Tiến sĩ Constantinos
Yiallourides, nguồn:
twitter.com/constantinyiall. |
(GDVN) - Đánh giá các hành động của Trung Quốc
ở quần đảo Trường Sa là việc sử dụng vũ lực mà luật pháp quốc tế đã chỉ ra, sẽ
mở ra khả năng hành động tự vệ để ứng phó.
The Diplomat ngày
11/7/2018 đăng bài viết của Tiến sỹ Constantinos Yiallourides, một học giả luật
quốc tế về những tranh chấp lãnh thổ tại Viện Nghiên cứu Luật so sánh và quốc
tế (BIICL), tác giả chính của báo cáo "Việc
sử dụng sức mạnh trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ”, xuất bản
tháng 7/2018.
Trong bài viết này,
dưới góc độ luật pháp quốc tế, Tiến sĩ Constantinos Yiallourides đã trình bày
quan điểm của ông về bản chất hành động của Trung Quốc đang triển khai ở Biển
Đông.
Đó là hành
động “sử dụng vũ lực” hay chỉ là hành động “gây sức ép”?
Tuyên bố chung Bộ
trưởng Quốc phòng Úc, Nhật và Mỹ ngày 3/6 vừa qua đã lên án mạnh mẽ những hoạt
động của Trung Quốc trong Biển Đông. Tuyên bố nhấn mạnh rằng:
Đó là “việc sử dụng sức mạnh hoặc gây sức
ép, cũng như những hoạt động đơn phương, nhằm làm thay đổi hiện trạng và lợi
dụng các tranh chấp để phục vụ cho mục đích quân sự ở Biển Đông”.
Gần đây nhất, Bộ
trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng quân sự “nhằm mục đích đe dọa hay ép buộc”
và cảnh báo về những “hậu
quả” có thể xảy ra nếu tình hình vẫn tiếp diễn.
Theo Tiến sĩ
Constantinos Yiallourides, việc lựa chọn ngôn từ, đặc biệt là từ “ép buộc” (coercive) để
chỉ đích danh những hoạt động của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, là rất có
chủ ý, chứ không phải ngẫu nhiên;
Và quan trọng hơn là
nó không làm giảm nhẹ hay thay đổi bản chất của những hoạt động được Trung Quốc
triển khai thực hiện trong Biển Đông thời gian qua.
Bởi vì, “sức ép cố ý”(coercive intent)
là một trong những đặc điểm của những hoạt động bị coi là sự cố ý vi phạm các
quy định nghiêm cấm sử dụng vũ lực theo luật quốc tế, như được nêu tại Điều 2
(khoản 4) của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
“Sức ép cố
ý” phản ánh mục đích có chủ ý và có thể được
nhận rõ về tác động của “việc
sử dụng vũ lực để ép buộc một quốc gia khác phải chấp nhận hiện trạng mới”.
Việc gây “sức ép có chủ ý” đã trở
thành một yếu tố có tác động đến tình hình triển khai và chiếm đóng vùng lãnh
thổ tranh chấp mà không được các bên yêu sách khác chấp nhận.
Để minh họa cho nhận
định của mình, Tiến sĩ Constantinos Yiallourides dẫn ra một số vụ việc
tương tự đã xảy ra trong thực tiễn quốc tế. Điển hình là Án lệ về bức tường
Israel năm 2004.
Trong vụ án này, Tòa
án Công lý quốc tế đã phán quyết rằng, việc Israel xây dựng bức tường trong
lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine là một “sự
thụ đắc lãnh thổ bằng sức mạnh”;
Việc này trái với Điều
2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, mặc dù Israel cam kết rằng bức tường chỉ có
tính tạm thời.
Tòa phán quyết rằng
việc xây dựng bức tường đã tạo nên “sự
đã rồi” tại vùng lãnh thổ nói trên. Vì vậy, điều đó có thể được coi
là “sự thôn tính trên thực
tế”…
Tiến sĩ Trần Công Trục,
ảnh
do tác giả cung cấp.
|
Quay trở lại hoạt động
quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc tiến hành, Tiến sỹ Constantinos Yiallourides
nhận định, điều này được cho là đã tạo thành một sự mở rộng lãnh thổ bất hợp
pháp bằng vũ lực, trái với luật pháp quốc tế.
Bằng cách quân sự hóa
các cấu trúc địa lý tranh chấp, Trung Quốc đã đẩy các đối thủ vào tình thế phải
lựa chọn, hoặc là chấp nhận hiện trạng mới, hoặc phải chấp nhận một cuộc chiến
tốn kém với một siêu cường trong khu vực.
Ngay cả khi Tòa Trọng
tài (thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982)
ra phán quyết vô hiệu hóa yêu sách "quyền
lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông (đường lưỡi bò), Trung
Quốc vẫn tiếp tục mở rộng kiểm soát vùng biển này.
Theo nhà khoa học
chính trị hàng đầu M. Taylor Fravel, việc Trung Quốc sử dụng vũ lực trong các
tranh chấp lãnh thổ nhằm mục đích tạo thanh thế về lập trường cứng rắn của
mình, ngăn chặn các đối thủ trong tất cả các tranh chấp khác.
Tại sao
việc phân loại các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là rất quan trọng
trong luật pháp quốc tế?
