12 mai 2016

Thảm họa vẫn còn nhưng truyền thông im tiếng


Gia Minh, PGĐ Ban Việt Ngữ

Sinh hoạt của người dân Cần Thơ khu vực sông Mekong hôm 11/12/2014

Thảm họa môi trường dọc ven biển các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh qua Quảng Bình, Quảng Trị, xuống đến Thừa Thiên- Huế và Đà Nẵng không còn được truyền thông chính thức của Nhà nước loan đi như cách đây hơn một tháng.




Chờ đợi công bố của cơ quan chức năng

Thảm họa môi trường cá chết hằng loạt với chừng 100 tấn tấp vào bờ và gần 70 tấn cá của người dân nuôi trong các đầm phá gần biển chết xảy ra đã hơn 1 tháng qua.

Đến nay nhiều người vẫn chờ đợi công bố nguyên nhân do Hội đồng Khoa học Quốc gia với chừng 100 nhà khoa học thuộc các ngành khác nhau được thành lập hôm đầu tháng 5 vừa qua.

Tuy nhiên theo chính những quan chức chính quyền như ông thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Vũ Văn Tám được truyền thông trong nước trích dẫn hôm 6 tháng 5 thì bộ này đã có kết luận nhưng không được công bố mà phải theo qui định của chính phủ về phát ngôn.

Sang ngày 7 tháng 5 truyền thông trong nước loan tin một số nhà khoa học Hoa Kỳ, Đức và Israel được mời tham gia tìm kiếm nguyên nhân thảm họa gây cá và thủy hải sản chết hằng loạt tại vùng biển miền Trung Việt Nam.

Sau đó có thông tin tiết lộ việc những thợ lặn địa phương xã Nhân Trạch huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình phát hiện rạn san hô lớn ở vùng biển của họ đầy xác thùy sinh vật chết bốc mùi hôi tanh và san hô cũng đã chết.

Giáo sư- Tiến sĩ Lê Đức Tố, chủ nhiệm Công trình khoa học về Công nghệ Biển phục vụ phát triển bền vũng kinh tế- xã hội của Việt Nam vào chiều ngày 9 tháng 5 có đánh giá tình hình thảm họa như sau:

“Hiện tượng cá chết hằng loạt mà cá ở vùng đáy của vùng thềm lục địa cách bờ; dưới 30 mét. Hiện tượng đó vừa rồi Bộ Tài Nguyên-Môi trường và các nhà lãnh đạo giải thích (về) hiện tượng đó là không đúng, có tính chất biện hộ.

Vì sao? Là vì người ta gắn hiện tượng này với thủy triều đỏ là không đúng với qui luật tự nhiên. Thủy triều đỏ là hiện tượng phú dưỡng do các chất dinh dưỡng ở vùng nước nào đó quá giàu làm cho vi sinh vật phát triển tạo ra vùng nước mà nhìn trền hình ảnh thì có màu đỏ và nó dồn lên một vùng nước nào đó trên bờ; và thủy triều đỏ chỉ xảy ra ở lớp nước bề mặt thôi. Còn hiện tượng này không phải thủy triểu đỏ.

Giải thích như thế là không đúng về logic khoa học. HIện tượng này chắc chắn phải do độc tố.”

Công việc cần làm

Vậy cách thức giải quyết cho thảm họa môi trường dọc theo các tỉnh miền trung Việt Nam hiện nay cần phải tiến hành ra sao?

Giáo sư- tiến sĩ Lê Đức Tố trình bày về điều này:

“Điều này phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của các nhà quản lý. Thứ nhất nhận thức của các nhà quản lý có được như chúng ta suy nghĩ hay không. Quan trọng nhất là nhận thức về nguy hại của việc đã cho phép Formosa xả thải các chất thẩy rửa của khu công nghiệp luyện thép. Đó là điều số một, đầu tiên phải ngăn chặn nguồn thải đã. Thứ hai mới bắt đầu xử lý trong phạm vi nào.

Việc xử lý sẽ chắc chắn rất tốn kém và lâu dài. Theo các nhà khoa học nước ngoài thì nếu không xử lý kịp thì hậu quả có thể kéo dài hằng chục năm.

