Bộ 4T đã quyết định phạt báo Tuổi trẻ 220 triệu đồng và đình bản báo điện tử Tuổi trẻ, vì hai lỗi:
1/ Đăng không đúng lời của ông Chủ tịch nước khi tiếp xúc cử tri (ông đồng tình về kiến nghị cần có luật biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội, nhưng thực tế ông không nói nội dung này). Lỗi này bị phạt 50 triệu đồng.
2/ Thông tin gây mất đoàn kết trong phần bình luận của bài "Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây" ngày 26/5/2017. Lỗi này vi phạm quy định điểm b khoản 6 điều 8 Nghị định 159/2013 của Chính phủ, bị phạt 170 triệu đồng và đình bản báo Tuổi trẻ online (TTO) 3 tháng.
Trao đổi với một số nhà báo và lãnh đạo báo Tuổi trẻ, tôi được biết quyết định đình bản báo điện tử 3 tháng sẽ gây thiệt hại chưa thể tính được hết cho báo, nhưng chắc rất kinh khủng, một loạt hợp đồng quảng cáo phải bị huỷ bỏ, 800 lao động chắc chắn bị giảm sút thu nhập, nhiều phóng viên sẽ không có việc, ít nhất trong ba tháng đình bản, đặc biệt các bạn làm báo TTO, truyền hình Tuổi trẻ.
Tôi nói rằng báo Tuổi trẻ có thể kiện hay khiếu nại, vì quyết định xử phạt của bộ 4T trái luật và đặc biệt gây thiệt hại nặng nề cho báo và nhân viên của báo, và cũng gây thiệt hại cho người đọc báo, vì không đọc được thông tin từ báo TTO trong ba tháng tới. Tuy nhiên có vẻ lãnh đạo báo Tuổi trẻ cho rằng nếu kiện hay khiếu nại, ban lãnh đạo báo còn "bị đập te tua" hơn. Về luật, có thể nhân viên báo và những ai bị ảnh hưởng từ quyết định xử phạt này có thể kiện hay khiếu nại, nhưng chắc không có ai kiện khi lãnh đạo báo Tuổi trẻ "buông súng".
Mặc dầu vậy, tôi nghĩ rằng những nhân viên của báo Tuổi trẻ có thể gửi kiến nghị lên Bộ 4T đề nghị xem xét lại quyết định xử phạt này, đặc biệt quyết định đình bản TTO 3 tháng. Bộ 4T cần có thái độ tôn trọng quyền lao động của 800 nhân viên của báo Tuổi trẻ. Không chỉ 800 người này, mà cuộc sống của 800 gia đình họ, lên đến hàng nghìn người, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong ba tháng tới.
Tôi cho rằng quyết định xử phạt của Cục báo chí Bộ 4T là trái luật và cần phải được huỷ bỏ:
1/ Lỗi thứ nhất thực ra không quá nghiêm trọng và chỉ cần đính chính, nếu Chủ tịch nước không nói như vậy. Nếu Chủ tịch nước ủng hộ kiến nghị ra Luật biểu tình của Cử tri thực ra là việc bình thường, phải làm vì quyền này đã ghi trong Hiến Pháp 2013. Chính vì chưa có Luật Biểu tình, nên người dân không được hưởng quyền này trên thực tế và chính quyền cũng lúng túng khi xử lý những vụ Biểu tình. Quốc hội nợ dân quyền Biểu tình (và Luật Biểu tình), phải trả nợ dân càng sớm càng tốt.
2/ Tuy nhiên, phạt 50 triệu đồng không quan trọng lắm. Cái chính Bộ 4T đã mập mờ và có vẻ "ăn thua" với báo Tuổi trẻ ở lỗi thứ hai. Nhưng Bộ 4T đã sai khi áp dụng luật để xử phạt nặng báo Tuổi trẻ. Theo Cục báo chí của bộ 4T áp dụng quy định điểm b khoản 6 điều 8 Nghị định 159/2013 để xử lý.
Nội dung quy định này là
Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đăng, phát các tác phẩm đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
b) Đăng, phát thông tin gây phương hại đến lợi ích quốc gia hoặc gây mất đoàn kết dân tộc.
Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm h Khoản 3, các khoản 4, 5 và 6 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép từ 01 đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 5 và Khoản 6 Điều này."
3/ Theo Cục Báo Chí, bình luận đăng trên một bài báo trên TTO từ tháng 5/2017 là thông tin gây mất đoàn kết dân tộc. Có bạn cho biết là bình luận "dân Bắc Kỳ cai trị dân Nam Kỳ". Thực ra đây là ý kiến của một bạn đọc, chưa chắc được coi là thông tin, và không có cơ sở để xác định là thông tin gây mất đoàn kết dân tộc. Nhưng cần khẳng định đây không phải là "đăng, phát thông tin gây mất đoàn kết dân tộc". Vì bạn đọc bình luận, và do ngẫu nhiên hôm đó (26/5/2017) báo TTO thay đổi phần mềm, giao diện, có lỗi kỹ thuật không điều chỉnh sửa được ngay, nên phần bình luận được nổi lên theo cơ chế tự động, nhân viên của báo bỏ sót không xoá ngay nội dung bình luận không phù hợp, dù sau đó đã xoá nội dung này. Việc bạn đọc bình luận trên báo điện tử không thể quy kết báo cố ý đăng phát thông tin gây mất đoàn kết dân tộc, nếu có sai sót chỉ là sơ xuất để bình luận có nội dung không phù hợp hiện trên phần bình luận bài báo. Đây chỉ là đơn thuần một sơ xuất kỹ thuật và đã khắc phục.
4/ Điều kỳ khôi, bình luận này có từ 26/5/2017 mà bây giờ Cục báo chí mới bắt giò báo Tuổi trẻ. Theo luật nếu phát hiện vi phạm hành chính, cơ quan chức năng phải lập biên bản và thông báo ngay cho cá nhân và đơn vị vi phạm, cùng cơ quan có thẩm quyền biết để xử lý kịp thời. Tại sao Cục báo chí lại "ngâm tôm" vi phạm này những hơn một năm? Cục Báo chí cần công khai minh bạch điều này cho báo chí và nhân dân. Nếu không đây sẽ là tiền lệ xấu, bất cứ lúc nào cũng được áp dụng để "giết" bất cứ báo nào, với lý do vô lý, nhưng thực ra là "trả thù"hay "răn đe"!
Theo những thông tin tôi nắm được đến giờ này, có những thủ tục để xử phạt báo Tuổi trẻ chưa đúng theo pháp luật. Thậm chí báo Tuổi trẻ vẫn chưa được tống đạt quyết định này.
Có vẻ Bộ Thông Tin và Truyền Thông đã nóng vội, ra một quyết định trái luật và vô nhân đạo, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng nghìn người và gián tiếp đến hàng triệu bạn đọc trên khắp thế giới. Nếu như Ông Bộ trưởng Bộ 4T muốn làm "người tử tế", xin ông hãy huỷ bỏ ngay quyết định sai trái này!