"Vợ tôi đã hơn 1 năm đi dạy
không có lương"
Anh Nguyễn Minh Đức, chồng của chị Hoàng Thị Thủy giáo viên Trường THCS A,
Quận 1 cho biết, đã hơn 1 năm nay chị Thủy- vợ anh không nhận được một đồng
lương nào.
Kể về công việc của chị Thủy, anh Đức bộc lộ, "mỗi người học hành,
kiếm được việc làm đều cố gắng làm việc và mong muốn việc làm đó mang lại nhiều
niềm vui và hạnh phúc cho cuộc sống của chúng ta.
Các giáo viên cũng vậy, đi dạy và mong muốn nhận được thành quả do mình tạo
ra. Vợ tôi là người được đào tạo bài bản.
Cô ấy học ngành sư phạm Toán chính quy Trường đại học sư phạm TP.HCM. Tốt
nghiệp đại học, sợ khó xin việc cô ấy tiếp tục học lên thạc sĩ sau đó mới thi
viên chức và trúng tuyển. Vậy mà"
Dù vậy kể lại quá trình chị Thủy đỗ viên chức và được nhận làm giáo viên
cấp hai, anh Đức vẫn chưa hết vui mừng.
"Sau khi trải qua các vòng thi viết, phỏng vấn và khi nhận được giấy
quyết định phân về trường THCS A công tác tính từ tháng 08/2015, vợ chồng tôi
vui lắm.
Nhưng niềm vui cứ héo hon dần khi đến hôm nay vợ tôi vẫn không nhận được
một đồng lương của nhà nước".
Cũng theo anh Đức, không được nhận lương có nghĩa là vợ anh không có bảng
lương nhà nước và không được tham gia bảo hiểm xã hội cũng như các loại bảo
hiểm khác.
"Trường thông báo phải có bảng lương vợ tôi mới được tham gia bảo
hiểm. Nay cô ấy đang có tin vui nhưng không có bảo hiểm nên mọi chi phí khám
bệnh đều phải bỏ tiền cá nhân trang trải.
Mặt khác không có bảo hiểm nghĩa là vợ tôi cũng không được huởng chế độ
thai sản khi nghỉ sinh dù đã đỗ viên chức" – anh Đức ngậm ngùi.
Tuy nhiên, theo anh Đức, điều may mắn là dù chưa được nhận một đồng lương
nhà nước nhưng phía nhà trường luôn quan tâm cuộc sống của cán bộ giáo viên.
Nhiều lần ban lãnh đạo đề nghị vợ anh tạm ứng và phân thêm các việc ngoài
giờ để kiếm thêm thu nhập.
Trước đó, tại huyện Hóc Môn, khi tiếp xúc cử tri mới vỡ lẽ ra chuyện 53
giáo viên cũng trúng tuyển viên chức và đứng lớp hơn 1 năm vẫn không được đồng
lương nào do tuyển sai quy trình.
Trường hợp của thầy giáo Trần Thái Châu, Trường THCS Phan Công Hớn, Thị
trấn Hóc Môn là một điển hình.
Khi bày tỏ với Bí thư thành ủy Đinh La Thăng, thầy Châu cho biết vào tháng
7/2015, thầy nộp hồ sơ thi tuyển viên chức giáo viên, trúng tuyển và được phân
về Trường THCS Phan Công Hớn, được ký hợp đồng thử việc 12 tháng.
Nhưng đã hơn 12 tháng thử việc, thầy nhưng vẫn chưa nhận được bất cứ quyết
định tuyển dụng viên chức nào.
Cô Hoàng Thị Lê An, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1 thì tiết lộ,
"hiện tại trường đang có "mấy" giáo viên trúng tuyển trong kỳ
tuyển viên chức năm 2015 nhưng chưa được nhận lương do chưa có quyết định chính
thức".
Cô An cho biết, để tạo điều kiện cho các giáo viên này công tác, trường tạo
điều kiện cho họ tạm ứng tùy nhu cầu.
Căn cứ vào mức lương được trả của những giáo viên này cũng chỉ hơn ba
triệu, nên mỗi tháng trường tạo điều kiện cho những giáo viên này được ứng
khoảng ba triệu.
