26 août 2019

Bang lớn nhất của Úc chấm dứt chương trình Viện Khổng Tử của Trung Quốc


Việc loại bỏ chương trình giao dục do Trung Quốc tài trợ diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc tại Úc - Ảnh: EPA


Tiểu bang đông dân nhất nước Úc New South Wales, mới đây đã tuyên bố sẽ kết thúc một chương trình dạy tiếng Trung tại các trường phổ thông do chính phủ Trung Quốc tài trợ trong bối cảnh lo ngại tăng cao về nguy cơ ảnh hưởng nước ngoài.


Chương trình học trên thuộc Viện Khổng Tử do Trung Quốc quản lý nhằm tổ chức dạy tiếng Trung phổ thông tại 13 trường học công lập trên khắp bang New South Wales.

Tuy nhiên, trong một đánh giá ban hành vào hôm 22.8, chính quyền bang New South Wales đã nói rằng chương trình Viện Không Tử không phù hợp để tiếp tục duy trì cho dù báo cáo này không nêu rõ bằng chứng cụ thể về can thiệp nước ngoài.

“Đánh giá đã phát hiện một số yếu tố cụ thể có thể làm nảy sinh nhận thức rằng Viện Khổng Tử đang hoặc có thể tạo điều kiện cho ảnh hưởng nước ngoài không phù hợp”, hãng tin Reuters trích dẫn đánh giá của chính quyền bang New South Wales.

Báo cáo cũng nói rằng bang này là nơi duy nhất trên thế giới có chương trình giáo dục nước ngoài như vậy và sự hợp tác này cũng có thể đưa một số người được Trung Quốc chỉ định vào bộ máy giáo dục của bang.

Người đứng đầu cơ quan giáo dục của New South Wales Sarah Mitchell cho biết chương trình Viện Khổng Tử sẽ được thay thế bằng các lớp học tiếng Trung phổ thông do chính quyền bang trực tiếp điều hành.

Được biết, Úc trong những năm gần đây đã tìm cách tăng cường dạy tiếng Trung phổ thông trong các trường học nhằm củng cố mối quan hệ với Trung Quốc, quốc giá vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Úc.

Việc New South Wales loại bỏ chương trình Viện Khổng Tử diễn ra trong bối cảnh gia tăng các mối lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc tại Úc cũng như khu vực Thái Bình Dương và quan hệ giữa Úc và Trung Quốc cũng đang có chiều hướng rạn nứt trong thời gian qua.

Trước đó vào năm 2017, Thủ tướng Úc khi đó là ông Malcolm Turnbull đã cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Úc, điều mà Bắc Kinh đã lên tiếng phủ nhận.

Úc cũng đã xa lánh Trung Quốc vào năm ngoái khi quyết định cấm tập đoàn viễn thông Huawei cung cấp thiết bị cho mạng lưới di động 5G tại quốc gia Châu Đại Dương với lý do an ninh quốc gia.

Trung Quốc sau đó đã cáo buộc hành động trên của Úc xuất phát từ động cơ chính trị và kêu gọi Canberra phải từ bỏ theo đuổi chính sách mà Bắc Kinh mô tả là tư duy Chiến tranh Lạnh.

Trong vài tháng trở lại đây, Úc cũng đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm đẩy lùi và hạn chế nỗ lực của Trung Quốc trong việc gia tăng ảnh hưởng lớn hơn tại khu vực Thái Bình Dương.

Vì lo ngại các khoảng cho vay của Trung Quốc trong khu vực có thể làm suy yếu chủ quyền của các nước nhỏ ở Thái Bình Dương, chính phủ Úc đã đang hướng tới việc tăng cường viện trợ kinh tế và hiện diện ngoại giao trung khu vực này.

Với động thái trên của Canberra, Bắc Kinh đang bắt đầu trả đũa bằng việc trì hoãn xuất khẩu than đá của Úc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn bác bỏ việc thương mại Úc bị cản trở do căng thẳng song phương.

Hoàng Vũ (theo Reuters)