Tương Lai
Thật ra thì diễn biến thời cuộc
từ ngay sau “tiếng thét trước tòa Tổng lãnh sự
Trung Quốc” ngày 10.8.2019 đã gióng lên thanh âm chát chúa của “Khúc
vĩ thanh” này! Cái âm thanh chát chúa giội lại từ những sự kiện nóng bỏng
trên vùng biển nơi những tàu ăn cướp với trang bị hiện đại của những chiến hạm
Trung Quốc đang lượn lờ quanh Bãi Tư Chính và ý chí ngoan cường của những ngươi
lính biển mặt đối mặt với chúng đã làm giật mình những ai suýt trúng kế độc của
bọn hại nước và lũ cướp nước.
Trong một nhận định
liên quan đến động thái của Hải Dương 8 khi rời khỏi Bãi Tư Chính cho biết tàu
này rời khỏi khu vực Việt Nam, nhưng nó chỉ đến Đá Chữ thập (đảo do Bắc Kinh kiểm
soát) để tiếp nhiên liệu, trước khi quay trở lại. Collin Koh, một nhà nghiên cứu
của Chương trình An ninh Hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở
Singapore lưu ý rằng các tàu bảo vệ bờ biển Hải Dương 8 vẫn còn đó. Và Koh cho
rằng, Trung Quốc có thể đang gửi tín hiệu rằng họ sẵn sàng đạt được thỏa hiệp,
nhưng con tàu có thể được triển khai lại nếu Việt Nam không đáp trả tương xứng. Và
cách Bắc
Kinh sử dụng những con tàu dân sự gây rối, được xem là chiến thuật hoàn hảo của
nước này!
Đài RFI thì đưa tin
“Đội tàu hộ tống cũng
phải khoác vỏ bọc bán quân sự hay dân sự, tức là tàu hải cảnh và tàu dân quân
biển thường đội lốt tàu cá, để các nước khác khỏi dùng đến Hải Quân để đối phó.
Về bản chất, các chiếc tàu gọi là hải
cảnh của Trung Quốc không khác gì chiến hạm thực thụ.
Trong trường hợp đội
tàu đi theo chiếc Hải Dương Địa Chất 8 xâm nhập vùng Bãi Tư Chính chẳng hạn, số
lượng tàu hộ tống có lúc lên đến 80 chiếc, theo như ghi nhận của chuyên gia
Carl Thayer. Trong số các tàu Hải Cảnh
đã bị nhận diện, đặc biệt có chiếc mang ký hiệu 3901, có lượng giãn nước 12.000
tấn, được coi là một trong những tàu tuần duyên lớn nhất thế giới, thậm chí lớn
hơn cả những khu trục hạm hay tuần dương hạm thường được Mỹ triển khai ở Biển
Đông.
Một chiếc tàu khảo cứu
mà có một đội tàu hùng hậu như vậy tháp tùng theo là dấu hiệu cho thấy việc đưa
tàu này vào Bãi Tư Chính không phải là một công việc nghiên cứu thực địa đơn
thuần, mà còn có mục tiêu áp đặt quyền sở hữu của Trung Quốc trên vùng biển
được khảo sát. Khi bị Việt Nam đưa tàu ra đuổi, không những phía Trung Quốc đã
chống lại, mà phát ngôn viên Bộ Ngoại
Giao Trung Quốc tại Bắc Kinh còn lớn tiếng tố cáo Việt Nam gây trở ngại cho
hoạt động của tàu Trung Quốc trong vùng biển của Trung Quốc !
