Jos. Ngô Văn Kha: "Như
thảm họa môi trường ở Vũng Áng, không những thiên nhiên bị tàn phá, mà cả
môi trường chính trị, kinh tế, văn hóa, đạo đức cũng bị tàn phá, bộc lộ
sự xấu xa, suy đồi, xuống cấp. Chính phủ thì loanh quanh, lấp liếm
không dám lên tiếng công bố nguyên nhân, không dám nhận sự trợ giúp
của Hoa kỳ hay Đài loan mới đây, để tìm nguyên nhân cá chết, biển
chết. "
Chính phủ thì loanh quanh, lấp liếm không dám lên tiếng công bố nguyên nhân |
Đâu rồi những giá trị của bản thân và những giá trị của cuộc sống?
Không còn những cuộc chiến tranh dân tộc để bảo vệ chủ quyền, thì
vẫn còn những cuộc chiến khác để bảo vệ dân quyền; đánh đuổi được
giặc ngoại xâm, thì vẫn dai dẳng với những thứ giặc nội xâm; độc lập
về địa dư nhưng vẫn nô dịch, bị sai khiến bởi thế lực nước ngoài; có
chân lý sáng ngời nhưng bên trong là gian dối đê tiện; có công lý, nhưng
công lý là “diễn viên hài”…
Tự do mà luôn bị áp bức, hoạch họe; có quyền làm chủ mà cứ ngay
ngáy với lệnh cưỡng chế; có đạo đức “cách mạng” nhưng hành xử khác
nào côn đồ…
Dân sống trong “xứ thiên đường” nhưng luôn khốn khổ lầm than; có dân
chủ mà như bị đày ải dưới địa ngục, vì môi sinh bị ô nhiễm, bị hủy
hoại, và tương lai nòi giống bị đầu độc bởi ngàn loại hóa chất…
Vì đâu nên nỗi?
“Vì những cái gì từ miệng xuất ra, là phát xuất tự lòng, chính những
cái ấy mới làm cho con người ra ô uế. Vì tự lòng phát xuất những ý định gian
tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu
khống” (Mt 15,18-19).
Khi người ta tôn thờ những giá trị vật chất bằng cách chạy theo sự
thành đạt, giầu sang và địa vị quyền thế, người ta dễ đánh mất mọi
giá trị tốt lành và không ngần ngại phơi bày “cái sự đáng nguyền
rủa” một cách trơ trẽn. Vì lợi lộc, người ta lợi dụng mọi hoàn cảnh để
vụ lợi, chấp nhận sống “thấp và hèn”, tìm mọi cách biện minh cho việc
“dẫm đạp” lên lòng tự trọng. Lòng tự trọng là sự coi trọng và giữ gìn
nhân cách, danh dự của mình, là ý thức coi trọng giá trị bản thân. Người có
lòng tự trọng là người luôn biết bản thân mình là ai, mình phải làm gì.
Tưởng rằng giầu sang, quyền thế rồi, người ta sống tốt lành hơn,
có lòng tự trọng hơn, thực tế cho thấy, người ta càng tồi tệ hơn
với chủ đích “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”; tưởng rằng
người nghèo “đói ăn vụng, túng làm càn”, nhưng thật ra, người nghèo mới
có lòng tự trọng.
Giầu hay nghèo, sang hay hèn không đồng nghĩa với việc thủ đắc
được những giá trị cao thấp. Làn ranh phân cách về phẩm giá làm người
không còn rõ nữa. Những giá trị tích cực và tiêu cực không dành cho
một hạng người nào, tất cả xô bồ, đánh đồng.
Như thảm họa môi trường ở Vũng Áng, không những thiên nhiên bị tàn phá,
mà cả môi trường chính trị, kinh tế, văn hóa, đạo đức cũng bị tàn phá, bộc
lộ sự xấu xa, suy đồi, xuống cấp. Chính phủ thì loanh quanh, lấp
liếm không dám lên tiếng công bố nguyên nhân, không dám nhận sự trợ
giúp của Hoa kỳ hay Đài loan mới đây, để tìm nguyên nhân cá chết,
biển chết. Ngư dân và người dân các tỉnh Miền Trung cắn răng chịu
đựng, cầm cự để tồn tại trong giai đoạn thống khổ cùng cực này,
nhưng trong đó vẫn có những người thừa cơ trục lợi, buôn bán, tích
trữ cá chết vì nhiễm độc để kiếm lời. Chính quyền mau chóng có
động thái nhân đạo hỗ trợ, nhưng nào có đến tay người dân đầy đủ và
tốt lành? Lại còn nạn ngăn cản các đoàn cứu trợ, nếu không lấy danh
nghĩa phối hợp với cơ quan nhà nước, nếu không chịu để đảng cộng
sản là ân nhân, là lương tâm, là cuộc sống, là hạnh phúc của người
dân, là lãnh đạo tài tình, là tương lai của dân tộc… thì biến!
Quan hệ giữa người với người xấu tới mức chưa từng có trong lịch sử.
