28 mai 2017

Nhà nước và Dân – Ai cần hơn luật biểu tình?


Thiện Tùng

Kỳ họp Quốc hội thứ 3/khóa14, nhiều đại biểu Quốc hội nhắc đến luật Lập Hội và luật Biểu Tình mà Quốc Hội còn nợ đân nhiều năm qua.



 
Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường - Ảnh An Đăng/TTXVN   

            


Là một công dân, qua theo dõi ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận về luật Lập Hội và luật Biểu tình, tôi cảm thấy như mình nhìn vào một tu viện nghe những tín đồ thiếu thành tâm đọc kinh sám hối. 




Quốc hội là cơ quan Lập pháp, muốn có luật gì đó, cớ sao không phân công cho cơ quan chuyên trách của mình viết dự thảo để thường vụ QH điều chỉnh, tập thể QH biểu quyết thông qua rồi cho nó chào đời?. Quốc hội là cơ quan Lập pháp, có trách nhiệm xây dựng Pháp Luật (1), cớ sao cứ đùn đẩy việc ấy cho bên Hành pháp (Chính phủ)?. Người dân lập và nuôi QH, họ cần QH làm tốt chức trách của mình chớ đâu cần QH chỉ biết chê trách, kêu than?!. 



 Nếu quyền lợi từng cá nhân bị xâm hại thì cá nhân ấy có quyền đến chính quyền cai quản mình khiếu kiện; Còn nếu quyền lợi của một cộng đồng nhứt định nào đó bi xâm hại thì họ có quyền khiếu kiện tập thể hoặc biểu tình. Đó là hành động tự phát, hợp Hiến (Điều 25/HP2013). Cớ sao, một đại biểu QH lại nói rằng: “Vì chưa có luật biểu tinh nên không có cơ sở xác định tính hợp pháp hay không hợp pháp của cuộc biểu tình”. Hiến pháp cho phép người dân biểu tình thì biểu tình với quy mô, hình thức nào cũng hợp pháp?. Chưa ra được luật Biểu tình, cái lỗi ấy thuộc về QH. 



Biểu tình hay khiếu kiện tập thể đúng hay sai căn cứ vào yêu sách của họ - có cơ sở, có lý là đúng, ngược lại là sai. Vì đông người, tránh sao hỏi những sai phạm nhỏ nhặt về trật tự, an ninh, Cảnh sát có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, ôn tồn nhắc nhở họ. Không thể vì lý do chưa có luật biểu tình hay vì những sai phạm nhỏ nhặt ấy mà cấm biểu tình hay khiếu kiện là vi Hiến (Hiến pháp). Người dân sẽ không biểu tình hay khiếu kiện chỉ khi nào quyền lợi họ không bị kẻ khác xâm hại.



Công bằng mà nói, là người dân thấp cổ, bé miệng, họ biểu tình hay khiếu kiện chẳng qua là đi kêu cứu. Tuy dân trí chưa cao, nhưng qua thực tế, họ luôn giữ trật tư, bất bạo động, ôn hòa dâng yêu sách. Có điều “Cây muốn lặng mà Gió chẳng dừng”, Cảnh sát “ quá mạnh tay” và bọn giả dạng quá khích, gây rối đối với họ, buộc họ phải có hành động tự vệ - đỗ cho họ gây sự là sai sự thật.



Đừng lấy gì làm lạ, thể chế chính trị Độc tài núp dưới dạng Dân chủ, Hiến pháp cần phải có đủ “đầu, đuôi, thủ, vĩ ” để trang trí. Còn Luật  không phải để thực thi HP mà ngược lại – ra luật để cai trị chớ không phải để quản trị. Vì lợi ích cục bộ, Hành pháp và Luật thường không ngần ngại vi Hiến. Vì vậy, Nhà nước cần luật hơn Dân . Dân chỉ cần Hiến pháp cho phép là đủ, thêm luật khác nào thêm dây trói. 



 Độc tài bao giờ cũng đối lập với Nhân quyền, Dân chủ…. Như đã nói, cực chẳng đã, vì yêu cầu trang trí bộ mặt, “Đảng ta” buộc phải bậm môi, gật đầu duyệt cho những quyền của công dân được đưa vào điều 25/HP2013, nhưng luôn xem đó là điều “nhạy cảm”. Chính từ đó, Nhà nước Đảng quyền lâm vào cảnh tấn thối lưỡng nan: nếu không tổ chức thực hiện là vi Hiến, còn tổ chức thực hiện là di họa vào thân – Có phải đó là lý do của việc trì hoản ra luật Hội và luật Biểu tình?.



Tiện đây, người viết xin kề 2 chuyện cũ để xem coi nên cười hay mếu:



-    Hồi còn chiến tranh, Khu ủy khu Trung Nam bộ (Khu 8) tổ chức cuộc họp triển khai chủ trương 3 khoan: “Khoan yêu, nếu đã yêu khoan cưới, nếu đã cưới khoan có con”. Khi đến phần cá nhân phát  biểu, tôi có ý kiến: “Hai cái khoan sau có thể thực hiện, còn cái khoan trước vô duyên (không thể thực hiện). Chủ tọa trợn mắt nhìn tôi hỏi: “Vi sao?”. Tôi đáp: “Yêu là bẩm sinh, do tạo hóa ban, đến tuổi dậy thì đã rậm rật. Yêu là quyền con người không ai có/được quyền cấm cản, họ có quyền yêu đơn phương nữa kìa. Nếu cấm, họ ngầm yêu làm sao mà biết được”. Không biết mọi người nghĩ gì, hiểu sao mà cả hội trường cười rộ lên.



-    Khi Trung Quốc đặt giàn khoan dầu ở thêm lục địa nước ta, dân cả nước biểu tình chống Trung Quốc.  Ngoài nhắn tin trên điện thoại  di động cấm biểu tình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn ra nghị định (36 là phải?) có nội dung Tụ tập trên 5 người phải xin phép”. Sáng bữa nọ, tôi ra vườn hoa Lạc Hồng thấy hàng chục bà, sau tập thể dục, châu đầu dụm mỏ nói chuyện “trời mây trăng nước” gì đó, tôi nói đùa như thật : “Đưa giấy phép xem”. Mấy bà hĩnh mũi cười. Ra vẻ nghiêm nghị, tôi nói tiếp: “Thủ tướng Dũng ra lịnh tụ tập trên 5 người phải xin phép”. Mấy bà hứ một cái rồi cười trừ.



Một chủ trương hay chình sách gì đó, nó sẽ chết yểu nếu thiếu tính khả thi. Hiến pháp xưa nay đều có ghi: “Người dân có quyền làm những gì Hiến pháp không cấm, Chính quyền làm những gì Hiếm pháp cho phép”.



 Chẳng còn gì chán ngán hơn: Hễ thấy thứ gì hơi khó quản thì ra công văn cấm ?! 



27/05/2017

   T.T



(1) Theo người viết hiểu: Pháp Luật (đều viết hoa) là từ ghép: Pháp là Hiến pháp. Luật là những luật cơ bản và những văn bản Pháp quy, chúng ra đời sau Hiến Pháp, có chức năng cụ thể hóa những điều khoản trong Hiến pháp, không được trái với tinh thần, nội dung Hiến pháp.