21 mai 2017

Đảng 'không sợ đối thoại, không sợ tranh luận'?


·         VOA Tiếng Việt
Quốc kỳ và Đảng kỳ của Việt Nam

Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng hôm 18/5 phát biểu:
“Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý.”

Nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Tiến Trung từ thành phố Hồ Chí Minh nói ông hoan nghênh phát biểu của ông Thưởng và hy vọng đây không phải là những lời hứa “đầu môi chót lưỡi”.


“Rất hoan nghênh câu nói của ông Võ Văn Thưởng. Những người ôn hòa, có tư tưởng đối thoại, cùng dân tộc, nên cùng đoàn kết với nhau để ra sức ép buộc Đảng Cộng sản ngồi xuống đàm phán, đối thoại thực sự, chứ không phải chỉ là những lời hứa trên đầu môi chót lưỡi nữa.”

Rất hoan nghênh câu nói của ông Võ Văn Thưởng. Những người ôn hòa, có tư tưởng đối thoại, cùng dân tộc, nên cùng ngồi xuống đàm phán, đối thoại thực sự, chứ không phải chỉ là những lời hứa trên đầu môi chót lưỡi nữa.  
Nguyễn Tiến Trung
Báo Pháp Luật ngày 19/05/2017 trích lời ông Thưởng cho biết Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc “tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước.”

Người đứng đầu Ban tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam lên tiếng tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.”

Báo Pháp Luật trích lời ông Thưởng nói:

“Đây là vấn đề rất quan trọng...Cần có quy định rõ ràng để từng cấp, từng ngành, từng cơ sở, từng đơn vị xác định rõ trách nhiệm của mình và phương pháp trong trao đổi, đối thoại.”


Các lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam hiện nay



Ông Nguyễn Tiến Trung nêu nghi vấn về sự thành tâm của những người lãnh đạo Đảng Cộng sản. Anh nói:

“Tôi khá là ngạc nhiên vì trong nước cũng chưa có lực lượng chính trị nào đủ sức mạnh và lực lượng để có thể buộc Đảng Cộng sản ngồi xuống đàm phán. Tuy nhiên khi ông Thưởng nêu ý kiến này ra, là cũng nói rõ đang đợi Ban Bí thư ban hành văn bản hướng thì tôi nghĩ đây là một ý định khá là nghiêm túc, độ khả tín, xác thực cao.”

Anh Trung giải thích rằng các sức ép bên trong và bên ngoài là lý do chính buộc Đảng phải đối thoại với nhân dân:

“Đảng độc quyền, độc tài thì không bao giờ muốn đàm phán cả. Nhưng bây giờ họ đang phải đối mặt với sức ép rất là lớn- từ trong nước đến quốc tế, cho nên tôi nghĩ một số người trong Đảng Cộng sản đã thấy rõ con đường hợp lý nhất, đúng đắn nhất để Đảng thoát khỏi thế kẹt là phải đối thoại với dân để cùng nhau đi tới.”

Những sức ép đó là gì? Anh Trung phân tích:

“Đó là nợ công quốc gia, họ đang bị dư luận để tăng xăng dầu lên 8.000đồng/ lít; Trung Quốc gây sức ép trên Biển Đông, người dân liên tục phản kháng, liên tục biểu tình, tạo ra sự bất ổn bên trong và bên ngoài rất lớn. Cuối cùng họ sẽ phải ngồi xuống đàm phán. Bây giờ một số thành phần trong Đảng đã nhìn theo hướng đó rồi.”


Biểu tình phản đối Formosa

 

Tuy nhiên, quá trình tiến tới đối thoại, tranh luận thực sự còn tốn nhiều thời gian. Chưa kể các biện pháp “câu giờ” như phân tích của anh Trung:

“Tất nhiên mọi người cũng biết rằng các lãnh đạo Đảng Cộng sản họ có truyền thống câu giờ. Ví dụ như Luật lập hội, Luật biểu tình, họ cứ nói hoài hết năm này đến năm khác mà vẫn chưa có. Rất có thể sau lời tuyên bố này thì họ tiếp tục câu giờ. Họ cho là người dân an tâm rồi, các lãnh đạo biết lắng nghe dân rồi thì không cần làm gì nữa.”

Các nhà hoạt động khác cũng kỳ vọng sẽ có những dấu hiệu thay đổi sau lời phát biểu của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đặc biệt những thay đổi trong đợt “đổi mới 2” đang dần xuất hiện mà khởi đầu là những thay đổi về “lý luận.”

Nhà báo độc lập Quang Hữu Minh viết trên Facebook: “ông Võ Văn Thưởng nên tiếp tục ở lại Ban Tuyên Giáo Trung Ương để đổi mới về lý luận và cách lý luận cho Đảng.”

Tuy nhiên, một số nhà hoạt động đặt nghi vấn về những phát biểu của ông Thưởng, họ hỏi đâu là ranh giới giữa một bên là “đối thoại”, “tranh luận”, “nêu ý kiến phản biện” và một bên là “chống phá chính quyền”, “tuyên truyền chống phá nhà nước” hay “phản động”?.

Ông Hữu Minh viết “chỉ mong là anh Thưởng, trong tư thế là người khởi xướng việc này, cần chú ý là không thể đối thoại trong đồn công an, với một bên đông đúc về con người, khỏe mạnh và minh mẫn, công cụ chuyên chế đầy đủ, còn một bên là một người mỏi mệt, kiệt quệ và tay chân có khi đeo còng.”

Nhà báo viết tiếp về ông Thưởng: “Chưa biết anh làm tới đâu, nhưng xưa nay vẫn quý mến vì anh là người nói ít làm nhiều.”
Nguồn: Theo VOA