Tấm biểu ngữ chưa
kịp dùng
ngày 8-5-2016
|
Sáng 8-5 tôi ra Nhà hát lớn để làm phận
sự tối thiểu của một con người đối với đồng bào mình và của một công dân trước
cơn nguy biến của đất nước.
Trời đã sang hè, chiều hôm qua nóng đến
chảy mỡ nhưng sáng nay lại mát mẻ vô cùng. Cứ theo cách nghĩ của người xưa
thì cuộc tuần hành hôm nay là thuận theo ý trời. Như lần trước, tôi gửi xe
máy dọc đường để gọi xe ôm đi chặng cuối. Dọc đường, tôi nói cho bác xe ôm đã
có tuổi việc tôi làm hôm nay, bác ấy vô cùng cảm động. “Em vẫn theo dõi hằng
ngày tin tức biển miền Trung đấy. Lo lắm, đau lắm bác ạ. Chúng em chẳng làm
được gì, có được những người như các bác là may lắm”.
|
Tôi đến lúc 8g40, “đổ bộ” luôn tại vườn hoa Nhà hát lớn. Đã có một ít người tụ tập người nhưng toàn người lạ mà tôi đoán họ là an ninh cả. Có lẽ duy nhất chỉ một phụ nữ trung niên mặc áo dài có vẻ là người đi biểu tình hay là đi dạo. Tôi đứng ở điểm gần nhất nhìn sang Nhà hát lớn, lấy máy ảnh ra chụp vài cảnh thì có viên công an mặc sắc phục đến đuổi.
Tôi
nói:
– Anh cho biết lý
do?
– Đây là khu vực
hôm nay chúng tôi làm nhiệm vụ.
– Nhiệm vụ gì?
– Anh không cần
biết!
– Không được. Đây
là công viên, là chỗ mọi người đều có quyền đến. Nếu có sự kiện gì, chính quyền
có thể sử dụng, nhưng phải chăng dây, có biển hiệu.
Anh
ta bỏ đi. Mấy phút sau lại một viên công an khác đến đuổi. Tôi nhắc lại ý trên,
anh ta nói: “Hôm nay khu vực này dùng vào khu vực bảo vệ, bác vui lòng ra đằng
kia”.
– Thế biển bảo vệ
đâu? Mà bảo vệ cái gì chứ?
– Thì cháu là cái
biển di động rồi, chả lẽ không được à?
Tôi
đi ra khỏi “khu vực bảo vệ”, tiến về phía giữa vườn hoa. Gặp anh Nguyễn Hồng
Khoái, chuyên gia tài chính, đã quen anh ở một số hội thảo. Hai anh em đang nói
chuyện thì bỗng nghe đánh “huỵch” và tiếng người chạy rầm rập phía sau. Quay lại,
tôi thấy một người vừa ngã và một người vừa bị bắt, đang bị khiêng chạy về phía
chiếc ô tô đang đỗ. (Bọn bắt người đều mặc thường phục nhưng ai cũng biết chúng
là ai). Tôi đuổi theo, kêu “Bắt người, bắt người” và lấy máy ảnh ra chụp. Một
tên giằng máy ảnh, nhưng tôi cố sức giữ được và vội quay lại chạy người bị
thương. Máu anh ấy trào ra trán thành dòng chảy xuống nhòe hết cả khuôn mặt. Tôi
lấy máy ảnh ra định bấm một cái rồi sẽ vào băng bó cho anh thì một bầy côn đồ
hàng chục tên đã xô ngay vào túm tôi lên xe. Trên đoạn đường khoảng 15 – 20m, tôi
quẫy đạp, la hét “Cướp! Cướp! Cướ…!” nhưng không có một ai hỗ trợ. Lên xe thấy
ba bốn tên to lớn mặc thường phục, mặt mày dữ tợn, quát tháo để thị uy. Tôi phản
đối những hành động vô luân vô pháp của chúng thì chúng bắt tôi phải ngồi im, nếu
không sẽ cho “biết đời”. Tôi bảo: “Tao sẵn sàng liều chết với chúng mày đấy.
