30 mai 2017

Thủy điện, dự án chuyển nước đe dọa an ninh nguồn nước ĐBSCL


Trung Chánh
 
Thủy điện và các dự án chuyển nước đe dọa an ninh nguồn nước ĐBSCL. Trong ảnh là một dòng sông bị cạn vì thiếu nước. Ảnh: Trung Chánh


(TBKTSG Online) – Xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mêkông cộng với việc Thái Lan, Lào và Campuchia đã và đang thực hiện những dự án chuyển nước, có nguy cơ khiến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rơi vào cảnh mất an ninh nguồn nước. Điều này, được dự báo sẽ làm phá vỡ đa dạng sinh học và sản xuất nông nghiệp, dẫn đến những bất ổn xã hội...


An ninh nguồn nước bị đe dọa
Tại hội thảo quốc tế “Thách thức an ninh nguồn nước sông Mêkông và câu chuyện ở ĐBSCL-Việt Nam” được tổ chức tại Cần Thơ hôm nay, 29-5, ông Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (DRAGON) thuộc Đại học Cần Thơ, cho rằng có nhiều nguyên nhân tạo nên mối đe dọa ĐBSCL trong vấn đề an ninh nguồn nước và phù sa. “Nhưng, tôi tập trung hai vấn đề chính đối với ĐBSCL, bên cạnh biến đổi khí hậu”, ông cho biết.
Cụ thể, hai vấn đề đáng lo ngại nhất của ĐBSCL hiện nay, đó là việc phát triển thủy điện ở dòng chính, dòng nhánh sông Mêkông và xây dựng các dự án chuyển nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các quốc gia phía trên như Thái Lan, Lào và Campuchia.
Theo ông Tuấn, việc xây dựng một loạt các đập thủy điện từ Trung Quốc đến Lào chẳng những buộc phải di dời nhà cửa của hàng ngàn người dân, làm thay đổi chế độ dòng chảy ở hạ lưu, mà còn làm mất đi hàng chục triệu tấn phù sa về ĐBSCL.
Dẫn chứng cho điều này, theo ông Tuấn, với sáu đập thủy điện ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), lượng phù sa về ĐBSCL đã giảm từ 160 triệu tấn/năm, xuống còn khoảng 85 triệu tấn/năm, tức có gần 50% lượng phù sa đã bị giữ lại ở các đập thủy điện. “Điều này sẽ dẫn đến chuyện nước “đói” phù sa, gây sạt lở ngày càng nghiêm trọng ở ĐBSCL”, ông Tuấn nói.
Một điểm đáng lưu ý khác, theo ông, đó là vào mùa khô, dòng chảy sông Mêkông đến hạ lưu đạt trung bình khoảng 2.500m3/giây và có thể thấp hơn trong những năm khô hạn (mức thấp nhất từng được ghi nhận là 1.200m3/giây).
Trong bối cảnh như vậy, ở Thái Lan lại đang hình thành dự án chuyển nước Khong-Loei-Chi-Mun và dự án này sẽ lấy nước sông Mêkông vào mùa khô khoảng 1.200m3/giây; Lào có dự án chuyển nước tưới cho 20.000 héc ta đất canh tác, chủ yếu là lúa ở phía Bắc Vientiane, sẽ lấy khoảng 240m3/giây; Campuchia có dự án Vaico phục vụ tưới cho 100.000 héc ta với lưu lượng nước lấy từ sông Mêkông khoảng 500 m3/giây. “Như vậy, cộng tất cả lượng nước bị lấy trong mùa khô của Thái Lan, Lào và Campuchia, thì lượng nước đến ĐBSCL (Việt Nam) không còn bao nhiêu nữa”, ông cho biết.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Nhân Quảng, chuyên gia quản lý lưu vực sông, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban sông Mêkông Việt Nam (VNMC), cho biết hiện nay Thái Lan có rất nhiều kế hoạch xây dựng mới và cải tạo hệ thống tưới tiêu, chuyển nước để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, Campuchia và Lào cũng có những dự án chuyển nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, quy mô hàng trăm nghìn héc ta.
