MÊNH MÔNG THẾ SỰ ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
SỐ 45
Tương
Lai
Tiến sĩ Nguyễn Quang A vừa bị bắt giữ và câu lưu trái phép tại sân bay Nội Bài khi từ nước ngoài trở về ngày 6.7.2018. Thế thì đích thị là thuộc diện “bất hảo” chứ gì nữa. Bị công an bắt giữ và thẩm vấn thì nhất định là “bất hảo” rồi, thì ngài Tổng Bí thư đã giảng như vậy rồi, lời vàng ý ngọc miễn bàn!
Cái này mới là đúng “truyền thống văn hóa Việt Nam” như bà Chủ tịch Quốc hội vừa nói vì
đây là bắt một kẻ “bất hảo” chứ không
phải là chuyện ‘ông’ Thanh tra Chính phủ
lại đi kiện ‘ông’ Bộ trưởng này, lãnh đạo kia về tài sản thì nghe không đúng
truyền thống văn hoá Việt Nam lắm” mà Bà Ngân đã lo lắng. Hơn
nữa, còn tệ hơn bọn bất hảo nữa cơ đấy, mà là “ con chuột luồn cúi, là rác rưởi
và hắn phải đeo găng tay để vứt đi. ..như hắn thóa mạ. Rồi hắn dọa “sẽ bị hắn xử với đôi tay bọc găng để khỏi bẩn
tay hắn,…. Hắn bảo tên hắn ta là Vũ
sinh 1979 (kém con mình 1 tuổi).* Nguyễn Quang A kể lại.
Thế là ngài sĩ quan chỉ đáng tuổi con của người bị hắn
“hỏi cung” khi đã bắt giữ ông ta bất chấp luật pháp, kỷ cương của một nhà nước
gọi là “của dân, do dân và vì dân” đã
ngang nhiên quát nạt một trí thức mà hắn còn kém tuổi con ông. Xem ra cái ông
sĩ quan an ninh tên là Vũ này còn “lập trường, quan điểm” hơn ông Tổng Trọng
nhiều khi ông này quyết liệt lên án bọn “bất
hảo”, kẻ thù của đảng, của nhà nước
“những phần tử kích động đó là ai, thì
toàn là thành phần bất hảo, nghiện hút ma túy, trộm cắp, đủ các kiểu. … “Phải có luật
để bảo vệ chế độ này chứ, đâu phải cứ để chúng muốn phá gì thì phá, muốn chửi
ai thì chửi được, nên mạng rất là nguy hiểm ở chỗ đó”(theo
VTCNews ngày 17/06/2018)
À ra vậy. Trong cái vốn tri thức của giáo sư
Trọng về cái “luật an ninh mạng” mà
chỉ cần thế là cũng đủ để ông chỉ thị cho Quốc hội của bà Ngân phải thông qua
cho bằng được cái luật quan trọng này! Chẳng trách mà Nguyễn Quang A phải tranh
thủ lúc bị “câu lưu” mà giảng cho mấy chú an ninh canh giữ ông những tri thức tối
thiểu và cơ bản nhất tại sao ông phản đối luật an ninh mạng.Tranh thủ thời gian
bị “câu lưu”, ông nói cho họ biết thực chất nội dung của Luật an ninh mạng là
gì. Là “bịt miệng dân; sách nhiễu doanh nghiệp;
lỗi hệ thống dẫn đến rủi ro cực lớn cho an ninh quốc gia”.
Với những sĩ quan an ninh ngồi canh giữ mình, Nguyễn
Quang A thực hiện một “bài giảng bất đắc dĩ" cho họ về những tác hại khó
lường của luật này với đất nước như hợp pháp hóa sự vi hiến và xâm phạm quyền
con người, tạo cơ hội cho một bộ phận công an với một quyền hạn quá lớn sách
nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, cản trở sự phát triển của đất nước. Ông
lo ngại nhất là luật an ninh mạng tạo ra những lỗi hệ thống sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia mà luật
này muốn bảo vệ.
