Trần Gia Phụng - Tình hình các nước cộng sản (CS) trên
thế giới xoay chuyển mạnh vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90. Các chế độ
CS ở Đông Âu như Poland (Ba Lan), Hungary (Hung Gia Lợi), Bulgaria (Bảo Gia
Lợi),Tchecoslovaquia (Tiệp Khắc), German Democratic Republic (Cộng Hòa Dân Chủ
Đức) hay East Germany (Đông Đức), Yugoslavia (Nam Tư) lần lượt tan rã vào các
năm 1989 và 1990. Sau đó, cộng sản Liên Xô, chế độ hậu thuẫn vững vàng cho Cộng
Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN), cũng sụp đổ năm 1991.
Ngay khi nhận được tin tức phong trào CS Đông Âu yếu thế, lãnh
đạo đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) liền quay qua làm thân trở lại với Trung
Cộng, nhượng bộ Bắc Kinh, ra lệnh cho bộ đội CSVN không được nổ súng khi quân
Trung Cộng đến chiếm Gạc-Ma (trong quần đảo Trường Sa) năm 1988.
Đang là đồng chí với nhau, còn được Trung Cộng viện trợ tối đa
để thành công trong hai cuộc chiến từ 1946 đến 1975, lại phủi tay, bỏ chạy theo
Liên Xô, hy vọng vỗ nợ (xù nợ), nên CHXHCNVN bị Trung Cộng dạy cho một bài học
nhớ đời năm 1979, rồi đả kích nhau thậm tệ trên chính trường quốc tế, mà nay
CSVN phải nhẫn nhục quay lại cầu thân, thì chỉ còn cách xuống nước, nhượng bộ.
Năm 1990. bầu đoàn chóp bu CSVN dẫn nhau qua tham dự hội nghị Thành Đô do Trung
Cộng triệu tập.
Thành Đô (Chengdu) là tỉnh lỵ tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan), ở tây nam
Trung Hoa. Tài liệu CSVN nói rằng cuộc họp nầy nhằm mục đích bình thường hóa
bang giao giữa hai nước CHXHCNVN và Trung Cộng, nhưng thực chất là CHXHCNVN lo
sợ làn sóng CS sụp đổ ở các nước Đông Âu, sẽ làm lung lay chế độ CSVN, nên quay
qua xin nương tựa Trung Cộng để tồn tại mà thôi.
Hội nghị Thành Đô diễn ra trong hai ngày 3 và 4-9-1990. Về phía
Việt Nam, những người tham dự gồm có: Nguyễn Văn Linh (tổng bí thư đảng CSVN)
Đỗ Mười (ủy viên bộ chính trị đảng CSVN, chủ tịch Hội đồng bộ trưởng), và Phạm
Văn Đồng (cố vấn Ban chấp hành Trung ương đảng CSVN). Phía Trung Cộng có Giang Trạch Dân (tổng bí thư đảng CSTH), Lý Bằng (ủy viên Bộ chính trị đảng CSTH, thủ
tướng Quốc vụ viện Trung Cộng).
Hội nghị chỉ gồm 5 kẻ lãnh đạo cao nhất của hai đảng CS, không
có chuyên viên phụ tá nhằm thảo luận những vấn đề chuyên biệt. Hội nghị bàn
những gì, kết quả như thế nào, hoàn toàn không có thông báo hay văn bản nào
được đưa ra công khai. Xin chú ý các điểm sau đây:
- Đây không phải là cuộc họp và thỏa thuận giữa hai chính phủ
Trung Cộng và CHXHCNVN, vì nếu giữa hai chính phủ, thì kết quả phải được đưa ra
trước Quốc hội hai nước duyệt phê.
- Cuộc họp chỉ có lãnh đạo mà không có phụ tá và chuyên viên,
trong thời gian ngắn hạn (hai ngày), nên chỉ có thể thỏa thuận những chủ đề hay
đề mục (topic) tổng quát, còn phần triển khai thì sẽ có những cuộc họp về sau.
- Nội dung cuộc họp giữa lãnh đạo hai đảng CS được giữ bí mật
tuyệt đối. Năm 2014, khoảng 20 cựu tướng lãnh và sĩ quan, trong đó có cựu trung
tướng Lê Hữu Đức, các cựu thiếu tướng Trần Minh Đức, Huỳnh Đắc Hương, Lê Duy
Mật, Bùi Văn Quỳ, và Nguyễn Trọng Vĩnh, viết kiến nghị ngày 2-9-2014 cho Trương
Tấn San (chủ tịch nước) và Nguyễn Tấn Dũng (thủ tướng) yêu cầu công khai mật
ước Thành Đô, nhưng không có kết quà. (BBC News-Tiếng Việt ngày 4-9-2014, “Lãnh
đạo Việt Nam cần biết rõ bạn và thù”.)
