TTO - Trung Quốc xem khu vực bãi Tư Chính là "một phần của quần đảo Nam Sa và vùng biển liên quan" của Trung Quốc. Lập luận này của Trung Quốc xuất phát từ cơ sở nào, đúng hay sai khi đối chiếu với UNCLOS 1982?
Mọi người đều biết rằng Trung Quốc là một
trong những quốc gia đầu tiên ký kết và phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc
về Luật biển (UNCLOS) năm 1982; hơn nữa còn là một trong những thành viên tích
cực của nhóm quốc gia đang phát triển, đã có nhiều đóng góp trong quá trình
tham gia Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Luật biển lần thứ 3.
Âm mưu
viết lại Luật biển
Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương độc chiếm Biển Đông,
Trung Quốc đã triển khai các hoạt động vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp
của các quốc gia ven Biển Đông, cũng như các quốc gia ngoài khu vực có quyền và
lợi ích liên quan khác, bất chấp luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982;
chẳng hạn, Trung Quốc tiếp tục duy trì yêu sách "đường lưỡi bò" bao
lấy hơn 80% diện tích Biển Đông và tìm cách hợp thức hóa yêu sách phi lý này
bằng lập luận ngụy biện rằng:
- Đây là biên giới
biển do lịch sử để lại, xuất hiện trước khi UNCLOS 1982 có hiệu lực, vì vậy nó
không chịu tác động bởi UNCLOS 1982;
- Trung Quốc có quyền
lịch sử đối với tài nguyên ở vùng biển nằm trong đường biên giới này;
- Hơn nữa, Trung Quốc
có chủ quyền đối với "Tứ Sa" ở giữa Biển Đông - bao gồm Tây Sa (tức
Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam), Đông Sa (Pratas)
và Trung Sa (vùng bãi cạn Macclesfield); vì vậy, "theo UNCLOS 1982",
Trung Quốc có quyền mở rộng phạm vi các "vùng biển có liên quan" của
Tứ Sa ra đến biên giới biển theo đường chữ U.
Lập luận nói trên của
Trung Quốc, nếu theo thuật ngữ pháp lý thì có thể được gọi là sự "giải
thích và áp dụng" quy định của UNCLOS 1982. Nhưng, sự "giải thích và
áp dụng" này là hoàn toàn sai trái, là sự ngụy biện mà nhiều người cho
rằng Trung Quốc đang muốn viết lại Luật biển quốc tế có lợi cho họ.
Vạch trần
âm mưu
Xin vạch rõ tính ngụy
biện trong cách "giải thích và áp dụng" UNCLOS 1982 của Trung Quốc
như sau:
Thứ nhất: "biên
giới do lịch sử" để lại và "quyền lịch sử"
Theo UNCLOS 1982, một
quốc gia khi đã trở thành thành viên chính thức thì phải tuyệt đối tuân thủ và
phải sửa đổi tất cả các quy định đã ban hành trước khi có công ước, nếu chúng
không phù hợp với các quy định của công ước. Nếu không hủy bỏ và sửa đổi thì sẽ
không có hiệu lực thi hành đối với các quốc gia thành viên khác.
Trong quá trình tiến
hành Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Luật biển lần thứ 3, các đoàn đại biểu đã
thảo luận về việc có nên đưa khái niệm "quyền lịch sử" đối với các
tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế không. Cuối cùng khái niệm này đã bị
gạt ra khỏi các quy định tại phần V, từ điều 55 đến điều 75.
Trong phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế The Haye ngày
12-7-2016, Hội đồng Trọng tài cũng đã bác bỏ "quyền lịch sử đối với tài
nguyên" trong vùng biên "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.
Thứ 2: vấn đề hiệu lực
của các thực thể địa lý ở giữa Biển Đông trong việc xác định phạm vi các vùng
biển và thềm lục địa
Trung Quốc đã tuyên bố hệ thống đường cơ sở thẳng tại
quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) năm 1998, vận dụng theo phương pháp
thiết lập hệ thống đường cơ sở "quốc gia quần đảo".
