nước lẫn quốc tế, đang hội tụ với nhau trở thành những sức
mạnh cả tư tưởng lẫn vật chất áp lực ngày càng mạnh lên chế độ toàn trị. Sức ép
này đang đưa đến những phân hóa ngày càng sâu sắc ngay trong Trung ương đảng và
Bộ chính trị. Thậm chí nay cả đến người cầm đầu phe bảo thủ giáo điều Nguyễn
Phú Trọng cũng phải từ bỏ tất cả những ngôn từ của của Marx-Lenin trong cuộc
hội đàm với TT Obam và các cuộc tiếp xúc với các đại diện lưỡng viện, các cơ
quan nghiên cứu và các giới đầu tư!
Chính vì thế không thể chỉ có sự chọn lựa giữa phe bảo thủ giáo
điều hay bè cánh tham nhũng. Làm như thế có khác nào phải chọn giữa thổ tả và
kiết lị, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa!
Những người dân chủ cần
chủ động, tích cực đấu tranh và liên kết với nhau. Khi chế độ toàn trị gây ra
những sai lầm, những tội ác với nhân dân thì phải cương quyết và có phương pháp
hữu hiệu để nhân dân đứng lên xé rào. Sức mạnh của nhân dân được tổ chức tốt
cùng với sự hậu thuẫn của các giới ở trong nước, kể cả các đảng viên tiến bộ,
kết hợp với sự ủng hộ mạnh mẽ của thế giới sẽ làm cho bạo lực của công an mật vụ
trở thành vô hiệu! Từ đó mở rộng phong trào đấu tranh đi lên!
Tỉnh táo, sáng suốt và có
tầm nhìn thích hợp, cương quyết giữ vững phương pháp đấu tranh phi bạo lực,
chúng ta sẽ tạo được sư tin tưởng của nhân dân, tham gia nhiệt tình của thanh
niên, thuyết phục được cả những đảng viên tiến bộ và nhận được cảm tình cũng
như sự giúp đỡ tận tình của các nước dân chủ. Cương quyết tố cáo trước nhân dân
VN, dư luận Mĩ và quốc tế và bẻ gẫy mưu kế đồng sàng dị mộng, già vờ hòa với Mĩ
để cứu phe bảo thủ giáo điều. Cương quyết đấu tranh bền bỉ và sáng suốt để đưa
đất nước thật sự tiến vào quĩ đạo Dân chủ đa nguyên. Đó là phương hướng đúng
đắn, thích hợp với lương tri và tầm nhìn của thời đại để chấm dứt độc tài toàn
trị và kiến tạo một chế độ Dân chủ đa nguyên thực sự và bền vững. Đây là tiếng
gọi của lương tâm và khát vọng của trí tuệ đối với tất cả các tầng lớp nhân
dân, đi đầu là thanh niên, chuyên viên, trí thức, văn nghệ sĩ và những người
cầm bút chân chính, kể cả những đảng viên tiến bộ!
Chế độ chính trị giữa Hoa
kì và VN hiện nay hoàn toàn khác biệt, hệ thống giá trị của xã hội hai nước
hoàn toàn khác nhau. Hoa kì là một chế độ Dân chủ đa nguyên tiên tiến, các
quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập với nhau; thượng tôn luật pháp,
ngay cả Tổng thống cũng có thể bị Quốc hội truất phế nếu vi phạm pháp luật; chế
độ Kinh tế thị trường đặt căn bản trên qui luật cạnh tranh lành mạnh; các quyền
tự do dân chủ căn bản của công dân cũng như các đoàn thể được vinh danh và tôn
trọng; báo chí hay quyền thứ tư ở Hoa kì không chỉ được tự do hoạt động mà
thường xuyên trở thành những mũi nhọn bảo vệ dân chủ tự do, những cai gai đối
với những lạm dụng quyền lực. Trong „Tuyên bố về tầm nhìn chung VN và Hoa kì“ phần về
thực thi nhân quyền, phía Hoa kì không chỉ đòi CSVN phải tôn trọng quyền cho
các công dân mà còn cho cả các tổ chức dân sự…
Đồng sàng dị mộng, giả vờ
chung chạ thì không thể tồn tại lâu dài được. Những người dân chủ cần biết đấu
tranh hữu hiệu để bẻ gẫy mưu kế chỉ muốn hòa tạm thời và giả vờ với Hoa kì. Các
giới dân chủ trong nước cần nắm vai trò chủ động, liên kết với các cộng đồng VN
ở nước ngoài và hợp tác với chính giới và các tổ chức dân sự ở Mĩ, EU và các
nước dân chủ để từng bước chuyển đổi VN từ độc tài sang dân chủ, thiết lập liên
minh toàn diện và lâu dài với Hoa kì; như Nhật, Nam Hàn, Đức…đã thực hiện rất thành công.
