02 mai 2016

Vụ cá chết: Nhận khuyết điểm rồi sao nữa?


Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cũng lên tiếng nhận khuyết điểm vì đã phản ứng quá chậm trễ trước thực trạng cá chết ở Hà Tĩnh và một số tỉnh miền Trung
 
·Cá đầy khoang, ngư dân Quảng Ngãi vẫn khóc ròng

Từ khi tình trạng cá chết xảy ra cho đến khi có lời nhận khuyết điểm trên, ngư dân đã phải lao đao, ngành du lịch thiệt hại nặng, và dư luận cả nước hoang mang. Nhận khuyết điểm rồi thì sao? Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ.

Biện minh phần nào cho lý do chậm trễ, bộ trưởng cho rằng “các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu khoa học đã rất nỗ lực...” nhưng nỗ lực này đã mang lại tác dụng gì với thực trạng đã xảy ra thì chưa thấy. Trong khi đó, tại Huế và Đà Nẵng, khi có hiện tượng cá chết, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên trách đã sớm đưa ra kết luận để trấn an dư luận. Nên dù Bộ trưởng Trần Hồng Hà có nhận khuyết điểm là các cơ quan “lúng túng, chưa khoa học...” cũng sẽ chẳng làm người dân yên tâm bởi vấn đề quan trọng nhất là năng lực của các cơ quan trên đối với thảm họa môi trường chưa được chỉ rõ. Điều đó đồng nghĩa nếu thảm họa tương tự có xảy ra thì không ai dám hy vọng sẽ được xử lý rốt ráo.

Người dân thu nhặt cá chết dạt vào bờ biển Quảng Bình. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Một vấn đề bức xúc không kém là sau một thời gian dài hoạt động, cho đến tận bây giờ các cơ quan chức năng mới đi thực tế kiểm tra Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa và phát hiện hệ thống xả ngầm của doanh nghiệp này vi phạm pháp luật. Khi xin phép đầu tư thì doanh nghiệp phải trình toàn bộ hồ sơ liên quan đến dự án và chắc chắn sơ đồ xây dựng nhà máy, hệ thống cống xả, hạ tầng... sẽ được trình các cơ quan chức năng. Thế nhưng sao đến tận bây giờ mới phát hiện hệ thống cống ngầm vi phạm? Vậy thì ai chịu trách nhiệm? khắc phục thế nào? vẫn còn là những câu hỏi chưa có lời đáp. Bao nhiêu con người, bao nhiêu ban bệ liên quan đến việc xét duyệt dự án này nhưng vẫn dễ dàng cho qua. Lổ hổng này quá nguy hiểm và luôn đặt ra nhiều nghi ngại đối với người dân. Một lời nhận khuyết điểm làm sao có thể khỏa lấp được nỗi khổ mà người dân phải chịu. Và với cách xét duyệt dự án như trên làm sao ngăn chặn được những hậu họa có thể xảy ra.

Không phải bây giờ các cơ quan chức năng “ngỡ ngàng” với cách xây hệ thống ống ngầm để xả nước thải ra biển. Bao năm qua, việc kiểm tra, xử lý hệ thống xả thải của một số khu công nghiệp, một số doanh nghiệp cũng còn quá nhiều bất cập. Khi sự cố xảy ra, bao nhiêu cơ quan chức năng liên quan nhận khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ đứng ra xin lỗi người dân, nhưng thực tế tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cuộc sống người dân bị đầu độc vẫn chưa bao giờ được giải quyết rốt ráo. Bao nhiêu bài học đã được rút ra và người dân phải đau buồn chấp nhận lời nhận khuyết điểm của cán bộ, cho dù chẳng muốn.

Phạm Hồ