29 août 2019

Từ chuyện GateWay và người đàn bà quậy phá ở sân bay, nghĩ về dân chủ


đại úy công an Lê Thị Hiền
Phản ứng trước cái xấu, cái ác là tối cần thiết cho tiến trình hoàn thiện của con người. Nhưng phản ứng đến độ cực đoan và không còn nhận dạng được đâu là cái xấu, cái ác, tạo ra sự nhập nhằng trong cái xấu cái ác của chính những người phản ứng với đối tượng thì… Vô hình trung, sự phản ứng thái quá sẽ dẫn đến những chuỗi cái ác, cái xấu phát sinh. Thời gian gần đây, từ vụ GateWay cho đến vụ cô Hiền công an quậy ở sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn đều cho thấy bên cạnh những phản ứng cần thiết trong khuôn mẫu đạo đức xã hội, có những phản ứng vượt ngưỡng và tạo ra phản ứng phụ, thậm chí đi ngược với đạo đức, nhân phẩm.


Ở vụ trường GateWay, blogger Nguyễn Văn Hải đã bàn khá kĩ trong “Team Pháp sư trong vụ Gateway - căn cốt đặc tính dân Việt” về những phản ứng phát sinh, từ việc một nhóm người mang vòng hoa đến đặt ở cổng trường gọi là tưởng niệm, chia buồn cùng gia đình cháu bé và gióng lên tiếng nói xã hội nhưng gương mặt của họ khi đặt vòng hoa chia buồn hay tưởng nhớ lại rất tươi tắn, vui vẻ, cảm giác như họ đang thực hiện xong một trách vụ hay phi vụ nào đó thành công hơn là đi chia buồn, thương xót. Bên cạnh đó, một trang facebook tên “Chia sẻ yêu thương về bé Lê Hoàng Long” cũng được hình thành cũng với mục đích được cho biết là gióng lên tiếng chuông lương tri, cảnh báo xã hội… Nhưng trong sâu xa của những hoạt động này, dường như sự chia sẻ, bảo vệ và đòi hỏi tiếng nói công tâm cho các cháu bé, đặc biệt là cháu bé không may trong vụ GateWay thì ít mà mục tiêu tìm những nhóm lợi ích đằng sau vụ này thì lại rất rõ.

Vụ gần đây nhất là nữ đại úy công an Lê Thị Hiền đã gây rối, la hét, dùng lời lẽ thô tục để sỉ vả cô nhân viên kiểm vé của hãng bay Vietnam Airline và sau đó bị các nhân viên an ninh còng tay, đưa vào phòng giải quyết. Chuyện xảy ra vào ngày 11 tháng 8 năm 2019 nhưng đến ngày 20 tháng 8 năm 2019, đoạn video clip này được phát tán trên mạng xã hội (đúng 10 ngày sau vụ việc) và tạo ra hàng chuỗi phản ứng. Trong đó, mọi phản ứng và cả những lời sỉ vả, mạ lị, có nhiều status còn truy cả số điện thoại của cô Hiền để công khai trên mạng. Và đã ba ngày trôi qua, dường như mọi lời sỉ vả nhắm vào người đàn bà tên Hiền này vẫn chưa ngưng.

Ở đây có hai vấn đề: Đoạn video chỉ phát lúc cô Hiền phản ứng, chửi bới nhưng lại không cho thấy trước đó diễn ra như thế nào; Và mọi phản ứng trở nên gay gắt bởi vì cô Hiền là đại úy công an, là người Bắc. Những lời mạ lị có chứa yếu tố kì thị Nam – Bắc xuất hiện với tầng suất không hề nhỏ, những câu nhận định, bực tức và phẫn uất trước người đàn bà quậy phá này bởi vì gốc gác công an giao thông của cô ta xuất hiện dày đặc. Rõ ràng, ở đây, nếu xét về mặt công tâm, có điều gì đó bất thường. Nhưng vì sao lại như vậy?

Cô Hiền là người miền Bắc. Thực ra, người miền Bắc có xấu xa, có tệ hại đến mức hai chữ “dân Bắc” trở thành một thứ gì đó mang chất xúc tác kì thị như vậy hay không? Không, người Bắc hay người Nam gì cũng đều có người tốt, kẻ xấu, tỉ lệ trộm cắp giữa thành phố Sài Gòn và thành phố Hà Nội , nếu mang ra so sánh thì có khi Sài Gòn nhiều hơn. Và cũng đừng nói rằng tất cả những kẻ đầu trộm đuôi cướp ở Sài Gòn là dân Bắc dạt vào. Như vậy những băng nhóm trộm cướp ở Sài Gòn trước 1975 thì sao?!

