Theo TS Raul Pangalangan, cảnh báo,
thậm chí đe dọa về hòa bình của khu vực sau phán quyết của Tòa Trọng Tài đang
được Bắc Kinh sử dụng như một chiêu bài tuyên truyền nhấn mạnh liên tục trong
thời gian gần đây.
Tại hội thảo “An ninh và phát triển biển: hợp tác quốc
tế và chia sẻ kinh nghiệm Á - Âu” diễn ra tại Hạ Long tuần trước, ý kiến của TS
Raul Pangalangan- thẩm phán Tòa án hình sự quốc tế tại The Hague (Hà Lan) đã
thu hút được chú ý của cử tọa. Ông Pangalangan cho rằng các quốc gia châu Á có
xu hướng tránh sử dụng các cơ chế tài tài phán quốc tế hay các cơ quan quốc tế
trung lập trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh hải và lãnh thổ.
Không chỉ là lý do văn hóa vì sợ mất mặt lẫn nhau hay
truyền thống “Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”, ông Pangalangan tin
rằng, các hoạch định chính sách sách châu Á có nhiều xu hướng tin rằng các
phiên tòa quốc tế cũng giống các phiên tòa địa phương: Có thể bị chính trị hóa
và dễ dàng thao túng.
Lý giải của vị thẩm phán Tòa án hình sự quốc tế có thể
đọc được theo nhiều cách khác nhau trong cách lập luận và hành xử của Trung
Quốc đối với Tòa án Trọng tài thường trực (PCA), cũng như đối với quán quyết
tương lai của Tòa.
Ngay giai đoạn đầu của quá trình pháp lý, hai lập luận luôn song hành trong các văn bản và phát ngôn chính thức từ Bắc Kinh. Đầu tiên là công văn bác bỏ thẩm quyền của Tòa về vụ kiện do Philippines khởi xướng công bố vào cuối năm 2014. Trong đó, Bắc Kinh phủ định thẩm quyền của Tòa Trọng Tài dựa trên 3 điểm là: Nội dung vụ kiện là chủ quyền lãnh thổ trên một số thực thể ở biển Đông (vấn đề này nằm ngoài phạm vi giải thích Công ước Luật Biển); Tranh chấp về phân định biển và các vấn đề liên quan đã được phía Trung Quốc bảo lưu trong Tuyên Bố năm 2016 của mình; Trung Quốc cho rằng phía giữa ASEAN và Trung Quốc có ký kết Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), Hiệp ước Hợp tác hữu nghị Đông Nam Á (TAC), và giữa Philippines và Trung Quốc có những tham vấn và thỏa thuận song phương. Với việc chính phủ Manila đưa vấn đề tranh chấp ra cơ quan tài phán quốc tế bên thứ ba là vi phạm DOC và các thỏa thuận song phương mà hai bên đã cam kết.
Ba lập luận này đưa ra đều bị Tòa Trọng Tài bác bỏ
theo nhiều viện dẫn và lý lẽ khác nhau. Trong “Phán quyết về Thẩm quyền và Khả
năng tiếp tục xem xét nội dung vụ kiện do Tòa Trọng Tài” công bố tháng 10/2105,
Tòa Trọng Tài quyết định, tranh chấp được nêu trong đơn kiện của Philippines
không phải là tranh chấp về chủ quyền, mà liên quan đến viện dẫn và áp dụng các
điều khoảng trong UNCLOS. Những thỏa thuận và tuyên bố chung khác giữa
Philippines và Trung Quốc, những cơ chế đa phương không cản trở, loại trừ việc
Philippines giải quyết tranh chấp với Trung Quốc dựa theo cơ chế của UNCLOS. Từ
những lý do trên Tòa Trọng Tài xác định thẩm quyền của mình trong một số vấn đề
mà Philippines đệ trình.
Nhưng Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các lập luận khác
nhau để phản bác. Chẳng hạn như quan điểm cho rằng Tòa Trọng Tài chỉ là một công
cụ bị Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ nhằm cô lập Trung Quốc. Đó là cách Trung
Quốc – theo lý giải của TS Raul Pangalangan là họ đang gieo rắc hoài nghi về
tính công minh và liêm chính của phiên tòa quan trọng sắp tới.
Cảnh báo, thậm chí đe dọa về hòa bình của khu vực sau
phán quyết của Tòa Trọng Tài được Bắc Kinh đưa ra là một chiêu bài tuyên truyền
nhấn mạnh liên tục trong thời gian gần đây. Thông cáo báo chí hôm 8/6/2016 của
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: Biển Nam Hải (tức Biển Đông) trước khi Philippines
đơn phương khởi động quá trình tài phán quốc tế vào ngày 22/1/2013 rất ổn định
dù có một vài tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.
Trong thực tế, các chuyên gia đến từ nhiều nước đều
hoài nghi về sự diễn giải chủ quan đối với các quy định của UNCLOS nói riêng và
luật pháp quốc tế nói chung của Bắc Kinh. Bất chấp các thực tiễn pháp lý và án
lệ quốc tế, các quan điểm của nước này không những mang tính chọn lựa cái nào
có lợi cho mình, mà còn theo xu hướng “nói ngang”, “cưỡng tình, đoạt lý”.
Bên cạnh đó là những luận điểm hàm ý đe dọa, ám chỉ
việc thổi lên một “bóng ma chiến tranh” có thể sẽ dẫn đến nhiều tác động đa
chiều.
Hoàng Thắng
Nguồn: Theo TuanVietNam
|