10 août 2019

Cướp ngày botay.com


 Thiện Tùng

  9/8/2019

 
Cưỡng chế cướp đất ở Đồng Tâm – Hà Nội. Ảnh Facebook

Câu châm ngôn đang thịnh: “Con ơi nhớ lấy lời nầy, cướp đêm là trộm, cướp ngày là quan”. Cướp đêm hay cướp ngày đếu là gian tặc. Suy cho cùng, cướp đêm ít nguy hiểm hơn, vì họ chỉ rình mò để cướp của, người dân có thể phòng chống được. Còn cướp ngày nguy hiểm hơn nhiều, vì họ ỷ thế cậy quyền công khai cướp không chỉ của mà còn cướp thêm ít nhứt hai thứ nữa, đó là cướp quyền, cướp công, người dân chỉ còn botay.com.


Nếu phần mở đề trên đúng thì chúng ta thử dùng phương pháp “tam đoạn luận” (lập luận 3 đoạn) để phân giải nạn cướp ở Việt Nam ta hiện nay:



Có quyền mới dám cướp ngày

Đảng CSVN là đảng cầm quyền

Đảng CSVN là đảng cướp ngày



Đảng CSVN hiện có khoảng 4 triệu đảng viên, vậy thì “băng cướp ngày” nầy đông như quân Nguyên?



Qua quan sát thực tế, người viết cho rằng không đến đổi như thế. Bởi vì, không phải tất cả đảng viên đều có quyền. Hễ không có quyền thì không dám cướp ngày. Vậy thì cướp ngày nhiều lắm cũng chỉ khoảng một triệu đảng viên có quyền, tức khoảng một phần tư (1/4) trong tổng số đảng viên hiện có. Số lượng cướp ngày chỉ thế mà người dân đã chịu hết nổi?!.



Người ta thường nói: “mía sâu có lóng, nhà dột có căn” hoặc “Con sâu làm sầu nồi canh”. Đành rằng, bản chất đảng Cộng sản nói chung là “cướp” - Cướp chính quyền để cầm quyền mới có điều kiện cướp toàn diện: cướp quyền, cướp công, cướp của – “cướp ngày chưa đủ tranh thủ cướp đêm” (tham nhũng). Nhưng, khi phán xét vấn đề gì cũng phải đặt nó vào hoàn cảnh lịch sử nhứt định:



Năm 1945, sau khi Nhựt trao trả độc lập cho VN lúc Bảo Đại đang là vua. Sau đó vài tháng, xuất hiện tranh chấp quyền hành giữa Việt Minh và Bảo Đại ở Hà Nội. Đặc phái viên Trần Trọng Kim thừa lịnh hoàng đế Bảo Đại giao quyền cho “Việt Nam Cách mạng Đồng minh  Hội” (gọi tắt “Việt Minh”) do Hồ Chí Minh lãnh đạo.



Khi Pháp tái xâm lược Việt Nam lần thứ 2, chúng xử sự theo phân định cũ: dựng lại vua Bảo Đại cho tự trị ở miền Trung / đánh chiếm lại thuộc địa miền Nam / đổ quân thôn tính miền Bắc vốn lệ thuộc Pháp theo giao kết trước đó.



Do tương quan lực lượng giữa 2 phía: miền Nam cố thủ hơn tháng trời, đến tháng 9/1945 thất thủ, phải rời Sài Gòn ra bưng biền tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài hát “Mùa thu rồi, ngày 23 ta ra đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…” ra đời từ đó. Đến năm 1946, Pháp đưa quân ra đánh chiếm miền Bắc. Trước sức ép của quân Pháp, Hà Nội thất thủ, rút lên núi rừng kháng chiến.



 Để huy động toàn dân tham gia cuộc kháng chiến “thần thánh” nầy, Hồ Chí Minh tuyên bố giải tán “Đảng CS Đông Dương”, rồi với danh nghĩa Việt Minh, dưới cờ đỏ sao vàng, cả nước tiến hành cuộc “Cách mạng  Dân tộc Dân chủ”. 