Nhục nhã và thảm hại
hơn, không phải chỉ bọn xâm lược Bắc Kinh, mà chính tờ báo chính thống của Hà
Nội, tờ “Hà Nội Mới” đã hỗn xược lên án những người dân yêu nước kịp thời lên
tiếng tố cáo hành động kẻ cướp của Bắc Kinh trên Bãi Tư Chính đã không mắc mưu
của lũ hại nước và lũ cướp nước khi tàu “Hải Dương 8” di chuyển khỏi địa điểm ở
Bãi Tư Chính : “Thực tế này khẳng định, âm mưu của
các thế lực thù địch, chống phá, hòng thông qua mạng xã hội và một số báo, đài
thiếu thiện chí với Việt Nam, để xuyên tạc tình hình thực tế, kích động, lôi
kéo gây rối, tiến tới bạo động như đã từng xảy ra hồi tháng 5-2014 đã hoàn toàn
thất bại. Đó cũng là “cái tát” mạnh mẽ vào các thế lực thông tin lệch lạc”. Vừa ngu xuẩn vừa dốt nát cây bồi bút
trên báo này đã vội tin ngay thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù, vừa vội vã ăn theo,
nói leo để tính điểm lập trường “trung thành” với những kẻ cam phận chư hầu của
Bắc Kinh, đã như con vẹt nhắc lại những câu vô hồn: “Rõ ràng, việc kết hợp
nhiều biện pháp đấu tranh khôn khéo, cương quyết và luôn dựa trên cơ sở luật pháp
quốc tế; cả trên lĩnh vực ngoại giao, ở các diễn đàn quốc tế, trên thực địa của
nhiều lực lượng, trong đó có sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân cả nước
đã trực tiếp buộc Trung Quốc phải rút nhóm tàu khảo sát Hải
Dương 8 ra khỏi khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam”. Đúng là con vẹt!
Bỗng nhớ lại cách nay dễ cũng đã hơn
mười năm, tôi đã viết trên tạp chí “Tia Sáng” số ra ngày ngày 11.8.2008 [nay
thì tôi đã bị gạch tên trên trang ghi tên các “Cộng tác viên” và cũng bị “rút
phép thông công”, không được xuất hiện trên Tạp Chí khoa học này sau một thời
gian dài cùng với thầy tôi là GS Hoàng Tuỵ và một số cây bút quen biết khác gắn
bó với tờ báo được cho là đứng đắn này] nên xin được chép lại đây :
“Chao ôi, chỉ để nói được tiếng người, đúng hơn, nhại được vài âm
thanh vô hồn theo đúng tiếng người để rồi bị giam trong lồng, và rồi không bao
giờ còn véo von được tiếng của chính mình nữa, cái thân phận con sáo nói được
tiếng người sao mà khốn khổ làm vậy.
Giá mà con sáo cũng
biết suy nghĩ như con người thì liệu nó có cam chịu phận cụt mất đầu lưỡi như
vậy không? Ấy thế nhưng, vào thời ông, lắm kẻ sĩ tuy không bị cụt đầu lưỡi
nhưng nào có nói được chính tiếng của mình đâu, họ "...phải nói khẽ, sợ
nói to trái ý trời, trời ghét"! [“Muốn đến với mọi
người để trò chuyện, tâm sự. Nhưng phải nói khẽ, sợ nói to trái ý trời, trời
ghét” . Thơ Cao Bá Quát .bài số 28]
Đâu phải là ý trời mà
là ý người đấy thôi, người có quyền! Đâu phải là trời ghét mà là người ấy ghét
đấy. Mà ghét, là vì lời của kẻ sĩ có tài và trung thực thường không thuận tai.
"Trung ngôn nghịch nhĩ", đó là một khái quát xuyên thời gian! Kẻ sĩ,
người trí thức mà không nói được tiếng nói của chính mình, không nghĩ được điều
mình cần nghĩ và muốn nghĩ, thì suy cho cùng, nào có khác gì con sáo bị cụt mất
đầu lưõi đâu?
