18 mai 2017

Từ chuyện cấp thẻ vào phòng cách ly vô nguyên tắc mà thấy lo…


Quốc Phong
 
Ông Vũ Huy Hoàng


Câu chuyện khiến dư luận dậy sóng về vụ ông Vũ Huy Hoàng, người từng giữ cương vị bộ trưởng nhiều năm rồi bị kỷ luật tước mọi phẩm hàm, nay lại được Văn phòng Bộ Công Thương ký công văn bảo lãnh để giúp ông có được tấm thẻ vào khu vực cách ly của sân bay quốc tế Nội Bài. Điều này khiến tôi không chỉ thất vọng về con người ông mà với cả một vài cán bộ thuộc Văn phòng Bộ Công Thương, với cả nơi dễ dãi chấp nhận phê duyệt mà thiếu nhạy cảm chính trị. Họ đã vi phạm nguyên tắc tổ chức đến khó hiểu và rất xem thường dư luận. Đó mới là điều đáng lo cho công tác quản lý xuất nhập cảnh nói chung khi một người nào đó "có vấn đề (!!!)".


Qua đó cũng có thể nhận thấy một điều, gần hai nhiệm kỳ ông Vũ Huy Hoàng làm bộ trưởng hồi nào, ảnh hưởng của ông đến giờ không phải đã hết (?). Người ta, những người đang đường đường là công chức quản lý nhà nước, nhưng tại sao lại có thể bất chấp cả quyết định kỷ luật của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với ông Vũ Huy Hoàng, ký tá với chữ nghĩa tùm lum, để tiếp tục "lừa" nơi sẽ nhận công văn.

Phải chăng vì họ xem thường kỷ cương phép nước? 

Phải chăng họ không theo dõi thời sự chính trị những ngày trước đó khi đề cập về vụ việc nổi cộm này?

Hay là vì họ chịu ơn sâu nghĩa nặng với ông, một người từng đứng đầu cái "siêu bộ", có quyền lực vô biên nên khó xử khi ông gọi nhờ một việc "cỏn con". Bởi, chỉ cần ước đoán việc ông đã từng ký quyết định bổ nhiệm, đề bạt cho bao nhiêu người (chỉ 18 tháng cuối nhiệm kỳ, ông đã ký bổ nhiệm tới trên 90 lãnh đạo cấp vụ) là đủ hình dung “tầm ảnh hưởng” của ông ra sao. Và rất có thể ông Hoàng đã từng nâng đỡ, từng tiếp nhận họ ngày nào nên nay đành "liều thân đáp lễ", giúp "giải quyết  khâu oai" cho thủ trưởng cũ được đẹp mặt trước người thân của ông. 

Thật đúng là việc rất không nên với một cựu quan chức -  vốn có thể coi như từng là "chính khách" của một quốc gia, mà thực ra có đến nỗi nào mà phải làm vậy để tự "bôi mỡ cho kiến cắn". Nghĩ mà thấy buồn thay cho cách suy nghĩ của ông!

Trong bài viết này, ngoài chuyện không nên của ông Hoàng, tôi cho rằng chúng ta nên xem đây là điều cần chấn chỉnh trong công tác hành chính, tổ chức của Bộ Công Thương và các đơn vị khác nếu chưa nắm chắc nguyên tắc an ninh hàng không. 

Theo tôi tìm hiểu từ những người trong ngành hàng không, khu cách ly của cảng hàng không quốc tế ở quốc gia nào thì cũng được bảo đảm an ninh rất nghiêm ngặt. Đơn giản là, nếu qua được khâu này (an ninh cửa khẩu sân bay) có nghĩa là nhà chức trách đã cho họ bước qua “biên giới" nước mình để tới gần hơn một quốc gia khác.

Nó cũng có nghĩa, ai đó chỉ cần có hộ chiếu giả giống với họ tên của người mua vé thật mua cho thì họ đã có thể ra được cửa soát vé lên tàu bay ngon lành vì nhân viên soát vé họ cũng không có khả năng phân biệt hộ chiếu đó thật giả ra sao miễn là thấy đúng họ tên.