Theo ông Quảng, những dự án chuyển nước của Thái Lan, Lào và Campuchia có thể là lý do dẫn đến việc dù ở thượng nguồn sông Mêkông có xả nước (như sự kiện Việt Nam yêu cầu Trung Quốc xả đập Cảnh Hồng hồi năm ngoái), nhưng nước vẫn không tăng ở hạ nguồn. “Đây là cái đáng quan ngại. Ngoài tác động đã, đang và sẽ xảy ra của các đập thủy điện trên sông Mêkông, thì còn rất nhiều tác động do việc lấy nước tưới ở các dòng nhánh và các hồ chứa hai bên sông ở cả phía Thái Lan và Campuchia”, ông Quảng cho biết.
Nguy cơ bất ổn an ninh xã hội
Ông Lê Anh Tuấn cho biết hàng năm ĐBSCL nhận khoảng 85% tổng lượng nước từ dòng chính sông Mêkông, trước khi đổ ra biển Đông, vịnh Thái Lan và tất cả mọi sinh hoạt, sản xuất (nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản) của người dân nơi đây đều phụ thuộc vào nguồn nước này.
Trong khi đó, ĐBSCL là vùng giữ vị trí vô cùng quan trọng không chỉ trong nước, mà còn của thế giới, bởi nơi đây cung cấp hơn 53% lượng gạo, 85% cá, 75% trái cây của cả nước, góp một phần rất lớn cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. “Hiện nay, ĐBSCL xuất khẩu gần 25 triệu tấn gạo, chiếm 20% của thế giới, đóng góp lớn trong vấn đề an ninh lương thực của thế giới”, ông Tuấn dẫn chứng.
Một điểm đáng lưu ý khác, theo ông Tuấn, Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia là những quốc gia tiêu thụ cá ở mức cao so với trung bình của thế giới. Chẳng hạn, người dân Campuchia tiêu thụ 20-22 kg cá/người/năm; Lào là 15-20 kg cá/người/năm; Thái Lan và Việt Nam khoảng 10 kg cá/người/năm.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc xây dựng các đập thủy điện chẳng những ngăn chặn giao thông thủy, mà còn đe dọa nguồn cá, bởi cá không thể vượt qua được các đập thủy điện để lên thượng nguồn sinh sản theo mùa như tự nhiên vốn có, dẫn đến không còn cá về ĐBSCL. “Vì vậy, tính da dạng sinh học bị de dọa nghiêm trọng, nhiều loài cá có khả năng bị mất đi”, ông dự báo.
Cũng theo ông Tuấn, vấn đề an ninh nguồn nước đối với ĐBSCL là vấn đề cấp bách và cực kỳ quan trọng, bởi như đã nói ở trên, tất cả hoạt động sản xuất ở ĐBSCL đều phụ thuộc vào nguồn nước sông Mêkông. “Như vậy, một khi an ninh nguồn nước mất đi, thì an ninh lương thực cũng bị đe dọa và khi an ninh lương thực bị đe dọa, thì an ninh xã hội cũng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng”, ông Tuấn cho biết.
Sáu thách thức của ĐBSCL
Ông Lê Anh Tuấn cho biết ĐBSCL đang đối mặt với sáu thách thức, bao gồm: biến đổi khí hậu; gia tăng dân số và di dân; khai thác tài nguyên quá mức; suy giảm môi trường; thay đổi sử dụng đất; sự đe dọa của các đập thủy điện ở thượng nguồn và các dự án chuyển nước (ở Thái Lan, Lào và Campuchia).
Theo ông Tuấn, trong sáu thách thức nêu trên, biến đổi khí hậu có thể thích ứng được; gia tăng dân số và di dân có thể ngăn chặn được; khai thác tài nguyên quá mức có thể kiềm soát được; thay đổi sử dụng đất có thể điều chỉnh được... “Tuy nhiên, riêng việc hình thành các đập thủy điện ở thượng nguồn và các dự án chuyển nước gần như chúng ta không thể kiểm soát và không thể thích ứng được trong điều kiện hiện nay”, ông khẳng định.

Nguồn: Theo Thời Báo Saigon