27/08/2019
(Dân Quyền) - Loạn trong mọi lãnh vực của đất
nước. Hậu quả của chế độ độc tài toàn trị!
GDVN- Nếu không làm nghiêm từ chính cơ quan
Bộ thì sẽ không có hy vọng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục.
Đã có một số ý kiến nêu câu hỏi “Thanh tra Bộ Giáo
dục và Đào tạo ở đâu trong vụ Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2 khi Bộ này
chưa cho phép”.
Thậm chí còn “Cần phải xem lại quy trình thanh tra,
kiểm tra hiện nay.
Việc thanh tra không sát sao, kỹ càng, rất có thể
xử lý trong trường hợp này sẽ lại "xì" ra sai phạm ở chỗ khác”. [1],
[2]
Nếu đã nêu câu hỏi với Thanh tra thì không thể bỏ
qua các bộ phận khác như Vụ Giáo dục đại học, Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Pháp
chế, Cục quản lý chất lượng,… và quan trọng hơn cả là phải nói đến trách nhiệm
của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu khi cơ quan quản lý nhà nước
để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực mình phụ trách.
Để tìm hiểu trách nhiệm của các bộ phận nêu trên,
xin nêu hai sự kiện.
Sự kiện thứ nhất
Ngày 25/08/2019 tra cứu tại địa chỉ Thituyensinh.vn để tìm kiếm thông tin
tuyển sinh của Đại học Chu Văn An, nhận được kết quả “Trường chưa đăng ký thông
tin đề án tuyển sinh 2019”. (Xem ảnh chụp màn hình)
Ảnh chụp màn hình Cổng Thông tin tuyển sinh Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Trong khi hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đều đã
công bố điểm chuẩn và gọi sinh viên nhập học thì vì sao vẫn còn có trường “Chưa
đăng ký thông tin đề án tuyển sinh 2019”?
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ Giáo dục và Đào
tạo Nguyễn Thị Kim Phụng từng nêu ý kiến “Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ
đăng tải toàn bộ danh sách giảng viên, danh sách thí sinh nhập học các trường
năm 2018 và năm 2019 trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ để người học và xã
hội giám sát; thực hiện hậu kiểm đối với các tất cả trường”.
Vậy khi một đại học không công bố thông tin tuyển
sinh cả hai năm 2018, 2019 thì “người học và xã hội giám sát; thực hiện hậu
kiểm” như thế nào?
Nếu năm 2019 Đại học Chu Văn An vẫn tuyển sinh bình thường thì Vụ Giáo dục đại học, Cục Quản lý chất
lượng và Thanh tra Bộ đã làm tròn trách nhiệm?
Nếu Đại học Chu Văn An chủ động hoặc vì các lý do
nào đó phải dừng tuyển sinh thì vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không công bố
thông tin cho thí sinh và người dân biết?
Sự kiện thứ hai
Ngày 17/08/2019, liên quan đến việc Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2, Bộ
Giáo dục và Đào tạo đã cung cấp thông tin cho báo chí, theo đó Bộ “Chưa
nhận được bất cứ văn bản đề nghị nào liên quan đến việc cho phép đào tạo văn
bằng 2 của trường này.
Do vậy, Bộ chưa có văn bản cho phép trường này được
đào tạo văn bằng 2”.
Được biết năm 2017 đã có 138 thí sinh trúng tuyển
học văn bằng 2 tiếng Anh và năm 2018 Đại học Đông Đô đã phát bằng tốt nghiệp
cho hàng trăm sinh viên. [3]
Từ hai tháng trước, ngày 22/06/2019 Báo điện tử
Giáo dục Việt Nam đã có bài phản ánh tình trạng này, theo đó dù Bộ Giáo dục và
Đào tạo chưa có văn bản cho phép Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2 nhưng ngay
từ năm 2015, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Nguyễn Văn Áng đã ký thông báo
số 173 gửi Đại học Đông Đô, xác nhận chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 chính quy của
trường trường này là 500 người.
Thông tin trên các báo điện tử cho hay ngày
07/03/2017, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính ký “Thông báo số 136/TB-BGDĐT” xác
nhận chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy năm 2017 của Đại học Đông
Đô là 150 chỉ tiêu cho ba khối ngành III, V và VII.