Người miền Nam hào sảng, vui vẻ thì người miền Bắc sâu sắc, trầm tĩnh; Người miền Nam có thói quen uống cà phê sáng để kích hoạt năng lượng cho ngày mới thì người miền Bắc thích uống trà, đón nhận ngày mới một cách tỉnh táo; Người miền Nam sẵn sàng mời khách ăn uống, mời đến đồng cuối cùng nhưng không nhiệt tình mời khách ngủ lại nhà thì người miền Bắc sẵn sàng mời khách tá túc cả tuần nhưng lại ít nhiệt tình mời ăn… Không thể nói người Nam coi chỗ ở quí hơn miếng ăn hay nói người miền Bắc coi miếng ăn quí hơn chỗ ở. Vì điều này thuộc về căn tính văn hóa của vùng miền, nó hình thành bởi điều kiện sống, điều kiện thổ nhưỡng và quá trình tồn tại lâu dài đã huông đúc nên nó. Không thể nói cái nào tốt hơn cái nào.

Sự phản ứng, mạ lị bởi cô Hiền là người Bắc không hẳn vì người Bắc xấu mà vì chính những cán bộ Cộng sản từ ngoài Bắc vào chiếm miền Nam sau 1975, họ thỏa sức trưng thu, cướp bóc, trong đó nổi bậc phải nói tới Đỗ Mười, họ hành xử không xem miền Nam như một thành phố của con người mà dần biến miền Nam thành một trại súc vật. Điều này tạo ra vết thương đau đớn dai dẳng cho người miền Nam. Không dừng ở đó, thái độ cửa quyền, hách dịch và hỗn láo của các lớp cán bộ gốc Bắc sau này cũng tạo thêm lằn ranh giữa người Nam với người Bắc, đặc biệt, tạo ra cả lằn ranh giữa người Bắc với người Bắc tại miền Nam (Bắc di cư 1954 với Bắc 1975). Và cho đến bây giờ, vô hình trung, người Nam mặc định người Bắc là xấu xa mặc dù ngoài các cán bộ và dân trôi dạt từ Bắc vào (vì hết đất sống trên quê hương), những người Bắc gốc, Bắc quê kiểng, Bắc sống giữ lề thói vẫn còn rất xa lạ với người Nam.

Và chuyện cô Hiền là công an càng tạo thêm phản ứng gay gắt. Nếu cô ta không phải người Bắc, không phải công an thì mọi chuyện có lẽ sẽ khác, người ta sẽ đặt mối tương quan giữa một người mẹ bảo vệ con với một nhóm đông các nhân viên an ninh sân bay hùng hổ chẳng kém. Sâu xa hơn, người ta sẽ hỏi tại sao không có các nhân viên an ninh nữ ra thu xếp vụ việc. Nhưng không, mọi lời nguyền rủa, lăng mạ đều dồn vào cô Hiền. Điều này dễ hiểu, chính hình ảnh xấu xí của số quá đông cảnh sát giao thông, thói vòi vĩnh, thói làm khó người khác, thói xin bánh mì đểu của cảnh sát giao thông đã giết chết họ trong lòng nhân dân. Nhân dân nhìn họ như một loại quái vật gây phiền toái, loại ăn hại nhiều hơn là người điều tiết và giữ trật tự an toàn giao thông.

Cô Hiền cũng chỉ là một trường hợp trong nhiều trường hợp cảnh sát giao thông bị cộng đồng ghét. Trước đây, video một cảnh sát giao thông bị xe đâm chết, cư dân mạng cũng phản ứng chẳng những không chia sẻ trước cái chết mà họ còn tỏ ra vui mừng. Sự vui mừng này không chỉ cho thấy nhân tâm con người đang xuống cấp mà nó cho thấy rằng ngành công an nói chung, ngành cảnh sát giao thông nói riêng đang tự đẩy họ vào vị trí tệ hại nhất, họ đã đánh mất trách vụ và sứ mệnh nghề nghiệp, đánh mất lương tri đến độ họ không còn tồn tại trong mảnh đất tình cảm của người dân nữa.

