19 août 2019

Hội thảo về thực hiện Di chúc


Nguyễn Đình Cống



Mấy lâu nay có phong trào rầm rộ về 50 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh. Ngoài phong trào do Đoàn Thanh niên CS phát động thì nơi nơi, ngành ngành, các cấp thi nhau tổ chức hội thảo (HT). Cho đến nay đã có nhiều chục cuộc HT như vậy, các HT lớn là tại Học viện chính trị khu vực 2, vào ngày 17/5, HT tại TP Hồ Chí Minh ngày 29/6. và HT tại Hà Nội ngày 12/8. Chắc rằng sẽ còn nhiều HT nữa. Mỗi HT có nhiều tham luận, HT bé có vài chục, HT lớn có đến trên trăm. 


Tham luận nào cũng “nhả ngọc phun châu”, nhưng phần lớn bị lạc đề. Nhiều HT ghi rõ : Hội thảo khoa học về 50 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh, nhưng nội dung nhiều tham luận không có gì là khoa học và không đả động gì đến việc thực hiện, nội dung chủ yếu của các tham luận là ca ngợi Di chúc.

Xin hãy xem thông báo của ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. Hội thảo khoa học về thực hiện di chúc,  gồm các chủ để sau : Hoàn cảnh lịch sử ra đời; tư tưởng của di chúc về dân chủ, đoàn kết, đạo đức; triết lý về nhân văn; tầm nhìn chiến lược; logic biện chứng. ( không thấy thực hiện đâu cả)

Theo dõi 3 HT lớn tôi chưa tiếp cận được tham luận trình bày về sự thực hiện Di chúc như thế nào mà chủ yếu được đọc các lời tụng ca Di chúc  đến tận mây xanh. Người ta ca ngợi : Di chúc là báu vật quốc gia, là tác phẩm bàn về xây dựng CNXH, là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc, nó giản dị mà thiêng liêng, có ý nghĩa thời đại và lịch sử sâu sắc, là sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là văn kiện lớn, thể hiện tư tưởng đổi mới, là công trình lý luận về xây dựng đảng và củng cố đảng cầm quyền, là một văn bản định hướng cho cách mạng Việt Nam.

Tôi đã đọc di chúc vài chục lần và  thuộc lòng nhiều đoạn. Bây giở tôi lại mở Di chúc ra, đọc đi rồi đọc lại, thấy rằng nội dung chủ yếu của nó  nói lên tâm nguyện và tình cảm của một lãnh tụ đối với việc Đảng, việc Dân, toát lên tư tưởng trọng dân, thân dân. Trong những điều Hồ Chí Minh viết ra có nhiều điều là hiển nhiên, có những dự báo đúng và cũng có một số nhận định hoặc dự báo không phù hợp.

Điều hiển nhiên như là : Tuổi tác càng cao sức khỏe càng thấp, câu “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”  là của Đỗ Phủ,  đoàn kết là truyền thống quý báu, nhân dân lao động bao đời chịu gian khổ,  cần không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Đảng viên cần có đạo đức, cần kiệm liêm chính. Bác để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng v.v…

Dự báo đúng như là : Cuộc chống Mỹ nhất định thắng lợi, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, đau lòng vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em,

Nhận định và dự báo không phù hợp như là :


+ Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Phải chăng chỉ có thắng lợi. Thế cải cách ruộng đất, hợp tác xã nông nghiệp, cải tạo tư sản, ngăn cấm kinh tế tư nhân thì sao, chúng thuộc thắng lợi nào khi phá nát đạo lý và làm kiệt quệ nền kinh tế. Phải chăng đàn áp Nhân văn Giai phẩm, triệt hạ những tinh hoa
không chịu làm nô lệ, phá bỏ các đình chùa, lập ra bộ máy cai trị quá nặng nề mà kém năng lực đều là thắng lợi này đến thắng lợi khác của Đảng.


+ Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình

Dự báo thế, kêu gọi thế, nhưng  thực tế trong và ngoài Đảng càng ngày càng mất dân chủ và vũ khí phê bình hoen rỉ, gần như không còn tác dụng. Phê bình không còn là vũ khí sắc bén như người ta nhầm tưởng.


+ Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ.