Vô cảm chỉ là bé con so với bạo lực. Nhiều người ấp ủ trong lòng sự
căm giận, cay đắng, hận thù vì đã từng là nạn nhân của những bất công,
áp bức, đày ải, nên sinh ra thói quen thích hành hạ nhau, có dịp là ra
sức tàn nhẫn với nhau, bất kể nó có liên quan với mình hay không, như
những vụ đánh chết những kẻ trộm chó, ăn cắp. Cái xấu, cái ác, cái
đểu cáng không còn ẩn núp, giấu giếm, che đậy nữa, mà nó chường mặt
ra công khai thách thức mọi giá trị văn hóa, sỉ nhục mọi giá trị đạo
đức: “Ừ. Tao thế đấy, làm gì tao?”
Những giá trị căn bản, gốc của mọi giá trị khác của con người đáng lý
phải trân trọng, phải gìn giữ, phải cổ vũ như “nhân, lễ, nghĩa, trí,
tín”, và các giá trị khác như sự công bằng, chính trực, lòng nhân ái
và tự trọng, sự chia sẻ, nhẫn nại và hy sinh, lòng khoan dung, sự tha
thứ… thì gần như “tuyệt chủng” trước sự đổi thay những “chuẩn mực đạo
đức” của xã hội. Bởi thế, nói dối là “nhân đức”, lẽ phải thuộc về
kẻ “to mồm”, từ thiện là “té nước theo mưa”, xin lỗi là “huề cả
làng”, rút kinh nghiệm là lần sau sẽ “khéo chùi mép”, và Vũng Áng
đang trở nên “ấy” trâu hóa bùn. Chả trách bây giờ đi đâu cũng thấy nhan
nhản sự lên ngôi của thói ngụy quân tử, giả trá, mất nhân cách và vô
liêm sỉ cách trơ tráo. Không ở nơi những người “ít học” mà “thường
thấy” ở những người trí thức, vốn được coi là có văn hóa, là tinh hoa
.
Khi người ta tầm thường hóa những giá trị vật thể, người ta cũng
chẳng tôn trọng những giá trị phi vật thể; khi người ta coi thường đạo
đức làm người, làm sao còn có lòng tôn trọng những giá trị thiêng
liêng? Vì thế đã bùng phát nạn lập đền, lập chùa chiền để mua thần
bán thánh, biến việc thờ tự thành cầu lợi, hối lộ, thậm chí rửa
tội và rửa cả lương tâm! Ơn thánh ban không còn bởi lòng thành kính,
thiện tâm, mà trở nên “phần thưởng” dành cho những kẻ nào hung hãn
nhất tranh giành, cướp giật, dày xéo lên nhau để có “lộc”!
Nếu bảo nguyên nhân do nước ta là nước đang phát triển, còn nhiều
thứ bất cập và thái quá, nhưng nếu so với các nước tương tự, lại
không thấy họ có hiện tượng “loạn cương, phi chuẩn”, không thấy họ bị
khủng hoảng niềm tin và văn hóa trầm trọng như ở nước ta. Vì vậy, cứ
nhìn vào thái độ, cách cư xử của người ta với nhau thì sẽ biết được
mức độ của đạo đức, thấy được những giá trị làm người của người ấy,
chẳng cần “gào” lên mình là “lương tâm của thời đại”.
Nếu bảo là do nước ta đã trải qua nhiều cuộc chiến, và để tồn
tại, lý trí phải chấp nhận “du di” một số giá trị hoặc mức độ đòi
hỏi của những giá trị ấy, nhưng nước ta đang thời bình, chiến tranh đã
lùi xa. Vậy nguyên nhân do đâu? Phải chăng là do thứ “đạo đức cách mạng”
muốn “cách mạng” những giá trị truyền thống của dân tộc, nên đã đẩy
cả dân tộc vào chốn ngu dốt lầm than, người không ra người, ngợm không
ra ngợm?!.
Thế nên, cần lắm việc đánh thức lương tâm và giáo dục, để mỗi người
nhận thức được cái lợi và hại cho bản thân, nếu muốn làm người,
muốn sống như con người.
Người Công
giáo biết rằng, chỉ trong Thiên Chúa người ta mới nhận ra được giá trị thật
của mình. Vì là hình ảnh của Thiên Chúa, mỗi người có một phẩm giá cao trọng
bất khả xâm phạm và bình đẳng với mọi người khác. Người đời vẫn quen
đánh giá con người dựa trên của cải và quyền bính, người giầu có và quyền
thế cậy dựa vào của cải và địa vị xã hội để tự cao tự đại. Nhưng chỉ có
Chúa, Đấng Tạo Thành nên con người mới có chuẩn cho con người sống, mới
có quyền đánh giá và phán xét phẩm giá của từng người.
Đức Maria đã ca ngợi Thiên Chúa vì lẽ ấy. Mẹ nói : “Đời nọ tới
đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương
sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,50-53).
người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,50-53).
Lòng khiêm hạ và tín thác của con người vào Thiên Chúa Tối cao chính
là giá trị cao cả của con người, Đấng đã ban “cho con người chẳng thua
kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ
công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8,6-7).
Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.
Nguồn: Theo dòng Chúa Cứu Thế