Ông chỉ rõ hệ thống không thể quá tập trung như thế
này vì sẽ tiềm ẩn các hậu quả rủi ro rất
nguy hiểm đối với cả đất nước, cả dân tộc và cả bộ máy cầm quyền! Đây là các hậu
quả không lường trước (unintended consequences) của bất kể chính sách hay
quyết định nào, bất chấp mục đích đúng đắn hay cao thượng của chính sách hoặc
quyết định ấy. Nguyễn Quang A chỉ rõ tai họa sẽ xảy ra sau 5 năm, 7 năm, hay 10
năm và đến lúc ấy thì đã quá muộn. Bằng sự trải nghiệm của chính bản thân mình
từng góp ý kiến phân tích về những thất bại không tránh khỏi của Tập đoàn Kinh tế Nhà nước và Hệ thống Ngân hàng trước đây, vận dụng
những điều ấy vào việc phân tích những
sai lầm của Luật An ninh mạng, ông chỉ rõ lỗi hệ thống và các hậu quả chưa
lường trước được của Luật này. *
Mà đây đâu phải là lần đầu tiến sĩ Nguyễn Quang A,
nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển [IDS] bị “câu lưu” và đối xử một
cách thô bạo như vậy. Đây là lần thứ 17 ông bị câu lưu trái pháp luật tính từ
23-3-2016, kể cả lần ông bị “bắt cóc” trên đường đến gặp Obama theo lời mời
chính thức của Tổng thống Mỹ trong dịp đến thăm Việt Nam vừa được tiếp đón
trang trọng theo nghi thức nguyên thủ quốc gia.
Là tiến sĩ khoa học chuyên ngành Điện tử Viễn thông,
Nguyễn Quang A từng là giáo sư giảng dạy tại Đại học Budapest Hungari, từng là
Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, một
chuyên gia kinh tế và là một trong những người đi đầu trong ngành ngân hàng tư
nhân tại Việt Nam. Năm 1993 ông tham gia sáng lập Ngân hàng ngoài Quốc
doanh VP Bank nay là Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng. Ông từng ứng cử vào Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 với tư cách
chuyên gia độc lập về tin học, kinh tế, tài chính và nhà báo tự do trong mong mỏi
được góp phần kiến tạo một thể chế dân chủ. Năm 2016 ông được đề cử giải
nhân quyền thường niên của Chính phủ Hà Lan “Hoa Tulip về
Nhân quyền”. Với những điều vừa nói thì đây đích thị là một phần tử “bất hảo” dưới con mắt của ông Tổng Bí
Thư Nguyễn Phú Trọng, là “con chuột luồn cúi, là rác rưởi” mà cần “ phải đeo găng tay để [cầm] vứt
đi” theo ngài sĩ quan an ninh hỏi cung và quát mắng ông chẳng oan tí nào!
Rất may mắn là người viết bài này lại
là bạn của cái ông tiến sĩ “bất hảo” từng nhiều lần bị chặn bắt trên đường, bị
bắt cóc và “câu lưu” mà lại cứ xưng xưng tranh luận, giảng giải cho người bắt bớ
, hỏi cung, xúc phạm đến mình, để rồi “nhếch mép cười một phát và quên chúng nó đi”. Tôi định vào lần gặp Quang A tới, tôi sẽ hỏi hắn: “Liệu cậu có quên chúng nó đi thật không và
có quên được không”? Chắc Quang A lại cười hề hề rất thoải mái, hồn nhiên
như mọi lần: “thì nhớ làm gì cho mệt”!
Tôi kết bạn với Quang A vào dịp nào
cũng không nhớ thật rõ. Chỉ nhớ nhất là những cuốn sách thuộc dạng SOS2 mà
Quang A dịch và gửi đều cho tôi đọc, lại còn yêu cầu tôi hiệu đính, chỉnh sửa.
Tôi trả lời: “đọc để hiểu còn vất vả,
không rõ có hiểu được đúng, được hết nghĩa lý của nó nổi hay không nữa chứ nói
gì đến hiệu đính, chỉnh sửa”. Bằng những cuốn sách ấy, tôi cảm phục ý chí,
nghị lực và sức làm việc của Quang A. Đúng như anh nói : “Dịch là để học và chia sẻ. Đó cũng là đam mê của tôi.
Những cuốn sách tôi dịch khá kén bạn đọc nhưng tôi nghĩ nó sẽ có ảnh hưởng nhất
định trong việc truyền tải kho tàng trí tuệ của nhân loại…Tất cả các sách tôi dịch đều có chung một
chủ đề: Hệ phần mềm điều hành xã hội - làm thế nào để vận hành xã hội một cách
hữu hiệu. Tôi gọi đó là tủ sách SOS2 (có nghĩa là hệ điều hành xã hội): chính
sách, thể chế, những kinh nghiệm thất bại và thành công, các lý thuyết, những
cách tổ chức sao cho xã hội vận hành suôn sẻ”.Người học
trò cũ, cũng là một người bạn rất tin cậy suốt hơn nửa thế kỷ từ 1962, cùng làm
việc và bạn thân của Quang A ở Genpacific và hình như cả trước đó ở Viện Kỹ thuật
quân sự 1975, đã có nhận xét rất tốt về bạn mình khi tôi hỏi thăm về Quang A
nhân một việc tôi phải làm. Và cứ thế tôi gắn bó với Quang A. Chặt chẽ và thú vị
nhất là từ hồi hoạt động trong IDS.