Chúng mày giết được tao nhưng cả thế giới sẽ nhổ vào mặt chúng mày. Rồi sẽ có
ngày chúng mày bị quả báo”. Tên lái xe cũng tham gia chửi hôi. Hắn bảo tôi đã gây
rối trật tự công cộng còn già mồm. Tôi hỏi: “Tôi gây rối hồi nào?”. Hắn nói:
“Không gây rối sao bỗng nhiên trèo lên xe tôi?” Tôi bảo: “Thế thì ông đuổi tôi
xuống cho tôi nhờ”. Hắn cười nhăn nhở đắc chí. Thật trơ trẽn đến thế là cùng.
Khoảng 5, 6 phút sau, hai người nữa bị bắt lên. Một cháu nam thanh niên và một
phụ nữ trung niên. Tôi hỏi thì biết cháu thanh niên tên Tuyến, người Ninh Bình,
lao động tự do ở Hà Nội, còn người phụ nữ tên Thảo, người Nam Định. Cháu Tuyến
bị bắt lần đầu nhưng rất bình tĩnh. Còn cô Thảo (45 tuổi) thì bảo: “Em đụng bọn
này ở quê nhiều rồi. Ở quê em, chúng gọi em là “Thảo điên”. Cô kể lúc nãy cô đã
cúi xuống hỏi thăm nạn nhân bị ngã nói trên. Anh ấy nói rất khó khăn, chỉ nói
được một câu, rằng là người Cầu Giấy.
Điều
hòa không bật, tất cả cửa xe đóng kín mít, nóng và ngộp thở vô cùng. Tôi đề nghị
hé cửa sổ hoặc bật điều hòa nhưng chúng phớt lờ. Tôi nói tôi bị bệnh tim, thiếu
không khí có thể ngất, chúng cũng chẳng động lòng. “Đừng ác độc quá, các cháu
ơi” – tôi cố nhẹ nhàng nhưng cũng chẳng ăn
thua gì. Nhìn xuống dưới, thấy viên sỹ quan lùn mặt bớt, vẫn cái áo phông xám hôm
chủ nhật trước, đang chỉ huy bọn đàn em bắt người. Không thấy người phụ nữ mặc
áo dài đâu. Hay chính chị là người bị bắt cùng lúc chúng xô ngã người đàn ông? Còn
người đàn ông bị thương vẫn ngồi chỗ ấy, máu me bê bết, nét mặt đau đớn, không
một ai hỏi han. Cho đến hơn 9g, nghĩa là khoảng 15 phút sau khi bị ngã, mới thấy
xe cứu thương đến đưa đi. Không biết tính mạng anh giờ này ra sao. Thương quá.
Có
lệnh chuyển chúng tôi sang xe con. Đội “bảo vệ” cũng đổi. Hai tên AN mặc thường
phục, một to lớn hung dữ, một bé nhỏ nhưng mặt mũi anh ác, lúc nào cũng gườm gườm.
Viên công an mặc sắc phục ngồi ca bin từ đầu đến cuối không nói năng gì, mặc kệ
cho hai tên thường phục hành xử. Ba người chúng tôi phải ngồi hai ghế dưới, rất
chật. Tên AN to béo bắt tên nhỏ bé ngồi quay xuôi để luôn canh chừng chúng tôi.
Hắn bắt chúng tôi không được nhúc nhích, vì chỉ sợ chúng tôi lén sử dụng điện
thoại. Sau thì hai tên trấn lột luôn điện thoại, máy ảnh cho yên tâm.
Lúc
này tôi mới nhận ra cổ tôi bị đau vô cùng. Cháu Tuyến bảo: “Không khéo lúc nãy
chú bị bóp cổ rồi”. Tôi chỉ nhớ là khi bị khiêng
tôi kêu to nhưng càng về sau càng thấy đuối sức. Có lẽ chúng bóp cổ thật. Nhưng
bóp kiểu gì mà không để lại vết tích ở bên ngoài. Đau cũng là đau bên trong giống
như viêm họng cấp. Tôi lấy thuốc giảm đau ra uống nhưng cũng không đỡ được bao
nhiêu.
