Hình minh họa. 200 Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chụp ảnh nhân
lễ bế mạc đại hội Đảng 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016
|
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại hội nghị tuyên truyền Luật
Phòng, chống tham nhũng, tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước năm 2019 hôm
19 tháng 8 rằng “bí mật nhà nước là một trong những nội dung mà các thế lực thù
địch thường xuyên thu thập nhằm chống phá, đả kích Đảng và Nhà nước.”
Không để lọt thông tin gây bất
lợi cho Chính quyền!
Ông Lê Vĩnh Tân cũng nhấn mạnh việc bảo vệ bí mật nhà nước có ý nghĩa đặc
biệt quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh, chính trị quốc gia. Có một số vụ
làm lộ bí mật nhà nước đã ảnh hưởng lớn đến chính trị, kinh tế, quốc phòng, an
ninh, ngoại giao của đất nước.
Blogger Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió), người đã từng đăng tải nhiều thông
tin, tài liệu mật có liên quan đến các quan chức cấp cao trong đảng Cộng sản lên
mạng xã hội, bình luận với RFA từ Berlin:
“Từ xưa giờ có rất nhiều tài liệu mật của đảng Cộng sản bị tung ra
ngoài. Cho nên ông Tân phải nói như vậy để ngăn chặn tình trạng đó tái diễn.”
Luật sư Lê Công Định thì cho rằng việc quy định các thông tin mật là vì
Chính quyền không muốn để lộ ra các thông tin gây bất lợi cho họ:
“Phát biểu đó rất là buồn cười bởi vì thường thì những người mà họ gọi
là các “thế lực thù địch” hay là giới tranh đấu muốn có một sự minh bạch trong
xã hội Việt Nam về tất cả các lĩnh vực đời sống, an sinh xã hội.
Sự thật là điều mà nhà cầm quyền Việt Nam luôn muốn che giấu cho nên khi họ
đưa ra truyền thông những thông tin hay vấn đề nào đó thì họ đều muốn định
hướng theo lợi ích của chính quyền.
Do đó, họ rất ngại công bố những thông tin thật. Còn những người tranh đấu
làm truyền thông bên ngoài chính quyền tìm cách đưa những thông tin thật thì bị
chụp mũ là bôi nhọ nhà nước, bôi nhọ những quan chức lãnh đạo.
Họ luôn tìm cách bảo vệ, không cho cho lọt ra ngoài những thông tin bất lợi
cho chính quyền.”
“Thế lực thù địch” có tự thu thập
được tài liệu mật?
Báo chí nhà nước Việt Nam vẫn hay dùng từ “phản động, thế lực thù địch” để
chỉ những blogger có tiếng nói phản biện, những nhà hoạt động dân chủ, nhân
quyền, mà blogger Bùi Thanh Hiếu và luật sư Lê Công Định là điển hình.
Ảnh chụp màn hình trang web Chân Dung Quyền Lực chuyên đưa tin về các lãnh đạo Đảng Cộng sản VN Courtesy of chandungquyenluc.blogspot.com |
Cả hai cùng phản bác lại thông tin “thế lực thù địch” tự thu thập tài liệu
mật để chống phá đảng, nhà nước của người đứng đầu bộ Nội vụ.
Luật sư Lê Công Định nói rằng không “thế lực thù địch” nào có khả năng tự
thu thập tài liệu mật của nhà nước:
“Chúng tôi hoàn toàn không có khả năng thu thập được những thông tin gọi
là bí mật của nhà nước, trừ khi chính những quan chức trong bộ máy đó cố tình
tung ra cho giới truyền thông bên ngoài nhà nước.
Họ sử dụng truyền thông bên ngoài nhà nước để tấn công những đối thủ
chính trị ở trong Đảng của họ chứ chả ai có khả năng tiếp cận và thu thập những
thông tin như vậy hết.”
Blogger Bùi Thanh Hiếu cho biết mình đã nhiều lần nhận được các thông tin,
tài liệu mật về các cán bộ thuộc hàng cấp cao của đảng Cộng sản. Sau khi đọc và
xem xét kỹ, những thông tin nào đáng tin thì sẽ đăng tải lên mạng xã hội chứ
ông hoàn toàn không tự chủ động thu thập thông tin nào cả.