Nhưng chỉ những “trí thức rởm”, những
người có dăm ba chữ trong đầu rồi cũng được khoác lên mình những chức danh kèm theo những hư danh học hàm học vị này nọ lổn
nhổn xếp đầy trên “cạc vi dít” thì mới cam chịu làm “con sáo cụt đầu lưỡi” mà Cao Bá Quát đã vẽ nên trong thơ
mình [“Chỉ vì có thể nói tiếng người, Đã đến nỗi cụt mất đầu lưỡi”
Bài số 82] chứ còn những người trí thức biết
liêm sỉ và coi trọng phẩm giá làm người thì “Một chiếc nón nghênh ngang giữa trần thế, Thảnh thơi vừa đi vừa hát
bài ca “Giang ngoại xuân”, Có lẽ đâu chui đầu vào mái nhà thấp, cúi ngửa theo ý
người khác” [Bài số 150]
Đã là trí thức đích thực thì không chịu cúi đầu như Lỗ Tấn “Hoành mi lãnh đối thiên phu chỉ”, Trợn
mắt xem khinh nghìn lực sĩ, [Hồ Chí Minh dịch trong “Lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao Động
Việt Nam ngày 3.3.1951]
Vừa rồi, một trí thức Trung Quốc, Mộ Lương Trương Kiến Hoa đã
làm dậy sóng trên cư dân mạng Trung Quốc với những lời “chát chúa” mở đầu cho
“Khúc vĩ thanh” mà tôi vừa nhắc ở trên: “Các
quan chức có quyền không có nghĩa vụ và người dân có nghĩa vụ không
có quyền... Trò chơi bẩn này lộng hành ở Trung Quốc và nay lại muốn đem ra
chơi trên thế giới. Tôi đã không biết điều này trong quá khứ. Ngoài sự thiếu hiểu
biết của tôi, còn có một lý do quan trọng khác: Một số người đang cố gắng không
cho tôi biết. Không cho tôi mở ra một cánh cửa cho tầm nhìn của tôi, có được kiến
thức và nâng cao kiến thức.
Cắt một củ cải ở cả hai đầu, bạn có thể
cắt nó một, hai lần không sao, cắt nó mười lần tám lần, cắt nó năm mươi lần,
tám mươi lần, và cuối cùng cắt mẹ nó vào ngón tay mình bằng chính con dao của
mình. “Tả truyện” có nói rằng “Đa hành bất nghĩa tất tự tễ” tức làm nhiều
chuyện xấu, bất nghĩa cuối cùng sẽ tự giết mình. Còn một câu cuối là “Tử Cô
Đãi Chi” (Hãy chờ đó), tôi cũng tin điều ấy!
Hãy chờ đó! Đúng vậy. Chờ để thấy trò đu giây của “tổng chủ”
Nguyễn Phú Trọng để làm sao vừa lòng tên xâm lược khoác tấm áo “cùng chung ý thức
hệ XHCN” để bảo vệ chế độ toàn trị phản dân chủ nhằm giữ được cái ghế quyền lực
gắn chặt với lợi ích phe nhóm của hắn vừa níu kéo được chút “tính chính danh”
nhằm lừa mỵ những người ít hiểu biết trong đông đảo những người Việt Nam chưa
bao giờ quên ông cha mình đã chưa bao giờ chịu cúi đầu khuất phục kẻ xâm lược
truyền kiếp.
Chờ đó để xem Nguyễn Phú Trọng tự phơi bày tâm địa của một kẻ vong nô như
thế nào. Khi toàn dân sục sôi phẫn nộ về kẻ ăn cướp đã trắng trợn gây hấn ở Bãi
Tư Chính cho đến khi chúng dùng thủ đoạn “rút củi đáy nồi”, rút tàu Hải Dương 8
về neo đậu để tiếp dầu ở ... thì Trọng vẫn không hề hé răng về hành động ngang
ngược của “người đồng chí cùng chung ý thức hệ với hắn y hệt với vụ Hải Dương
981 vào năm 2014! Người ta cho rằng, Nguyễn Phú Trọng đã có đến hai chục lần gọi
điện đến Bắc Kinh cho Tập Cận Bình để thương thảo về vụ rút giàn khoan Hải
Dương 981, nhưng họ Tập không thèm đáp lời. Chúng chỉ rút Hải Dương 981 sau hơn hai tháng đã hoàn thành mục tiêu nham hiểm của chúng. Hãy nhớ lại
câu nói của Trọng tại Vĩnh Phú dạo ấy về “tránh đụng độ” để còn “ngồi
yên mà lo chuẩn bị đại hội đảng” để càng thấy rõ hơn đường lối hại nước của kẻ đã bán mình cho quỷ dữ như thế nào
trong sự kiện Bãi Tư Chính năm 2019 này cùng với việc đã có những dấu hiệu khá
rõ về một giàn khoan khổng lồ được Trung Quốc hờm sẵn ở Biển Đông.
