ĐBSCL bị tác động xấu từ thủy điện trên dòng Mê Kông. |
Việc xây dựng các đập thủy điện trên
dòng chính sông Mê Kông được xem như một “trò cờ bạc - đánh cược với môi
trường”. Và rõ ràng các ông chủ Trung Quốc chính là “nhà cái” trong cuộc chơi
này.
Trung Quốc đã xây dựng 6/8 dự án thủy điện ở phần thượng nguồn sông Mê
Kông. Ở phần hạ lưu, cả liên doanh và trực tiếp, họ đầu tư 9/11 dự án. Có thể
nói, phần lớn các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đều thuộc về các
ông chủ Trung Quốc.
Tiền chảy về Trung Quốc
Trong 11 dự án (DA) ở hạ nguồn hay còn gọi là thủy điện trên dòng chính
sông Mê Kông, Lào có 9 và Campuchia có 2 DA nhưng toàn bộ các DA này do các
doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng, vận hành,
chuyển giao).
Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, thời gian xây dựng mỗi con đập trung bình
là 8 năm. Trong 25 năm kể từ năm thứ 9 trở đi theo hình thức BOT khoảng 69 -
74% doanh thu thuộc về nhà đầu tư Trung Quốc. Lào và Campuchia chỉ được từ 26 -
31% doanh thu. Điện tạo ra chủ yếu xuất cho Thái Lan.
Theo báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược về thủy điện trên dòng chính
sông Mê Kông, nếu tất cả các DA dòng chính được tiến hành, Lào với 9/11 đập sẽ
được nhận khoảng 2,6 tỉ USD/năm tiền xuất khẩu điện. Campuchia với 2 đập sẽ có
khoảng 1,2 tỉ USD/năm.
Như vậy trong 25 năm đầu sau khi đi vào hoạt động (giả sử các đập đều được
xây dựng và hoạt động cùng lúc) thì Lào nhận được 26 - 31% của 2,6 tỉ USD tương
đương 676 - 806 triệu USD/năm và Campuchia sẽ nhận được khoảng 26 - 31% của 1,2
tỉ USD tương đương 312 - 372 triệu USD/năm. Sau thời gian 25 năm BOT thì Lào và
Campuchia mới hưởng toàn bộ doanh thu.
Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện bình luận: Các nhà đầu tư thủy điện sẽ là người
hưởng lợi nhiều nhất trên nguồn tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu chung của
người dân Mê Kông. Khoản lợi nhuận của các quốc gia “chủ nhà” nhỏ hơn nhiều.
“Điện sẽ chạy về Thái Lan, tiền ngược dòng chảy về Trung Quốc còn thiệt hại mà
thủy điện gây ra thì người dân Lào, Campuchia và ĐBSCL sẽ gánh chịu”, PGS-TS Lê
Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) kết
luận.
Bà Ame Trandem, đại diện Tổ chức Sông ngòi quốc tế (International Rivers)
so sánh: Việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông được xem
như một “trò cờ bạc - đánh cược với môi trường”. Theo cách nói của bà Ame
Trandem thì rõ ràng các ông chủ Trung Quốc chính là “nhà cái” trong cuộc chơi
này.
Thiệt hại, rủi ro người dân Mê
kông gánh
Tháng 11.2012, Lào khởi công xây dựng đập thủy điện Xayaburi bất chấp sự
phản đối của người dân các nước trong vùng, đến thời điểm hiện tại công trình
đã hoàn thành đến 70% tiến độ. Họ cũng đang chuẩn bị khởi công DA Don Sahong,
giáp biên giới với Campuchia. Như vậy điều mà nhiều người lo lắng đã xảy ra
“tiền lệ xấu của Xayaburi được lặp lại”. Dòng sông tự nhiên sẽ bị biến mất.
Thay vào đó là các hồ chứa có chiều dài từ 90 - 100 km để phát điện.