Hồ Chí Minh chủ trương Đa nguyên chính trị để thực hiện cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện”: Năm 1951, Đảng CS Đông Dương “lộn kiếp” thành Đảng Lao Động Việt Nam / Đảng Dân Chủ đại diện cho giai cấp Tư sản và  Đảng Xã Hội đại diện cho giới Trí thức lần lượt ra đời / Năm 1964, Đảng Nhân dân Cách mạng ra đời ở Miền Nam. Ngoài ra còn có phái Bình Xuyên, đạo Phật, đạo Cao Đài, Đạo Hòa Hảo, đạo Thiên Chúa cũng ít nhiều góp công sức vào cuộc “Cách mạng Dân tộc Dân chủ” – tất cả là chiến hữu, đồng chí hướng.



Khi đất nước điêu linh vì giặc ngoại xâm, hồn thiêng sông núi réo gọi não lòng:



<<… Đã đứng dậy bao lần thất bại,

trong căm hờn, trong uất hận vô biên,

ngày lại ngày như suối chảy triền miên,

chuông đã đánh âm thanh vang khởi nghĩa,

nguồn u uất vùng lên trong nghĩa địa,

trong nắm mồ tổ quốc rêu xanh,

trong bao nhiêu xương máu dân lành,

trong nước mắt, mồ hôi nhân loại…>>



<<Làm sao khắp chúng dân được tự do?

Làm sao khắp muôn dân đầy cơm áo?

Làm sao khắp thiên hạ hưởng hòa bình?...

Bao nhiêu năm đói rách và lầm than!

Bao nhiêu lần cạn nước mắt, đẫm máu xương!

Đứng lên đều, tung gông cùm giam đời sống

Cùng nhau ra sức đấu tranh, cùng nhau quyết xây đời mới.

Nào nề tan nát thân mình, nào nề cực khổ gian lao…

Ôi  muôn dân khóc than!

Ôi  muôn dân nát lòng!

Ôi  muôn dân căm hờn ví đời bất công?!

Vùng lên đem hết máu xương, vùng lên quyết tranh cuộc sống…

Tự do hạnh phúc kia rồi

Hòa bình, no ấm… đang chờ đón ta  >>.



 Đáng nói là, sau “giải phóng” Miền Nam, thống nhứt đất nước, năm 1976, dựa vào thế thượng phong, Đảng Lao động Việt Nam mở đại hội lần thứ 4, đổi  tên Đảng, tên Nước, tiến hành cải tạo XHCN về mọi mặt ở miền Nam để gọi là “đuổi kịp miền Bắc”. Từ đó, nạn cướp quyền, cướp công, cướp của… bắt đầu xuất hiện: 

 

1/ Cướp quyền



Sau 30/4/1975, để chiếm vị thế Độc tôn về Chính trị, Đảng CSVN   lần lượt “khuyên” – kỳ thực là buộc, các đảng, tổ chức chính trị chiến hữu “tự nguyện” giải tán, để được xem như những cái chết “tự chọn”. Những nhân sĩ, trí thức lãnh đạo các tổ chức vang danh một thời như: “Mặt trận Dân tộc Giải phóng MN”, “Mặt trận Liên minh Dân tộc”, “Chính Phủ Cách mạng miền Nam… bị xem như hết hạn sử dụng, tìm mọi cách loại ra khỏi “vòng chiến”.



Có lẽ để giảm bớt căng thẳng và tránh miệng đời cho rằng mình chơi trò “vắt chanh bỏ vỏ”, Đảng CSVN kết tập hầu như tất cả đảng viên các đảng “chiến hữu” vào Đảng CSVN. Thế là từ đó, Đảng CSVN trở thành tổ chức tạp chủng, nạn “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” giữa 2 khuynh hướng “Dân chủ Đa nguyên” và “Độc tài Đảng trị” xuất hiện ngày đậm độ. Nhiều đảng viên rời bỏ Đảng CSVN bằng nhiếu cách, tiếp tục cuộc đấu tranh vì nước, vì dân.




