Ảnh minh họa: Cảnh sát biển Việt Nam quan sát các tàu Trung Quốc hộ tống giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 tại vùng biển Hoàng Sa, ngày 15/07/2014.REUTERS/Martin Petty/Files |
Hải
Dương Địa Chất 8 trong vùng biển Việt Nam, Thực Nghiệm 2 trong vùng biển
Malaysia, Đông Phương Hồng 3 trong vùng biển Philippines : Trong những ngày
qua, tàu khảo cứu Trung Quốc đã xuất hiện nhan nhản trên vùng biển bao quanh
Trung Quốc, đặc biệt là Biển Đông.
Điểm
chung gắn liền các chiếc tàu này là chúng đều vào hoạt động bên trong vùng đặc
quyền kinh tế của nước khác, tại những nơi mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền
Trung Quốc. Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là phải chăng Bắc Kinh bắt đầu đẩy
mạnh chiến lược có thể gọi là « tàu
khảo cứu » để áp đặt chủ quyền Trung Quốc trên các vùng biển của
nước khác.
Vụ tàu
Hải Dương Địa Chất 8 xâm nhập vào khu vực Bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam có lẽ minh họa rõ nhất cho chiến lược này của Trung Quốc.
Đó là cứ cho tàu dân sự đi vào hoạt động trong vùng biển của nước khác nhưng bị
Trung Quốc cho là của mình, cử một đội tàu hùng hậu đi theo hộ tống chiếc tàu
dân sự đó, để sẵn sàng đẩy lùi tàu chấp pháp của nước bị xâm lấn khi cần thiết.
Đội tàu
hộ tống cũng phải khoác vỏ bọc bán quân sự hay dân sự, tức là tàu hải cảnh và
tàu dân quân biển thường đội lốt tàu cá, để các nước khác khỏi dùng đến Hải
Quân để đối phó. Về bản chất, các chiếc tàu gọi là hải cảnh của Trung Quốc
không khác gì chiến hạm thực thụ.
Trong
trường hợp đội tàu đi theo chiếc Hải Dương Địa Chất 8 xâm nhập vùng Bãi Tư
Chính chẳng hạn, số lượng tàu hộ tống có lúc lên đến 80 chiếc, theo như ghi
nhận của chuyên gia Carl Thayer. Trong số các tàu Hải Cảnh đã bị nhận diện, đặc
biệt có chiếc mang ký hiệu 3901, có lượng giãn nước 12.000 tấn, được coi là một
trong những tàu tuần duyên lớn nhất thế giới, thậm chí lớn hơn cả những khu
trục hạm hay tuần dương hạm thường được Mỹ triển khai ở Biển Đông.
Một
chiếc tàu khảo cứu mà có một đội tàu hùng hậu như vậy tháp tùng theo là dấu
hiệu cho thấy việc đưa tàu này vào Bãi Tư Chính không phải là một công việc
nghiên cứu thực địa đơn thuần, mà còn có mục tiêu áp đặt quyền sở hữu của Trung
Quốc trên vùng biển được khảo sát. Khi bị Việt Nam đưa tàu ra đuổi, không những
phía Trung Quốc đã chống lại, mà phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc tại
Bắc Kinh còn lớn tiếng tố cáo Việt Nam gây trở ngại cho hoạt động của tàu Trung
Quốc trong vùng biển của Trung Quốc !
Gọi
việc đưa tàu Hải Dương Địa Chất 8 vào vùng Bãi Tư Chính của Việt Nam nằm trong
cả một chiến lược có lẽ không sai, vì ngoài việc đưa tàu khảo cứu vào hoạt động
bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc cũng sử dụng ngón đòn
tương tự với Malaysia.
Theo
ghi nhận ngày 04/08 của giáo sư Ryan Martinson, thuộc Trường Hải Chiến Mỹ,
chiếc tàu khảo cứu Thực Nghiệm 2 (Shiyan) của Trung Quốc đã có mặt bên trong
vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, gần bãi cạn Luconia Breakers ở cực nam
Biển Đông, do Malaysia kiểm soát nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Tính đến
ngày 06/08, chiếc tàu khảo sát Trung Quốc vẫn hoạt động trong khu vực.
Thông
tin về hoạt động của chiếc Thực Nghiệm 2 không nhắc đến đội tàu tháp tùng,
nhưng vào tháng sáu vừa qua, tàu hải cảnh Trung Quốc đã thâm nhập vào vùng này
để sách nhiễu tàu và giàn khoan của Malaysia hoạt động trong khu vực.
Sau
Việt Nam, Malaysia, đến lượt Philippines trở thành nạn nhân của chiến lược tàu khảo
cứu của Trung Quốc. Báo chí Philippines trong hai ngày qua đã loan tin rộng rãi
về tiết lộ cũng của giáo sư Martinson, theo đó hai chiếc tàu khảo cứu Trung
Quốc đã tiến vào hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Đó là
chiếc Trương Kiển (Zhang Jian) đã thâm nhập vào vùng biển phía đông Philippines
chỉ cách đảo Siargao của nước này 75 hải lý từ ngày 03/08 để tiến hành hoạt
động khảo sát. Qua ngày 07/08, đến lượt chiếc Đông Phương Hồng 3 (Dong Fang
Hong) thâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở phía bắc đảo Luzon từ
ngày 07/08.
Đến nay
chưa rõ là Bắc Kinh có xin phép Manila để cho tàu vào khảo sát bên trong vùng
đặc quyền kinh tế của Philippines hay không, nhưng nếu tự ý tiến hành, thì điều
đó hàm nghĩa là Bắc Kinh cũng coi các vùng khảo sát thuộc chủ quyền của họ, vì
luật của Trung Quốc đòi hỏi là tàu nước ngoài muốn khảo sát trong vùng đặc
quyền kinh tế của Trung Quốc phải xin phép Bắc Kinh.
Và như
vậy, chiến lược dùng tàu khảo cứu để áp đặt yêu sách chủ quyền cũng được Trung
Quốc áp dụng tại Philippines.