17 juin 2016

Trung Quốc ép ASEAN rút tuyên bố, Ngoại trưởng Singapore bỏ họp báo ra về


Hồng Thủy


(GDVN) - Khối đã quyết định không ban hành một tuyên bố chung và các nước thành viên ASEAN sẽ ra thông báo cá nhân nếu muốn.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

The Wall Street Journal ngày 14/6 đưa tin, các Ngoại trưởng 10 nước thành viên ASEAN đã đồng thanh lên tiếng bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về những căng thẳng ngày một gia tăng ở Biển Đông.

Dấu hiệu này cho thấy một sự đoàn kết thống nhất mà The Wall Street Journal gọi là "khác thường" chống lại các nỗ lực bành trướng của Bắc Kinh, nhưng dường như đã "sụp đổ" chỉ vài giờ sau khi tuyên bố chung của ASEAN bị rút lại.



Phát biểu của các Ngoại trưởng ASEAN được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc tìm mọi cách hạ thấp uy tín và vai trò phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) nhiều khả năng chống lại yêu sách bành trướng của Bắc Kinh.

Trong tuyên bố chung phát hành sau cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc tại Côn Minh thủ phủ tỉnh Vân Nam, các nhà ngoại giao hàng đầu Đông Nam Á đã kêu gọi tôn trọng pháp luật quốc tế trong giải quyết tranh chấp, một động thái được xem như chỉ thẳng vào Bắc Kinh đang tìm cách chống đối phán quyết của PCA. 

Những tuần gần đây Hoa Kỳ và nhiều nước khác đã lên án Bắc Kinh vì những hành vi coi thường, chà đạp luật pháp hàng hải quốc tế. Ý kiến của các Ngoại trưởng ASEAN chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ "khác thường" bởi lâu nay có những chia rẽ trong phản ứng của khối với sự hung hăng ngày càng phiêu lưu của Trung Quốc trong khu vực.

Vài giờ sau khi phát hành tuyên bố chung, Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết ASEAN đã buộc phải thu hồi tuyên bố chung này để thay đổi một số nội dung. Không có lời giải thích nào được đưa ra, đến cuối buổi tối Thứ Ba vẫn chưa có một tuyên bố chung nào của cuộc họp.

Một nhà ngoại giao cấp cao một nước thành viên ASEAN tiết lộ, khối đã quyết định không ban hành một tuyên bố chung và các nước thành viên ASEAN sẽ ra thông báo cá nhân nếu muốn. Trước khi rời cuộc họp, Bộ Ngoại giao của Singapore và Indonesia đã ra thông báo riêng nhắc lại những điểm chính trong tuyên bố chung của ASEAN trước đó.

ASEAN vẫn bị ràng buộc bởi cơ chế đồng thuận tuyệt đối nên tìm được tiếng nói chung về Biển Đông là cả một quá trình đấu tranh khi một số thành viên lại ủng hộ lập trường bành trướng của Trung Quốc vì những lợi ích kinh tế.

Trong tuyên bố ban đầu, các Ngoại trưởng ASEAN bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về những diễn biến gần đây và những gì đang diễn ra ở Biển Đông. Nó gây xói mòn lòng tin và sự tự tin, làm gia tăng căng thẳng, phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.

Các Ngoại trưởng ASEAN giữ thể diện cho Trung Quốc bằng cách không chỉ đích danh thủ phạm, thay vào đó họ đã nhắc lại sự phản đối của mình với các nỗ lực quân sự hóa và bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông, những gì Bắc Kinh đã làm trong 2 năm qua và các căn cứ trên đảo nhân tạo có thể phục vụ mục đích quân sự.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu trong cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp, đã không nhắc đến vụ kiện hay phán quyết của PCA. Ông Nghị chỉ nói rằng, Trung Quốc và Philippines có lập trường khác nhau trong vấn đề tranh chấp.

"Sự khác biệt giữa Trung Quốc và Philippines đang được tất cả biết đến, nhưng điều này không phải là một vấn đề giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN là lớn hơn nhiều so với bất kỳ bất đồng cụ thể nào, bao gồm các tranh chấp ở Biển Đông", ông Nghị nói.

Cuộc họp báo chung dự kiến diễn ra sớm hơn dưới sự đồng chủ trì của ông Vương Nghị - đại diện nước chủ nhà Trung Quốc và Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đại diện ASEAN, nhưng không hiểu sao bị hoãn tới chiều tối và Ngoại trưởng Singapore đã lên máy bay về nước.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc im lặng trước các câu hỏi truy vấn của truyền thông về việc tại sao trì hoãn họp báo chung quá lâu, Bộ Ngoại giao Singapore chưa đáp ứng yêu cầu bình luận. Aaron Connelly, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Chính sách Quốc tế Lowy nhận định:

"Những tuyên bố vẫn là một sản phẩm của cách tiếp cận mẫu số chung nhỏ nhất, cẩn thận đến mức có thể hiểu và giải thích theo nhiều cách khác nhau. Thực tế những tuyên bố không xác nhận rõ ràng thẩm quyền của PCA hoặc khuyến khích Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa là điều bắt buộc cho thấy mẫu số chung nhỏ nhất của ASEAN còn khá thấp."

The Straits Times ngày 15/6 thì cho biết, cuộc họp báo đã bị trễ hơn 5 tiếng, Vương Nghị tuyên bố không khí cuộc họp Ngoại trưởng Trung Quốc - ASEAN là "tốt" và làm giảm sự chú ý về việc người đồng cấp Singapore vắng mặt trong buổi chủ trì họp báo chung.

Đài BBC tiếng Trung Quốc ngày 15/6 bình luận, phát biểu của các Ngoại trưởng ASEAN trước thềm phán quyết của PCA khi đang ở trên đất Trung Quốc như vậy là rất mạnh mẽ và hiếm thấy. Thông điệp "trao đổi ý kiến thẳng thắn với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị về Biển Đông" trong tuyến bố chung của ASEAN có thể hiểu là những cuộc tranh luận rất gay gắt.

Giới phân tích tin rằng, Trung Quốc đang trong tình trạng "tứ bề thọ địch" do lập trường hung hăng, hiếu chiến ở Biển Đông và Hoa Đông. Ngoài Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia thì các nước ASEAN cũng ngày một bất mãn với đường lưỡi bò Trung Quốc tự vẽ ra từ những năm 40 thế kỷ trước.

Những thông tin Bắc Kinh tuyên truyền rằng có 40 quốc gia ủng hộ lập trường của Trung Quốc trên Biển Đông theo đài BBC tiếng Trung Quốc, phần lớn là bịa đặt. Trong khi tuyên bố chung ở Côn Minh vừa bị thu hồi, thực tế phần lớn ASEAN đang nghiêng về ủng hộ Philippines trước phán quyết của PCA.

Hồng Thủy
 
Nguồn: Theo GDVN