Một số nhà hoạt động dân sự và gia đình của họ nói
bị những người mà họ cho là nhân viên an ninh 'quản thúc' trong bối cảnh đối
thoại nhân quyền Việt-Mỹ lần thứ 21 sắp diễn ra tại Hà Nội.
Bà Phạm Đoan Trang, blogger, nhà báo tự do, cho BBC
biết có người chặn không cho bà ra khỏi nhà "tới nay là ba ngày
rồi".
Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Nguyễn
Ngọc Như Quỳnh hiện đang bị tạm giam mà chưa qua xét xử, nói với BBC là trong
ngày và tối thứ Bảy 20/5, có tới "cả trăm người" chặn bên ngoài nhà
bà.
Tin tức nói một nhà hoạt động khác, ông Nguyễn Quang
A, cũng bị nhiều người tới canh chừng quanh nhà trong những ngày qua.
Cuộc đối thoại nhân quyền Việt Mỹ, một sự kiện
diễn ra hàng năm, sẽ diễn ra trong ngày thứ Ba 23/5.
Bản quyền hình ảnh US State Department Image caption Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump tại lễ trao giải Phụ nữ Quả cảm 2017 |
Đại diện phía Mỹ tham gia đối thoại lần này là quyền
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao
động, bà Virginia Bennett.
Đại diện phía Việt Nam là ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng
Vụ các tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam, theo thông cáo của Bộ Ngoại
giao Hoa Kỳ hôm 19/5.
Vì sao bị 'bao vây'?
Khi được BBC hỏi về lý do bị một số người ngăn không
cho ra khỏi nhà, nhà báo Đoan Trang nói hôm 22/5: "Lúc đầu tôi không biết,
nhưng sau đó tôi nghĩ là do Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ."
Bà cho rằng khi phái đoàn Dân biểu EU sang Việt Nam
hồi tháng Hai, bà đã gặp được họ nên lần này phía công an "ngăn chặn quyết
liệt từ sớm".
Việc canh chừng được thực hiện suốt cả đêm, bà cho
biết thêm, bởi "Họ sợ tôi bỏ trốn trong đêm."
Bản quyền hình ảnh Doan
Trang Image caption Blogger, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang
|
Nhà báo Phạm Đoan Trang cáo buộc những người giữ nhiệm
vụ canh chừng trong hôm thứ Bảy 20/5 đã "gây sự" với một số người
quen tới nhà bà, và đã xảy ra xô xát, dẫn tới việc phía bên kia kéo tới hàng
chục người.
Trong số đó, bà nói, có cả "côn đồ", những
người hăm dọa "sẽ đập chết" những người khách nếu bà không nói họ đi
về.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan cho hay ngày 19/5, an ninh
thành phố Nha Trang đến gặp bà và nói bà Tổng lãnh sự Mỹ [Mary Tarnowka] đến Nha
Trang và "có thể trao cho bà một cái giải, giải mà vừa rồi cô Quỳnh được
nhận, nhưng bà không được phép nhận."
Bà cho biết hôm trong ngày và đêm thứ Bảy 20/5,
"có tới cả trăm người" đứng chặn trước cửa nhà.
Ngoài ra, "họ còn chở cả các tấm barrier"
đến. Các xe tắc xi, xe bốn chỗ đến gần đều bị chặn lại, "họ nhìn vào xe
xem có bà tổng lãnh sự không," bà Lan nói thêm.
Đến 8.30h sáng Chủ nhật 21/5, khi bà Tổng lãnh sự Mỹ
rời Nha Trang, "họ đã rút quân và không ngăn chặn nhà tôi nữa", bà
Lan nói với BBC.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được biết đến dưới tên Mẹ
Nấm, một blogger và nhà hoạt động môi trường, là một trong số 13 phụ nữ quốc
tế được Bộ Ngoại giao Hoa trao giải thưởng Phụ nữ Quả cảm Quốc tế 2017.
Bà bị bắt giam từ tháng 10/2016 vì tội Tuyên truyền
chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự, hiện vẫn chưa
qua xét xử.
Bản quyền hình ảnh FB NGUYỄN NGỌC NHƯ QUỲNH Image caption Blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh |
Hy vọng gì ở đối thoại nhân quyền
Việt Mỹ?
Nhà báo tự do Đoan Trang nói bà không rõ ai sẽ được
mời tham gia đối thoại nhân quyền Việt Mỹ ngày 23/5.
Tuy nhiên, theo bà thì "các cuộc đối thoại kiểu
đó không mời đại diện khối xã hội dân sự độc lập, có chăng thì chỉ có các cuộc
gặp bên lề là mời họ. Và đã thành lệ, mọi cuộc gặp bên lề đều bị an ninh
phá."
Bà cho biết nhân sự kiện này, những người hoạt động
dân sự đã "chuẩn bị sẵn một báo cáo và tuyên bố chung của khối xã hội dân
sự độc lập Việt Nam".
Báo cáo này sẽ "một lần nữa khẳng định rằng mọi
thỏa thuận hợp tác thương mại đều phải có điều khoản ràng buộc về cải thiện
nhân quyền, thì mới đảm bảo phát triển bền vững."
Về phần mình, bà Nguyễn Tuyết Lan hy vọng "con
tôi sẽ được nhắc đến và được giúp đỡ".
Bà Tuyết Lan cho biết sáng 22/5 bà có đi gửi thực phẩm
cho con bà, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, trong tù và đây là ngày thứ 225 bà không
được gặp mặt con và "không biết con tôi sống chết ra sao".
Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ lần này sẽ thảo luận các
chủ đề tầm quan trọng của việc tiếp tục quá trình đổi mới luật pháp, pháp
quyền, tự do biểu đạt, tự do lập hội và tụ họp, tự do tôn giáo, quyền của người
lao động, người tàn tật, chống kỳ thị, hợp tác đa phương và một số trường hợp
cá nhân đáng quan tâm, thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 19/5.