- Tất cả những bài viết về kết quả hội nghị Thành Đô trên báo
chí đều là dự đoán, kể cả việc dự đoán năm 2020, Việt Nam sẽ thành khu tự trị
của Trung Cộng.
- Vì không công khai, giữ bí mật, nên kẻ mạnh (Trung Cộng) tùy
tiện giải thích mật nghị theo ý muốn của Trung Cộng, mà kẻ yếu (CHXHCNVN) phải
im lặng chịu đựng và chấp nhận.
- Vì là kẻ yếu xin quy hàng để chế độ được tồn tại, nên đảng
CSVN phải nhượng bộ. Đảng CSVN và công cụ là nhà cầm quyền CSVN có gì để nhượng
bộ, ngoài một vấn đề mà từ trước đến nay, tất cả những nhà cầm quyền Trung Hoa,
chứ không riêng Trung Cộng, luôn luôn nhắm đến là lấn biên giới, chiếm đất đai,
giành biển cả, tìm đường xuống Đông Nam Á.
- Đảng CSVN nhượng bộ để tồn tại, nhượng đất, nhượng biển, nhưng
khổ nỗi là dân tộc Việt Nam phải chịu thiệt thòi, gánh lấy sự nhượng bộ đó, mất
đất, mất biển.
Nội dung mật ước Thành Đô 1990 không được tiết lộ. Sau đó, lần
lượt xảy ra những sự kiện dưới đây. Phải chăng đây là kết quả từ những chủ đề
của hội nghị Thành Đô?
1. CHXHCNVN sửa đổi hiến pháp
Sau chiến tranh biên giới Việt Hoa năm 1979, CHXHCNVN thay đổi
hiến pháp năm 1980. Trong “Lời nói đầu” của bản hiến pháp 1980, có đoạn kết án
Trung Cộng như sau: “Phát huy truyền thống vẻ vang của dân
tộc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến bảo
vệ tổ quốc chống bọn phản động Cam-pu-chia ở biên giới Tây-Nam và chống bọn bá
quyền Trung –quốc ở biên giới phía bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất
và toàn vẹn lãnh thổ của mình.” (Người viết in đậm.) Hiến pháp
nầy được quốc hội CHXHCNVN thông qua ngày 18-12-1980 và chủ tịch nước là Nguyễn
Hữu Thọ công bố ngày 19-12-1980
Không kể lời nói đầu, hiến pháp năm 1980 gồm có 12 chương, 147
điều, trong đó chương I, điều 14 ghi rằng: "Nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam tăng cường tình hữu nghị anh em, tình đoàn kết chiến đấu và quan
hệ hợp tác về mọi mặt với Liên-xô, Lào, Căm-pu-chia và các nước xã hội chủ
nghĩa khác trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản…”. (Hai
trích dẫn về hiến pháp 1980: Viện Luật Học, Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ
Nghĩa Việt Nam (Bình luận) (Tập II), Hà Nội: Nxb. Khoa Học Xã Hội, 1985, tr.
432 và tr.436.)
Trong điều 14 nầy, hoàn toàn không nhắc đến Cộng Hòa Nhân Dân
Trung Hoa tức Trung Cộng, là nước CS đã viện trợ dồi dào cho VNDCCH, tiền thân
của CHXHCNVN từ năm 1949 đến năm 1975.
Sau hội nghị Thành Đô năm 1990, đảng CSVN ra lệnh cho quốc hội
CHXHCNVN soạn lại hiến pháp, loại bỏ những từ ngữ chống Trung Cộng trong hiến
pháp mới. Bản hiến pháp mới được quốc hội CHXHCNVN thông qua ngày 15-4-1992, và
được chủ tịch nước là Võ Chí Công ban hành ngay sau đó.
Trong “Lời nói đầu”, hiến pháp 1992 hoàn toàn không đề cập đến
việc chống Trung Cộng và điều 14 chương I rất hòa hoãn như sau: "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện
chính sách hòa bình, hữu nghị, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước
trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội khác nhau, trên cơ sở
tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào
nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi…”(Ủy ban về người
Việt Nam ở nước ngoài, Những văn bản pháp quy của Nhà nước Việt Nam liên quan
đến người Việt Nam ở nước ngoài (đến ngày 31-5-1995), không đề nơi xuất bản,
1995, tr. 15.)
