27 mai 2017

Ý kiến đặt câu hỏi: Đối thoại để làm gì?


Bùi Văn Phú

 
Bản quyền hình ảnh AFP Image caption Ông Trần Huỳnh Duy Thức đã từng từ chối đi Mỹ định cư và 'kiên quyết đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam'



Đóng kênh chia sẻ

Từ nhiều năm qua người Việt đã mơ ước một ngày họ có thể nói lên quan điểm của mình mà không lo sợ bị bắt giam, trấn áp hay sách nhiễu.

 Trong quá khứ, trước các kỳ Đại hội Đảng hay để chuẩn bị sửa Hiến pháp, Hà Nội đã mời gọi dân, và cả người Việt hải ngoại, tham gia góp ý vào tiến trình kiến tạo đất nước. Dù có nhiều đề nghị hay kiến nghị, nhưng những tiếng nói không đồng lòng với đảng, không cùng quan điểm với nhà nước đã không được quan tâm.

Trái lại, nhiều người bất đồng chính kiến ở Việt Nam ngày nay vẫn còn ở trong tù, hay khi vừa nói lên quan điểm thì bị ngăn chặn, bị côn đồ hành hung.

Nhiều tiếng nói bất đồng đang chịu án tù như Nguyễn Văn Đài, Trần Huỳnh Duy Thức, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Trần Kim Anh, Lê Thanh Tùng và cả trăm người khác.

Nhiều người đã phải chọn con đường lưu vong như Đoàn Viết Hoạt, Đoàn Thanh Liêm, Trần Khải Thanh Thủy, Điều Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ.

Bên ngoài xã hội, nhiều người bị quản chế, bị ngăn cản tiếp xúc với đại diện các tổ chức nhân quyền, các dân cử từ những quốc gia tự do dân chủ hay thường xuyên bị sách nhiễu, không cho tham gia hội họp như Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Quang A, Lê Công Định, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Đoan Trang, Phạm Thanh Nghiên.

Khi bị thế giới đặt vấn đề, quan chức Hà Nội luôn đưa ra quan điểm là những người đó không phải ở tù vì bất đồng quan điểm mà vì họ vi phạm Điều 79: hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, Điều 88: tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa, hay Điều 258: lợi dụng tự do dân chủ để xâm phạm quyền lợi nhà nước; trong khi thực tế họ chỉ phát biểu quan điểm bất đồng với nhà nước.

Vài năm trước, khi có tu chính Hiến pháp, người dân cũng được mời gọi đóng góp ý kiến để Hiến pháp phản ánh được thực tế hơn.

Nhưng những đề nghị của hàng trăm trí thức, các lãnh đạo tôn giáo liên quan đến sở hữu đất đai, nền tảng kinh tế, tự do nhân quyền, bỏ Điều 4, bỏ hệ tư tưởng Mác-Lê, bỏ độc quyền cai trị để đưa đến đa nguyên chính trị, thì chỉ nhận được sự im lặng. 


Khi nào nhà nước đưa ra một lộ trình dân chủ hóa đất nước, với những bảo đảm cho quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí, hội họp và lập hội, khi đó những người đối lập mới nên tham gia đối thoại.Nhà báo Bùi Văn Phú


Nhà nước không quan tâm đến những góp ý như thế, truyền thông trong nước dưới sự kiểm soát của Ban Tuyên giáo cũng chẳng lên tiếng hay đưa ra tranh luận về những kiến nghị này.

Những năm gần đây, nhiều vấn đề gây bức xúc trong dân, từ việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào hải phận Việt Nam, tranh chấp đất đai giữa dân và nhà nước, dân oan khiếu kiện, cho đến việc ngư dân thường xuyên bị tàu lạ tấn công ngoài khơi hay sự kiện nhà máy thép Formosa thải chất độc gây thiệt hại cho ngư dân và làm ô nhiễm biển.

Đã có nhiều kiến nghị với sự hưởng ứng của hàng nghìn người, thuộc mọi thành phần trong xã hội được gửi đến lãnh đạo. Nhưng mọi yêu cầu đã không được nhà nước hồi đáp.

Bỗng dưng tuần trước đảng lại gợi ý muốn đối thoại với những người có ý kiến khác biệt.

 
 
Bản quyền hình ảnh Kham Reuters Image caption Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, trong một hội nghị của đảng hôm 18/5 nói không sợ đối thoại.


Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, trong một hội nghị của đảng hôm 18/5 có nói: "Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý."

Tin đưa như thế. Nhưng những ngày qua không thấy truyền thông nhà nước có bình luận, phân tích về phát biểu của người đứng đầu ngành tuyên giáo, là cơ quan có trách nhiệm giáo dục cán bộ và quần chúng về đường hướng lãnh đạo của đảng.

Nội bộ đảng có thực sự muốn mở ra những đối thoại và đối thoại với ai, về những vấn đề gì của đất nước thì chưa rõ. Ông Thưởng chỉ mới gợi ý và cho biết còn đang chờ Ban Bí thư Đảng đưa ra đề xuất thực hiện.

Lời phát biểu của ông Thưởng chỉ làm gợn sóng dư luận hải ngoại, làm cho một số người Việt ở nước ngoài lạc quan. Nhưng đa số vẫn e dè.
 