Thông báo số 136 ngoài gửi Đại học Đông Đô còn gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Vụ Giáo dục Đại học, Thanh tra Bộ Giáo
dục và Đào tạo. [4]
|
Điều đáng nói là tra cứu văn bản ban hành từ
01/01/2017 đến 30/03/2017 trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo,
mục Cơ quan ban hành chọn là “Đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT” nhận được kết quả như
sau: [5]
Ngày 03/03/2017 có “Thông báo tuyển sinh đi học tại
Bê-la-rut năm 2017”.
Ngày 08/03/2017 có “Thông báo tuyển sinh đi học tại
Ba-lan năm 2017”.
Như vậy Thông báo số 136 ban hành ngày 07/03/2017 đã không được cập nhật,
lưu trữ trong hệ thống văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo (xem ảnh chụp màn
hình).
|
Phải chăng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Giáo dục và
Đào tạo không muốn thông tin giao chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 cho Đại học Đông Đô được công bố?
Nếu Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế không chịu trách
nhiệm quản lý các loại văn bản mà Bộ ban hành hoặc Cục Công nghệ Thông tin
không chịu trách nhiệm cập nhật dữ liệu thì đơn vị nào chịu trách nhiệm và vì
sao lại không tìm thấy thông tin về Thông báo số 136/TB-BGDĐT?
Có hay không sự khuất tất trong việc che giấu thông
tin hoặc sự đồng lõa trong việc bưng bít thông tin của một số đơn vị chức năng
của Bộ?
Đến đây có thể thấy việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho
rằng Bộ “chưa có văn bản cho phép trường này (Đại học Đông Đô – NV) được đào
tạo văn bằng 2” là cách trả lời không thuyết phục nếu không nói là một cách
chống chế vụng về nhằm trốn tránh trách nhiệm.
Liệu có xảy ra chuyện Bộ trưởng, các Thứ trưởng và
các bộ phận liên quan tại Bộ Giáo dục và Đào tạo không hề biết Vụ Kế hoạch Tài
chính giao chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh cho Đại học Đông Đô?
Và đến đây không thể không nêu câu hỏi, cá nhân
hoặc đơn vị nào đã tham mưu, chắp bút soạn thảo văn bản trả lời báo chí với
khẳng định Bộ chưa có văn bản cho phép Đại học Đông Đô được đào tạo văn bằng 2?
Liệu việc ban hành văn bản thông báo này có phải cũng là một cách qua mặt
lãnh đạo Bộ và những đơn vị liên quan giống như những gì Vụ Kế hoạch Tài chính
đã làm?
Nếu có sự dung túng cho Đại học Đông Đô tuyển sinh
văn bằng 2 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ trách nhiệm các cá nhân, đơn
vị liên quan và cũng phải làm rõ trách nhiệm trong việc ban hành văn bản trả
lời báo chí không đúng sự thật nêu trên.
Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có biện pháp
thu hồi ngay các văn bằng tiếng Anh đã cấp bất hợp pháp của Đại học Đông Đô và
các Đại học khác (nếu có), đặc biệt là cung cấp thông tin những người đã sử
dụng các văn bằng này nhằm hợp pháp hồ sơ học thạc sĩ, tiến sĩ, bổ nhiệm chức
vụ trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên xem xét lại nhiệm vụ
quản lý nhà nước về giáo dục, thanh tra, kiểm tra, kiểm định hoạt động của các
cơ sở giáo dục đại học chứ không phải hoạt động tuyển sinh, mở ngành hoặc đào
tạo cụ thể.
Nếu không làm nghiêm từ chính cơ quan Bộ thì sẽ
không có hy vọng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục.
Tài liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/tieu-diem/dai-hoc-dong-do-dao-tao-van-bang-2-thanh-tra-bo-giao-duc-o-dau-post201682.gd
[2] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/bo-giao-duc-khong-cap-phep-dao-tao-nhung-van-ky-chi-tieu-van-bang-2-cho-dh-dong-do-561764.html
[3] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dai-hoc-dong-do-khong-duoc-phep-dao-tao-van-bang-2-ngon-ngu-anh-post199627.gd
[4]//dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/lo-dien-don-vi-tiep-tay-cho-truong-dai-hoc-dong-do-vi-pham-dao-tao-van-bang-2-20190824064321758.htm
[5] //moet.gov.vn/tintuc/Pages/thong-cao-bao-chi.aspx
Xuân Dương