GNsP (17.05.2017) – Thủ tục tiến hành bắt giữ và tạm giam Hoàng Đức Bình, một trong số ít ỏi công dân mạnh mẽ lên tiếng phản đối Formosa, của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Nghệ An đã vi phạm quy định Bộ Luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS).
Hoàng Đức Bình vô tội! |
Tiến trình thủ tục bắt giam Hoàng Bình của các cơ quan tiến hành tố tụng vào sáng ngày 15.05.2017 theo các báo đài Nghệ An “được phép” kể lại như sau: Lệnh bắt bị can tạm giam 90 ngày do ông Hoàng Nghĩa Phượng, Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT ký vào ngày 11.05.2017. Viện Kiểm sát Nhân dân Tỉnh Nghệ An ra quyết định phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam vào ngày 13.05.2017. Trên thực tế, lực lượng công an, an ninh thường phục, côn đồ đã bắt cóc Hoàng Bình khi anh cùng với cha JB Nguyễn Đình Thục và một số bạn bè đi công việc vào sáng ngày 15.05.2017 mà không có bất kỳ thủ tục tố tụng nào.
Bắt giữ Hoàng Bình theo Điều luật nào?
BLTTHS qui định rõ biện pháp ngăn chặn “bắt bị can, bị cáo để tạm giam” theo Điều 80 và “bắt người trong trường hợp khẩn cấp” theo Điều 81 là 2 thủ tục khác nhau. Thế nhưng, vào ngày 16.05.2017 ngay trên trang Đài phát thanh truyền hình Nghệ An, viết “Hoàng Đức Bình đã bị bắt khẩn cấp…”, trước đó một ngày vào ngày 15.05.2017, cũng trên trang Đài phát thanh truyền hình Nghệ An lại đưa tin: “Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Nghệ An đã thi hành lệnh bắt tạm giữ đối tượng Hoàng Đức Bình…” Rõ ràng, sau khi bắt cóc Hoàng Bình, các cơ quan tiến hành tố tụng Nghệ An đã “hợp thức hóa” hành vi khủng bố của họ cách bất nhất; nếu không thì trình độ Luật của Đài phát thanh truyền hình Nghệ An chỉ là “ăn theo, nói leo” không đáng tin.
Thủ tục bắt bị can để tạm giam theo qui định tại khoản 2 Điều 80 BLTTHS: “Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.
Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.”
Tuy nhiên, theo tường trình của cha JB Nguyễn Đình Thục, Quản xứ giáo xứ Song Ngọc – người chứng kiến Hoàng Bình bị bắt cóc – kể lại: Vào sáng ngày 15.05.2017, Cha cùng đi công việc với Hoàng Bình và một số người bạn bị một số người chặn xe ôtô tại khu vực Đền Cuông, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Lực lượng này gồm CSGT, công an, an ninh mặc thường phục dùng vũ lực trấn áp kéo tung cánh cửa xe, xông vào, lôi Hoàng Bình xuống xe một cách thô bạo và “đem đi mất mà không nói một lời” ngay trước sự chứng kiến của nhiều người.
Cha Thục đã tường trình lại toàn bộ sự việc, tố cáo các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Nghệ An bắt cóc Hoàng Bình trái với quy định của pháp luật.
Biên bản về việc bắt người sai pháp luật
Sau đó, truyền thông nhà nước đồng loạt đưa ra “Biên bản về việc bắt người” (chỉ có một phần trang 1) cho thấy, địa điểm bắt Hoàng Bình đã không được ghi cụ thể mà chỉ ghi chung chung là “tại Huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An” là sai thủ tục. Vậy Hoàng Bình bị bắt nơi nào tại Huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An? Theo những gì truyền thông nhà nước cung cấp có vẻ nơi tiến hành thủ tục bắt là tại trụ sở công an huyện Diễn Châu?
Một điểm khác vi phạm nghiêm trọng thủ tục TTHS là khi “bắt bị cáo để tạm giam” không phải tại nơi cư trú hay nơi làm việc – như trường hợp của Hoàng Bình – bắt buộc “phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người”. Cụ thể ở đây, Biên bản bắt người ghi người chứng kiến là “…Đăng Vinh – trưởng công an xã Diễn An” có màu mực khác hẳn, đậm hơn so với các nội dung khác, điều này cho thấy dòng chữ “…Đăng Vinh – trưởng công an xã Diễn An” được viết không cùng thời điểm lập Biên bản. Căn cứ khoản 1 Điều 4 và khoản 3 Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương qui định: “Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân…”. Như vậy, công an xã không phải là “chính quyền địa phương” nên không thể “chứng kiến” nếu không có ủy quyền. Trung tâm huyện Diễn Châu đặt tại Thị trấn Diễn Châu, nên nếu bắt Hoàng Bình “tại huyện Diễn Châu” như Biên bản ghi thì “phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền thị trấn Diễn Châu…”.