Và, khi phản ứng của số đông, phản ứng của xã hội rơi vào tình trạng vỡ bờ, lúc đó rất khó để phân biệt rạch ròi, đâu là trắng đâu là đen. Cộng thêm những nhóm biết tranh thủ té nước theo mưa, dẫn dắt dư luận xã hội để đạt được mục đích nào đó của họ thì câu chuyện càng trở nên tệ hại hơn. Vì hiện tại, dù nói như thế nào đi nữa thì Việt Nam cũng cần phải có một nền dân chủ đích thực, cần tiến bộ và cần phải thoát khỏi ách độc tài Cộng sản. Chỉ đạt được mục đích dân chủ, tự do thì đất nước mới phát triển, tiến bộ. Nhưng, với xu hướng hiệu ứng đám đông xô dạt mọi thứ đúng – sai, đen – trắng; Thói quen nhắm vào lý lịch để phán xét mà bỏ qua yếu tố con người đã ngấm vào chân tơ kẽ tóc của người Việt, thì e rằng mọi chuyện đang phát triển theo chiều hướng xấu đi!

Một quốc gia, dân tộc, nếu tiêu trừ tội ác cũng như quyền lực nhóm của một nhóm, một tập đoàn hay một đảng độc tài bằng cách dùng tội ác khắc chế tội ác, dùng nhóm khắc chế nhóm và dùng thủ đoạn để đánh thủ đoạn thì e rằng, khái niệm dân chủ, nhân quyền hay tự do chỉ là những khẩu hiệu mà các nhóm, các tổ chức, đảng phái đã biết tranh thủ, biết lợi dụng để đạt mục đích của mình. Đất nước không thể tự do bằng việc thay bỏ đi một nhóm độc tài này để rồi thay thế bằng một kiểu độc tài khác.

Sự thiếu rạch ròi và tức nước vỡ bờ trong nhân dân vô hình trung trở thành mảnh đất mang yếu tố lịch sử lặp lại. Vì trước đây nhân dân không chịu nổi phong kiến, nhân dân chấp nhận theo Pháp, và khi bị Pháp bóc lột, nhân dân lại vịn vào chiếc phao Cộng sản. Giờ, Cộng sản độc tài, nhân dân lại tìm một chiếc phao mới nào đó. Trong khi đó, không có chiếc phao nào là đáng tin cậy, giữa dòng chảy lịch sử. Nhân dân phải tự trang bị kĩ năng bơi lội, kĩ năng chống chết sặc và kĩ năng dưỡng sức để vào bờ. Bến bờ tự do không bao giờ là chiếc phao mà là khả năng tự thân.

Nói như vậy để thấy rằng mọi phản ứng trên mạng xã hội giống như thước đo, biểu kế về đạo đức xã hội, về tình cảm cũng như lý trí xã hội đang ở đâu. Và dân chủ, tiến bộ chỉ đến khi con người có đầy đủ khả năng tự thân, có đầy đủ tư duy phán đoán, sự công bằng, sòng phẵng và cả lòng lân mẫn, tiết chế. Người đàn bà hung hăng, hỗn xược như cô Hiền thì không thể thương cảm hay bênh vực được. Nhưng ném đá chưa đủ mà mạ lị, bóp méo hình dạng của đối tượng để hả hê thì phải nên xem lại tư cách của người ném đá.

Nói như vậy để thấy rằng, khát khao dân chủ, khát khao tự do và công bằng cũng như các giá trị dân chủ, công bằng, tự do chỉ đến với con người khi họ biết công bằng với chính mình và người khác, biết suy nghĩ tự do và tư duy độc lập, không bị đám đông lôi kéo, không bị những “hải đăng thông tin” dắt mũi. Hi vọng rằng điều ấy sẽ đến với chúng ta! Vì, sức mạnh của một dân tộc, quốc gia nằm ở sự đoàn kết, tình yêu thương của con người với con người, của mọi miền đất nước dành cho nhau. Hiện tại, kẻ thù phương Bắc đang lăm le ngoài biển, dã tâm xâm lược của chúng hiện rõ dần, nếu chúng ta tiếp tục phân li Nam – Bắc, nếu chúng ta tiếp tục chia rẽ vì lý lịch… Thì có gì may mắn cho kẻ ngoại xâm hơn điều này?! Đã đến lúc người Việt tự hỏi về lòng yêu thương của mình, hơn bao giờ hết!