Điều gì khác biệt theo
luật pháp quốc tế, khiến cho hành động của Trung Quốc trên Biển Đông hội đủ
điều kiện của việc sử dụng vũ lực như Điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc?
Thứ nhất, việc đánh
giá các hành động của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa là việc sử dụng vũ lực
mà luật pháp quốc tế đã chỉ ra, sẽ mở ra khả năng hành động tự vệ để ứng phó.
Tuy nhiên, tự vệ chỉ
chính đáng khi đối mặt với một cuộc tấn công vũ trang (Điều 51 Hiến chương Liên
Hợp Quốc), một trong những "hình
thức sử dụng vũ lực nghiêm trọng nhất", để phân biệt với "các hình thức ít nghiêm trọng
hơn".
Việc sử dụng vũ lực
của Trung Quốc là tương đối nhỏ để đủ điều kiện của một cuộc tấn công vũ trang
(nếu xem xét các sự kiện đơn lẻ), nhưng thay vào đó chúng là một phần của các
hành động vũ trang dẫn đến một sự thay đổi lãnh thổ chiến lược có lợi cho Trung
Quốc.
Vì vậy, ngay cả mỗi
hành động triển khai vũ trang đơn lẻ không đủ nghiêm trọng để được coi là một
cuộc tấn công vũ trang, khi được thực hiện một cách tổng thể, thì những hành
động này có thể nằm trong phạm vi một cuộc tấn công vũ trang quy định tại Điều
51 Hiến chương Liên Hợp Quốc (thuyết "tích
lũy các sự kiện").
Thứ hai, việc đánh giá
các hành động của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa có thể mở ra biện pháp đối
phó của một bên thứ ba.
Có một sự đồng thuận
rộng rãi rằng, việc cấm sử dụng vũ lực là một nghĩa vụ "erga omnes",
nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế một nhà nước có trách nhiệm với cộng đồng quốc
tế nói chung.
Trong trường hợp xảy
ra vi phạm nghĩa vụ "erga omnes", tất cả các quốc gia khác có quyền
áp dụng các biện pháp đối phó hiệu quả để kết thúc sự vi phạm này giống như
chính họ bị tổn hại trực tiếp vì hành vi vi phạm (sử dụng vũ lực) đó.
Theo đó, nếu việc
Trung Quốc đơn phương triển khai lực lượng vũ trang ở quần đảo Trường Sa đủ
điều kiện cấu thành hành vi sử dụng vũ lực chống lại các quốc gia yêu sách
khác, do đó cấu thành hành vi vi phạm nghĩa vụ "erga omnes", các quốc
gia thứ 3 có thể kêu gọi trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc ngay cả khi họ
không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi vi phạm.
Điều này có nghĩa là
các quốc gia ngoài các bên yêu sách như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei
và Đài Loan, có thể áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc.
Từ những phân tích và
dẫn chứng được đưa ra, đối chiếu với những hoạt động của Trung Quốc, cả phương
diện lời nói và hành động trên thực tế có thể thấy:
Cho dù Trung Quốc cam
đoan rằng “sẽ không dùng đến
vũ lực” để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, thì các hoạt động
bồi lấp xây đảo nhân tạo, xây dựng các căn cứ quân sự liên hoàn trong lãnh thổ
tranh chấp… đã tạo nên “sự
đã rồi”.
Trung Quốc đã gây sức
ép để buộc các bên yêu sách khác phải chấp nhận “hiện trạng mới” (statu-qo). Đó là bằng chứng
về sự bành trướng lãnh thổ bằng sức mạnh, trái với luật pháp quốc tế.
Quả thực, bằng việc
quân sự hóa các đảo tranh chấp, Trung Quốc đã đi ngược lại luật pháp quốc tế,
muốn thay đổi thỏa thuận “giữ
nguyên hiện trạng” mà các bên tranh chấp đã cam kết, bằng việc cố
tình tạo ra “hiện trạng mới”
để ép buộc các bên tranh chấp khác phải chấp nhận.
Chúng tôi hoàn toàn
chia sẻ và đánh giá cao những phân tích, nhận định trong bài viết nói trên của
Tiến sĩ Constantinos Yiallourides.
Bởi vì, bằng những
thông tin thật sự khách quan, khoa học, Tác giả đã chỉ rõ bản chất của các hoạt
động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đó là việc Trung Quốc
đã và đang dùng sức mạnh để thôn tính, xâm chiếm lãnh thổ của quốc gia khác,
hoàn toàn không phải là những hành động “tự vệ bắt buộc” như lập luận của Bắc
Kinh;
Ngược lại, các nước có
liên quan đang phải đối mặt với những cuộc tấn công bằng sức mạnh quân sự, dưới
nhiều thủ đoạn, hình thức khác nhau;
Và điều đó chắc chắn
Trung Quốc sẽ bị giáng trả bởi những hành động “tự vệ chính đáng” được Luật pháp quốc tế
thừa nhận và bảo hộ, thậm chí có thể sẽ bị trả đũa một cách mạnh mẽ bởi một bên
thứ 3…khi bên thứ 3 đó thực hiện nghĩa vụ “erga omnes”.
Tiến
sĩ Trần Công Trục