Bản quyền hình ảnh Hoang Dinh Nam/AFP Image caption Luật sư Lê Công Định là một trong những người đã từng bị quản chế


Trong quá khứ, ngay cả giữa những người cộng sản với nhau mà khi đứng ở phía đối lập vẫn phải vào tù hay lưu vong. Vụ án xét lại cách đây nửa thế kỷ đến nay vẫn có nhiều nạn nhân hay thân nhân của họ muốn được minh oan.

Năm 1967, khi nội bộ đảng có những ý kiến trái chiều về vận hành chiến tranh và đã chia làm hai phe, phe chủ trương hòa hoãn theo Liên Xô và phe quyết tâm tiến hành chiến tranh theo Trung Quốc. Kết quả phía Lê Duẩn, Lê Đức Thọ thắng thế khiến nhiều người phải vào tù như Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Lê Trọng Nghĩa; mất chức: Ung Văn Khiêm, Lê Liêm; thất sủng: Võ Nguyên Giáp; hay phải sống lưu vong: Nguyễn Minh Cần, Lê Vinh Quốc, Đỗ Văn Doãn.

Năm 1979, Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Văn Hoan vì bất đồng quan điểm cũng đã phải lưu vong sang Trung Quốc.

Trương Như Tảng, cựu Bộ trưởng Tư pháp của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, vì không đồng ý với chính sách Bắc hóa miền Nam của Hà Nội cũng đã vượt biển tị nạn.

Thực tâm đối thoại?

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ thực tâm muốn đối thoại với những người có ý kiến khác biệt. Khai trừ trong nội bộ. Hay cho đi nước ngoài như những cựu tù cải tạo.

Đối với người Việt hải ngoại, Hà Nội thường dẫn chứng vài trường hợp để đề cao ý hướng đối thoại, chủ trương hòa hợp hòa giải của nhà nước.

Về chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Phạm Thế Duyệt đã tiếp cựu lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa là Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm Mỹ, ghé California có mời Tướng Kỳ đến dự tiếp tân. Tôn giáo có Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã về đối thoại với nhà nước, được tổ chức vài khoá tu học, được xây tu viện ở Lâm Đồng. Văn hoá có nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã đối thoại với nhà nước để được hồi tịch, được cấp chứng minh nhân dân, được sở hữu nhà ở.

Nhưng kết quả của những hành động đối thoại đó là gì. Tướng Nguyễn Cao Kỳ chết không được chôn ở quê nhà. Tu viện Bát Nhã của thày Nhất Hạnh bị phá, tu sinh bị đuổi đi. Những sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy đến nay hầu hết vẫn còn bị cấm phổ biến trong nước.

Giám mục Nguyễn Thái Hợp chủ trương đối thoại với nhà nước, nhưng những lời kêu gọi của ông và của một số linh mục trong Giáo phận Vinh đòi công lý cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm do Formosa cũng chẳng được nhà nước quan tâm. Trái lại những linh mục cùng dân đứng lên biểu tình đã bị vu khống, bôi nhọ.




Giáo sư Ngô Bảo Châu, nhà toán học danh tiếng của Việt Nam được nhà nước dành cho nhiều ưu đãi, nhưng năm ngoái ông cũng đã bị tấn công tinh thần trên mạng bởi những người cuồng lãnh tụ.

Theo BBC Tiếng Việt, khi giáo sư viết một câu bình luận trên FB của mình: "Có quý mến ai thì mong họ thoát khỏi vòng luân hồi, đừng bắt họ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta" là ám chỉ việc tôn sùng lãnh tụ Hồ Chí Minh thì trong vòng ít giờ đã có 2 vạn "like", hàng nghìn "share" cùng nhiều phê bình, chỉ trích.

Không hiểu do những áp lực từ đâu khiến ông đã phải xóa bình luận này chỉ sau hai giờ đưa lên Facebook. Giáo sư Châu đang sống ở Mỹ, chứ nếu ở quê nhà chắc cũng không tránh khỏi những nhóm tự phát kéo đến sỉ nhục và hỏi tội hay bị côn đồ hành hung.

Như thế đối thoại với lãnh đạo cộng sản lúc này để làm gì, khi vẫn còn nhiều người bị tù vì có quan điểm trái nghịch với nhà nước, khi Việt Nam chưa có tự do báo chí, tự do hội họp - là những quyền căn bản để tiếng nói đối lập với nhà nước được công khai đến với dư luận quần chúng.

Điều kiện cần có để đối thoại?

Khi nào nhà nước đưa ra một lộ trình dân chủ hóa đất nước, với những bảo đảm cho quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí, hội họp và lập hội, khi đó những người đối lập mới nên tham gia đối thoại.

Vì nếu tham gia đối thoại mà những quan điểm đối lập nếu không đến được với đại chúng thì đối thoại sẽ chẳng đi đến đâu. Như thế nó chỉ là cơ hội cho nhà nước lợi dụng để tuyên truyền.

Hơn thập niên trước cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói chuyện yêu nước không phải của riêng ai và không phải chỉ có một con đường yêu nước. Nhiều người đã thể hiện tinh thần yêu nước qua phát biểu, qua xuống đường và đã phải đối diện với án tù.

Như thế gợi ý của ông Võ Văn Thưởng về đối thoại với những ý kiến khác biệt có sẽ đem lại kết quả hay không?



Nguồn: Theo BBC