Nguyễn
Trung Chính
Tuyên bố mới đây của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị-Trưởng ban Tuyên giáo
Trung ương về "việc
tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan
điểm khác với đường lối, quan điểm của Đảng và pháp luật của nhà
nước" đã gây ra một yếu tố kích động mới trong hàng ngũ những người vẫn còn
ưu ái với đất nước, dân tộc, ngoài nước, trong nước, nhất là trong bối cảnh đất
nước chưa bao giờ cùng cực về mọi mặt như hiện nay.
Trong bối cảnh cùng cực như thế, tuyệt đại đảng viên ĐCS chỉ biết cúi đầu
cam chịu, chuyện cũng thường tình, một số ít cùng với nhân dân phản kháng thì
nhà cầm quyền dùng côn đồ, dùi cui, luật pháp vi hiến để đưa họ vào ngục tù. Hải
ngoại cho đến nay chống là chính, mọi mong muốn đối thoại đều bị chụp cho cái
mũ cộng sản. Và cứ thế, 42 năm nay đất nước không thoát ra được và tiếp tục xuống
dốc, tuyệt đại dân chúng không cất cánh được, chịu kiếp sống bần túng.
Nhiều tác giả đã phân tích nguyên nhân vì sao ông Võ Văn Thưởng đã
tuyên bố cần đối thoại. Có người chống, người cổ võ, những lý do đề dẫn được
đưa ra phần nhiều có lý. Ở bài này, tôi không muốn đi vào những gì đã được nhiều
tác giả phân tích, để nói trên một khía cạnh khác.
Một trong những bài nghiên cứu
mà tôi đọc được, có bài của ông Thìện Tùng "Không thể tiếp tục đối
đầu phải chấp nhận đối thoại " trong đó có kể một câu chuyện dân gian rất thấm thía
, tôi xin trích:
"Một gã nói dối nổi danh, bữa nọ hắn ta vào bìa rừng, thấy con bò của nhà
bên đẻ ra bò con trong giá rét. Hắn vội về báo với chủ bò: “Con bò của anh
đẻ ở bìa rừng, anh vào đem bò con về kẻo nó chết vì rét”. Chủ bò chỉ
cười rồi bỏ qua. Tối hôm ấy con bò mẹ không về như thường lệ, chủ bò lo lắng
không ngủ được. Sáng sớm hôm sau ông vác cuốc ra bìa rừng, thấy con bò mẹ đứng
nhìn con bò con đã chết. Ông đào lỗ chôn con bò con rồi dẫn con bò mẹ về nhà
chăm sóc. Đang buồn vì bò con đã chết, gã nói dối xuất hiện, chủ bò nhìn ông ta
nói:
- Tôi lấy làm hối hận vì không
tin anh nên tối qua bò con đã chết!.
- Tôi còn hối hận hơn anh, vì
trong đời tôi, đây là lần đầu tiên tôi nói thật mà cả anh cũng không tin!!! – gã nói dối đáp
Sự thực là như thế, trên đây không
phải là chuyện cười. Không ai cười được khi người dân còn phải dối trá để qua mặt
chính quyền mà sống.
Đã đến lúc đảng cộng sản cùng
nhân dân nên chấp nhận xóa bài làm lại.
Xóa bài làm lại ở đây trước hết là nói trên mặt tư
duy, cùng nhau rút kinh nghiệm, những mất mát, thất bại đã qua trong xã hội do
tư duy không kịp đà với những thay đổi
đến chóng mặt của sự tiến bộ trên toàn cầu. Do thái độ lúc nào cũng cho mình là
duy nhất đúng, đúng quy trình, không chịu so sánh thực tế với mong muốn để biết
được đúng sai.