Về đến số 6 Quang Trung đã thấy khá đông
lực lượng sắc phục lẫn thường phục đứng chờ. Ba chúng tôi bị dẫn vào một ngôi
nhà rộng có hàng ghế xếp vòng quanh. Chắc chỗ này chuyên để nhốt tạm mỗi khi hốt
được người về. Một viên AN cao gầy, ăn nói nhỏ nhẹ ra tiếp, bảo chúng tôi ráng chờ
chút rồi sẽ “làm việc”, “làm việc” xong sớm thì được về sớm. Cô Thảo vội khen:
“Tay này được đấy”. Tôi bảo: “Không chắc đâu. Bọn này lúc cần hung thì nó hung,
lúc cần nhẹ thì nó nhẹ, biến hóa như ma ấy”. Anh ta hỏi chúng tôi có giấy tờ
tùy thân thì trình ra. Cô Thảo và cháu Tuyến lấy ra chứng minh thư. Tôi cũng lấy
ra 1 bản phô tô chứng minh thư đã thủ sẵn, vì đoán hôm nay rất dễ bị bắt, có
cái này khỏi phải “khai” nhiều.
Ở dãy ghế bên kia có 3 người, hai bà
già, một phụ nữ trung niên mà tôi đoán họ là dân oan. Người nằm, người ngồi,
dáng mỏi mệt, âu sầu. Tôi lại hỏi han. Chỉ có một bà già nhất dám xưng danh, địa
chỉ, nhưng cũng không nói là đi biểu tình hay khiếu kiện. Còn hai người kia từ
chối, không dám làm quen. Chắc là họ bị bắt lần đầu.
Ngồi khoảng nửa tiếng thì họ “làm việc”.
Tôi được ngồi luôn tại đây còn cô Thảo và cháu Tuyến bị dẫn đi phòng khác. Người
thẩm vấn tôi là viên sỹ quan “hai sao hai gạch” (sau biết thế là cấp trung tá),
tên Trần Hoài Nam, khoảng 35 tuổi. Anh ta nói nhỏ, chậm rãi, không quát tháo bặm
trợn, không mỉa mai giễu cợt như thường thấy trong trường hợp này, ở loại người
này. Kỳ thực thì lúc đầu anh ta cũng hơi hách dịch nhưng biết điều chỉnh dần
khi biết gặp đối thủ chẳng dễ bắt nạt. Bắt đầu anh ta hỏi hôm nay ra Nhà hát lớn
để làm gì. Tôi bảo trước hết anh hãy trả lời tôi vì sao tôi bị bắt về đây đã.
Anh ta bảo tôi “gây rối trật tự công cộng”. Tôi nghiêm mặt bảo: “Hừm, anh ăn
nói thế không được! Nếu tôi “gây rối trật tự công cộng” thì chứng cớ đâu, biên
bản vi phạm đâu?”. Anh ta chữa: “Tôi không ở đấy nên không biết. Chỉ đoán thế”.
Tôi tiếp: “Thứ hai, tôi hỏi, bọn người nào đã bắt tôi về đây?”
– Tôi không biết – anh ta cười.
– Không biết mà tôi lại vào được đây, một
cơ quan công an có mấy chặng gác! Loanh quanh chỉ thêm xấu hổ cho chính các
anh, anh ạ.
Rồi tôi tuyên bố: “Các anh bắt tôi kiểu
côn đồ, hoàn toàn trái pháp luật. Tôi hoàn toàn có quyền không trả lời bất cứ câu
hỏi nào. Nhưng tôi thấy cũng không cần thiết như thế. Tôi sẽ trả lời một số câu
của anh, còn lại thì tôi không trả lời, nghĩa là việc trả lời hay không trả lời
do tôi quyết định, có đồng ý thế thì tôi mới làm việc.
Anh ta đồng ý.
Sau khi xưng danh, địa chỉ chỗ ở, địa chỉ
làm việc, tôi nói luôn một lèo: “Hôm nay tôi ra Nhà hát lớn là để biểu tình. Lý
do: Biển miền Trung bị hủy hoại rất nặng và có một quá trình phát tán nguy hiểm,
bắt đầu từ Hà Tĩnh, qua Quảng Bình, Quảng Trị, nay đã đến Thừa Thiên – Huế. Điều
nguy hiểm hơn: vụ việc nghiêm trọng là vậy, thời gian đã kéo dài là vậy mà
chính phủ gần như chưa làm được gì để khống chế và ít ra để dân tạm yên lòng.
Hôm nay tôi đi biểu tình là để yêu cầu chính phủ phải nhanh chóng giải quyết và
giải quyết một cách nghiêm túc chứ không à ơi mập mờ như một số ông quan chức vừa
rồi. Đây khẩu hiệu của tôi đây. Tôi lấy trong ba lô ra tấm khẩu hiệu của tôi: Thảm họa biển miền Trung: Nhân dân chờ đợi
chính phủ quá lâu rồi! Tôi nói lại: Tôi không vi phạm gì. Tôi sẽ không ký
vào biên bản đâu”.
