Thiện Tùng: "Mục đích đấu tranh, với bất cứ
hình thức nào, là giải quyết yêu sách, chưa giải quyết thỏa đáng yêu sách là
còn tiếp tục đấu tranh. Nếu nhà cầm
quyền vô cớ đàn áp với bất cứ hình thức nào, người đấu tranh có quyền phản ứng
tự vệ, hậu quả do nhà cầm quyền chịu trách nhiệm."
Hàng chục ngàn người dân
biểu tình ở Sài Gòn hôm 10 Tháng Sáu, 2018 chống cả dự luật “Đặc Khu Kinh Tế”
và dự luật “An Ninh Mạng.” (Hình: KAO NGUYEN/AFP/Getty Images)
|
Lịch sử Phong kiến đã sang trang, Dân chủ Pháp quyền
thay thế, trở thành khuynh hướng chung thời đại. Hình thức Vua Chúa còn tồn tại
ở một số nước chỉ là hư vị, xem như vật
chứng chỉ có giá trị bảo tồn lịch sử (1).
Thế nhưng, hiện nay vẫn còn một số nước, trong đó có
Trung Quốc và Việt Nam áp dụng “Vương quyền đội lốt Dân quyền”. Về danh nghĩa,
họ cũng xưng Cộng hòa nầy Cộng hòa nọ, cũng nhơn danh thể chế “Dân chủ Pháp
quyền”, cũng trình làng Hiến nầy Luật kia, có đủ “đầu đuôi thủ vĩ” để tế Thần (
lừa đời). Nhưng họ có biết chăng, chính những Pháp Luật (2) ấy trói
buộc họ thực hiện “Vương quyền” (Độc tài Phong kiến).
Để lừa đời,
từ 1955 đến nay đã 63 năm, ở Việt Nam hết nhơn danh Cộng hòa nầy đến Cộng hòa nọ, thực chất chỉ
là những thể chế chính trị Độc tài Phong kiến theo kiểu vua chúa ngày xưa. Họ
xây dựng pháp luật cốt để cai trị dân, còn họ luôn sống và hành động ngoài vòng
pháp luật. Bởi vậy, bao giờ họ cũng dị ứng với ý kiến phản biện, khiếu kiện và
căm ghét biểu tình. Khi có việc gì xảy ra bất lợi cho mình, phe phái mình, họ
ngụy tạo ra những chứng cứ giả để đàn áp
dân.
Không cần đợi có luật, quyền biểu tình của người dân
đã được Hiến định, biểu tình là hợp pháp. Nếu khiếu kiện không được giải quyết
thì chẳng hạn: Dân Thủ Thiêm bị cướp đất thì dân Thủ Thiêm được quyền biểu tình;
Formosa xả thải giết chết môi trường các tỉnh miền Trung thì dân các tỉnh miền
Trung có quyền biểu tình; Trung Quốc chiếm biển đảo Việt Nam thì cả nhân dân
Việt Nam được quyền biểu tình .v.v... Nếu nhà cầm quyền vô cớ đàn áp quyền bất
khả xâm phạm đã được Hiến định thì nhân dân cả nước có quyền biểu tình chống
đàn áp.
Dù Pháp Luật chưa hoàn chỉnh, nhưng nó vẫn là những
“khế ước” được thỏa thuận giữa nhà cầm quyền và dân. Không còn cách nào khác,
người dân sống dưới chế độ Độc tài giả
Dân chủ thì phải biết tận dụng tối đa Pháp Luật để bảo vệ quyền lợi cho mình,
bám chặt những điều Hiến pháp hiện hành quy định: “Dân được làm những gì Hiến pháp không cấm, quan chức chỉ được làm
những gì Hiến pháp cho phép”.
Khiếu kiện tập thể hay biểu tình bất bạo động với
những yêu sách rõ ràng sẽ trở thành cuộc đấu tranh chính đáng (chính nghĩa),
khiến cho nhà cầm quyền không có lý do đàn áp, buộc họ phải tôn trọng, tiếp
nhận và giải quyết yêu sách cho người đấu tranh. Mục đích đấu tranh, với bất cứ
hình thức nào, là giải quyết yêu sách, chưa giải quyết thỏa đáng yêu sách là
còn tiếp tục đấu tranh. Nếu nhà cầm
quyền vô cớ đàn áp với bất cứ hình thức nào, người đấu tranh có quyền phản ứng
tự vệ, hậu quả do nhà cầm quyền chịu trách nhiệm.