2/ Cướp công



Cứ rình rình, thấy tập thể hay cá nhân  “ăn nên làm ra”  thì xen vào tự tâng công: “Nhờ có sự chủ trương, lãnh đao… sáng suốt của Đảng”. Chẳng hạn:



 -  Các tầng lớp nhân dân đổ biết bao công của, xương máu cho cho 2 cuộc kháng chiến suốt 30 năm (1945- 1975). Khi giành được  được độc lập thì Đảng phỏng tay trên, tự tâng công: “Thành công ấy nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình… của Đảng”.



-  Bày ra cải tạo XHCN ở miền Nam suốt 10 năm (1975-1985) làm cho nền kinh tế sụp đổ. Nếu không có những gã “cứng đầu” ở Nam bộ “xé rào”- cải tạo ngược lại (trở lại kinh tế thị trường) thì cả nước chỉ còn “húp nước mắm”. Thế mà, những người cầm đầu Đảng CSVN nỡ ra tay trừng phạt họ bằng nhiều kiểu cách về cái tội “chống XHCN”. Cuối cùng thì sao? - Không cách nào khác, tại đại hội lần thứ 6 năm 1986, Đảng CSVN phải áp dụng kinh tế thị trường như mấy gã “cứng đầu” đã làm. Khi nhân dân vừa thoát khỏi đói rách, Đảng CSVN tự tâng công: “Nhờ Đảng sáng suốt đổi mới”.



-  Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải…, Đảng làm ngơ. Nhân dân dân tự tổ chức biều tình chống Trung Quốc thì Đảng cho công an, côn đồ khủng bố, đánh đập, bỏ tù. Trước sức ép của nhân dân trong nước và thế giới, Trung Quốc buộc phải nhượng bộ- như vụ giàn khoan HD 981 chẳng hạn, thì Đảng tự tâng công: “Nhờ Đảng sáng suốt, khéo léo, linh hoạt… trong đường lối ngoại giao”.

..v.v..và..v.v…



3/ Cướp của



Về cướp của nầy, nếu tôi kê ra chắc bị thiên hạ mắng: “biết rồi, nói mãi, khổ quá!”. Không kể cụ thể thì Tùng tôi xin có nhận định tổng quát: “Cướp là bản chất của chủ nghĩa Cộng sản”. “Tham những là nghề của quan chức dưới thể chế chính trị Độc tài”. “Dầu có lai sinh, Tổng Chủ Trọng cũng không thể “đốt” hết quan chức Cộng sản tham nhũng”.



Những người yêu nước thương nòi, nếu giúp dân không được thì thôi, họ không hề lừa đảo hay cướp bóc gì của dân, họ tham gia kháng chiến cốt để giành độc lập, tự do cho dân tộc, họ yêu nước chớ không yêu Chủ nghĩa Xã hội. Nếu không chấm công cho họ thì thôi, đừng chửi rủa họ tội nghiệp lắm, và không được cạn suy, ghép họ chung với bọn “sâu dân mọt nước”.



Có lẽ quá bất bình trước thảm cảnh, Nguyễn Duy, vua thơ lục bát, tấn công mãnh liệt vào cướp ngày. Bài thơ “Cướp” và lời bình của TS Sinh học Hà Sĩ Phu thay cho lời kết bài viết nầy của tôi



 “Cướp!”



Cướp xưa băng nhóm làng nhàng

cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi

có con dấu đóng đỏ tươi

có còng có súng dùi cui nhà tù


cướp xưa lén lút tù mù

cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa

con trời  bay lả bay la

cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng


dân oan tuôn lệ ròng ròng

mất nhà mất đất nát lòng miền quê

tiếng than vang động bốn bề

cướp từ thôn xóm tiến về thành đô



ai qua thành phố Bác Hồ

mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm

bây giờ mẹ phải dặn thêm

quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.    (Nguyễn Duy)



Lời bình bài thơ nầy của Hà Sĩ Phu :



Tài quá! - Con trời thay chỗ Con cò. “Con cò bay lả bay la” là  lời hát ru cho trẻ ngủ như không có chuyện gì xảy ra, nhưng Con trời nghĩa là Thiên tử, là Vua đấy, Vua tập thể như một đàn cò, cứ dập dìu bay lả bay la, tha hồ cướp những gì mình muốn…”  -/-