02 novembre 2016

Trung Quốc ép gạo Việt ngậm trái đắng: Việt Nam bị động


Vì chúng ta quen cách làm ăn giả dối, làm ăn chộp giật, chất lượng thấp, nên chỉ bán cho các khách hàng khá dễ tính như Trung Quốc.
Với gạo đây không phải lần đầu tiên chúng ta lao đao vì chính sách nhập khẩu của Trung Quốc, trước đó, không biết bao lần VN phải bán giá rẻ sang thị trường này.
 


Thị trường cạm bẫy và nhiều rủi ro

Vừa qua, Trung Quốc đã ra Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc xuất khẩu gạo và cám gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, dưới sự giám sát của Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ).

Thế nhưng, theo thống kê mới đây của Bộ NNPT-NT, 9 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc theo đường chính ngạch giảm 23% về khối lượng và giảm 13,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Những ngày qua, Trung Quốc đã bắt đầu mua gạo trở lại nhưng lại theo con đường tiểu ngạch.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 31/10, PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ - Phó trưởng khoa Phát triển Nông thôn, Đại học Cần Thơ cho biết: "Từ trước đến nay tôi luôn nghi ngờ các giao dịch thương mại với Trung Quốc, vì các chính sách của họ đều không hướng đến việc làm ăn lâu dài với VN.

Với gạo đây không phải lần đầu tiên chúng ta lao đao vì chính sách nhập khẩu của Trung Quốc, trước đó, không biết bao lần VN phải bán giá rẻ sang thị trường này.
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn

Và cũng rất nhiều trường hợp họ thu mua thủy sản, hoa quả, rồi bỏ chạy, làm thị trường hấp hối, nào là dưa hấu, thanh long đem cho bò ăn; tôm hùm, tôm sú bán giá siêu rẻ. Tôi luôn cảnh báo thị trường Trung Quốc là thị trường đầy rủi ro và cạm bẫy.

Cho nên, tôi nghĩ, các DN vẫn đang tiếp tục giao dịch là vì thấy còn lợi lộc, chứ còn mối làm ăn này tôi cho rằng không bền vững".

Bên cạnh đó, theo ông Đệ, việc VN phụ thuộc vào thị trường TQ là do vướng ở nhiều nguyên nhân, đầu tiên, do kiểu sản xuất, kinh doanh của VN chủ yếu DN mua đầu chợ, bán cuối chợ, không đi theo hướng lâu dài.

Thời gian qua, nông dân ĐBSCL cứ mạnh ai nấy trồng lúa, cơ quan chức năng chưa tổ chức, quản lý tốt. Mặc dù thông báo trồng giống này, cây nọ nhưng dân không nghe bởi cơ quan chức năng không phải là đơn vị thu mua. Còn một số công ty lớn tham gia xuất khẩu cũng không quan tâm lắm về quy trình sản xuất trên đồng ruộng cũng như chất lượng hạt lúa.

Tình trạng này kéo dài nhiều năm liền, khi thu hoạch, thương lái đi mua lúa rồi trộn lại nên bị lẫn lộn giữa các giống với nhau. Đây là lý do phần lớn lúa ĐBSCL chỉ bán được cho miền Trung, phía Trung Quốc và các quốc gia còn khó khăn về kinh tế.

Sau đó là do các doanh nghiệp Việt Nam không mua bán gạo trực tiếp với khách hàng nước ngoài mà thông qua một đơn vị trung gian của nước ngoài, thậm chí giao gạo nguyên liệu cho đơn vị này để họ đóng bao bì, nhãn mác của họ.

Cũng bởi cách làm này nên phía đơn vị trung gian phía Trung Quốc yêu cầu làm gì thì doanh nghiệp Việt làm nấy, bản thân người nông dân không làm việc trực tiếp với nơi nhập khẩu gạo, nên lúc nào cũng bị động, dẫn đến, quan hệ thương mại với thị trường này luôn bấp bênh.

Đồng thời, chúng ta chưa xây dựng được vùng nguyên liệu, hầu hết doanh nghiệp Việt chưa làm được điều này. Ngay cả chương trình Cánh đồng lớn do Bộ NNPT-NT tổ chức, số doanh nghiệp nhiệt tình tham gia cũng còn rất hạn chế.

Nói ngay như thị trường Pháp đang tiêu thụ chủ yếu gạo Basmati của Ấn Độ, gạo thơm của Thái Lan, Campuchia. Gạo Việt Nam chưa từng được bước chân vào các thị trường này, dù chúng ta lâu đời trong xuất khẩu gạo, duy nhất hiện nay có Tập đoàn Lộc Trời làm được việc này.

Những bài học cho VN

Trước nhận định của các chuyên gia cho rằng Trung Quốc vẫn là nước phụ thuộc vào việc nhập khẩu gạo từ VN. Đến nay tuy Trung Quốc đã mở rộng thị trường các nước nhập khẩu như Thái Lan, Campuchia, nhưng theo ông Đệ, không thể phủ nhận, nhu cầu nhập khẩu gạo của thị trường Trung Quốc là rất lớn, tuy nhiên với phần lớn hợp đồng nhập khẩu sang thị trường này qua đường tiểu ngạch, dù có tác dụng nhất định trong việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong nước song vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro.

Rất nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc bị hủy, nước này cũng đứng đầu danh sách trong việc mua giá rẻ và ép giá gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Họ vẫn phải nhập nhiều từ VN, họ liên tiếp trở thành quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Năm 2014, 50% đơn hàng nhập khẩu gạo của Việt Nam là từ Trung Quốc, với con số 600.000 tấn; năm 2016, 35,4% sản lượng gạo cũng nhập từ VN.

Có thể nói, trên thị trường gạo hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam vẫn đang phụ thuộc lẫn nhau khi một bên có nhu cầu bán và một bên có nhu cầu mua với số lượng lớn. Trong cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian tới, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất.

Nhưng nếu cứ làm khó, chúng ta không nên bám vào thị trường Trung Quốc làm gì, trong khi còn nhiều thị trường khác.

Muốn làm được, theo ông Đệ, một là, phải nâng cao chất lượng của hạt gạo, phải tuyển chọn lại giống lúa để có chất lượng gạo. Tiêu chí lựa chọn gạo phải đạt tiêu chuẩn thơm, dẻo ngon cơm, hạt dài và năng suất. Đi kèm với đó là hạt gạo đảm bảo không thuốc bảo vệ thực vật, để đủ sức đi vào các thị trường khó tính.

Hai là, phải cố gắng xây dựng thương hiệu như cách Thái Lan, Campuchia đang làm. Thương hiệu gạo có được chỉ xuất phát từ vùng nguyên liệu (cánh đồng lớn) của doanh nghiệp. Theo cá nhân tôi, việc lựa chọn các giống lúa thơm phát triển thành thương hiệu là ổn, chẳng hạn như lúa thơm ST, lúa nàng thơm chợ Đào...

Châu An