Nếu bảo là chuyến đi Hoa
kì của Nguyễn Phú Trọng không phải là đồng sàng dị mộng, mà là thực tình dứt
khóa muốn cắt dây thừng thòng lọng cổ của Bắc kinh và muốn thực hiện dân chủ thực sự… thì Nguyễn
Phú Trọng chỉ cần chứng minh rất đơn giản một số việc nó nằm trong tầm tay
quyền lực Tổng bí thư của ông. Đó là 1.
Trả tự do tất cả các tù chính trị và tôn giáo. 2. Bỏ Điều 4 Hiến
pháp
2013. 3. Chấm dứt ngay sự độc quyền
của hệ thống Kinh tế nhà nước. 4.
Ban bố ngay luật biểu tình. 5. Đình
chỉ hợp tác chiến lược toàn diện với Bắc kinh.
Đây là 5 lãnh vực thể hiện cao độ tính dân chủ và tiến bộ của thời đại, giải quyết
được nguy cơ Bắc thuộc và chuyển đất nước thực sự vào kỉ nguyên dân chủ, văn
minh, độc lập và phú cường. Một số việc trên phải làm ngay, một số việc phải thực
hiện chậm nhất là Đại hội 12 vào đầu 2016. Cho nên nếu thực hiện nghiêm túc và
thành thực 5 điểm nêu trên thì ĐCS sẽ biến thành một chính đảng dân chủ tiến bộ
và chính quyền cũng thành dân chủ. Còn vẫn cứ khư giữ nó thì tự chứng minh là
độc tài bảo thủ và phản động! Nhân dân ta đã chờ đợi và chịu đựng quá lâu, quyết
không nghe hứa xuông mãi nữa!
1.8.2015
[1] . Cộng sản điện tử (CS) 16.7, http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/Media/Media.aspx?cm_id=5827&type=1&co_id=0
[2] . Vương Văn Bắc, Lịch sử chính trị VN hiện đại, Viện Đại
hội Đà lạt, 1966; Vụ án án Ôn Như Hầu: https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_%C3%A1n_ph%E1%BB%91_%C3%94n_Nh%C6%B0_H%E1%BA%A7u
[3] . Cùng tác giả, Vấn đề không phải đi thăm hay
không:Nhưng chính là, đi chỉ để thỏa mãn tự ái cá nhân hão, hay để phục vụ
quyền lợi dân tộc? http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2015/adt203.htm
[4] . Cùng tác giả, Đặt lại những vấn đề căn bản của
quyền lực ở VN hiện nay:Quyền lực phát ra từ nòng súng! http: //www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2014/adt209.htm
[5] . Xem các bài và hình ảnh của ngay báo chí lề đảng về
tư gia Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu vàLKP,Trần Văn Truyền
[6] . Vũ Ngọc Hoàng, lợi ích nhóm: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30257&cn_id=715823
[8] . Cùng tác giả, hai năm làm Tổng bí
thư Nguyễn Phú Trọng đang đưa chế độ và đất nước đi về đâu? Phần I-III , http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2013/adt3.htm
[9] . Cùng tác giả, Hội nghị trung ương 10: http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2015/adt211.htm
[10] . BBC25.6.15
[11] . Thông báo Hội nghị trung ương 11, Chính phủ (CP)
7.5
[12] . Cùng tác giả, (http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2015/adt203.htm#_ednref8)
[13] . Cùng tác giả, Trái táo rơi không thể xa cây táo,
chuyến đi Bắc kinh của Nguyễn Phú Trọng: http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2015/adt184.htm
[14] . “Tuyên bố về tầm nhìn chung VN-Hoa kì” http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30257&cn_id=722377;
https://www.youtube.com/watch?v=2d-mlrie_k
[15] . TT Obama gặp Điếu Cày: (http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/blogger-dieucay-met-us-president-obama-05012015113334.html)
[18] . tt 14
[20] . Phạm Bình Minh, 20 năm qhe VN-Hoa kì, chặng đường
ngắn, bước đi dài, TCCS 11.7; VN Net (VNN)
23.7.
Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ
& Phát triển điện tử:
Email: dcvapt@gmail.com