Diệu Linh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Các
bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca
từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp
phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác."
(GDVN) - Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
đã được Văn phòng Chính phủ gửi tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Cụ thể, tại văn bản số 5191/VPCP-KGVX do Phó Chủ nhiệm
Văn phòng Chính phủ - ông Nguyễn Văn Tùng ký gửi tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch nêu rõ:
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch nghiêm túc thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp
với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ ngày
26/4/2017:
Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt
động biểu diễn nghệ thuật, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển.
Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực
tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích
quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời
gian sáng tác.
Tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản
lý, thực thi pháp luật của Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Vào đầu tháng 3/2017, dư luận bất ngờ khi Cục Nghệ
thuật biểu diễn quyết định bản tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm
1975 đã được phép phổ biến gồm “Cánh thiệp đầu Xuân” (Lê Dinh - Minh Kỳ), “Rừng
xưa” (Lam Phương), “Chuyện buồn ngày Xuân” (Lam Phương), “Đừng gọi anh bằng
chú” (ghi tên tác giả Diên An), “Con đường xưa em đi” (Châu Kỳ - Hồ Đình
Phương).
Ngày 15/4, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- ông Vương Duy Biên đã ký văn bản số 1575/BVHTTDL-VP xử lý việc tạm dừng 5 bài
hát sáng tác trước năm 1975.
Công văn nêu rõ: Vừa qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn ban
hành văn trên cơ sở văn bản đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM là chưa đủ
căn cứ, gây phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Cục Nghệ thuật
biểu diễn thu hồi Quyết định số 20/QĐ-NTBD ngày 22/3/2017 của Cục. Đồng thời,
Bộ yêu cầu kiểm điểm, nghiêm khắc rút kinh nghiệm sâu sắc đối với tập thể, cá
nhân tham mưu việc tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác truớc năm 1975 đã được
phép phổ biến nêu trên.
Bộ yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với các
cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Bộ về việc hoàn thiện văn bản quy phạm
pháp luật về công tác quản lý, cấp phép phổ biến đối với các bài hát sáng tác
truớc năm 1975 và bài hát do người Việt Nam định cư tại nước ngoài sáng tác
nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tác phẩm nghệ thuật có nội dung tư tưởng
tốt, chất lượng nghệ thuật được phổ biến rộng rãi, phục vụ nhu cầu thưởng thức
nghệ thuật của công chúng.
Ngày 19/5 vừa qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn lại một lần
nữa gây ra những phản ứng trong dư luận khi công bố thêm 300 bài hát ra đời
trước năm 1975, chủ yếu là nhạc truyền thống cách mạng trong danh sách các ca
khúc được cấp phép phổ biến.
Cho dù ngày 21/5 có thông cáo báo chí giải thích rằng
cục này chỉ đưa vào danh mục bài hát được phổ biến chứ không phải cấp phép phổ
biến, dư luận vẫn không hiểu vì sao Cục Nghệ thuật biểu diễn lại có sáng kiến
này.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh
văn phòng - người phát ngôn Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, phương
pháp làm của Cục Nghệ thuật biểu diễn chưa được rõ gây nên bức xúc cho người
dân. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu đơn vị này nghiêm túc rút kinh
nghiệm.
Diệu
Linh
Nguồn: Theo GDVN