Điều 14 nầy chẳng những không còn phân biệt giữa Trung Cộng và
Liên Xô (vì Liên Xô đã sụp đổ) mà còn mở đường để mời gọi thương thuyết và giao
thương với Hoa Kỳ và các nước Tây phương.
Sửa đổi hiến pháp, bộ luật cao nhứt nước, có nghĩa là thay đổi
toàn bộ chính sách đối nội cũng như đối ngoại của đất nước. Từ đây, Trung Cộng
là cái gì cao cả thiêng liêng đối với CSVN, đến nỗi những người viết bài, viết
blog, biểu tình vì yêu nước, chống ngoại xâm, chống sự xâm nhập của Trung Cộng,
liền bị CSVN thẳng tay đàn áp một cách dã man. Nhà nước CSVN bắt giam ngay tất
cả những ai biểu lộ thái độ chống Trung Cộng, mở đầu là luật sư Lê Chí Quang.
Tháng 10-2001, luật sư Quang phổ biến bài viết “Hãy cảnh giác với Bắc triều”,
thì bị tuyên án 4 năm tù giam, 3 năm quản thúc.
2. Hai hiệp định về biên giới và lãnh
hải
Vấn đề biên giới Việt Hoa cả hàng ngàn năm lịch sử cũng chưa
giải quyết dứt khoát. Thế mà sau khi đầu phục Trung Cộng năm 1990, CSVN vội
vàng ngồi vào đàm phán và ký kết liên tiếp hai hiệp ước về biên giới trên đất
liến và ngoài biển cả, hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam.
Ngày 30-12-1999, tại Hà Nội, bộ trưởng Ngoại giao CHXHCNVN là
Nguyễn Mạnh Cầm cùng bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng là Đường Gia Truyền (Tang
Jianxuan) ký kết Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc.
Hiệp ước nầy được quốc hội Bắc Kinh thông qua ngày 29-4-2000 và quốc hội Hà Nội
thông qua ngày 9-6-2000.
Đặc biệt khi thông qua hiệp ước về biên giới nầy, chỉ một số
lãnh đạo cấp cao trong quốc hội được đọc nội dung hiệp ước, còn đại đa số dân
biểu không biết gì cả, chỉ thông qua theo lệnh của đảng CSVN mà thôi. (Người
Việt Online ngày 25-01-2002, mục “Tin Việt Nam.)
Nhà nước CS bưng bít che giấu nội dung hiệp ước, nhưng dần dần,
dân chúng được biết rằng Việt Nam bị mất nhiều đất dọc theo biên giới Viet-Hoa,
đặc biệt đoạn đường đèo Nam Quan và phần ải Nam Quan do Việt Nam xây dựng, đã
mất vào tay Trung Cộng. Đây là đoạn đường đèo chiến lược gây cản trở các cuộc
xâm lăng của Bắc phương. Qua khỏi ngọn đèo mầy, quân xâm lăng loại bỏ được
chướng ngại đầu tiên mà tổ tiên họ đã tốn biết bao nhiêu xương máu để vượt qua,
nhưng đều bị đẩy lui.
Một năm sau, ngày 25-12-2000, tại Bắc Kinh, đại diện CHXHCNVN,
bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên và đại diện Trung Cộng, bộ trưởng Ngoại
giao Đường Gia Truyền cùng ký kết Hiệp ước phân định lãnh hải, phân chia quyền
lợi trên vịnh Bắc Việt dưới sự chứng kiến của chủ tịch nhà nước CHXHCNVN là
Trần Đức Lương và chủ tịch Trung Cộng là Giang Trạch Dân. Hiệp ước nầy được
quốc hội CHXHCNVN thông qua ngày 15-6-2004 và có hiệu lực từ 30-6-2004.