“Ông ấy (Lê Vĩnh Tân - PV) nói các thế lực thù địch thu thập thông tin
là hoàn toàn sai và ông ấy đang vu khống. Những tài liệu mật ấy không thể nào
người ở bên ngoài có thể thu thập được mà là do những cán bộ của đảng Cộng sản
tung ra.
Tôi ở bên Đức chứ đâu có ở Việt Nam mà có thể đi thu thập được. Hơn nữa,
nếu tự nhiên tôi đi thu thập thì ai tin tôi để có thể gửi tài liệu mật cho
tôi được.
Họ dùng những nickname khác nhau, những hộp thư khác nhau, hoặc nặc danh
bằng nhiều biện pháp khác nhau để gửi đến cho tôi.
Nếu mà nói đi thu thập thì mình phải có quan hệ với người ta. Không phải
tôi thu thập gì cả mà chỉ ngồi một chỗ, rồi những người bên trong của đảng Cộng
sản đấu đá nhau nên gửi đến cho tôi những thông tin đấy.
Có thể họ gửi thông tin cho một nước thứ ba, rồi bên thứ ba gửi đến cho tôi
chứ không phải phải họ gửi trực tiếp cho tôi.”
Blogger Bùi Thanh Hiếu cũng giải thích thêm sở dĩ ông nhiều lần nhận được
các thông tin, tài liệu mật là do trang facebook của ông có nhiều lượt theo
dõi, tương tác. Ông xuất thân từ tầng lớp không liên quan gì đến chính trị,
trung lập và không thuộc về nhóm ‘chống cộng’ hay thân cộng gì cả. Và cuối cùng là vì đang ở nước ngoài nên người ta sẽ thấy an toàn hơn khi gởi tài
liệu cho ông.
Hình minh họa. Ảnh chụp một trạng thái post trên trang Facebook của Người Buôn Gió với hình ảnh và thông tin về Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Courtesy of FB Thanh Hieu Bui |
Một người khác không muốn nêu tên hiện đang ở Việt Nam, đã từng làm việc
cho mạng báo độc lập trả lời RFA về các thông tin, tài liệu mật mà trang báo
này từng đăng tải rằng:
“Hộp mail của trang báo chúng tôi từng nhiều lần nhận được các thông
tin, đơn từ, tài liệu hay hình ảnh được đóng dấu mật về các lãnh đạo cấp cao
của đảng, nhà nước Việt Nam.
Ví dụ, hồi trước khi Đại hội đảng Cộng sản 12 vào năm 2016 diễn ra, chúng
tôi nhận được nhiều mail được ký tên là “Chân dung quyền lực” gởi những thông
tin, hình ảnh về tài sản, sự xa hoa giàu có của Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là phó
thủ tướng - PV) cùng gia đình hay hàng loạt biệt thự, bất động sản của Đại
tướng Phùng Quang Thanh (khi đó là bộ trưởng Quốc phòng - PV).”
Những thông tin trên cùng với nhiều tài liệu khác nữa đều là do những người
“nặc danh” gởi đến cho chúng tôi chứ chúng tôi cũng không có khả năng thu thập.”
Tài liệu mật tung lên mạng xã hội
là do “đấu đá nội bộ”
Blogger Bùi Thanh Hiếu khẳng định những thông tin, tài liệu mật mà mình
từng nhận được đều do các cán bộ bên trong đảng Cộng sản Việt Nam “tuồn” ra
ngoài với hai mục đích:
“Nguyên nhân mà các cán bộ của Đảng cộng sản tung ra những tài liệu ấy
ra ngoài là để đấu đá nhau do tranh chức tranh quyền, hạ bệ lẫn nhau.
Ví dụ như những lá đơn trước đại hội 16 được tung ra để tố cáo Nguyễn Tấn
Dũng và nhiều thông tin khác đều là do nội bộ bên trong tung ra chứ đâu phải do
thế lực thù địch nào thu thập lại. Hoàn toàn đây là do những chuyện đánh nhau.”
Vào năm tới, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có đại hội Đảng lần thứ 13. Đây là
dịp đảng bầu những nhân sự quan trọng vào các vai trò lãnh đạo của đảng, nhà
nước và chính phủ.