Cần biết rằng, từ
tháng 4 năm 2019 này, Trung Quốc đã thình lình tung ra động thái đưa giàn sản
xuất dầu khí lớn thứ hai là Đông Phương vào Lưu vực Yinggehai ở Biển Đông. Giàn
khoan này nặng 17.247 tấn, tương đương với giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014. Động
thái này diễn ra trong bối cảnh có tin sắp đi Mỹ! Sau cơn bạo bệnh với nhiều ẩn
số, nếu “kim cang quyền ấn” có chút
diệu linh thì không hiểu Tổng Chủ có công du Mỹ quốc được không để tiếp tục đường
lối “đu
giây” trong thế “tiến thoái lưỡng
nan”.
Mà rơi vào cái thế
đó là do bản chất “đạo đức giả”, lại che dấu một khát vọng quyền lực của một kẻ
bất tài nhưng giàu dục vọng, được dồn góp ngày càng dày thêm lên trên những nấc
thang quyền lực mà thể chế toàn trị đã tạo cho Trọng. Đu giây theo cách “nhất
biên đảo” như đã làm thì e không xuôi. Nhưng nếu tìm một chỗ dựa để có thể làm
mình làm mẩy với Bắc Kinh thì lại nghĩ đến cái hệ luỵ không thể lẩn tránh là phải
dân
chủ hoá đất nước, điều này là nỗi ám ảnh đáng sợ nhất với Trọng, kẻ muốn
duy trì chế độ toàn trị bằng mọi giá.
Thì chẳng phải Trọng
từng công khai tuyên bố ai nói đến tam quyền phân lập là “suy thoái chính trị” mà “về mặt chính trị, suy thoái còn nguy
hiểm hơn cả kinh tế”
khi Trọng muốn giập tắt ngay mọi tiếng nói của trí thức bằng việc trấn áp việc
đòi đối thoại mang tính phản biện ôn hoà và công khai của giáo sư Chu Hảo, Giám
đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà Xuất Bản Tri Thức. Cần nói thêm rằng đây là nơi góp
phần khơi thông dòng chảy từ lâu bị ách tắc do sự toan tính ngu xuẩn muốn độc
quyền chân lý của những kẻ độc tài trong chế độ toàn trị phản dân chủ,
phản khoa học và phản tiến bộ, mà Trọng là một sát thủ mẩn cán nhất.
Trong khi quyết dập tắt ngọn lửa trí tuệ đang
hun đúc ý chí bất khuất và bản lĩnh quật cường của truyền thống Việt Nam thì
Trọng và bộ sậu của ông ta lại gây phẫn nộ trong công luận trước việc tự tước
bỏ quyền
thực hiện thẩm quyền tài phán tối cao của hệ thống các cơ quan tố tụng hình sự
Việt Nam
qua việc
trao trả không qua xét xử hơn 400 tội phạm bị bắt giữ về tội đánh bạc có quốc
tịch Trung Quốc. Cũng tương tự như thế, việc trao ba tên sát nhân Trung Quốc giết
người lái xe Việt Nam về cho phía họ “xử lý” với lời viện dẫn rằng phía Việt Nam “không
được dùng biện pháp chế tài hay giải quyết về tội hình sự hoặc chính trị đối
với bất kỳ công dân nào của Trung Quốc” căn cứ theo hiệp ước tương trợ tư
pháp giữa hai nước. Dù có biện hộ cách gì thì việc cúi đầu buông bỏ chủ
quyền đất nước đã lột trần tính “chính danh” mà thể chế toàn trị này cố vá víu
nhưng ngày càng lộ rõ sự cam chịu thân phận chư hầu để bám giữ quyền lực và lợi
ích. Bộ mặt phản dân hại nước cứ ngày lại ngày phơi ra trước công luận trong
nước và thế giới.