Theo tài liệu của CSVN, vịnh Bắc Việt rộng 123,700 Km2. Trước
đây, cách phân chia lãnh hải với nhà Thanh (Trung Hoa) ngày 26-6-1887 thời Pháp
thuộc, Việt Nam được 62%, còn Trung Hoa được 38% vịnh Bắc Việt. Cách phân chia
lãnh hải vịnh Bắc Việt mới giữa CSVN và Trung Cộng, Việt Nam được 53.23%, Trung
Cộng được 46.77%, nghĩa là Việt Nam mất trên 8% diện tích vịnh Bắc Việt, tương
đương khoảng 10,000 Km2 mặt biển. Thế mà CSVN khoe rằng Việt Nam hơn Trung Cộng
khoảng 6,46%, tức khoảng 8,205 Km2. (Lê Công Phụng (thứ trưởng bộ Ngoại giao CHXHCNVN), “Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ và hợp tác nghề cá giữa Việt
Nam-Trung Quốc trong vịnh Bắc bộ”, tạp chí Cộng Sản, Hà Nội, số 2,
tháng 01-2001.)
3. Bô - xít Tây Nguyên
Tây nguyên là từ ngữ của CS sau năm 1975 để chỉ vùng cao nguyên
Nam Trung phần. Cao nguyên nầy vốn có nhiều tiềm năng về quặng bô-xít
(bauxite), dùng để luyện nhôm. Theo thư của Võ Nguyên Giáp, cựu đại tướng CSVN,
gởi cho Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CHXHCNVN,thì: “… Đầu những năm 1980 chính phủ [CHXHCNVN] đã đưa chương trình
khảo sát khai thác bô-xít trên Tây Nguyên vào chương trình hợp tác đa biên với
khối COMECON. Tôi [Võ Nguyên Giáp] được phân công trực tiếp theo dõi chỉ đạo
chương trình này. Sau khảo sát đánh giá hiệu quả tổng hợp của các chuyên gia
Liên Xô, khối COMECON đã khuyến nghị chính phủ ta không nên khai thác bô-xít
trên Tây Nguyên do những nguy cơ gây tác hại sinh thái lâu dài rất nghiêm
trọng, không thể khắc phục được đối với dân cư chẳng những tại chỗ mà còn cả
dân cư và vùng đồng bằng Nam Trung Bộ. Chính phủ khi đó đã quyết định không
khai thác bô-xít mà gìn giữ thảm rừng và phát triển cây công nghiệp (cao su, cà
phê, chè...) trên Tây Nguyên...”(Trích nguyên văn thư ngày 5-1-2009
của Võ Nguyên Giáp đăng lại trên Diễn Đàn Forum.)
Theo ước tính của các chuyên gia Liên Xô, trữ lượng bô-xít ở Tây
nguyên khoảng 8 tỷ tấn. (Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN tiết lộ với báo chí
ngày 4-2-2009, do báo Dân Trí đăng lại ngày 5-2-2009.)
Sau khuyến cáo của khối COMECON, dự án bô-xít Tây nguyên bị nhà
nước CHXHCNVN lúc đó đình chỉ, không thực hiện. Tuy nhiên, sau khi các nước CS
Đông Âu sụp đổ, khối COMECON chấm dứt hoạt động giữa năm 1991, CSVN mở lại hồ
sơ Tây nguyên trong đại hội 9 đảng CSVN, từ 19-4 đến 22-4-2001. Sau đại hội 10
(từ 18-4 đến 25-4-2006), Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CHXHCNVN, ký quyết định số
167 ngày 1-11-2007, duyệt phê kế hoạch thăm dò, khai thác, chế biến bô xít ở
Tây nguyên.
Theo tác giả David Pilling, trong bài “Asia pays tribute to its new superpower”trên báo
Financial Times ngày 7-5-2009, thì đây là món quà Nguyễn Tấn Dũng triều cống
Trung Cộng trong chuyến công du vừa qua. Chuyến công du vừa qua trước bài báo
của Pilling là Nguyễn Tấn Dũng tham dự Diễn đàn châu Á tại Hải Nam, rồi thăm
viếng tinh Quảng Đông, Hồng Kông và Ma Cao từ 17 đến 21-4-2009.
Nguyễn Tấn Dũng là ủy viên bộ Chính trị đảng CSVN, thủ tướng
CHXHCNVN, nên phẩm vật triều cống của Dũng phải do lệnh của bộ Chính trị chứ
không phải một mình Dũng có quyền quyết định. Như thế, món quà triều cống Trung
Cộng, tức quyết định khai thác bô-xít Tây nguyên, là quyết định của bộ Chính
trị đảng CSVN, chứ không phải riêng của Dũng, tiếp theo sau các hiệp định về
biên giới giữa hai nước.