Khi nói đánh thắng nước nào đó trong chiến tranh là phải đạt đến việc  người ta chịu thua hoặc đầu hàng, như ngày 30 tháng 4- 1975 ở Sài Gòn ( Ở Điện Biên Phủ 1954 cũng có đầu hàng, nhưng là một trận đánh chứ chưa phải cuộc chiến tranh). Với Pháp và Mỹ, chúng ta chưa đánh nhau với chủ lực của họ, chỉ đánh nhau với một đội quân can thiệp và kết thúc bằng ký hiệp định, mỗi bên đều phải rút quân. Nói rằng ta đánh thắng sự can thiệp quân sự của Mỹ là đúng, còn nói đánh thắng đế quốc Mỹ là hơi thậm xưng. 


+Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.

Nhận định này là  chủ quan. Trong khi Hồ Chí Minh còn sống thì đã có nhiều người  Việt Nam không theo Đảng, không trung thành với Đảng. Hiện nay thì những người theo và từng trung thành với Đảng đã có không ít mất lòng tin, số đảng viên bỏ Đảng ngày càng nhiều.


+ Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh emĐiều mong muốn cuối cùng của tôi là góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.


 Điều mong muốn này là thơ ngây và thể hiện sự chủ quan về vai trò của Đảng. Thật xấu hổ khi tổng bí thư Nguyễn Văn Linh bị Goc Ba Trốp cười khẩy và từ chối lời đề nghịi để cho Đảng của VN góp phần với Đảng Liên xô ngăn chặn sự tan rã của các nước XHCN Đông Âu vào năm 1989.

Hồ Chí Minh là lãnh tụ của Đảng, đã có nhiều nhận định sáng suốt và dự báo chính xác. Tuy vậy Người chưa phải là Thánh nên có một vài nhầm lẫn cũng là thường tình.

 Chắc rằng Người không hề nghĩ đến việc thống nhất được lãnh thổ mà rất khó hòa hợp dân tộc chỉ vì ý thức hệ đấu tranh giai cấp, đến nỗi hàng triệu thuyền nhân bỏ nước ra đi sau 1975, rằng trong Đảng sẽ xuất hiện các nhóm lợi ích của tư bản đỏ, làm cho đất nước, môi trường bị tàn phá, rằng sẽ xuất hiện nhiều dân oan vì bị cướp đất, rằng đất nước bị nợ ngập đầu.

Chắc rằng Người không ngờ tới sự tan rã của Phe XHCN năm 1990, và Cộng sản Trung quốc trở thành thù địch với dân tộc Việt. Trong khi ĐCSVN vẫn hết lòng thần phục họ với 16 chữ vàng.

 Chắc rằng Người không ngờ tới là “Đế quốc Mỹ” đem quân sang VN không phải để xâm lược mà chủ yếu để ngăn làn sóng cộng sản tràn ngập Đông Nam Á. Và rồi nước Mỹ đang trở thành nơi trú ẩn đáng tin cậy của nhiều đồng chí cao cấp của Đảng, rằng nhân dân VN rất phấn khởi đón chào các Tổng thống Mỹ đến thăm.

Chắc rằng Người không ngờ tới việc Di chúc bị Đảng sửa chữa, và nguyện vọng được hỏa táng bị vứt bỏ, không hình dung được Đảng sẽ làm lăng và ướp xác, gây ra vô cùng tốn kém, rằng mình đã để lại một Đảng càng ngày càng rệu rã, lún sâu vào độc quyền và tham nhũng.

Chắc Người  không ngờ việc tên Nước, tên Đảng do Người đặt  sẽ  bị thay đổi nhanh chóng. Người ta giải thích công khai lý do của sự thay đổi, nhưng cũng có người cho rằng lý do đó chỉ là bịa đặt chứ ra mục đích chính của việc thay đổi này được giấu kín, đoán rằng để kết thúc thời Hồ Chí Minh và mở ra một thời mới.

Khi đọc hồ sơ về Di chúc có 2 điều làm tôi băn khoăn là sự tuyệt mật và chữ ký xác nhận. Nghĩ mãi thì cũng tìm ra được vài nguyên nhân có thể tạm chấp nhận về vấn đề tuyệt mật của bản thảo. Phải chăng đó là sự bí mật của công việc chứ không phải bí mật của nội dung, nhưng nghĩ kỹ lại thấy chuyện tầm phào. Già rồi, viết di chúc là chuyện bình thường, có gì mà tuyệt mật.