Ai đó đã đưa ra một nhận định rất đáng suy nghĩ: “Việc Hà Nội từ chối tham gia các sáng kiến
khu vực của Washington vì sợ làm phức tạp mối quan hệ với Trung Quốc đã khiến
cho yếu tố “đối tác an ninh tiềm năng” của
Hà Nội trong mắt Mỹ trở nên thiếu bền vững. Nói cách khác thì, Hà Nội từ một “người thụ hưởng tiềm năng” giờ trở
thành một “nạn nhân tiềm năng”. Xoay
quanh chuyện này, ngày 11.8.2019, đài BBC đưa tin một học giả người Việt ở nước
ngoài phân tích kiểu “đu giây” của Trọng và phe nhóm “từ chối dùng luật pháp quốc tế để kiện Trung Quốc, nâng cấp quan hệ với Mỹ trong một chừng mực hạn chế, đàn áp những biểu
hiện của tinh thần dân tộc, và ngăn cản xã hội dân sự phát triển. Tại sao
chính phủ Việt nam không làm tất cả những việc có thể làm?
Đó là vì đường lối chính,
của Đảng Cộng sản Việt Nam là giải quyết
vấn đề trên quan hệ song phương giữa hai Đảng cầm quyền mà cùng gắn nhãn
"cộng sản", hai nhà nước mà cùng mô hình độc tài toàn trị, hai quân đội
mà cùng gắn nhãn "nhân dân". Chủ
trương này có cơ sở lịch sử với cơ viễn kiến chính trị vẫn được biết tới là
"đại cục" hay tương lai toàn thắng của chủ nghĩa xã hội, và cơ sở vật
chất với lợi ích kinh tế cho các công ty nhà nước hay "sân sau" của
quan chức.
Chủ trương này tốt nhất
cho Đảng Cộng sản Việt Nam vì nó tương
thích với mục tiêu và lợi ích của đảng này, nó còn dễ thực hiện vì nó đi theo
đường lối sẵn có, không phải cố gắng nhiều mà đem lại lợi ích lớn trước mắt cho
cán bộ đương chức đương quyền. Chủ trương này, mặt khác, mâu thuẫn và làm giảm
hiệu lực của các biện pháp khác nhằm cân bằng với Trung Quốc. Nếu nhìn từ góc độ
lợi ích lâu dài của quốc gia, chủ trương này còn cản trở việc thực hiện những cải
cách kinh tế chính trị sâu rộng để tạo sự phát triển bền vững cho Việt nam. Quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc
không mang lại công nghiệp tiên tiến mà có rủi ro lớn là nợ công, ô nhiễm môi
trường, và tham nhũng.
Cơ sở lịch sử và chính trị
của chủ trương này hoàn toàn sai lệch, "viển vông" như từ ngữ của ông
Nguyễn Tấn Dũng đã dùng. Vấn đề
là Đảng này hiện nay thiếu lãnh đạo có tinh thần dân tộc, tầm nhìn xa, và khả
năng tạo ra thay đổi bước ngoặt!
Đây không là chuyện gì mới, nhiều nhà phân tích thời cuộc trong
nước từ lâu đã vạch rõ sự sai lầm của thế lực cầm quyền chóp bu tìm chỗ dựa vào
Bắc Kinh để duy trì thể chế độc đảng trong một chế độ toàn trị phản dân chủ hại
nước, hại dân như vừa nhắc ở trên. Chỉ dẫn ra đây một dẫn chứng nóng hổi của một
nhà bình luận có uy tín đã dành hơn 10 năm nghiên cứu về tình hình biển đảo và
những thủ đoạn thâm hiểm của Bắc Kinh được phơi bày trong một bài viết tâm huyết,
minh bạch và giàu tính chiến đấu đăng trên “Tuần Việt Nam”, Vietnamnet ngày
5.8.2019 thì ngay sau đó, bài viết ấy “lặn mất tăm” vì nghe đâu có lệnh gỡ bỏ.