Xóa bài làm lại trước mắt là để qua một bên việc giành chính quyền, việc
đánh đổ đảng này, chế độ nọ. Đánh nhau như thế từ hơn 42 năm hoà bình, kết quả
là lòng người mãi chia rẽ, không đoàn kết để xây dựng đất nước. Kẻ bị đánh luôn luôn thủ thế và phản đòn và đây là việc rất thường tình
trong đời, kẻ không đánh được thì tức tối và đất nước cứ như thế lúc nào cũng
có kẻ thù nội tại, xã hội không thể ổn định được. Đất nước có nguy cơ không bảo
vệ được trước hiểm họa xâm lăng của Bắc Kinh mà Thiếu tướng công an Trương Giang Long đã cảnh báo: Trung Quốc không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính chủ quyền của chúng ta ở
Biển Đông … Câu chuyện là, bao giờ họ sẽ lấy và lấy bằng cách nào.
Xóa bài làm lại ở đây cũng không cần hỏi ai phải đối
thoại với ai, ông A hay ông B gặp ông X ông Y để lại nói chuyện trên đầu trên
cổ người dân, việc này dân hiểu đến bằng chán.
Xóa bài làm lại bắt đầu rất giản dị: Phía Đảng cầm quyền thấy cần
phải đối thoại vì lý do nào đó thì họ cứ bắt đầu trước. Ban Tuyên Giáo, đứng
đầu là ông Võ văn Thưởng, mở vòng kim cô cho hơn 800 báo đài ăn lương của dân, từng đề tài một, ai có ý
kiến gì cứu dân cứu nước cứ việc viết lên, không bị kiểm duyệt. Trong nước,
ngoài nước, đảng viên, không đàng viên, đều được khuyến khích nói lên ý kiến
của mình, trong chính trị cũng như trong văn hóa văn nghệ, quần chúng là người
chọn lọc những gì được ưa chuộng, không cần ai cầm tay chỉ vẽ.
Xóa bài làm lại bắt đầu từ việc để người dân tự do
lên mạng đọc những tin tức mà người ta cần, không cần phải lấm lét ngó người
chung quanh.
Sau Đại hội 12, quyền lực thu về một mối trong tay
ông Nguyễn Phú Trọng, báo chí bị kiểm soát nghiêm ngặt hơn trước rất nhiều.
Trước khi ông Trọng nắm hết quyền bính trong tay, thỉnh thoảng trên báo nhà
nước, người ta còn đọc được những bài viết về mối hiểm họa Trung Quốc, những
bài viết suy nghĩ về đường lối chính trị, tham nhũng. Những bài viết như thế
được đăng vì người ta đồn rằng có ông Sang, ông Dũng chống lưng. Nay một bài
viết muốn nói được ý mình một ít thì 8 phần 10 bài viết phải rào đón ca ngợi
đường lối chính sách của đảng cầm quyền, càng đọc càng ngấy vì sự dối trá không
giấu được ai.
Hãy mạnh dạn tháo gỡ những tư duy độc đoán của đảng
và chính quyền để xóa bài làm lại đi ông Thưởng!
Đối thoại không phải là thương lượng, quần chúng rất
sáng suốt sẽ tẩy chay những ai không đặt quyền lợi tối thượng của đất nước
trong lúc dầu sôi lửa bỏng này mà chỉ muốn giành phần. Khó khăn mấy mà có dân
thì vạn lần cũng xong.
Tình trạng kiệt quệ của đất nước, mà cụ thể là nhiều
tỉnh thành năm nào cũng đói, cũng xin cứu đói, tình trạng người giàu chủ yếu do
tham nhũng, của ăn của để không hết, bên cạnh những người quanh năm chỉ độc một
chiếc quần xà lỏn phải làm chúng ta xấu hổ, thật sự xấu hổ. Sự xấu hổ này cho phép chúng ta dẹp mọi thù
hận để cứu nước, để xóa bài làm lại.
Những người không biết xấu hổ, những người chỉ muốn
đối đầu, không chấp nhận đối thoại thì thời nào, dân tộc nào cũng có. Đừng để
mất thì giờ chúng ta.
Chính quyền hãy bắt đầu đối thoại đi, đó cũng là một
nét đẹp thể hiện nền dân chủ.
Nguyễn Trung Chính