VỀ VIỆC BỔ NHIỆM ÔNG BOB KERREY
LÀM CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TIN THÁC ĐẠI HỌC FULLBRIGHT
Nói về sự ra đời của trường này trong bài phát biểu trước hơn 2.000 người tại Hà Nội, tổng thống Mỹ Barack Obama đã ghi nhận:
“Đó là một trong những lý do tại sao
chúng tôi thật hào hứng trước việc mùa thu tới, trường đại học
Fulbright University Việt Nam sẽ khai trương ở thành phố Hồ Chí Minh –
đây là trường đại học độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam –
tại đây nhà trường sẽ được hoàn toàn tự do học thuật và sẽ cấp
học bổng cho những ai cần”.
Ta phải hiểu đây là một trường tư thục do người Mỹ đầu tư 100%, được xây
dựng tại Việt Nam theo phong cách giáo dục Mỹ, trong đó tự do học thuật là kim
chỉ nam cho hoạt động, tính cách phi lợi nhuận (chỉ vì lợi ích của sinh viên)
là cơ sở của sự phát triển.
Tổng thống OBAMA phát biểu tại Hà Nội
|
Mọi phát biểu phản đối nhân sự của trường từ bên ngoài là vi phạm nguyên
tắc tự do học thuật, là sự can dự không cần thiết vào việc tổ chức học thuật
của ban chủ trương, nhất là trong giai đoạn “trứng nước” hiện nay.
Đã từ lâu chính quyền Việt Nam, người Việt Nam đã đặt lòng tin vào giáo dục
Hoa Kỳ. Hàng chục ngàn sinh viên Việt Nam đã được gửi sang Mỹ du học. Hiệu quả
và chất lượng của nền giáo dục Mỹ là điều toàn thế giới công nhận.
Đã từ lâu chính quyền Việt Nam, người Việt Nam đã nhìn nhận là nền giào dục
Việt Nam đang bị những cơn bệnh trầm kha khó chữa và những cơ sở giáo dục đến
từ Âu, Mỹ, Nhật, Úc sẽ là những làn gió mới tốt lành, những gương soi, thúc đẩy
sự thay đổi thật sự trong một tương lai không xa.
Ông Bob Kerrey là một chính khách có uy tín cao tại Mỹ, nhóm của ông gồm
các cựu sỹ quan Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam như Ngoại trưởng John Kerry,
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, cựu Đại sứ Pete Peterson, Giám đốc Chương trình
VN của Đại học Harvard Thomas Vallely sẽ là những nhân tố không thể thiếu cho
việc vận động tài chính lâu dài và bền vững cho FUV.
Từ trái sang phải các ông John Kerry, John Mc Cain và Bob Kerrey |
Về chuyên môn, ông Bob Kerrey đã có những kinh nghiệm dày dạn về quản lý
nhất là tổ chức hình thành đại học hiện đại tại New York (New School) và San
Francisco (quỹ Minerva).
FUV còn là biểu tượng của nhận thức mới trong bang giao Mỹ Việt được khẳng
định sau chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí Thư Nguyển Phú Trọng năm ngoái và Tổng
Thống Obama tháng 5 vừa qua.
Ông Bob Kerrey và Bí thư Đinh La Thăng tại Sài Gòn |
FUV là bước đầu cụ thể của hợp tác toàn diện Mỹ-Việt.
Sự thành công của bước đi đầu là cần thiết cho việc củng cố những bước đi
dài hơn, cao hơn, có ý nghĩa bao quát hơn như hiệp ước kinh tế TPP, hợp tác
quân sự…
Hợp tác chiến lược và toàn diện với Hoa Kỳ chính là quốc sách khẩn thiết và
cấp bách để bảo vệ lợi ích trước mắt của Việt Nam, duy trì toàn vẹn lãnh thổ và
lãnh hải. Chỉ có các cường quốc như Mỹ, Nhật, Châu Âu mới có khả năng bảo vệ tự
do giao thông ở biển Đông Nam Á, duy trì hòa bình, ổn định chống lại manh tâm
bá quyền xâm lược, bảo vệ độc lập, chủ quyền của các dân tộc Đông Nam Á đặc
biệt tuyến đầu Việt Nam.
