Carlyle A. Thayer “Vietnam’s China factor” Biên dịch: Lê Hồng Hiệp
Đảng Cộng ản Việt Nam (ĐCSVN) dự kiến sẽ tổ chức đại hội Đảng toàn quốc tiếp theo vào đầu năm 2016. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy Đảng chưa đạt được đồng thuận về một số vấn đề, trong đó có vấn đề Biển Đông, quan hệ với Trung Quốc và việc lựa chọn lãnh đạo tương lai của Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến việc hoãn tổ chức Đại hội sang một thời điểm muộn hơn.
Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc cứ năm năm một lần. Một đại hội điển hình thường kéo dài năm ngày với sự tham dự của khoảng 1.400 đại biểu đại diện cho 63 đơn vị hành chính của Việt Nam (58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc Trung ương), các tổ chức đảng trong chính phủ trung ương, và Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Một đại hội Đảng toàn quốc có năm nhiệm vụ chính: thông qua Báo cáo chính trị của Tổng Bí thư, phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong 5 và 10 năm tới (2016-2025), sửa đổi Cương lĩnh và Điều lệ Đảng, và quan trọng nhất là bầu Ban chấp hành Trung ương mới.
Năm nay một quy tắc mới đã được đưa ra nhằm cắt giảm quyền của các đại biểu trong việc lựa chọn các thành viên của Ban chấp hành Trung ương mới. Trong quá khứ, các đại biểu dự đại hội được đề cử trực tiếp tại đại hội các ứng viên bổ sung cho Ban chấp hành Trung ương mới bên cạnh danh sách chính thức được phê duyệt bởi các lãnh đạo cấp cao của Đảng. Tại đại hội đảng gần đây nhất, một vài người được đề cử bởi các đại biểu tại Đại hội đã được bầu vào Ban chấp hành Trung ương.
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 12, tất cả các ứng cử viên cho Ban chấp hành Trung ương mới đều phải được chấp thuận bởi Ban chấp hành Trung ương hiện tại trước khi tên của họ được điền lên lá phiếu. Vào ngày cuối cùng của Đại hội, Ban chấp hành Trung ương mới sẽ tổ chức cuộc họp toàn thể đầu tiên và bầu Bộ Chính trị mới, rồi sau đó bầu một trong các thành viên Bộ Chính trị làm Tổng Bí thư.
Theo Điều lệ Đảng, Ban chấp hành Trung ương phải họp ít nhất hai lần một năm, nhưng đôi khi Ban chấp hành họp thường xuyên hơn. Tuy nhiên, trong năm 2014, Ban chấp hành Trung ương chỉ họp một lần. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ sâu sắc về chính sách Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc theo sau cuộc khủng hoảng xuất phát từ việc Bắc Kinh triển khai một giàn khoan khổng lồ tại vùng biển tranh chấp từ tháng 5 tới tháng 7.
Việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 12 cũng diễn ra rất lặng lẽ so với 8 đại hội trước được tổ chức kể từ khi thống nhất đất nước. Các phương tiện truyền thông Việt Nam đã vô cùng yên lặng, và chỉ xuất hiện các báo cáo xác nhận rằng các khâu chuẩn bị cho Đại hội đang được tiến hành. Đảng cũng chưa công bố chính thức ngày tổ chức Đại hội.
Thông thường các tài liệu dự thảo chính sách như Báo cáo Chính trị và Báo cáo Phát triển Kinh tế-xã hội sẽ được lặng lẽ chuyển cho các nhóm thảo luận tập trung để bàn thảo và cho ý kiến. Sau khi được chỉnh sửa, các văn bản dự thảo chính sách sau đó sẽ được công khai cho công chúng nhận xét. Ví dụ, dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo kinh tế-xã hội mười năm cho Đại hội Đảng lần thứ 11 tổ chức vào tháng Giêng năm 2011 đã được công bố vào ngày 20 tháng 4 năm 2010, tức chín tháng trước khi diễn ra đại hội. Nếu Đại hội lần thứ 12 sẽ họp vào đầu năm tới thì Việt Nam chỉ còn bốn tháng để hoàn tất quá trình này.