Hiện tượng đó vừa rồi Bộ Tài Nguyên-Môi trường và các nhà lãnh đạo giải thích là không đúng, có tính chất biện hộ.
-GSTS Lê Đức Tố

Chuyện này về mặt khoa học chúng ta có thể suy nghĩ một vùng bị độc tố khiến sinh vật chết như thế nếu như ngừng thải một cách tuyệt đối thì thời gian phục hồi sẽ nhanh hơn. Còn hiện nay biện pháp gì về mặt cơ học, về mặt vật lý đối với một vùng biển rộng lớn như thế để có một giải pháp gì thì rất khó khăn, rất tốn kém. Chỉ có một điều là bây giờ phải chặn ngay nguồn xả thải đó.”

Giáo sư Nguyễn Tác An, nguyên viện trưởng Viện Hải Dương Học Nha Trang, nhắc lại ngành công nghiệp sản xuất thép cũng như một số ngành công nghiệp khác sẽ có tác động rất lớn đối với môi trường cho nên cần phải có cách thức quản lý thật giỏi thì mới có thể giảm thiểu tác hại.

“Trong phát triển công nghiệp, với những công nghiệp như công nghiệp thép mà sử dụng công nghệ lò cao, bất kỳ nhà khoa học nào cũng biết sẽ tác động môi trường rất kinh khủng. Nhưng ở đây còn có vấn đề quản lý nữa; tác động rất lớn nhưng quản lý tốt sẽ giảm thiểu. Nhiều nước khác người ta cũng phát triển (công nghiệp) nhưng ít (ô nhiễm) vì người ta quản lý giỏi thôi.”

Sau khi xảy ra thảm họa cá chết hằng loạt và ống xả thải của nhà máy thép Formosa tại khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh bị phát hiện; thì một viên chức đối ngoại của doanh nghiệp là ông Chu Xuân Phàm phát biểu rằng ‘một là chọn nhà máy, hai là chọn tôm cá.’ Điều này hàm ý đã làm công nghiệp thì phải chịu tác hại đến môi sinh.

Tuy nhiên phát biểu đó bị nhiều người phản đối. Đây cũng là quan điểm chung của nhiều giới hiện nay là không thể đánh đổi môi trường sinh thái cho tăng trưởng kinh tế. Tất cả đều nhắc lại cái giá quá lớn để khắc phục hậu quả môi trường tự nhiên khi đã bị hủy hoại.

Một số ý kiến nêu ra là cần phải đưa ‘thủ phạm’ gây thảm họa ô nhiễm môi trường tại các tỉnh ven biển miền trung hiện nay ra tòa. Điều này được giáo sư Nguyễn Tác An đồng thuận:

“Bây giờ Việt Nam là một nước hội nhập thì tất cả phải làm trên mặt bằng của luật pháp quốc tế, nhưng cũng phải theo luật pháp Việt Nam; đồng thời cũng phải theo thỏa thuận ban đầu. Giờ mình làm ăn với các nước và có thỏa thuận ban đầu (đúng sai không biết) nhưng phải chấp nhận thỏa thuận đó. Khi bắt đầu nhà máy thì có đánh giá tác động môi trường, bây giờ đưa văn bản đó ra đối chiếu lại xem vi phạm điều nào. Bất kỳ phương án nào thì cũng phải bồi thường thiệt hại cho người dân và nhà nước thực hiện, sau khi phát hiện ra ai sai thì phải trả lại cho nhà nước.”

Một bè cá nuôi ở Bình Thuận hôm 12/9/2014. AFP photo
<
Đối với một chuyên gia khoa học phục vụ phát triển bền vững như giáo sư- tiến sĩ Lê Đức Tố thì khái niệm bền vững tại Việt Nam cũng có nhiều vấn đề, ông nhận định:

“Nói bền vững là người ta nói có tính chất khẩu hiệu. Các nhà chuyên môn đưa ra phát triển bền vững nhưng các nhà quản lý không hiểu bền vững. Thứ hai nữa người dân nhận thức về điều này rất thấp. Nhiều khi người ta không nhận thức được thế nào là bền vững. Bây giờ hỏi bất kỳ nhà quản lý, nhà lãnh đạo nào bền vững là thế nào thì người ta giải thích cách mù mờ hoặc cố tình không hiều.