Còn nhớ một kỷ niệm: hôm cùng ngồi với
nhau ở nhà anh Việt Phương mà tôi hẹn Quang A đến đấy trong dịp tôi bay ra Hà Nội.
Mọi người trao đổi với nhau việc thành lập một Viện Nghiên cứu độc lập theo kiểu
một Think Tank như yêu cầu của ông Sáu Dân, Quang A nói một câu “xanh rờn” : “các anh toàn bàn tính theo kiểu “quan
phương” quá, với tôi, chỉ một tuần là ra được một viện Nghiên cứu thôi”.
Mọi người ngạc nhiên nhìn Quang A.
Anh Việt Phương hình như lờ mờ đoán ra cách làm của Quang A: “Vậy thì anh nói cụ thể xem nên tiến hành ra
sao”. “Đơn giản thôi, nhưng phải làm
gấp”, Quang A từ tốn nói : “Cứ theo
Luật Khoa học Công nghệ mà tiến hành đăng ký.Chỉ cần anh Chu Hảo, nguyên là Thứ
trưởng Bộ KH và CN, bằng mối quan hệ cũ, làm việc với Sở KHCN Hà Nội sao cho việc
đăng ký hoạt động sau khi đã có đơn mà Luật KHCN đã ban hành thật nhanh gọn. Thế
là xong”.
Hôm sau, tôi nhớ là ngày thứ năm, tôi
bay về Sài Gòn, sáng thứ sáu đến trình bày với với ông Sáu Dân. Ông hỏi: “anh bố trí cho tôi gặp Quang A được không?”.
Tôi gọi điện thoại cho Quang A, nói là ông Sáu muốn gặp, “ bay vào được không?”. Thật đơn giản và thoải mái, hắn trả lời “Tối nay em bay vào, sáng mai, thứ bảy gặp.
Được không?”. Đấy chính là phong cách của Quang A, mọi việc đều đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng, nói là làm, làm là làm tới.
Con người của anh là con người hành động. Chuyện anh phải dài lời giảng giải
suốt hơn 5 tiếng đồng hồ cho cánh an ninh đang thẩm vấn, canh giữ anh vừa kể
trên chỉ là chuyện chẳng đặng đừng. Tuy nhiên, ở đây cũng thể hiện đựơc bản
lĩnh của một người biết rõ việc mình làm, coi những trò nhơ bẩn, thủ đoạn vặt
được dàn dựng để đưa mình vào bẫy chỉ là chuyện họ buộc phải làm, chẳng thèm chấp.
Thì cứ để nó diễn ra, việc họ, họ làm, việc mình, mình làm.
Tôi nghĩ, đó cũng là “đương nhân bất nhượng”, việc của chính
nhân thì cần gì phải đắn đo!
Tôi nhớ buổi làm việc của Quang A với
ông Sáu Dân chỉ diễn ra hơn một giờ đồng hồ, vì sau đó ông còn có lịch tiếp anh
Ngô Vĩnh Long, giáo sư đại học Maine, Hoa Kỳ, người đồng hương vừa về nước, đến
thăm ông. Bữa cơm trưa hôm ấy ông mời luôn chúng tôi cùng ngồi trò chuyện với
Ngô Vĩnh Long. Nhưng có lẽ còn “nhanh gọn” không kém chuyện ra đời của Viện
Nghiên Cứu Phát triển IDS sau đó là chuyện quyết định chấm dứt hoạt động của Viện
mà tôi chỉ nói gọn trong vài dòng sau đây:
Khi biết được IDS được thành lập,
Nông Đức Mạnh, lúc bấy giờ là Tổng Bí thư, đã hỏi Hà Nôi là ai cho phép IDS hoạt
động thì được trả lời là không ai cho phép cả, đây là do Luật KHCN quy định, chỉ
cần đăng ký. Mạnh trả lời rất gọn : “Nếu
là Luật thì phải sửa Luật”! Luật là gì nhỉ? Chẳng là cái thá gì cả!Trong
cái thể chế toàn trị này mà nói chuyện luật thì thật ngớ ngẩn! Việc Mạnh đưa vợ
của mình vốn là bồ của con trai vào Quốc Hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất
mà ông còn làm được cho dù phải từ con trai và bị con gái gửi đơn tố cáo với Bộ
Chính trị của ông, thì những chuyện lặt vặt như hạ lệnh sửa Luật để cho những
phần tử “bất hảo” có điều kiện phản biện này nọ chỉ là chuyện “nhỏ như con thỏ”.