– Sao anh không đến trụ sở tiếp dân của
Đảng và chính phủ để đề nghị?
– Đến trụ sở là một cách, đi biểu tình
cũng là một cách, tất cả đều hợp pháp, thích chọn cách nào ấy là quyền của người
dân. Anh không thấy những nước văn minh dân rất hay đi biểu tình à? Biểu tình
giúp cho chính phủ nước họ kịp thời sửa sai. Chính vì vậy họ thịnh vượng, họ
thành cường quốc.
Anh ta cắm cúi ghi ghi chép chép. Chẳng
biết ghi những gì mà ghi rất là nhiều, cuối buổi đã gần kín 4 trang giấy khổ A4
với cỡ chữ “con kiến”của anh ta. Đến nỗi viên công an sẽ làm việc với cháu
Phương chờ để lấy chỗ cũng sốt ruột, cứ ra ra vào vào mà vẫn chưa có chỗ. Thỉnh
thoảng anh ta lại hỏi những câu lặt vặt: Nhà
anh có to không? Gia đình có mấy người, Hôm nay đi bằng phương tiện gì, Đi cùng ai?Ai rủ anh đi?… Tôi chả lạ gì
ngón nghề này. Nó có vẻ không quan trọng gì nhưng đều có chủ ý cả: hoặc là để
cài bẫy do “tiền hậu bất nhất” của mình, hoặc là để lấy thông tin có thể cần về
sau (ví dụ để bôi nhọ danh dự khi chủ của họ ra lệnh). Nếu không thế thì cũng
làm cho mình mệt. Tôi bảo những việc đó chẳng liên quan gì, tôi không trả lời
những câu vớ vẩn ấy.
Giữa chừng, họ đưa hàng loạt
người mới bị bắt về. Tôi thấy Thúy Hạnh, Lã Dũng, Nguyễn Văn Phương, Trung (Người
Hà Nội)... Chúng tôi kịp bắt tay nhau trước khi tôi bị chuyển sang phòng khác
“làm việc” tiếp. Phần sau cũng chỉ còn những câu linh tinh, tôi không trả lời
nhưng vẫn thấy anh ta ghi ghi chép chép.
Cuối buổi “làm việc”, anh ta hỏi có mất
mát tài sản gì không, tôi bảo giờ tôi cũng không dám chắc tôi có mất hay không
mất gì. “À, có mất cái mũ “kết” (mũ “lưỡi chai”) lúc lũ các anh khiêng tôi lên
xe”. Anh ta lại hỏi có đau đớn, thương tích ở đâu không thì tôi bảo cổ họng tôi
rất đau, đau một cách bất thường. Anh ta nhìn cổ tôi và bảo chả có vết tích gì.
Tôi cười chua chát: “Các anh đánh bằng đòn nhà nghề mấy khi để lại vết tích!”.
Sau cùng anh ta làm biên bản thu giữ tài
sản (máy ảnh, điện thoại). Tôi hỏi cháu Phương đang ngồi chờ đến lượt mình (cháu
có kinh nghiệm việc này hơn tôi): “Cái này mình nên ký không?”. “Không chú ạ.
Nhưng sau đó mình cứ đi đòi tài sản”.
Anh ta dẫn tôi trở lại chỗ cửa “nhà chờ”,
bàn giao cho một nữ AN mặc thường phục. Cô này giao cho mấy cậu trẻ đang canh
điểm này coi tôi. Nhìn vào trong thấy người bị bắt còn ngồi chờ “làm việc” khá
đông, cả cô Thúy Hạnh vẫn trong đó. Tôi định vào thì bị ngăn lại. Nhưng rồi tôi
thấy ở đây hoá hay. Các loại AN đi lại nhộn nhịp, nào hội ý, nào xin ý kiến chỉ
đạo trường hợp X, trường hợp Y… Tôi thấy hầu hết họ bàn giao cho công an nơi cư
trú, một chiêu mới để kìm kẹp đây. Cô AN coi tôi có vẻ sốt ruột vì chưa xin được
thỉnh thị. Bỗng một cậu to béo dáng chừng là sếp đi qua, cô ta hỏi:
– Cái ông “Dương Nội” thì thế nào?