Biểu tình với yêu sách chung nên mở rộng diện và dựa
vào sức mạnh số đông. Khó khăn nhứt vẫn là khâu tập hợp lực lượng.
So với trước đây phải cuốc bộ rủ nhau biểu tình,
ngày nay “đi mây về gió”, rủ và hẹn nhau để biểu tình dễ như ăn chè, chỉ cần
phone cho nhau. Vậy việc cần bàn là tổ chức tập hợp lực lượng bằng cách nào để
hạn chế tối đa phá đám? Người tham gia biểu tình không sợ bị đàn áp?
Thông thường, tập hợp lực lượng biểu tình rơi vào
máy móc – điểm cố định. Những người đến trước vừa xuất hiện bị công an, côn đồ
“hỏi thăm sức khỏe”, làm cho số người sắp đến thụt luôn, số đến trước mang đầu
máu về nhà hoặc phải theo ông an về đồn.
Tôi được
biết, thời Việt nam Cộng hòa ở miền Nam, phải cuốc bộ rủ rê, nhưng người ta tổ
chức, tập hợp lực lượng biểu tình rất chu đáo và linh hoạt:
- Theo tổ tam chế (xâu chuổi): 1 vận động 3 người
thân cận; 3 người x 3 = 9 người ; 9 người x 3 = 27 người; 27 người x 3 = 81
người…. Vậy thì mỗi một ấp, một khu phố, một trường học, một xí nghiệp… chỉ cần
nắm một người rồi nhơn ra theo cấp số nhơn sẽ có lực lượng đông đảo.
- Thống nhứt và viết yêu sách sẵn, khi đi giấu kỹ
trong người, cây gậy của các ông bà lão trở thành cán băng chẳng hạn.
- Một số lực lượng giả dạng đi chợ, đi khám
bịnh…tiếp cận điểm tập trung; số đông còn lại cải trang rải trên các tuyến
đường đã định. Khi đến giờ hẹn, nổ ra từ phía sau các tuyến đường, giương cao
yêu sách tiến về điểm tập trung, trên đường đi, lực lượng rải sẵn trên các
tuyến đường ập vào mỗi lúc một đông kéo
về điểm tập trung. Trong khi cảnh sát phải rải quân ra đối phó ở các tuyến
đường thì lực lượng giả dạng tiếp cận điểm tập trung ứng lên. Các mũi giáp
công, phối hợp nhịp nhàng như vậy, dầu có muốn, cảnh sát cũng khó đối phó.
- Ngoài số đã “ra quân”, người ta còn chuẩn bị lực
lượng hỗ trợ: nếu bị đàn áp khống chế, lịnh cho tung thêm lực lượng dự bị bằng
cách lấy cớ đem cơm nước cho người thân rồi ở luôn không về, giả đau bịnh ói
mữa làm rối cả lên - cứ thế mà tiếp tục, lực lượng ngày một tăng thêm, buộc
chính quyền phải nhượng bộ, hứa giải quyết yêu sách. Nếu hứa mà không giải
quyết, tổ chức biểu tình tiếp.
- Phân công nhau tiếp cận cảnh sát…. than nghèo kể
khổ để tranh thủ trái tin khối óc, hạn chế sự hung hăng của họ - gọi là binh
vận.
- Lực lượng chỉ huy không gia nhập vào đám đông, chỉ
ở bên ngoài, tùy tình hình diễn biến, điều khiển đoàn biểu tình nên nhu hoặc cương bằng tín hiệu, ám
hiệu, đồng thời giữ liên lạc với “hậu phương” lịnh cho tăng thêm lực lượng khi
cần thiết.
Cuộc biểu tình hôm 10/6/2018 chống Luật Đặc khu và An ninh mạng thành công một nửa - chỉ buộc được Quốc hội ngưng
thông qua luật Đặc khu. Một số nơi, rõ nhứt là Sài thành không bị khủng bố, chủ
yếu nhờ sáng tạo phương cách tập hợp lực lượng, tạo ra được sức mạnh số đông,
khiến cho lực lượng chống biểu tình ở đây đành “bó tay.com”.
20/7/2018
T.T
Chú thích:
(1) Bảo tồn là giữ cho còn hiện vật, Bảo tàng là tàng trữ báu vật.
(2) Pháp Luật là từ ghép – Hiến pháp và các Luật (viết hoa hay
không đều phải như nhau không thì dễ hiểu sai nghĩa).