Một điểm quan trọng khác là Ban chấp hành Trung ương, vốn họp lần cuối vào tháng 5 năm nay, đã thảo luận chung về thành phần của Ban chấp hành mới. Các báo cáo cho thấy các nội nghị trung ương tiếp theo sẽ được tổ chức vào tháng 10 và tháng 12. Hồi tháng 3, nguồn tin quốc phòng Việt Nam đã tiết lộ riêng với tác giả rằng bản Sách trắng Quốc phòng mới, vốn dự kiến sẽ phát hành trong năm nay, sẽ được hoãn lại cho đến sau Đại hội 12.
Điều gì giải thích cho những diễn tiến này – như sự chuẩn bị lặng lẽ một cách bất thường cho Đại hội Đảng, các thông tin hạn chế về Hội nghị trung ương 11 hồi tháng 5, và hoãn công bố Sách trắng Quốc phòng? Lời giải thích khả dĩ nhất là sự trùng hợp của hai vấn đề gây tranh cãi – yếu tố Trung Quốc (Chủ tịch/ Tổng Bí thư Tập Cận Bình được cho là sẽ thăm Hà Nội vào tháng 10 hoặc tháng 11) và việc lựa chọn ban lãnh đạo mới của Việt Nam.
Quy tắc hiện tại của Đảng không cho phép một người nắm quyền quá hai nhiệm kỳ. Quy tắc của Đảng cũng yêu cầu các quan chức nghỉ hưu ở tuổi 65. Nếu tính tới cả hai quy định thì 9 trong số 16 thành viên Bộ Chính trị hiện nay sẽ nghỉ hưu ở đại hội năm tới. Điều này có nghĩa là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nằm trong số những người sẽ phải nghỉ hưu.
Tuy nhiên, có một ngoại lệ về tuổi hưu bắt buộc trong những trường hợp đặc biệt. Hiện có nhiều tin đồn cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang tìm cách trở thành Tổng Bí thư tiếp theo và xin được miễn trừ quy định tuổi tác. Điều này là chưa từng có tiền lệ trong nền chính trị Việt Nam.
Ông Dũng sẽ mang lại các kinh nghiệm kinh tế và quốc tế chưa từng có cho vị trí Tổng Bí thư Đảng nhờ vào hai nhiệm kỳ thủ tướng của mình. Ông Dũng cũng ít khả năng sẽ để cho ý thức hệ ràng buộc tay chân của mình trong việc đối phó với Trung Quốc. Ông đã thẳng thắn bảo vệ chủ quyền Việt Nam trong cuộc khủng hoảng giàn khoan năm ngoái và nêu lên khả năng sẽ thực hiện các hành động pháp lý quốc tế chống lại Trung Quốc.
Ông Dũng nhận được sự hỗ trợ rộng rãi của các Ủy viên Trung ương nhưng Bộ Chính trị hiện nay lại đang chia rẽ sâu sắc. Không chỉ có sự ganh đua cá nhân mà còn có sự khác biệt về việc làm thế nào để quản lý mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Việt Nam dự kiến sẽ đón tiếp cả Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama vào cuối năm nay.
Dù Đại hội 12 dự kiến sẽ không làm thay đổi đáng kể chính sách chủ động hội nhập quốc tế hiện nay của Việt Nam nhưng vấn đề ban lãnh đạo tương lai của đất nước vẫn còn chưa rõ ràng.
Carlyle A. Thayer là Giáo sư hưu trí tại Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, Giám đốc Công ty tư vấn Thayer Consultancy, và là cây bút bình luận của tờ The Diplomat
Nguồn : Ngiên cứu quốc tế |
Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự - Thực thi Dân quyền - Nâng cao Dân trí - Chấn hưng Dân khí - Cải thiện Dân sinh - Xây dựng Dân chủ