– Bác Đào Tiến Thi chứ gì? Gọi CA Hà
Đông đến bàn giao!
Ít phút sau cô ta đưa tôi ra cổng, giao
cho một cậu. Tôi trông cậu ta quen quen mà không biết đã gặp ở đâu. Nhưng cậu
ta đã nhanh nhẩu xưng danh: “Cháu là Cường, đội trưởng an ninh Công an Hà Đông,
có lần đã đến nhà bác rồi”.
– Có phải lần cậu đi với vị đứng đầu phường
Dương Nội đến “thăm” tôi khi tôi mới chuyển về đấy ở?
– Vâng. Bác chờ tí để lấy lại máy ảnh,
điện thoại. Xong mời bác lên xe, cái xe đang đỗ ở cổng kia sẽ chở bác về tận
nhà.
– Áp tải tôi à?
– Không, đưa bác về để bác đỡ mệt thôi.
– Tử tế thế kia à! Tôi tự lo được mà.
Tôi toan từ chối nếu chỉ là “đưa” chứ
không phải “áp tải”. Nhưng thấy người “dẫn độ” tôi hóa ra là cậu Đông, công an
khu vực, người “quen” lắm, nên tôi đồng ý. Cậu Đông xuống xe chào tôi ra chiều rõ
là thân thiện. Cậu ta chạy vào lấy máy ảnh, điện thoại (sau khi họ đã “xử lý”) trao
trả tôi và mời tôi lên xe về một cách vui vẻ. Lúc này tôi mới được cầm điện thoại
để liên lạc. Thì ra con trai tôi tưởng tôi bị đưa về bên Long Biên nên đang sang
bên ấy chờ đón.
Về nhà tôi thấy cổ họng đau hơn, ăn uống
khó khăn. Có lúc khàn tiếng, nói khó. Chỉ còn cách tăng thuốc giảm đau, kháng
sinh, kháng viêm. Nửa đêm tôi lên cơn sốt. Sáng hôm sau người đau ê ẩm. Bây giờ
thấy cái cổ không chỉ đau trong mà đau cả ngoài. Xem một số clip bắt người, tôi
thấy chúng hay dùng tay kẹp cổ nên có thể tôi cũng bị như vậy chăng? Hai bên cổ
là hai “hạnh nhân” (amydal), ấn hai ngón tay còn đau nữa là bóp kẹp. Con trai
tôi bảo có thể một phần do bố kêu thét nữa. “Lần sau nó bắt thì bố cứ kệ cho nó
bắt bố ạ. Kêu thét, giãy giụa không chống lại được mà lỡ thương tích, thiệt
mình”.
Vợ tôi lo lắng, chỉ sợ chúng “điểm” vào
chỗ phạm thì không biết hậu quả thế nào. Tôi bảo chắc khỏi dần thôi, so với
hàng chục người bị đánh khác thì mình chả thấm gì. Và dù sao, nó chẳng đáng kể
gì so với cái đau tinh thần. Chợt dội về trong tôi âm hưởng lời chí sỹ Hoàng Trọng
Mậu (1874 – 1916) hơn một trăm năm trước: “Bốn
nghìn năm Tổ quốc như sư tử say ngủ mơ màng, hai mươi lăm triệu đồng bào tựa lợn
già đợi chết buồn thiu. Gọi quốc hồn, quốc hồn chưa tỉnh; nhìn thời cục thời cục
rối ren. Ai gây ra tai họa này đây, nghĩ việc cũ thêm đau lòng xót ruột. Than
ôi, nước có nhị thánh, triều đủ tứ hung[i],
xem núi sông như bùn nhơ, xem nhân dân như cỏ rác. Chim sẻ kia làm tổ trên mái
nhà có biết đâu nhà sắp cháy…”
(8 – 9/5/ 2016)
[i] Nhị thánh:
chỉ hai mẹ con Tự Đức. Tứ hung: Thời
Tự Đức có câu ca hát lưu hành trong nhân dân (theo quan niệm bây giờ thì không
đúng lắm): Nước ta có bốn anh hùng/ Tường
gian (Nguyễn Văn Tường), Viêm lão (Hoàng
Tá Viêm), Khiêm khùng (Ông Ích Khiêm), Thuyết ngu (Tôn Thất Thuyết). Theo chú
thích của Chương Thâu trong Thơ văn yêu
nước và cách mạng đầu thế kỷ XX (1900 – 1930)