Có lẽ có nhiều nguyên nhân khác xô đẩy người ta phải làm mà nguyên nhân khác đó thì tôi không dám bình luận ở đây. Nhưng chúng ta tạm hiểu là người ít kiến thức, không chịu khó thu nhận thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên sách vở thì hoạt động một cách ( xin lỗi nói một cách nặng nề) là mù quáng. Hậu quả nhận phải nặng nề như thế!”

Câu chuyện Vịnh Minamata

Khi xảy ra tình trạng sinh vật biển chết hằng loạt do nước bị nhiễm độc dọc các tỉnh miền trung, nhiều người nhắc đền vụ ô nhiễm do chất thải công nghiệp đổ ra Vịnh Minamata của Nhật trước đây và cách xử lý của đơn vị bị truy nguyên gây ra thảm họa.

Tuy nhiên theo các nhà khoa học Việt Nam thì có khác biệt giữa hai vụ việc khiến cách giải quyết thảm họa cũng có điểm không như nhau.

Giáo sư Nguyễn Tác An nói về điều đó:

“Vùng bờ biển của miền trung là vùng biển mở, nạo vét hết cả Biển Đông à? Hai vụ việc có điều kiện địa lý, động lực học và hải dương học khác nhau. Đồng thời khác ở chủ đầu tư. Bên Nhật, chủ đầu tư là của người ta nên họ có chính sách nạo vét hoặc thay đổi công nghệ.

Còn ở đây Việt Nam cho người ta đầu tư vào nơi đó và chỉ kiểm soát theo luật pháp Việt Nam, còn chuyện thay đổi công nghệ… là của chủ đầu tư.”

Bất kỳ phương án nào thì cũng phải bồi thường thiệt hại cho người dân và nhà nước thực hiện, sau khi phát hiện ra ai sai thì phải trả lại cho nhà nước.
- GS Nguyễn Tác An

Giáo sư- Tiến sĩ Lê Đức Tố cũng cùng quan điểm với nhà hải dương học Nguyễn Tác An:

“Ở Nhật thì thực sự ở trong phạm vi hẹp và hơn nữa người ta biết chắc chắn nguyên nhân; còn ở đây chưa ai công bố nguyên nhân gì cả. Trước đây thì có tiết lộ ra là nguồn xả thải của công ty Formosa, mà theo tôi nghĩ chắc chắn là công ty Formosa. Nhưng nhà máy này mới bắt đầu, chưa đưa vào toàn bộ qui trình. Nếu bây giờ (buộc) ngưng hoàn toàn thì nước chủ nhà cho phép người ta làm như thế phải đền bù cho công ty này như thế nào. Vế nguyên tắc thì công ty này không có lỗi vì nhà nước, nhà quản lý cho phép họ làm. Trước mắt nhà nước, nhà quản lý phải chịu trách nhiệm đã.”

Giáo sư- tiến sĩ Lê Đức Tố nói đến thực tế hiện nay dù rằng truyền thông trong nước không còn loan tin như vừa qua về thảm họa môi trường tại khu vực dọc biển các tỉnh miền Trung:

Thực tế hiện nay báo chí nói như vậy nhưng dân miền Trung hiện nay rất bi đát. Đi đánh cá thì gặp khó khăn tàu nước ngoài quấy rối. Thứ hai không phải cá chết ở vùng ven bờ mà ở vùng xa cũng có hiện tượng cá chết. Và hiện nay những người khai thác hải sản đem vào bán trong bờ cũng khó khăn vì người ta nghi ngại, lo ngại không dám mua. Người dân khốn đốn vì thất thu trong những chuyến đi biển, thứ hai thất thu do giá cả không ổn định và hiện nay giảm sút. Cộng với hiện tượng trong thời gian vừa rồi hạn hán do El Nino.

Hiện nay đồng bào các tỉnh miền trung gặp khó khăn mất mùa về lúa gạo. Bây giờ lại mất mùa hải sản làm biển nữa.”

Giáo sư Nguyễn Tác An cách đây một tuần lễ từng khẳng định là giới khoa học Việt Nam đã nắm bắt được nguyên nhân làm sinh vật biển dọc các tỉnh miền trung Việt Nam bị hủy diệt; tuy nhiên vấn đề công bố là thuộc Nhà nước. Mà chính quyền thì chần chừ và nại lý do ‘nhạy cảm’ không tuyên bố kết quả được giới khoa học xác nhận.
 
Nguồn : Theo RFA