Ngoài ra khi có nhu cầu sinh hoạt, lập gia đình, hoặc có việc trường cũng
tạo điều kiện cho giáo viên này có thể ứng hơn hoặc mấy tháng ứng một lần.
Số tiền này sẽ được giáo viên trả lại khi có quyết định chính thức và truy
lĩnh phần còn thiếu.
"Việc trường tạo điều kiện chỉ nhằm giúp các giáo viên có tiền xăng xe
đi lại vì có những giáo viên ở tận Cần Giờ, phải đi mấy chục km mới vào tới
trường, trang trải thêm các phí sinh hoạt để họ yên tâm công tác, ổn định tư
tưởng"- cô An nói.
Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Quận 4 cho
biết, hiện tại trường có hai giáo viên thuộc tuyển dụng đợt 2015 vừa có quyết
định nhận được lương sau khi trải qua gần một năm không lương.
Theo cô Hà, "trong năm qua những giáo viên này phải sống dựa vào tiền
bán trú, tiền học hai buổi/ngày, ngoài ra nhà trường tạo điều kiện cho ứng một
ít".
Vì sao nên nỗi
Từ năm 2015, nhiều phòng giáo dục thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM thông báo tuyển
viên chức. Chỉ riêng tại Quận 1, đã thông báo tuyển 183 người nhưng có 134
người trúng tuyển và trong đó có 117 người vẫn đang gắn bó với nghề.
Riêng Quận 4 thông báo tuyển là 122 người. Nhiều quận/huyện khác cũng thông
báo tuyển lên tới hàng trăm người.
Khi trúng tuyển nếu không có gì thay đổi những giáo viên này sẽ được nhận
lương bình thường theo Nghị định số 204 của Chính phủ ban hành từ năm 2004 sau
khi trúng tuyển và công tác.
Thầy giáo nhận 30 triệu tiền lương cho 15 tháng đi dạy |
Nhưng tháng 9/2015, Thông tư liên tịch của Bộ GD- ĐT và Bộ Nội vụ về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên tiểu học và THCS đã quy định giáo viên có 3 hạng, mỗi hạng có một mã số khác nhau tương ứng với yêu cầu và bậc lương khác nhau.
Ngoài ra, quy định cũng nêu cụ thể, đối với các giáo viên hạng 2 và 3 phải
đạt được tiêu chuẩn ngoại ngữ từ bậc 2 trở lên, tin học đạt chuẩn kỹ năng sử
dụng công nghệ thông tin, có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên.
Việc thay đổi này đẩy các đơn vị túng túng khi xếp ngạch lương.
Sau kiến nghị của giáo viên, UBND quận 1 đã có văn bản gửi các trường học
trên địa bàn thực hiện việc chi trả lương cho 117 giáo viên trúng tuyển đợt
tuyển dụng tháng 8/2015, theo hệ số lương bậc 1 của bảng lương chuyên môn,
nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước
theo Nghị định số 204 của Chính phủ ban hành từ năm 2004 (theo đó trình độ đại
học hệ số lương là 2,34, cao đẳng là 2,1 và trung cấp là 1,86).
Ngoài ra, quận cũng đề nghị các trường chi trả 80% lương cho giáo viên từ
tháng 8/2015 đến tháng 7/2016 (12 tháng tập sự) và 100% lương từ tháng 8/2016
đến khi có quyết định chính thức từ Sở Nội vụ.
Nhưng anh Đức cho biết, đến ngày 28/11/2016, vợ anh vẫn không nhận được một
đồng lương của nhà nước.
"Nhưng cô hiệu trưởng cho biết sắp có vì mới nhận được giấy quyết định
từ phòng giáo dục. Hy vọng những đợt tuyền giáo viên mới sẽ không còn ai giống
trường hợp như vợ tôi" – anh nói.
Đối với trường hợp 53 giáo viên ở huyện Hóc Môn, sau khi có "tâm thư
lên bí thư", UBND TP.HCM đã có văn bản công nhận viên chức.
Hiện nay, những giáo viên đã được nhận lương và
"truy lĩnh" những tháng lương đầu tiên, dù chia ra chỉ tương đương
vài triệu đồng/tháng.Nguồn: Theo GDVN