Những cụm từ “xử
đúng người đúng tội”, “xử lý nghiêm”... không phải là dở, nhưng dân chúng đã
quá chán ngán vì sau bao lần chúng được sử dụng mà sự việc tiêu cực thì vẫn “để
lâu cứt trâu hóa bùn”, bị chìm xuồng...
Bài Vì lương tâm, chúng tôi
phải lên tiếng (báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 23.7.2018) cho biết hai
thầy giáo Vũ Khắc Ngọc và Trần Mạnh Tùng là những người nêu lên việc gian lận
thi cử ở Hà Giang từ sớm.Tôi nghĩ hai thầy giáo này xứng đáng được tuyên dương đầu tiên.
Nếu tôi là lãnh đạo cấp cao, sau khi có kết quả xác minh, tôi sẽ lập tức tới nơi hai thầy giáo làm việc, gắn huy chương tuyên dương tại chỗ. Như tuyên dương chiến sĩ lập công xuất sắc tại mặt trận.
Cùng với tuyên dương hai thầy giáo lên tiếng vạch trần sự gian dối, tôi sẽ nghiêm khắc phê bình việc gian lận thi cử của bộ máy khảo thí, chỉ rõ tác hại rất lớn của vụ việc đối với đạo đức ngành giáo dục, cùng lúc yêu cầu xem xét lại trách nhiệm các viên chức và quan chức liên quan.
Có quyết tâm chống suy thoái đạo đức học đường, vực lại học phong và dân khí, tôi tin chắc dân chúng sẽ nhận ra chính khí và tấm lòng trong sáng trong lời nói và thái độ của mình. Những cụm từ “xử đúng người đúng tội”, “xử lý nghiêm”... không phải là dở, nhưng dân chúng đã quá chán ngán vì sau bao lần chúng được sử dụng mà sự việc tiêu cực thì vẫn “để lâu cứt trâu hóa bùn”, bị chìm xuồng hoặc người có trách nhiệm liên quan vẫn ung dung tại vị... Với tình trạng như hiện nay, người dân chỉ còn tin khi nhìn vào hành động cụ thể và kết quả. Người có dính líu hay có trách nhiệm cần bị huyền chức (nghĩa là dừng chức một thời gian) và không tham gia việc điều tra. Việc điều tra cần sự tham gia của bên trung lập và công luận, thí dụ như các nhà báo. Khi có kết quả điều tra, việc cách chức, thay người cần tiến hành nhanh chóng, công khai, minh bạch một cách phân minh và hướng tới chấn hưng giáo dục nước nhà.
Có như vậy mới xốc lên phong trào “phát hiện và tố cáo tham nhũng” như chính quyền lâu lâu vẫn lên tiếng yêu cầu, mong muốn. Người dân mới hăng hái, chính quyền các cấp mới không dám trù dập, bầu không khí liêm chính mới lần hồi tái lập lại trong hệ thống công quyền...
Như vậy và chỉ như vậy lòng tin tưởng của dân mới dần dần được phục hồi. Sự đàn áp hay mệnh lệnh hành chính chỉ khiến một số dân im miệng nhất thời nhưng càng hủy hoại ghê gớm lòng tin.
Hầu như ai cũng biết, sự phát triển của dân tộc và đất nước tỷ lệ thuận với lòng tin và sự đồng thuận của dân chúng.
Lê Học Lãnh Vân