Xin nhắc lại đây điều tôi đã từng viết về chuyến thăm Việt Nam của Tổng
Thống Mỹ:
“Lợi ích của Việt Nam ở biển Đông Nam Á là sự
sống còn của dân tộc, lợi ích của Mỹ ở đây là duy trì thông thương, thương mại
các vùng biển quốc tế, là sự tôn trọng luật pháp quốc tế, là việc duy trì trật
tự thế giới hình thành sau thế chiến thứ hai: Luật lãnh thổ, lãnh hải, luật
biển, quyền con người, quyền tự do dân chủ”…
Chiến tranh đã để lại những đau thương mất mát khôn cùng cho cả hai phía.
Ký ức chiến tranh, ngay cả những ký ức hãi hùng nhất đã vào những trang sử Việt
Nam và Hoa Kỳ. Chúng ta không thể nào quên được những gì đã xảy ra. Bên thắng
cuộc trong chiến tranh đang “loay hoay” tìm đường đi trong công cuộc mưu cầu tự
do hạnh phúc thực sự cho nhân dân. Bên không thắng được trong chiến tranh nóng
đã chiến thắng trong chiến tranh lạnh và nay vững vàng trở thành vật cản hữu
hiệu chống lại thế lực bành trướng đang vi phạm luật pháp quốc tế, mưu đồ đế
quốc mới với tham vọng thay đổi địa chính trị, chiếm đất, chiếm biển, với hành
động có thể hung tàn hơn cả Đức quốc xã trong những năm 30-40 của thế kỷ trước.
Nói cho cùng dù thất bại hay chiến thắng trong cuộc chiến 1960-1975 thì
cuối cùng chỉ có người dân của hai đất nước là khổ nhất.
Cái khó là thắng được chính mình, thắng được lòng hận thù, chân thành sám
hối để cùng nhau bắt tay xây dựng tương lai hòa bình, thịnh vượng đích thực
đàng hoàng và bền vững.
Cái khó, cách làm ngoại giao dân sự hữu hiệu là tăng cường sự gắn bó bằng
hữu giữa hai bên, không làm nản lòng những người có thiện chí. Lớp người này
vẫn còn là thiểu số tại Mỹ cũng như tại Việt Nam.
Hãy chờ 10, 20 năm nữa, hãy chờ những thành quả cụ thể của FUV, hãy chờ xem
những thế hệ sinh viên tốt nghiệp và thành đạt trong xã hội Việt Nam xuất phát
từ FUV.
Phản biện, góp ý là quyền của mọi người, đặc biệt của người trí thức, nhưng
góp ý cái gì và lúc nào với nội dung nói lên sự công tâm, lòng thiết tha cho
tiền đồ dân tộc là rất cần thiết.
Nhà văn hóa Nguyên Ngọc |
Tôi đồng ý với nhận định của nhà văn hóa Nguyên Ngọc:
Tại sao phải lo lắng việc trong tương lai khi có ngày, ngay tại sảnh trường
đại học danh giá FUV, sẽ có một bức tượng của ngài Bob Kerrey, vị Chủ tịch Hội
Đồng Quản trị sáng lập trường, với dòng giải thích :
“Nguyên là một sỹ quan quân đội Mỹ đã tích cực
tham gia một cuộc chiến tàn khốc tại Việt Nam, đã chịu trách nhiệm về việc sát
hại 20 người dân Việt Nam nhưng sau đó đã chân thành sám hối, cật lực vận động
thành lập và điều hành trường để có ngày hôm nay”.
Còn tấm gương sám hối tích cực có tính lịch sử nào sinh động hơn?
Chúc ngài Bob Kerrey thành công tại Việt Nam!
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng
Giáo sư danh dự trường Đại học Liège, Bỉ
Cố vấn cao cấp của Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng.
Sài Gòn ngày 7/6/2016