Nhân viên của Rosneft Vietnam trên giàn khoan ở mỏ khí Lan Tây, ngoài khơi Vũng Tàu, Việt Nam. Ảnh tư liệu chụp ngày 29/04/2018.REUTERS/Maxim Shemetov/File Photo |
Căng
thẳng giữa Việt Nam với Trung Quốc trên Biển Đông đang gia tăng với việc tàu
khảo sát Hải Dương Địa Chất 8, với sự hộ tống của các tàu vũ trang, tiếp tục
hoạt động ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thậm chí đang tiến
gần hơn đến bờ biển Việt Nam. Theo các dữ liệu của trang web Marine Traffic,
chuyên theo dõi sự di chuyển của các tàu, tàu Hải Dương 8 từ ngày 23/08 chỉ còn
cách đảo Phú Quý của Việt Nam 102 km và cách bờ biển Phan Thiết 185 km.
Thứ Năm
tuần trước, 22/08/2019, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã bày tỏ « quan ngại sâu sắc » về việc
các tàu Trung Quốc tiếp tục gây cản trở các hoạt động dầu khí của Việt Nam
trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đối với bộ Ngoại Giao Mỹ, hành động
của của Bắc Kinh là một sự « leo
thang » trong nỗ lực nhằm hù dọa những nước khác cũng đang giành
quyền phát triển các nguồn tài nguyên trên Biển Đông.
Vậy thì
nhìn từ khía cạnh dầu khí, căng thẳng Biển Đông hiện nay nên được hiểu như thế
nào ? Oilprice ( oilprice.com ), trang mạng chuyên thông tin về năng lượng,
ngày 24/08 đã có một bài viết về khía cạnh này.
Oilprice
nhắc lại rằng, theo ước lượng của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, trữ lượng của Biển
Đông là khoảng 28 tỉ thùng dầu. Từ đó đến nay, cùng với những cải tiến công
nghệ, ước lượng về trữ lượng dầu khí ở Biển Đông lẻ ra phải tăng thêm. Cho dù
giá dầu cao hay thấp, dĩ nhiên là nước nào cũng muốn giành phần và Trung Quốc
thì đòi phần lớn nhất.
Mỹ : Trung Quốc ngăn cản tiếp cận nguồn dầu khí
Theo
cái nhìn của Mỹ, những hành động của Trung Quốc trong vùng đã ngăn cản các nước
láng giềng tiếp cận nguồn tài nguyên dầu khí được ước lượng trị giá 2,5 ngàn tỉ
đôla. Tuyên bố của bộ Ngoại Giao của Hoa Kỳ hàm ý rằng những hành động đó của
Bắc Kinh cũng đã ngăn cản các công ty Mỹ tham gia vào việc khai thác trữ lượng
dầu khí Biển Đông.
Oilprice
nhắc lại rằng tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 hoạt động gần Bãi Tư Chính,
ngay tại nơi mà cách đây 2 năm, Trung Quốc đã đe dọa Việt Nam về dự án thăm dò
dầu khí do đối tác Tây Ban Nha Repsol tiến hành. Đe dọa đó đã có hiệu quả, vì
Hà Nội lúc đó đã phải đình chỉ dự án này.
Nhưng
bây giờ đối tác đang tham gia khoan thăm dò tại lô 136-3 của Việt Nam chính là
công ty Ấn Độ ONGC, liên doanh với hãng dầu khí hàng đầu của Nga là Rosneft.
Theo Oilprice, do ONGC là một công ty nhà nước, cho nên hoạt động của tàu Hải
Dương Địa Chất 8 cũng không báo trước điều gì tốt cho quan hệ Ấn-Trung. Ấn Độ
phụ thuộc vào dầu nhập khẩu thậm chí còn nhiều hơn cả Trung Quốc, cho nên đối
với New Dehli, nguồn dầu khí Biển Đông rất quan trọng.