Tại sao bản thảo Di chúc cần có chữ ký xác nhận của Lê Duẩn, TBT đảng. Theo tường thuật của ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác thì Lê Duẩn đến tận nhà sàn yêu cầu Bác viết di chúc. Lý do thực sự của việc này không ai được biết, mỗi người đoán theo cảm nhận.

Tại sao các hội thảo đều ghi là “ Về thực hiện Di chúc” mà hầu như không có tham luận về sự thực hiện đó. Phải chăng  đặt ra như thế để tuyên truyền chứ trong cuộc sống có ai nghĩ đến việc thực hiện nó đâu. Ngay cả việc xây dựng Đảng, việc quan tâm đến Đoàn Thanh niên và Nhân dân lao động thì đó là công việc hàng ngày, bình thường, có hay không có Di chúc vẫn phải làm như thế. Việc quan  trọng nhất của Di chúc là hỏa thiêu thì đã bị vô hiệu hóa, việc miễn giảm thuế cho nông dân, thực ra đó chỉ là đề nghị, cần được thảo luận ở Quốc hội thì đã bị lờ đi một thời gian. Câu chuyện “Góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em  chỉ là nói cho vui mà thôi.

Trong Di chúc không viết gì đến các chỉ tiêu về kinh tế và xã hội, đến GDP, đến hoạt động của tư bản nước ngoài trong các xí nghiệp FDI. Không lẽ lại mang các con số về các vấn đề này, được liệt kê trong các nghị quyết  ra để tham luận. Mà phần lớn các con số là thiếu chính xác và không cần (nhưng khổ nỗi, nhiều người bị lừa vẫn tin vào và ca ngợi chúng).

Đã không có gì để trình bày về việc thực hiện thì đành tìm một vài ý, vài  câu, vài  chữ nào đó trong Di chúc rồi thêm họa tiết, tán rộng ra, thành một tham luận để khoa trương, nhằm cầu danh, cầu lợi.

Tôi chỉ phân tích vài ý. Tham luận viết rằng “ Di chúc là ngọn đuốc soi đường”. Tôi tìm mãi mà không thấy dấu vết ngọn đuốc đâu cả. Không lẽ tôi đã quá già, đến mức lú lẫn.

Tham luận viết “ Di chúc là “công trình lý luận về xây dựng Đảng”. Đọc đi đọc lại tôi chẳng thấy công trình lý luận chỗ nào. Phải chăng ở câu : Đảng ta là Đảng cầm quyền. Ý này được xướng lên và chưa thấy Hồ Chí Minh giải thích rõ ràng ở đâu cả. Sau này nhiều nhà lý luận của Đảng dựa vào câu đó để tán rộng ra. Càng tán càng đi xa khái niệm Đảng Cầm Quyền theo cách hiểu thông thường của thế giới mà lún sâu vào bản chất độc quyền toàn trị, dùng ngụy biện đánh tráo khái niệm.

Khen ai, khen cái gì nên khen cho đúng. Khen quá thành ra nịnh hót, bợ đỡ, tưởng rằng như thế là đề cao, nhưng thật ra đã làm hại người ta và tự hạ thấp mình.

Việc tổ chức nhiều hội thảo chẳng qua chỉ để cho một số người lợi dụng, để báo cáo thành tích dổm, để trổ mánh khóe xu nịnh, kiếm lợi, cầu danh. Các hội thảo như vậy sẽ tiêu tốn khá nhiều tiền, lảng phí thời gian, sức lực. Liệu chúng có mang lại lợi ích gì không, hiệu quả thế nào. Có đấy, tôi đã thấy thấp thoáng những người thu được lợi từ những hội thảo, còn hiệu quả thì chắc chắn là âm.
Học tập cần kiệm liêm chính của Bác: Nhà khác kinh khủng của Nông Đức Mạnh

Học tập đạo đức của Bác: Vợ bé (đại biểu Quốc hội) của Nông Đức Mạnh