Nước bị giữ lại phía trên các thủy điện, phù sa sẽ lắng đọng lại trên các
hồ chứa. Để giải quyết vấn đề phù sa mà các chuyên gia đặt ra, những ông chủ
đầu tư đưa ra giải pháp “cửa xả đáy”. Tuy nhiên theo TS Tuấn, các nghiên cứu
thực nghiệm cho thấy trong các hồ chứa, phù sa sẽ lắng đọng lại và cửa xả đáy
cũng không thể giải quyết được vấn đề. Nếu ai sống ở vùng nông thôn, nhà có bể
chứa nước sẽ hiểu rõ điều này.
Còn thực tế trên một dòng sông các hạt phù sa lắng đọng lại, trực di xuống
phía dưới tạo nên kết cấu chắc chắn không thể di chuyển. “Vùng châu thổ sông
Cửu Long sẽ không còn được bồi đắp, nguy cơ tan rã là một sự thật có thể nhìn
thấy trước”, TS Tuấn dự báo. Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện bổ sung, khi có đập,
nước được giữ lại và chỉ xả ra theo nhu cầu phát điện. Chính vì vậy mà nó sẽ
gây ra sự đảo lộn về thời gian nước chảy xuống hạ nguồn ảnh hưởng đến hệ sinh
thái, mùa vụ sản xuất, năng suất và cả văn hóa…
Cụ thể hơn về các thiệt hại, báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược cho
biết, các DA thủy điện này sẽ có tác động tiêu cực đáng kể đối với nông nghiệp
và thủy sản. Giá trị kinh tế của thủy sản tự nhiên vùng hạ lưu vực sông Mê Kông
ước tính từ 1,4 - 2 tỉ USD/năm. Nếu các đập được xây dựng, sự thiệt hại về thủy
sản trực tiếp ở khu vực có thủy điện ước tính 476 triệu USD/năm, chưa bao gồm
thiệt hại dây chuyền ở ĐBSCL và thủy sản biển.
“Điều quan trọng ở sự thiệt hại này không chỉ là con số được quy ra thành
tiền mà chính là nguồn dinh dưỡng cung cấp cho hàng chục triệu người dân trong
lưu vực. Nguồn dinh dưỡng này khó có thể thay thế. Trong khi đó nguy cơ tan rã
ĐBSCL, giảm năng suất cây trồng… là không thể đo đếm được”, ông Thiện nói. TS
Tuấn phân tích: Ba trụ cột kinh tế của ĐBSCL là nông nghiệp, thủy sản và dịch
vụ. Dịch vụ ở vùng này cũng là dịch vụ phục vụ nông nghiệp và thủy sản. Điều
này có nghĩa là chúng ta sẽ mất tất cả các trụ cột kinh tế của ĐBSCL, mất môi
trường và… mất tất cả vì thủy điện”.
Đáng lo nhất đối với ĐBSCL theo ông Thiện chính là DA Sambor của Campuchia,
gần biên giới VN. Đập Sambor do Trung Quốc đầu tư, cao 56 m, dài 18 km, dung
tích hồ chứa 465 triệu m3 nước. Nó như một quả “bom nước” treo lơ lửng trên đầu
người dân ĐBSCL.
Thực tế, Trung Quốc chỉ đóng góp 16% nước cho dòng Mê Kông nên khả năng
“chi phối” nguồn nước cho cả vùng hạ lưu vực là không lớn. TS Dương Văn Ni,
Trường ĐH Cần Thơ dẫn chứng: Báo cáo mới đây của Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) cho
thấy việc Trung Quốc xả nước đập Cảnh Hồng (Jinghong) vừa rồi, nước chỉ về đến
Stung Streng (ngày 26.3.2016). Không có giọt nào về đến Biển Hồ. Điều đó chứng
minh không có “giọt nào” về đến ĐBSCL.
“Việc xả đập đã chứng minh họ không có “quyền lực” như họ tưởng. Tuy nhiên,
với việc đầu tư xây dựng hàng loạt các công trình thủy điện hiện nay sẽ giúp họ
dễ dàng khống chế nguồn nước sông Mê Kông từ thượng nguồn đến hạ lưu vực. Ở
cuối nguồn, người dân ĐBSCL là đối tượng gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất”, TS
Dương Văn Ni nhận xét.