Chúng sợ sự thật như cú sợ ánh sáng.
Ai lệnh, nếu không phải Trọng và bậu sậu tuyên giáo nhận chiếu
chỉ từ “Tổng Chủ”. Nói vậy, vì bài báo có những câu chạm nọc Trọng như : “nếu
nước không còn, nếu biển không còn, còn đâu là hòa bình, còn đâu là ổn định. Đó
là điều đơn giản”. Hoặc nữa : “thái độ nhân nhượng là không ăn thua, giữ đại
cục không ăn thua. Chúng ta từng nhũn nhặn, nhân nhượng, nhưng không có tác dụng,
dẫn đến những diễn biến quanh Bãi Tư Chính ngày nay. Chúng ta phải có lòng tin,
sự quyết tâm vì bất kỳ sự nhân nhượng nào sẽ không dẫn đến hòa bình”. Đây chính là sự lột trần
câu đầu lưỡi của Trọng, minh chứng khó chối cãi của sự lú lẫn ẩn giấu một tâm địa
đớn hèn thoả hiệp với kẻ thù để giữ cho được cái tín điều đã khắc sâu vào não
trạng không sao cởi bỏ được. Mà làm sao cởi bỏ khi cái tín điều ấy đã dìu một kẻ
bất tài, đạo đức giả từng bước leo lên để rồi ngất ngưỡng trên cái ghế quyền lực
hiện nay!
Cái “đại cục” thối hoắc, mà cây bút kia điểm trúng huyệt Trọng, đã
choáng hết não trạng một kẻ muốn níu kéo những quyền lực đang lung lay trước những
đợt sóng trào phẫn nộ trong lòng dân. Những đợt sóng trào ấy tác động mạnh mẽ đến
sự bất bình ngày càng lớn lên đang ẩn chìm trong tâm tư thầm kín của một bộ phận
không nhỏ những người đang ở trong bộ máy quyền lực bất đồng với đường lối hại
nước của Trọng vào thời điểm hiện nay.
Đó là thời điểm “chúng ta đang đối mặt với một cuộc xâm lược
trên biển lớn nhất trong lịch sử nhân loại (trên đất liền thì có nhiều cuộc xâm
lược lớn hơn)...Những gì đang diễn ra quanh Bãi Tư Chính chứng minh quá rõ ràng
điều đó. Tại sao nó là thời điểm quan trọng trong lịch sử? Vì thời điểm này quyết
định biển mất hay biển còn, nước mất hay nước còn. Thời điểm này quyết định
chúng ta sẽ là quốc gia yếu ớt, hay là quốc gia bản lĩnh, hùng cường”.
Cây bút sắc sảo của Đại sứ Nguyễn Trường Giang đã chỉ ra thật tường
minh : “Những diễn biến quanh Bãi Tư Chính là thời khắc rất quan trọng trong cuộc
chiến đấu bảo vệ chủ quyền của chúng ta. Tôi cho rằng đây là cuộc chiến chiến
lược, giống như Điện Biên Phủ năm 1954, như trận Điện Biên Phủ trên không năm
1972. Nó quyết định bước ngoặt trong cuộc đấu tranh trên biển của chúng ta. Nó
có tính chất hết sức chiến lược, kết quả của nó sẽ quyết định tương lai của dân
tộc Việt Nam. Chúng ta đang đứng trước một lựa chọn rất khốc liệt. Trên thế giới
này, có 10 quốc gia mà không một ai có thể và dám xúc phạm đến họ; Việt Nam
chúng ta nằm trong số đó. Nhưng phẩm giá quốc gia đang bị thách thức, sao có thể
chấp nhận ngay trên vùng biển của chúng ta mà lực lượng chấp pháp của chúng ta
bị xua đuổi?! Chúng ta phải giữ bằng được Bãi Tư chính!
