25 mai 2017

Bao giờ sáng tỏ 'con voi chui lọt lỗ kim'?

Con voi chui lọt lỗ kim : Đảng và chính phủ bất lực


TTO - Mặc dù thủ tục tiến hành các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước rất chặt chẽ, nhưng chỉ điểm mặt 12 dự án ngành công thương đã có tới khoảng 30.000 tỉ đồng đầu tư kém hiệu quả, trùm mền...

Một hạng mục của dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đang có dấu hiệu bị gỉ sét sau nhiều năm “đắp chiếu” - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH




Đầu tư kiểu đó làm sao phát triển được? Thực tế trên không chỉ cần câu trả lời về cách xử lý các dự án trên, mà cần hơn là giải pháp để không còn tình trạng đầu tư đáng sợ đó nữa.

Gần đây, lãnh đạo Chính phủ vẫn phải họp nhiều về các dự án không hiệu quả của ngành công thương.


Nếu so con số hàng chục ngàn tỉ đang “trùm mền” với thu ngân sách các địa phương, có thể thấy là cực lớn. Vì nhiều địa phương thu chưa được 1.000 tỉ đồng.


Trong khi người ta đầu tư vèo một cái 2.000-3.000 tỉ, sau đó báo lỗ. “Quy trình” là sẽ xin tháo gỡ, xin ưu đãi, hoặc nhà máy hoạt động cầm chừng, cả ngàn lao động khó khăn theo, sau đó là đóng cửa...


Tôi đã từng chất vấn về tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” nhưng đến nay vẫn chưa thể biết bao giờ ngành công thương giải đáp được...


Bộ trưởng Bộ Công thương đã thừa nhận “rất đau xót”. Việc xử lý cũng không đơn giản khi đây đều là những dự án đã triển khai trong thời gian dài và có trách nhiệm của cơ quan quản lý, chủ đầu tư, liên quan vốn vay nước ngoài...


Việc xử lý còn gắn với giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Vẫn biết việc xử lý không thể ngày một ngày hai, nhưng rõ ràng càng để lâu sẽ càng gây hậu quả nặng nề cho đất nước.


Bộ Công thương phải trả lời được những câu hỏi cho từng dự án, như xơ sợi Đình Vũ, ethanol Phú Thọ, nhà máy bột giấy Phương Nam...


Chắc chắn việc bán dự án không đơn giản. Hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu nợ, giảm lãi suất... cũng phải cân nhắc kỹ, bởi hỗ trợ như thế rất dễ cuối cùng vẫn là lấy tiền của dân để đổ vào.


Càng thấy khó khăn càng phải thấy rõ trách nhiệm và giải pháp để ngăn ngừa những dự án tương tự.


Đến nay, dự án thua lỗ, trùm mền đã rõ ràng nhưng trách nhiệm của ai, xử lý thế nào lại chưa thấy rõ.


Bộ Công thương cần làm rõ trách nhiệm ở từng khâu, trong lập dự án, ai phê duyệt, việc triển khai ra sao? Doanh nghiệp có trách nhiệm liên quan đến quản trị, ký hợp đồng, huy động vốn...


Nhưng với dự án lớn, vai trò của quản lý nhà nước đến đâu cũng cần phải làm rõ, không thể để tình trạng lấy ý kiến cơ quan quản lý chỉ để tham khảo, chỉ để cho có?


Hoặc cơ quan nhà nước thẩm định, sau đó lãi thì có thành tích, lỗ thì không chịu trách nhiệm gì.


Nền kinh tế VN giá trị gia tăng còn thấp. Để có được 1.000 tỉ đầu tư, doanh nghiệp cần tích lũy nhiều năm.


Nếu vì ý chí cá nhân, thậm chí lợi ích của một số cá nhân, khiến đầu tư bằng được, gây thua lỗ, cần làm rõ trách nhiệm để hạn chế kiểu đầu tư kéo lùi sự phát triển của đất nước.

Ngoài việc tăng cường cổ phần hóa, tăng cường đầu tư theo hình thức đối tác công tư, cần tính toán thu hẹp lĩnh vực đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, theo hướng vốn nhà nước chỉ đầu tư ở những lĩnh vực quan trọng, tư nhân không muốn làm...


Nếu không chú trọng việc xử lý trách nhiệm đồng thời với việc tháo gỡ khó khăn cho dự án, trách nhiệm quản lý nhà nước không rõ thì câu chuyện thua lỗ, kém hiệu quả của các dự án đầu tư nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục.


Cần thiết kế hệ thống pháp luật, để rõ trách nhiệm từ khâu quản lý nhà nước đến quản trị doanh nghiệp, ngăn chặn từ đầu những dự án làm nghèo đất nước.



NGUYỄN TIẾN SINH (Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình - NGỌC AN ghi )