Chuyện ông Vũ Huy Hoàng đang trong thời điểm được xem là nhạy cảm như thế, vậy mà Bộ Công Thương dám ký bảo lãnh, lại cố tình ghi ra cái chức danh "nguyên Bộ trưởng" đã bị tước thì quả là chuyện không thể xem là nhỏ nữa. Nó bộc lộ nhận thức về chính trị rất yếu của cán bộ được giao phụ trách Văn phòng. 

Đáng trách còn ở chỗ khi mà báo chí đưa việc xử lý kỷ luật ông Hoàng rùm beng nhiều tháng rồi chứ đâu phải chuyện bí mật gì mà nói do không biết! Đành rằng, trong trường hợp cụ thể này, ông Hoàng đâu đã phải là đối  tượng nằm trong danh sách bị nhà chức trách ngăn chặn xuất cảnh! Vì thế, việc tôi bàn dưới đây không hoàn toàn có ý nói về trường hợp cụ thể như ông.

Chúng ta còn nhớ, chuyện ông Trịnh Xuân Thanh đã từng bỏ trốn ra nước ngoài khi đang trong giai đoạn rất nhạy cảm về chính trị nói chung. Loại trừ chuyện đơn từ xin nghỉ phép của ông được "diễn" khá hoàn hảo: ông Thanh đã đi từ trước khi đơn xin nghỉ mà ông nhờ người gửi đến được tay cấp trên. Rồi chuyện các đơn vị an ninh cửa khẩu cả nước khi đó, dù có biết ông Thanh đang có chuyện gì đi nữa, có vào tầm ngắm của cơ quan có trách nhiệm nào hay không thì về nguyên tắc, họ cũng không có quyền giữ ông Thanh lại, không cho ông ta xuất cảnh khi chưa có thông báo ngăn chặn ông ta xuất cảnh. Nếu làm không đúng và vượt quyền, chính họ sẽ bị xem là vi phạm nguyên tắc, vi phạm nhân quyền, đâu có đơn giản. Đó là chưa nói, ông vẫn đương chức là một tỉnh uỷ viên, là Phó chủ tịch một tỉnh chứ đùa sao? 

Câu chuyện ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn theo đường nào, cho đến giờ chúng ta vẫn chưa được ai thông báo chính thức. Nhưng dù ông ta đi theo đường cửa khẩu  hàng không hay đất liền và đã thoát được thì cũng không thể đổ trách nhiệm về việc này cho an ninh cửa khẩu như một số người vẫn nghĩ. Trong vụ việc này, an ninh cửa khẩu đã làm đúng chức trách của họ. Ai không có  thông báo nằm trong danh sách cần ngăn chặn xuất cảnh  thì họ đâu có quyền làm khó. 

Chuyện ông Trịnh Xuân Thanh làm đơn xin nghỉ đi chữa bệnh nước ngoài đúng lúc vi phạm của ông ta đã được Tổng bí thư chỉ đạo 9 bộ, ban, ngành vào cuộc điều tra (nghĩa là toàn bộ hệ thống trị trị đã vào cuộc), vụ việc nhạy cảm là thế nhưng tỉnh uỷ, uỷ ban vẫn không thể hiện trách nhiệm quản lý cán bộ của mình. Lẽ ra, nếu cảm nhận việc quản lý con người nói trên đang vượt khỏi khả năng địa phương thì cũng nên trao đổi hoặc báo cáo các cấp trên như Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an... để cùng tìm cách "ngăn chặn tế nhị" như thế nào đó vì rõ ràng lúc này chưa có lệnh ngăn chặn xuất cảnh của cấp có thẩm quyền. Nếu như có biện pháp "nhắc nhẹ” thế nào đó mà đối tượng vẫn cứ vi phạm, tức là đã "có chuyện" và có thể lấy lý do này để yêu cần cơ quan pháp luật can thiệp. 

