13 décembre 2016

Động thái mới nhất của Donald Trump về Biển Đông không thể xem thường


Hồng Thủy

 

(GDVN) - Tướng James Mattis được Trump lựa chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng có thể làm cho thế giới an toàn hơn, trong đó có khu vực Biển Đông.
 
Ankit Panda, một biên tập viên của tạp chí The Diplomat ngày 5/12 bình luận, nhận xét ngắn gọn mới nhất của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump về Biển Đông có thể quan trọng hơn những gì mọi người nghĩ. 

Tối qua 4/12, ông Donald Trump đã viết trên Twitter về 2 nội dung trên dòng trạng thái, một đề cập đến vấn đề kinh tế trong chương trình nghị sự Mỹ - Trung, một đề cập đến Biển Đông:

"Có phải Trung Quốc đã hỏi chúng ta rằng: họ phá giá đồng tiền của mình được không? (nhằm gây khó dễ cho doanh nghiệp Mỹ trong cạnh tranh).

Họ đánh thuế nặng các mặt hàng của chúng ta xuất sang nước họ được không? (trong khi Mỹ không đánh thuế cao các sản phẩm từ Trung Quốc).

Họ có nên xây dựng một tổ hợp quân sự phức hợp khổng lồ giữa Biển Đông hay không?

Tôi không nghĩ như vậy". 




Ankit Panda lưu ý, "tổ hợp quân sự phức hợp khổng lồ giữa Biển Đông" mà Donald Trump đề cập trên đây không phải chỉ căn cứ quân sự Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) hay đảo Hải Nam.
 

Đó chính là 7 đảo nhân tạo Trung Quốc xây trên các bãi đá, bãi cạn, rặng san hô họ đang chiếm đóng (bất hợp pháp) trong quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). Trước đây Trump gọi chúng là những "pháo đài".
 

Thông báo mới nhất của Trump theo Ankit Panda, thoạt nghe là có ngụ ý rằng, Trung Quốc cần có sự cho phép của Hoa Kỳ để xây dựng các cơ sở quân sự ở Biển Đông.

Trong khi thực tế các tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông là bành trướng, khiêu khích, đi ngược lại luật pháp quốc tế.  

Còn Hoa Kỳ không phải bên có yêu sách ở Biển Đông, chủ trương không đứng về bên nào trong các bên tranh chấp chủ quyền. 

Giả sử thông báo mới nhất của Trump có chứa đựng bất kỳ thông điệp mới, sâu sắc nào đó về chính sách của Mỹ, thì nó thể hiện ở hai yếu tố. 

Thứ nhất, kể từ khi quan hệ Mỹ - Trung bình thường hóa, có thể thấy lần đầu tiên Hoa Kỳ chứ không phải Trung Quốc, công khai liên kết vấn đề kinh tế với an ninh trong chương trình nghị sự song phương. 

Trong trường hợp này, Trump ám chỉ chính sách tiền tệ của Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng đến việc Hoa Kỳ đóng vai trò như thế nào ở Biển Đông. 

Thế nên với những câu hỏi "Trung Quốc đã xin phép Mỹ chưa", đối với những quan điểm diều hâu ở Trung Quốc rất có thể hàm chứa một gói dữ liệu. 

Thời báo Hoàn Cầu và các nhà bình luận Trung Quốc có lẽ sẽ lên tiếng mổ xẻ.
 
Thứ hai, phát biểu mới nhất của Trump về Biển Đông được công bố ngay sau khi ông nhận cuộc gọi chúc mừng từ nhà lãnh đạo Đài Loan - Tiến sĩ Thái Anh Văn.

Trump đã "phá vỡ tiền lệ" né tránh nói chuyện chính thức với các nhà lãnh đạo hòn đảo này để khỏi gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc.
 
Giới hoạch định chính sách đối ngoại Trung Quốc sẽ có ít dữ kiện để so sánh, nghiên cứu khi tìm cách giải mã các tín hiệu từ thông điệp của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ. 

Đặc biệt hơn, Trump có thể tiếp tục có những thông điệp mới tương tự sau khi nhậm chức ngày 20/1/2017, và sẽ chính thức xác lập mối quan hệ Mỹ - Trung trên một quỹ đạo tiêu cực hơn. [1] 

The Wall Street Journal ngày 4/12 cho hay, Reince Priebus, người được Trump chỉ định làm Chánh văn phòng Nhà Trắng nói với đài CBS, Donald Trump biết chính xác những gì đã xảy ra, khi ông nói chuyện điện thoại với Tiến sĩ Thái Anh Văn. 

Richard Grenell, cựu phát ngôn viên cơ quan đại diện Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc thời Tổng thống Bush cho rằng, cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump với Tiến sĩ Thái Anh Văn là "hoàn toàn có chủ ý". 

Nhưng đội ngũ tham mưu của Trump biết rõ, có một nguyên tắc được gọi là "một nước Trung Quốc". [2] 

Không chỉ dừng ở phát biểu của Trump, trong một bình luận khác có liên quan đến chiến lược của Trump ở Biển Đông, Niall Ferguson, giáo sư lịch sử Đại học Harvard, thành viên cao cấp Viện Hoover, Standford ngày 5/12 nhận định trên The Straits Times: 

Việc tướng James Mattis được Trump lựa chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng có thể làm cho thế giới an toàn hơn, trong đó có khu vực Biển Đông. 

Không chỉ là một chiến binh đáng gờm từng chỉ huy Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 1 tấn công Baghdad năm 2003, James Mattis còn là một nhà tư tưởng chiến lược sâu sắc.
 



Tướng James Mattis được Donald Trump lựa chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng mới trong Nội các của ông sẽ ra mắt ngày 20/1/2017. Ảnh: Military Times.

Ông là một chiến binh - học giả giống hình mẫu Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius. Binh pháp của Marcus Aurelius được James Mattis mang theo trong suốt cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan. 
James Mattis sẽ là vị tướng thứ hai làm chủ Lầu Năm Góc kể từ khi Tổng thống Harry Truman bổ nhiệm tướng George Marshall làm Bộ trưởng Quốc phòng năm 1950.

Trong khi tất cả các đời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn lại đều là các chính khách dân sự, phản ánh một niềm tin lâu đời ở Mỹ rằng, các sĩ quan cấp cao cần phải được kiềm chế bởi các nhà lãnh đạo "cổ cồn". 

Trump đã quyết định bỏ qua thông lệ này, đề nghị Quốc hội Mỹ bãi bỏ quy tắc một vị tướng chỉ được làm Bộ trưởng Quốc phòng sau khi đã nghỉ hưu 7 năm. 

Tướng James Mattis sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của người Trung Quốc. Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ năm ngoái, ông tuyên bố: 

Những nỗ lực ở Thái Bình Dương để duy trì mối quan hệ tích cực với Trung Quốc phải song hành với một chính sách xây dựng các đối trọng, nếu Trung Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động bành trướng của họ ở Biển Đông và các nơi khác. 

Trong khi "thần chú" của Tổng thống Theodore Roosevelt là: nói chuyện nhẹ nhàng nhưng luôn mang theo một cây gậy lớn, thì ông Barack Obama lớn tiếng rao giảng, nhưng lại chỉ mang theo một que củi lòng khòng. 

Tất cả điều này sẽ thay đổi. Chỉ có điều, tướng Mattis sẽ không phát biểu gây sốc như Donald Trump, ông vẫn nói rất nhẹ nhàng, nhưng cây gậy lớn Mattis mang theo rất đáng chú ý, giáo sư Niall Ferguson bình luận. [3]

 

Tài liệu tham khảo:




 

Hồng Thủy