23 juillet 2018

Giáo dục - Vấn đề không chỉ nằm ở Hà Giang (1)


Xuân Dương
 

 (GDVN) - Chấn hưng giáo dục phải được xem là mục tiêu tối thượng lúc này.


Câu chuyện sửa điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại Hà Giang bị báo chí phanh phui khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo phải phối hợp với Bộ Công an vào cuộc xác minh. 
Kết quả đã phát hiện Phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang thực hiện sửa 330 bài thi trắc nghiệm cho 114 thí sinh.
Sau khi kết quả thẩm định được công bố, rất nhiều câu hỏi được đặt ra:
Trước hết, vì sao chỉ sau khi thông báo kết quả chính thức, công khai phổ điểm thì sự vụ mới bị phát giác? 


Nếu trước khi công bố kết quả chính thức, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Cục Công nghệ Thông tin sử dụng các phần mềm thống kê đánh giá sơ bộ thì có thể thấy ngay sự không bình thường không chỉ tại Hội đồng thi Hà Giang mà có thể còn xảy ra tại một số địa phương khác.
Người viết không tin cán bộ, nhân viên Cục Công nghệ Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo không làm được việc này mà chỉ có thể đoán là không có chỉ đạo kiểm định sơ bộ. 
Để làm rõ vai trò của một số bộ phận liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, xin nêu một vài quy định trong Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 04/2018/TT-BGDĐT (sau đây cả hai Thông tư này viết gọn là “Thông tư 04”).
Khoản 1 điều 6 Thông tư 04 quy định “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Ban Chỉ đạo thi trung học phổ thông quốc gia (gọi tắt là “Ban Chỉ đạo thi quốc gia”).
Ngày 18/7/2018, tìm trong mục “Văn bản chỉ đạo điều hành” trên CổngThông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo tại địa chỉ [1], lấy mốc thời gian từ ngày 30/5/2017 đến ngày 17/7/2018 không thấy công bố Quyết định thành lập “Ban chỉ đạo thi quốc gia” của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong khi khá nhiều “Quyết định” khác được công bố, tại sao vậy?
Thành lập Ban chỉ đạo thi quốc gia chính là hoạt động “chỉ đạo, điều hành” của Bộ trưởng, vậy văn bản thành lập “Ban Chỉ đạo thi quốc gia” được liệt vào loại gì và vì sao không được công bố trên Cổng Thông tin của Bộ?

Ảnh chụp màn hình phần “Văn bản chỉ đạo điều hành” cổng thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo

Phải chăng đây là lỗi của bộ phận quản trị hay thành phần “Ban chỉ đạo thi quốc gia” là bí mật không được phép công khai?
Phải nêu câu hỏi này bởi vào lúc 21g54 ngày 18/7/2018, thông tin trên Báo điện tử Giáo dục và Thời đại cho biết Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ký hai quyết định số 2632/QĐ-BGDĐT và 2633/QĐ-BGDĐT thành lập hai tổ công tác giúp Bộ trưởng chỉ đạo việc kiểm tra xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Hội đồng thi hai tỉnh Lạng Sơn và Sơn La trong Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018. [2] 
Phần đầu “Căn cứ” của hai quyết định trên viện dẫn Quyết định số 1277/QĐ-BGDĐT ngày 30/3/2018 “Về việc thành lập Ban Chỉ đạo thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018” và Quyết định số 1733/QĐ-BGDĐT ban hành ngày 7/5/2018 “Về việc điều chỉnh, bổ sung thành viên Ban chỉ đạo…”.
Tuy nhiên cả 06 “Văn bản chỉ đạo điều hành” ngày 30/3/2018 đều không thấy công bố Quyết định số 1277/QĐ-BGDĐT.
Thủ tướng Chính phủ nhiều lần khẳng định xây dựng một “Chính phủ minh bạch, kiến tạo,…”, thế nào gọi là minh bạch nếu một văn bản chỉ đạo điều hành của Bộ trưởng lại không được công khai trên chính Cổng Thông tin của Bộ?
Suy cho cùng, để xảy ra vụ việc tại Hà Giang không chỉ là trách nhiệm của “Ban chỉ đạo thi quốc gia” cấp tỉnh mà cũng có trách nhiệm không nhỏ của “Ban chỉ đạo thi quốc gia” trung ương.
Dư luận mới thấy lãnh đạo Hà Giang lên tiếng nhận trách nhiệm mà chưa thấy những người tham gia “Ban chỉ đạo thi quốc gia” trung ương lên tiếng về vai trò và trách nhiệm của mình. 
Có phải những thành viên và lãnh đạo “Ban chỉ đạo thi quốc gia” trung ương không có trách nhiệm gì trong việc để xảy ra vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này?
Xin phân tích một chút vì sao lại nêu câu hỏi trên.
Thứ nhất, ở cấp quốc gia:
Theo quy định tại Thông tư 04, thành phần Ban chỉ đạo quốc gia trung ương ngoài lãnh đạo Bộ (Trưởng ban, Phó Trưởng ban thường trực), các Phó Trưởng ban còn lại bao gồm lãnh đạo bốn đơn vị:
Cục Quản lý chất lượng, Vụ Giáo dục Đại học, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục thường xuyên.
Uỷ viên Ban chỉ đạo quốc gia gồm:
Lãnh đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo Cục An ninh Chính trị nội bộ, Bộ Công an.
Dễ dàng thấy rằng trong thành phần Ban chỉ đạo thi quốc gia trung ương, Cục Công nghệ Thông tin không được thể hiện cụ thể.
Do không tìm được quyết định thành lập “Ban chỉ đạo thi quốc gia” (Quyết định số 1277/QĐ-BGDĐT) nên không biết Cục này có phải là thành phần (ủy viên) Ban chỉ đạo hay họ chỉ tham gia khi cần thiết?
Khi nhiều chính khách, lãnh đạo Đảng, Chính phủ đề cập đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) thì cũng có nghĩa là Công nghệ Thông tin đóng vai trò rất quan trọng. 
Với chuyên môn của mình, các cán bộ Cục Công nghệ Thông tin dễ dàng phát hiện những bất thường về điểm số của các thí sinh tham dự kỳ thi này tại mỗi tỉnh, thành so với mặt bằng chung cả nước.
Mặt khác không thiếu các phần mềm thống kê cho phép khảo sát biến động của tập dữ liệu rời rạc (bảng điểm các bài thi), xác định “độ lệch chuẩn” và “kỳ vọng” từ đó rút ra kết luận có bất thường hay không.
(Bạn đọc có thể tham khảo thêm bài viết của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 19/7/2018)
Vậy vì sao Ban chỉ đạo thi quốc gia không sử dụng các phần mềm để phân tích kết quả trong khi những bất thường được công bố trên truyền thông lại do nhóm chuyên gia một tờ báo điện tử thực hiện?
Người viết cho rằng, có gì đó không bình thường khi Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc, cựu Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin phát biểu:
Thời thi tự luận, tiêu cực liên quan tới sửa bài thi là rất khó vì có khâu rọc phách mà nếu dồn túi 2 lần thì cũng không tài nào biết bài nào của ai để sửa bài thi.
Trong khi phiếu trả lời trắc nghiệm hoàn toàn không có phách nên bất kỳ ai cũng có thể biết phiếu trả lời này là của ai và ra phiếu của một thí sinh nào đó.
Đây là một lỗ hổng mà tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi còn công tác”. [3]
Vậy là đã rõ, lỗ hổng (trong quá trình chấm thi) đã được“nhắc đi nhắc lại nhiều lần” nhưng không ai nghe.
Phải chăng vì thế năm 2018 này, dù kết quả thi đầy nghi vấn, dù khả năng chuyên môn không thể nói là có vấn đề thì Cục Công nghệ Thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đành “ngồi chơi xơi nước”?
Liệu điều này có phản ánh sự trì trệ trong chỉ đạo điều hành hay đơn giản chỉ vì có ai đó không muốn minh bạch những điều cần phải “đậy lại”?
Nói đến vai trò của người chịu trách nhiệm kỳ thi quốc gia, thiết nghĩ cũng nên điểm qua đôi chút một sự kiện lịch sử liên quan đến thi cử.
Sách Đại Nam Thực lục (Bản dịch sang quốc ngữ của Viện Sử học. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1970) ghi chép sự kiện:
 “Năm Tân Sửu (1841), tháng 8... Cao Bá Quát và Phan Nhạ làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên, chữa văn sĩ nhân (chữa 09 chữ trong một số quyển thi phạm húy). 
Bộ Lễ và Viện Đô sát tra xét, nghị tội: Quát và Nhạ phải tội xử tử. Nguyễn Văn Siêu (làm Phân khảo) phải tội trượng, đồ.
Chủ khảo và Giám khảo bị cách chức, giáng chức.
Vua xét lại, tha cho Quát, Nhạ tội xử tử và chuyển thành giảo giam hậu.
Siêu chỉ bị cách chức, tha cho tội đồ; Chủ khảo Bùi Quỹ và Phó khảo Trương Sĩ Tiến bị cách lưu làm việc...”
Người trực tiếp phạm tội là quan Sơ khảo thì bị án tử hình, quan Phân khảo bị tội đánh đòn, Chủ khảo và Giám khảo bị cách chức, giáng chức.
Những hình phạt nghiêm khắc của triều đình dành cho kẻ phạm tội không chỉ giới hạn ở người trực tiếp mà còn đến cấp cao hơn tức là quan Chủ khảo (tương đương Trưởng Ban chỉ đạo ngày nay?).
Thiết nghĩ đó là tấm gương mà tiền nhân để lại cho con cháu về chuyện tuyển chọn hiền tài.
Nếu những người chịu trách nhiệm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban chỉ đạo thi quốc gia và người đứng đầu địa phương không tự nhận thấy khuyết điểm thì Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra trung ương nên vào cuộc.
Chấn hưng giáo dục phải được xem là mục tiêu tối thượng lúc này bởi mọi tệ nạn xã hội, quốc nạn tham nhũng đều từ bộ phận không nhỏ cán bộ được chính nền giáo dục Việt Nam đào tạo trong hơn nửa thế kỷ qua. 
Cũng xin nói thêm, việc này cần làm đồng bộ cả phía Bộ Giáo dục và Đào tạo lẫn các cơ sở đào tạo lý luận chính trị của Đảng bởi để được đề cử, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo chủ chốt từ cấp xã trở lên tất cả đều phải có bằng lý luận chính trị từ sơ cấp đến cao cấp.
(còn nữa)

Tài liệu tham khảo:
[1]https://www.moet.gov.vn/van-ban/vbdh/Pages/default.aspx?Page=13
[2]http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/bo-gddt-lap-doan-cong-tac-xac-minh-dau-hieu-bat-thuong-ve-ket-qua-thi-tai-son-la-va-lang-son-3939763-v.html
[3] http://toquoc.vn/giao-duc/ket-qua-thi-bat-thuong-tai-ha-giang-cuu-cuc-truong-cuc-cntt-noi-ve-lo-hong-cua-thi-trac-nghiem-351012.html


Xuân Dương
http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Giao-duc--Van-de-khong-nam-o-Ha-Giang-1-post188179.gd