Hơn lúc nào hết phải gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai còn mơ
hồ và ngập ngừng trong hành động, khi mà kẻ thù đang ngang ngược áp dụng thủ
đoạn “lấy thịt đè người” và đã từng bị đập nát bởi ý chí quật khởi của ông cha
ta. Đúng, dân tộc ta, Việt Nam, một dân tộc “không một ai có thể và dám xúc phạm đến”. Điều này không chỉ bây
giờ mới nói. Cách nay hơn một nghìn năm, Lý Giác, viên sứ Tàu hiếm hoi đã sớm
nhận ra điều ấy khi viết câu thơ “thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu”天外有天應遠照,tạm dịch là “ngoài
trời còn có trời, đừng coi thường”! “Ưng viễn chiếu” có nghĩa là “soi
cho thấu”. Chữ “thiên” thứ nhất là chỉ “thiên triều” và chữ “thiên” thứ hai là chỉ những nước khác ở
xung quanh và trong bối cảnh xuất hiện của câu thơ của Lý Giác trong bài thơ “Tặng
thiền sư Pháp Thuận”贈法順禪師[trong sách
“Thiền uyển tập anh] thì chữ “thiên” thứ hai ấy chính là nước được vua Tống cử sang làm sứ
thần.
Chắc sẽ không có câu thơ ấy nếu viên sứ thần có viễn kiến đáng khâm phục ấy
không hay biết gì đến chiến thắng của Ngô Quyền dìm chết quân Nam Hán trên sông
Bạch Đằng năm 938 và tiếp đó là Lê Hoàn đánh tan tác quân Tống năm 981. Những
chiến công lừng lẫy ấy đã giáng những đòn chí mạng vào tham vọng bành trướng
của Bắc triều. Chuyện này thì cách đây bốn năm, tôi đã viết trên “Mênh
mông Thế sự” số tháng 6.2015 vào dịp Nguyễn Phú Trọng phải cấp tập sang
diện kiến “thiên triều” trước chuyến “công du Mỹ quốc”!
Liệu lịch sử có lặp lại khi mà cái não trạng đang bị đè nặng bởi cái “đại
cục” đã di căn lại buộc phải tìm một thế cân bằng mới với đường lối “đu
giây” có chiều hướng phá sản trong cái thế dùng dằng “đi
thì cũng dở, ở không xong”. Của đáng tội, dẫn ra câu thơ của nữ sĩ Xuân
Hương lột trần bản mặt đạo đức giả của tay “quân tử rởm”, chính xác
hơn là “nguỵ quân tử” trong văn cảnh này thì chưa thật đắt lắm. Đúng
hơn, nên dẫn ra câu “Ấy ai thăm ván cam lòng vậy, Ngán nỗi ôm đàn
những tấp tênh” cũng của Hồ Xuân Hương trong ý nghĩa sâu xa của điển
tích: chẳng hay gì với chuyện ôm đàn sang thuyền người khác, song tình thế
không thể khác được. Cổ thi có câu “Khẳng bả tỳ bà quá biệt thuyền”,
nghĩa là không chịu ôm đàn tỳ bà sang thuyền người khác. Tục ngữ thì có câu “ thăm
ván bán thuyền”. Truyện Kiều của Nguyễn Du lại có câu : “Làm
cho trông thấy nhãn tiền. Cho người thăm ván bán thuyền biết tay”. Khó
quá ông Trọng nhỉ.
Có phải vì thế mà ông vừa phải nói lời đường mật “mất dân là mất tất cả”
vừa quyết liệt ra lệnh đàn áp người dân yêu nước, trước hết là trí
thức và lớp trẻ quyết liệt biểu tỏ ý chí quật khởi của ông cha, quyết
không lùi bước trước mọi âm mưu thủ đoạn nham hiểm của bọn xâm lược Trung Quốc.
Họ đang thét to khẩu hiệu “Cút đi, lũ xâm lược” và “Lũ
hại nước phải ngừng ngay những thủ đoạn trấn áp, đe doạ những người yêu nước”!
“Hãy
sát cánh với những người con yêu của tổ quốc đang can trường giữa biển khơi đối
mặt với quân thù trên Bãi Tư Chính”!
Khúc vĩ thanh này đang ngân vang trong tâm thế Việt Nam.
Ngày 16. 8.2019