03 juin 2018

GIÁ VÀ PHÍ


Trần Đăng Tuấn

 
Trần Đăng Tuấn



THƯA ANH THỂ, ANH NHẠ, VÀ CHỊ KIM TIẾN



Bây giờ chuyện giá hay phí không chỉ ở đường xá, mà đã và đang, sẽ là chuyện của trường học và bệnh viện nữa.

Không nói chuyện chữ nghĩa nữa, mà nói thực chất GIÁ hay PHÍ. Quan điểm của tôi là thế này:


1- Thưa anh Thể


Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chẳng hạn. Nó là đường mới. Đường cũ vẫn có. Đi đường cũ không phải mua vé để bù cho đường mới. Đi đường mới phải trả khá tiền. Đắt sẽ ít người đi. Hợp lý sẽ nhiều người đi. Theo tôi nếu làm BOT hay không BOT nhưng thu phí đường theo cách như thế không ai thắc mắc.

Còn quốc lộ 1 BOT như vừa qua là vấn đề. Quốc lộ 1 không thể chỉ là GIÁ được, vì nó bao hàm trong đấy con đường trước khi sửa là của dân của nước. Phần đầu tư BOT chỉ là thêm vào thôi, và chỉ là một hợp đồng có thời hạn. Dân có quyền đòi hỏi thu phí sao cho đúng, cho hợp lý. Thêm nữa, dân đi đường cũ (không chỉ QL1) mà phải góp tiền cho đường mới thì là chuyện quái dị. Phải có sự rõ ràng mạch lạc, công minh. Phải có nhận sai và sửa sai.


2- Thưa anh Nhạ


Có các trường đại học dân lập, đại học tư hoàn toàn. Học ở đó phải trả nhiều tiền. Dân không kêu ca. Theo cách nói bây giờ là phải trả theo GIÁ bao hàm đầy đủ các chi phí của các trường đó. Bây giờ bất cứ trường đại học nào muốn thu đúng, thu đủ (như ông nói là theo luật Giá), thì hãy như các trường nói trên, tự trả hết tiền đất đai, nhà cửa, tài sản, nhân lực. Khi đó tự định học phí là bao nhiêu mà thu. Đắt thì con em nó ra nước ngoài học hết. Đó là cạnh tranh. Bên Tây họ cũng thế.

Còn nếu trường đại học vốn là do dân do nước chắt chiu mãi mới có, rồi trên cái cơ sở ấy chuyển PHÍ thành GIÁ, đòi thu nhiều, thu đủ....thì nó lại giống như tráng nền mở rộng quốc lộ 1 rồi thu BOT.


3- Thưa chị Tiến


Bệnh viện tự lo từ A đến Z không liên quan nhà nước, giá dịch vụ thế nào không ai phản đối. Mắc quá họ ra nước ngoài hay sang viện khác chữa. Đó là cạnh tranh.

Nhưng cũng không lẫn lộn với chuyện bệnh viện do nhà nước đầu tư xây dựng lâu nay bằng tiền dân đóng góp. Nhà nước chưa thể cho dân chữa bệnh không mất tiền, nên phải thu phí - Đồng ý. Nhưng phí đó thành GIÁ thì không đồng ý. Nếu là GIÁ - hãy tự xây bệnh viện hay trung tâm khác và hạch toán tất tần tật vào kinh doanh chữa bệnh. Chuyển bệnh viện công sang thành bệnh viên tư cũng được. Nhưng phải mua lại, trả tiền cho nhà nước có thể đầu tư cho các bệnh viện công còn lại.


4- Với cả ba Anh Chị Bộ trưởng:


Tôi đồng ý các anh chị tính hết thành GIÁ.

Nhưng để thu đúng theo GIÁ, ai muốn thu hãy đầu tư cái giá trị mới bằng tiền của mình, không dựa vào cái tài sản chung của dân đã tích luỹ lâu nay làm nền như nền đường quốc lộ 1 thành đường BOT.

Nếu dựa vào nền đường cũ, thì phải là PHÍ. Nếu cơ sở vật chất và dạy và học có trước do công quỹ, thì là PHÍ. Nếu cơ sở vật chất khám chữa bệnh xuất phát là tiền công, thì là PHÍ.

Còn nếu định giá để kinh doanh giao thông, giáo dục, y tế - OK. Nhưng đừng nhập nhằng lẫn vào cái của dân của nước đã làm ra.

Tóm lại, hãy phân minh chỗ nào là PHÍ, chỗ nào là GIÁ. Chỗ nào là phúc lợi. Chỗ nào là kinh doanh. Không nạc mỡ lẫn lộn. Không diễn biến hoà bình từ PHÍ sang GIÁ.