Cơ quan tiến hành tố tụng đánh đập Hoàng Bình
Tối cùng ngày 15.05, trong bản tin thời sự của Đài truyền hình Nghệ An truyền tải hình ảnh cho thấy nội dung nét chữ của Hoàng Bình viết “công an Nghệ An đã đánh đập và bắt tôi…”.
“Tra tấn, truy bức, dùng nhục hình; các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam” là những hành vi bị nghiêm cấm qui định tại khoản 1 Điều 8 Luật Thi hành Tạm giữ, Tạm giam. Công an Nghệ An chẳng những trắng trợn vi phạm pháp luật do chính nhà nước Việt Nam đặt ra, mà còn cho thấy nhà cầm quyền cs đang công khai vi phạm cam kết quốc tế về chống tra tấn khi ra tay đánh đập người dân – là Hoàng Bình.
Tối cùng ngày 15.05, trong bản tin thời sự của Đài truyền hình Nghệ An truyền tải hình ảnh cho thấy nội dung nét chữ của Hoàng Bình viết “công an Nghệ An đã đánh đập và bắt tôi…”. |
“Màn kịch” vu khống của báo đài Nghệ An
Như các vụ việc liên quan đến bảo vệ nhân quyền, đòi công bằng cho người dân Việt Nam thì nhà cầm quyền không ngần ngại ra lệnh cho các báo đài dùng những lời miệt thị, vu khống, quy kết những người xả thân vì công lý. Với “màn kịch” đó, nhiều báo đài tỉnh Nghệ An ra rả đưa tin sai sự thật, bóp méo thông tin về cha JB Nguyễn Đình Thục, cha Antôn Đặng Hữu Nam, Hoàng Bình, Bạch Hồng Quyền, Nguyễn Văn Hóa… với những lời quy chụp như: cấu kết với phản động, tuyên truyền nói xấu chế độ, lợi dụng sự cố biển ô nhiễm để kích động người dân xuống đường biểu tình phản đối Formosa…
Trong bản tin thời sự tối ngày 15.05 có nội dung quy chụp cha JB Nguyễn Đình Thục “kích động” người dân đến trước Ủy ban Nhân dân huyện Diễn Châu để la ó, phản đối, gây rối trật tự. Tuy nhiên, thông tin Hoàng Bình bị giới chức cầm quyền bắt và nhóm của cha Thục gặp nguy biến đã lan tải nhanh trên các trên mạng xã hội, nên bà con khắp nơi tự động kéo đến khu vực Đền Cuông để giải vây cho nhóm cha Thục và yêu cầu trả tự do cho người yêu nước – Hoàng Bình.
Nhiều video loan tải trên các trang mạng xã hội vào ngày 15.05 do chính người dân quay, khi họ tham gia cùng với cha Thục đến Ủy ban Nhân dân huyện Diễn Châu cho thấy nhà chức trách huy động rất đông CSCĐ, CSGT, an ninh… với các vũ khí chuyên dụng hành hung, đánh đập người dân đến trọng thương.
Hoàng Bình là ai?
Hoàng Đức Bình có facebook là Hoàng Bình, là một người trẻ có nhiều hoạt động hỗ trợ về mặt pháp lý cũng như tinh thần cho bà con ngư dân Miền Trung sau biến cố thảm họa biển chết-cá chết vào tháng 4.2016, do chính Formosa thừa nhận xả thải độc tố xuống biển. Anh đã lặn lội đi đến nhiều nơi xa xôi của các thôn, xã, huyện, tỉnh Quảng Bình, Nghệ An tiếp cận bà con ngư dân nghèo Miền Trung, giúp họ làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại sau vụ thảm họa, làm đơn khởi kiện Formosa và đưa tiếng nói nhỏ nhoi của họ ra trước công luận. Hoàng Bình cũng tham gia nhiều cuộc tuần hành yêu cầu nhà cầm quyền đuổi Formosa cút khỏi VN để cứu lấy dân tộc VN.
Tuy nhiên, nhà cầm quyền đang ra sức bằng mọi giá, bằng mọi thủ đoạn dưới các hình thức đánh đập, bắt bớ, quy kết, bỏ tù những ai can đảm phản đối Formosa hoặc giúp các nạn nhân của Formosa như là: Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hoàng Bình… Và, giới chức không e ngại dùng hệ thống truyền thông vu khống các linh mục đã, đang, và sẽ tiếp tục bảo vệ bà con ngư dân Miền Trung đói khổ, lầm than.
Qua sự kiện này, thông điệp rõ ràng của nhà cầm quyền là, phản đối Formosa chính là phản đối đảng cộng sản VN!
Huyền Trang, GNsP
Nguồn link:
Thời sự truyền hình Nghệ An – 15/05/2017
Nóng: Bắt đối tượng phản động Hoàng Đức Bình
Vì sao Hoàng Đức Bình bị bắt tạm giam?