Phần IV, điều 46 đã
định nghĩa "quốc gia quần đảo" (Etat Archipel) là một quốc gia hoàn
toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có khi bởi một số hòn đảo
khác nữa. "Quần đảo" (Archipel) là một tổng thể các đảo, kể cả các bộ
phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có
liên quan với nhau đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý,
kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử.
Điều 47 đã quy định:
Một quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối liền
các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm lúc nổi của quần
đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác
lập một khu vực mà tỉ lệ diện tích nước đó với đất, kể cả vành đai san hô, phải
ở giữa tỉ lệ số 1/1 và 9/1...
Tuy nhiên trong phần IV không có điều khoản nào quy
định phương pháp vạch đường cơ sở quần đảo không phải là quốc gia quần đảo. Vì
vậy, quốc gia lục địa có chủ quyền phải vạch đường cơ sở cho từng thực thể địa
lý của quần đảo để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa cho từng thực
thể địa lý đó.
Như vậy, Trung Quốc
đã giải thích và áp dụng sai các quy định của phần IV, UNCLOS 1982 trong việc
xác lập hệ thống đường cơ sở đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trung Quốc cũng đang tính đến việc xác lập hệ thống
đường cơ sở ở quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Nam Sa, sau khi họ đã chiếm đóng
tại các thực thể là các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm
lục địa của các quốc gia xung quanh Biển Đông.
Từ cách xác lập hệ
thống đường cơ sở sai trái đó, Trung Quốc khẳng định họ có quyền xác định các
"vùng biển liên quan" của các quần đảo ở giữa Biển Đông có chiều rộng
đến 200 hải lý.
Đây là một sai phạm
tiếp theo sai phạm nói trên. Bởi vì phần VIII, điều 121, UNCLOS 1982 quy định:
1. "Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên
vùng đất này vẫn ở trên mặt nước"; 2. "Với điều kiện phải tuân thủ
khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa
của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của công ước áp dụng cho các
lãnh thổ đất liền khác"; 3. "Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho
con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền
về kinh tế và thềm lục địa".
Theo Hội đồng Trọng
tài được thành lập theo phụ lục VII để xử vụ Philippines kiện Trung Quốc năm
2016, nếu căn cứ vào nguồn gốc của các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thì tất các
đảo ở đây rất nhỏ bé, không thích hợp cho đời sống của cộng đồng dân cư và
không có đời sống kinh tế riêng nên chỉ có thể có vùng lãnh hải tối đa 12 hải
lý.
Như vậy, các bãi
cạn ở cách bờ biển của các quốc gia ven Biển Đông không quá 200 hải lý không
phải là bộ phận của quần đảo Trường Sa; bởi vì chúng là những bãi ngầm, bãi cạn
ở xa và bị ngăn cách quần đảo này bởi các rãnh sâu, không thể tạo thành một thể
thống nhất về địa lý, địa chất, không gắn kết về kinh tế, lịch sử để tạo thành
một thể thống nhất của quần đảo.
Theo đó, bãi Tư Chính không thể là
một bộ phận của quần đảo Trường Sa và vùng biển bãi Tư Chính không được coi là
"vùng biển liên quan" của quần đảo này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao
Việt Nam Lê Thị Thu Hằng - Ảnh: NHẬT ĐĂNG
"Việt Nam đã giao thiệp với Trung
Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung
Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng
quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của
Việt Nam theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và luật pháp
quốc tế.
Các lực lượng chức năng của Việt
Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và
quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng
khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển
Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình,
luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích
của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc
tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính
đáng của mình. Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng
góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và
quốc tế".
Người phát ngôn Bộ
Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố ngày 16-8, liên quan đến việc tàu
khảo sát Hải Dương 8 và tàu hộ tống của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm
vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Tiến sĩ TRẦN CÔNG TRỤC