Như vậy sẽ tránh được việc để đối tượng nào đó lẳng lặng đi nước ngoài kiểu "tiền trảm hậu tấu" như ông Trịnh Xuân Thanh, hay như các ông Trịnh Đình Thảo, Tổng giám đốc Công ty thi công cơ giới dầu khí (PVC-ME), Lê Chung Dũng, Phó tổng giám đốc Điện lực dầu khí (PV Power) thuộc PVN, Vũ Đình Duy, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty xơ sợi Đình Vũ, Hải Phòng cũng thuộc PVN...

Một chuyện khác, đó là vụ Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Vinalines bỏ trốn khi đã biết mình khó thoát tội. Dương Chí Dũng khai đã nhận được mật báo từ người thân trong ngành công an rằng một thứ trưởng Công an đã bật đèn xanh cho ông ta “tạm lánh một thời gian" ra nước ngoài bằng đường bộ. Diễn tiến sự việc cho thấy Dương Chí Dũng có đủ thời gian chạy trốn là nằm trong một kịch bản hoàn hảo: Liệu có ai "chống lưng" và tìm cách hoãn binh xin Viện KSNDTC chậm phê chuẩn lệnh khởi tố bị can và bắt tạm giam ông ta một cách không bình thường? Tôi được biết, tối hôm Viện KSNDTC ký lệnh bắt tạm giam Dương Chí Dũng, lãnh đạo viện đã phải cử người có trách nhiệm ở lại trực ngay tại công sở để sẵn sàng ký tức thì nếu bên Cơ quan cảnh sát điều tra đưa đề nghị sang. Hình như bên Viện cũng có linh cảm, đề phòng nếu như để hôm sau, vào giờ hành chính mới ký thì sẽ rất phiền cho bên Viện. Tuy nhiên, như mọi người đã biết, ông Dương Chí Dũng vẫn chạy trốn được, để rồi khá nhiều cán bộ công an bị liên đới...

Nếu quả như vậy thì dù có nhiều biện pháp tích cực đi nữa cũng chưa thể khẳng định pháp luật của  chúng ta đủ sức mạnh ngăn chặn những thủ đoạn tinh vi của kẻ phạm tội cố tình thoát thân một khi có người chống lưng (!!!). 

Trước thực tế của những ví dụ gần đây, tôi mong rằng các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật cần bổ sung và  hoàn thiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm giúp cho việc giám sát đối tượng nghi vấn, đối tượng đã khởi tố nhưng cho tại ngoại, hầu ngăn chặn việc đào tẩu. Chúng ta không muốn từ nay về sau vẫn còn xảy ra những trường hợp phạm pháp đào tẩu dồn dập như năm 2016. Để làm được việc này quả không dễ, song không có nghĩa là không thể. Đọc tài liệu về bề dày truyền thống của lực lượng trinh sát ngoại tuyến ngành Công an, tôi thấy thật cảm phục tài nghệ của họ khi đã đấu tranh phòng bọn chống tội phạm nói chung, đặc biệt là tội phạm gây trọng án, tội phạm gây rối an ninh quốc gia... rất xuất sắc. Vậy không lẽ trước các đối tượng nghi vấn phạm tội về kinh tế, về tham nhũng như gần đây mà chúng ta lại có vẻ khó thực thi thành công lắm sao?  


Quốc Phong
 

Ngày 4.5, ông Đào Đặng Tùng Lâm, chuyên viên phụ trách Lễ tân, Văn phòng Bộ Công Thương đã làm công văn trình Phó chánh Văn phòng Nguyễn Như Diễm ký gửi Cảng vụ hàng không miền Bắc và một số đơn vị liên quan đề nghị cấp thẻ an ninh cho ông Vũ Huy Hoàng được vào khu vực cách ly tiễn người thân đi chuyến bay VN512 (lúc 10 giờ 10 ngày 5.5.2017, thẻ có giá trị sử dụng một lần) 

Ngày 5.5, ông Vũ Huy Hoàng được cảng Vụ hàng không miền Bắc cấp thẻ số TL-504, HAN:0066540 vào khu vực cách ly 2A. Ông Lâm là cán bộ trực tiếp đi cùng ông Vũ Huy Hoàng vào khu vực cách ly 2A và sự vụ bị vỡ lở để dư luận thêm một lần "dậy sóng"...



Nguồn: Theo MTG