Việc khai thác bô-xít lợi hại, lời lỗ như thế nào, báo chí trong
và ngoài nước, báo chí quốc tế đã nói nhiều rồi. Ở đây chỉ xin nhấn mạnh một
điều là dự án khái thác bô-xít Tây Nguyên đã bị tổ chức COMECON do Liên Xô lãnh
đạo đề nghị bãi bỏ, lại được đảng CSVN đem ra thực hiện sau mật nghị Thành Đô
với Trung Cộng. Biết rằng có hại mà vẫn ngậm miệng thực hiện. Một là vì lợi, hai
là vì tham quyền cố vị?
Phải chăng đây là một chủ đề mà Trung Cộng buộc đảng CSVN thi
hành tại cuộc họp Thành Đô giữa hai đảng CS hai nước, để Trung Cộng bảo kê cho
chế độ CSVN bù nhìn?
4. Đặc khu kinh tế
Ngày 22-3-2017, Bộ chính trị đảng CS ra lệnh cho quốc hội
CHXHCNVN dưới hình thức “Thông báo kết luận của Bộ chính trị” về việc xây dựng
các đơn vị hành chánh kinh tế đặc biệt, gọi tắt là đặc khu:
Lệnh của Bộ chính trị gồm 6 điều, trong đó điều 5 giao cho quốc hội lo liệu việc ra luật đặc khu. |
Bộ chính trị là cơ quan siêu quyền lực vô hình, không có trong
hiến pháp, nhưng điều khiển luôn cả quốc hội, mà trên lý thuyết quốc hội là cơ
quan quyền lực cao nhứt nước.
Vì vậy, quốc hội bắt tay thảo luận ngay từ cuối năm 2017, nhưng
việc bàn cãi kéo dài nên bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch quốc hội phải nhắc
nhở trong phiên họp Ban thường vụ quốc hội ngày 16-4-2018 rằng: “Bộ chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến
pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật.” (Vn
Economy, ngày 16-4-2018.). Bộ chính trị có thể hù dọa được quốc hội, chứ không
thể làm cho nhân dân lùi bước.
Vào cuối tháng 4, đầu tháng 5-2018 dư luận trong và ngoài nước
bắt đầu bàn tán về hai dự luật của quốc hội CHXHCNVN. Riêng “Luật đơn vị hành chánh kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong,
Phú Quốc”, gọi tắt là luật đặc khu, dự tính cho người ngoại quốc
thuê 99 năm, khiến dư luận dân chúng lo ngại là nhà nước CS nhượng đất từng
phần cho ngoại bang, mà ngoại bang ở đây thì ai cũng nghĩ là Trung Cộng. Càng
gần ngày quốc hội bỏ phiếu trong lần họp thứ 5, dư luận càng sôi nổi.
Được biết quốc hội sẽ chung quyết dự luật đặc khu ngày Thứ ba
12-6-2018, thì ngày Chủ nhật 10-6-2018, ở trong nước, nổ ra những cuộc biểu
tình ở Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, Sài Gòn,
Bình Dương, Mỹ Tho. Riêng tại Bình Thuận, cuộc biểu tình trở nên bạo động, kéo
dài hơn một ngày, gây tê liệt quốc lộ 1, đồng thời xảy ra những cuộc đập phá xe
cộ, văn phòng của nhà cầm quyền địa phương.
Cũng ngày Chủ nhật 10-6-2018, người Việt hải ngoại nhất loạt
đồng tổ chức biểu tình phản đối hai dự luật vi phạm nhân quyền và bán đất cho
Trung Cộng tại tất cả các thủ đô và thành phố lớn các nước trên khắp thế giới,
từ Mỹ Châu, qua Âu Châu, Á Châu và Úc Châu.
Trước cao trào phản đối của đồng bào trong và ngoài nước, ngày
Thứ ba 12-6-2018, quốc hội CS thông qua “Luật an ninh mạng” và vài luật khác,
nhưng hoãn biểu quyết luật đặc khu cho đến kỳ họp quốc hội lần thứ 6 vào tháng
10-2018.
Sách báo đã viết nhiều về ba đơn vị hành chánh-kinh tế đặc biệt
trong dự luật đặc khu là Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh
Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Ở đây, xin mời độc giả tự quan sát bản đồ
để thấy rõ vị trí địa lý chiến lược của ba vùng nầy.
Quần đảo Vân Đồn nằm trong Vịnh Bắc Việt, ở phía đông tỉnh Quảng
Ninh, huyện lỵ là Cái Rồng, trong đảo Cái Bầu. Với kỹ thuật tối tân hiện đại,
từ Vân Đồn có thể kiểm soát các cảng Tiên Yên, Cẩm Phả, Hạ Long, Hải Phòng (hải
cảng chính của Bắc Việt). Từ đây có thể quan sát toàn bộ phía bắc Biển Đông.