Riêng
về quan hệ Mỹ-Trung, theo Oilprice, tuyên bố của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chỉ làm
tăng thêm căng thẳng vào lúc mà chiến tranh thương mại giữa hai nước chưa biết
bao giờ mới kết thúc. Về khả năng có những thay đổi thật sự trong hành vi của
Trung Quốc ở Biển Đông, có thể khuyến khích các công ty Mỹ tham gia thăm dò dầu
khí trong khu vực, theo Oilprice, cơ may này rất là ít, thậm chí không có.
Các nhà đầu tư sẽ ngán ngại ?
Tờ
Bangkok Post ngày 24/08 cũng đã có bài phân tích về tình hình Biển Đông nhìn từ
khía cạnh dầu khí. Theo nhận định của tờ báo này, địa điểm lô dầu khí mà tàu
Hải Dương Địa Chất 8 và các tàu vũ trang của Trung Quốc đang quấy phá là đặc
biệt đáng lo ngại đối với các nước nhỏ hơn đang muốn khai thác dầu khí tại
những khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông. Lý do là vì địa điểm này nằm gần
Việt Nam hơn gấp 3 lần so với Hoa lục. Từ lâu, Bắc Kinh vẫn tìm cách gây cản
trở hoạt động thăm dò dầu khí tại những khu vực mà họ khẳng định chủ quyền,
nhưng nay, với việc phát triển lực lượng hải quân và xây dựng cơ sở quân sự
trên cáo đảo tranh chấp, Trung Quốc có đủ sức mạnh áp đặt quyền kiểm soát của
họ tại những khu vực xa bờ hơn nữa.
Bangkok
Post trích lời chuyên gia Collin Koh, Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam,
Singapore, ghi nhận là những hành động nói trên của Trung Quốc diễn ra với tần
suất và với mức độ thật sự khác hẳn so với trước đây. Theo ông Collin Koh, căng
thẳng hiện nay, « có thể khiến
các nhà đầu tư phải đắn đo suy nghĩ về việc có nên tiếp tục dự án dầu khí hiện
có hay không, thậm chí có thể làm nản lòng những nhà đầu tư lo xa hoặc không
muốn gặp rắc rối sau này ».
Bangkok
Post lưu ý rằng hành động của Trung Quốc diễn ra vào lúc Bắc Kinh đang thương
lượng với Philippines về việc cùng thăm dò dầu khí tại một vùng tranh chấp giữa
hai nước. Riêng Việt Nam thì vẫn kiên quyết bác bỏ bản đồ « đường lưỡi bò » của Trung
Quốc, không xem đó là cơ sở để hợp tác khai thác dầu khí Biển Đông, cho nên
căng thẳng giữa hai bên mới gia tăng như vậy.
Việt
Nam hiện sản xuất mỗi năm 33 triệu tấn dầu từ các lô ngoài khơi và hiện kiểm
soát một trữ lượng khoảng 4,4 tỉ tấn dầu thô và khí đốt. Theo Bangkok Post, sự
hiện diện của các tàu vũ trang của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam có thể
gây tác hại nặng nề cho một nền công nghiệp đã đóng góp 20% GDP từ năm 1986 đến
2009.
Nguy cơ chiến tranh Việt-Trung
Do Việt
Nam vẫn cưỡng lại các áp lực của Trung Quốc, Bắc Kinh trong những tuần gần đây
đã có nhiều hoạt động mạnh mẽ, như tiến hành hai cuộc tập trận gần quần đảo
Hoàng Sa, bãi bỏ lệnh cấm đánh cá, thử nghiệm các chiến hạm mới và vũ khí mới ở
vùng Vịnh Bắc Bộ, gây quan ngại nổ ra chiến tranh Việt-Trung.
Theo
đánh giá của ông Gregory Poling, giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải
châu Á ( AMTI ), quan hệ giữa hai nước trong 5 năm qua chưa bao giờ căng thẳng
như thế. Ông Poling cho rằng, mặc dù nhìn bề ngoài "mọi việc tương đối yên ắng, có vẻ như không bên nào
chấp nhận để yên như thế ».