Vậy là Quyêt định 97 ra đời, một quyết
định “phản dân chủ, phản khoa học, phản
tiến bộ” như Tuyên bố phản đối của IDS!Thế là viện trưởng IDS Nguyễn Quang
A đích thực là một phần tử “bất hảo” từ buổi ấy chứ đâu phải chỉ từ khi phản đối
Luật Đặc Khu Kinh tế và Luât An ninh mạng vừa rồi. Còn “oan” cái nỗi gì cơ chứ!
Tổng Mạnh rồi đến Tổng Trọng đều hảo hảo cả, thì những Nguyễn Quang A kia “bất
hảo” là đương nhiên. Ta là hảo thì mi là bất hảo, chuyện ấy chẳng có gì đáng
bàn.
Ngồi, từ phải người thứ hai :
Việt Phương, người thứ tư
Phan Huy Lê
Đứng, từ phải, người thứ hai :
Phan Đình Diệu
|
Ấy vậy nhưng Quang A lại tâm sự : “trong cuộc sống, đôi khi ta phải biết trân trọng sự “hão huyền” hay “hoắng”
mà mình có, bởi một góc độ nào đó nó thể hiện sự lãng mạn của tư duy. Không có
sự lãng mạn thì cuộc sống sẽ vô cùng tẻ nhạt”.[VN Express, 14.5, 2012]. Cái con người “bất hảo” này như ông Trọng quy kết, “con chuột luồn cúi mà phải đeo găng tay để
tóm vứt đi” này như viên sĩ quan an ninh nọ thóa mạ, chính là ông bạn tôi
đây. Tôi cứ bật cười bởi thái độ của anh : “nhếch mép cười một phát và quên chúng nó đi”!
Nhưng quên là quên chúng nó để nhớ, trân trọng và thiết tha nhớ đến những
người thật đáng nhớ. Dạo ông Sáu Dân mất, Quang A đưa giáo sư Hoàng Tụy, Chủ tịch
Viện Nghiên cứu Phát triển IDS gội mưa từ sân bay đến thẳng dinh Thống Nhất,
nơi quàn linh cữu của người đã hết lòng về sự ra đời và hoạt động của IDS. Gọi
điện từ sân bay cho tôi, Quang A hỏi tỉ mỉ về vòng hoa viếng ông Sáu Dân và nơi
nghỉ trưa của giáo sư Hoàng Tụy vì ông đang yếu mệt. Quang A một bên và tôi một
bên dìu vị Chủ tịch của mình vào viếng người vừa nằm xuống trong nỗi nhớ thương
vô hạn, để rồi sau mấy tiếng nằm nghỉ, chiều muộn hôm đó giáo sư Hoàng Tụy cùng
Viện trưởng Quang A bay ra Hà Nội.
Và rồi, lần lượt những cây cổ thụ của
IDS, Việt Phương, Phan Đình Diệu, Phan Huy Lê ra đi [xem ảnh]. Tuy thời gian hoạt động không dài, nhưng dấu ấn
đậm nét của những trí thức có tầm vóc như các anh đã khắc sâu vào tâm khảm của
mỗi một thành viên IDS và chắc chắn không chỉ ở đó.
Tầm ảnh hưởng của những Việt Phương,
Phan Đình Diệu, Phan Huy Lê… trong đời sống của xã hội đương đại có sức vẫy gọi
mạnh mẽ những trái tim và khối óc của những nhân cách tử tế, những trí thức yêu
nước giàu lòng tự trọng với khí phách ngẩng cao đầu trước cường quyền đã vẫy gọi
giới trẻ giàu nhiệt huyết hướng tới một cuộc sống cao đẹp.
Nguyễn Quang A
về thăm cụ Lê Đình Kình,
xã Đồng Tâm, Hà Nội,
chính ở đấy, Quang A đã
nối điện thoại cho tôi
nói chuyện với cụ Kình.
|
Thấp hèn nên lúng túng, bất nhất, ăn không nên đọi, nói không
nên lời. Lúng túng càng lúng túng, đã bối rối càng bối rốithêm khi gặp phải một
ứng xử của người đang biết quá rõ chân lý
là thuộc về mình. Vì thế mới có chuyện trước mọi thủ đoạn trấn áp đe dọa bỉ
ổi, những lời rao giảng vừa nhảm nhí, vừa tùy tiện thể hiện một tâm trạng bối rối
bất an và bất lực của quyền uy, con người ấy lại chỉ “nhếch
mép cười một phát và quên chúng nó đi”!
Quả thật sự “bất hảo”
này quá khó để định nghĩa.
________________
*Mời đọc bài viết của Nguyễn Quang A “Phản đối luật an ninh mạng” và “Tay
Vũ bảo tôi là con chuột luồn cúi, là rác rưởi…”
Sài Gòn ngày
15.7.2018