(Nguồn: Không đề tên tác giả, Tập bản đồ giao
thông đường bộ Việt Nam,
Hà Nội: Nxb. Tài Nguyên-Môi Trường và Bản Đồ
Việt Nam, 2013, tr. 21.) |
Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong, nằm trong vịnh Vân Phong, thuộc
huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Vịnh Vân Phong nhìn xuống hải cảng Nha Trang,
vịnh Cam Ranh và hải cảng Cam Ranh. Từ vùng Bắc Vân Phong có thể quan sát và
kiểm soát toàn bộ vùng vịnh Cam Ranh và cả Biển Đông.
(Nguồn: Tập bản đồ hành chính, Hà Nội: Nxb. Bản Đồ, 2003, tr. 46.) |
Phú Quốc nằm trong vịnh Thái Lan, thuộc tỉnh Kiên Giang, huyện
lỵ là thị trấn Dương Đông, cách thành phố Rạch Giá 120 Km và thị xã Hà Tiên 45
Km. Phú Quốc nằm ngay trên thủy lộ từ Thái Bình Dương vào vịnh Thái Lan, có thê
theo dõi hoạt động tàu bè trong vịnh Thái Lan, các hải cảng Cambodia và vùng
biển phía nam nước Việt Nam.
(Nguồn: Tập bản đồ hành chính, sđd. tr. 70.) |
Nhìn vào bản đồ ba vùng đặc khu kinh tế trên đây, rõ ràng đây là
những vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Ai làm chủ các vùng nầy, sẽ làm chủ
bờ biển Việt Nam. Chắc chắn Trung Cộng muốn làm chủ các đặc khu nầy nhằm hỗ trợ
cho chiến lược toàn cầu của Trung Cộng là “một vành đai, một con đường” (“nhất
đái, nhất lộ” tức “one belt one road” hay OBOR), hiện đang được bàn tán khắp thế
giới.
Nếu Trung Cộng làm chủ các đặc khu kinh tế trên đây, thì Việt
Nam hoàn toàn nằm trong vòng vây của Trung Cộng. Phía bắc, quân đội Trung Cộng
rải dài dọc theo 6 tỉnh biên giới. Phía tây, Trung Cộng đang bảo trợ Lào và
Cambodia. Phía đông và phía nam, ba đặc khu phong tỏa con đường ra biển của
Việt Nam. Đó là chưa kể Trung Cộng đang bồi đắp thêm các vùng đá ngầm trên các
đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa làm vòng đai bên ngoài thêm vững chắc.
Việt Nam không còn lối đi nào cả.
Kết luận
Cho đến nay, không ai biết nội dung hội nghị Thành Đô năm 1990,
trừ những người trong cuộc. Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh đã chết. Đỗ Mười già
quá rồi (101 tuổi), gần đất xa trời, bây giờ có lẽ lú lẫn, chẳng nhớ gì. Giới
lãnh đạo kế tục trong đảng CSVN cho đến thế hệ Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại
Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân và bộ chính trị hiện nay, chỉ biết
cúi đầu vâng phục Trung Cộng để duy trì địa vị, quyền lợi. Còn sống chết mặc
dân, bất kể tương lai đất nước.
Việc thay đổi hiến pháp năm 1992, việc ký kết hai hiệp định về
biên giới trên đất liền và trên Biển Đông, việc khai thác bô-xít trên cao
nguyên Nam Trung phần, và dự án xây dựng ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và
Phú Quốc, phải chăng là những chủ đề mà Trung Cộng đòi hỏi trong mật nghị Thành
Đô, chính là lộ trình dẫn đến một hình thức Trung Cộng bảo hộ Việt Nam kiểu
mới, mà dư luận thường cho rằng Việt Nam sẽ trở thành khu tự trị trong đế quốc
Trung Cộng.
Vì vậy, người Việt Nam chỉ còn con đường duy nhứt là phải tranh
đấu giải thể chế độ CSVN, xóa bỏ những cam kết bí mật giữa đảng CSVN và đảng
CSTH, thì mới có thể thoát khỏi cảnh Trung Cộng đô hộ lần nữa. Phải chống Việt
Cộng để chống Trung Cộng.
(Toronto, 22-7-2018)
Trần Gia Phụng
Nguồn: Theo Tiếng Dân