Vương Thuyên
Vương Thuyên: "Quan hệ Việt-Trung trải qua nhiều cuộc thăng trầm từ khăng khít trong 19 năm (1950-1969) trong thời kỳ HCM, đến bang giao căng thẳng (1977-1990) rồi quan hệ bình thường từ 1991 trở đi.
Thời kỳ quan hệ khăng khít đưa đến sự mất cảnh giác như ông Trần Việt Phương, một cộng sự thân gần của Phạm Văn Đồng từ 1949-1969 buộc phải cay đắng thừa nhận: ''Trong lịch sử ngàn năm giữ nước của VN, chưa có thời đại nào ngây thơ, mất cảnh giác với TQ như thời đại HCM''
Lời đầu
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông Hồ Chí Minh (HCM) nhiều lần bí mật viếng thăm Trung Quốc để nhờ lãnh đạo xứ này trợ giúp. Sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Hội nghị Genève chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam Bắc ở vĩ tuyến 17. Phía Bắc là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do HCM 胡志明đứng đầu. Phía Nam là Việt Nam Cộng Hòa do Ngô Đình Diệm 吴廷焰lãnh đạo. Hội nghị Genève dự trù hai miền sẽ ''thống nhất'' trong hai năm sau thông qua một cuộc phổ thông đầu phiếu ''tự do''. Đó là một đánh cuộc vì ít ai nghĩ rằng cuộc phổ thông đầu phiếu ''tự do'' sẽ diễn ra.
Phải đợi tới 22 năm sau (1976), hai miền mới thực sự thống nhất nhưng không phải do phổ thông đầu phiếu mà do bạo lực với hệ quả nhiều triệu người tử vong và bỏ nước ra đi.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ ghi lại những cuộc gặp gỡ cấp cao Việt Trung trong thời kỳ VNDCCH từ 1954-1975 và thời kỳ hai miền thống nhất cho đến nay. Thời kỳ kháng chiến và VNDCCH chủ yếu là những cuộc gặp gỡ của ông HCM với lãnh đạo TQ qua những chuyến đi chính thức và không chính thức cho đến ngày qua đời tháng 9-1969.
Chúng tôi sẽ giới hạn những cuộc gặp gỡ từ cương vị thủ tướng trở lên.
I-Thời kỳ Hồ Chí Minh sống ở Trung Quốc
Để hiểu rõ sự gắn bó của ông HCM với TQ, chúng ta nên cần biết thêm rằng ông Hồ đã từng sống ở TQ khoảng 10 năm qua nhỉều thời kỳ sau:
-Từ tháng 11-1924 đến giữa năm 1927.
HCM từ Moskva được Quốc tế cộng sản (Komintern) gửi đến Quảng Châu 广州làm thông dịch viên cho phái bộ Liên Xô Mikhail Borodin 鲍罗廷bên cạnh chính phủ Tôn Dật Tiên 孙逸仙. Trong khoảng hai năm rưỡi ở đây, HCM mở lớp huấn luyện đào tạo khoảng 250 thanh niên trong 10 khoá, thành lập VN Cách mạng Thanh niên Đồng chí hội, xuất bản 88 kỳ báo Thanh niên, giới thiệu thanh niên ưu tú VN vào học trường quân sự Hoàng Phố (Huang Pu, 黄埔) trong thời kỳ hợp tác Quốc-Cộng TQ lần thứ nhất. Trong 250 thanh niên được HCM và Hồ Tùng Mậu胡松茂huấn luyện có Hoàng Văn Hoan 黄文欢sau này là một uỳ viên BCT, phó Chủ tịch Quốc Hội hoặc Nguyễn Lương Bằng 阮良鹏về sau là phó Chủ tịch nước vv...Còn những thanh niên được ông Hồ giới thiệu vào học trương Hoàng Phố có Lê Hồng Phong 黎鸿峰sau này là một trong những TBT Đảng CSVN hay Lê Thiết Hùng 黎铁雄(rể của Hồ Học Lãm 胡学览, chồng Hồ Diệc Lan 胡亦兰) được HCM phong hàm một trong chín thiếu tướng đầu tiên năm 1948.
Cuối cùng, chính trong khoảng thời gian này, ông Hồ với bí danh Lý Thuỵ 李瑞lần đầu tiên lấy vợ tên Tăng Tuyết Minh 曾雪明 (1905-1991), người gốc Quảng Đông 广东trong tháng 10-1926 [1] có sự chứng kiến của bà Đặng Dĩnh Siêu 邓颖超vợ của Châu Ân Lai 周恩来và bà Thái Sướng 菜场, vợ của Lý Phú Xuân 李富春. Hai họ Châu và Lý là thủ tướng và phó thủ tướng sau 1949 khi ĐCSTQ lên nắm chính quuyền. HCM rời Quảng Châu vào giữa năm 1927 khi Tưởng Giới Thạch 蒋介石trở mặt sang truy lùng bắt bớ người cộng sản.
-Từ tháng 12-1929 đến đầu 1933 ở Hương Cảng香港.
Sau một thời gian trốn tránh ở Đức, Bỉ, Thuỵ Sĩ và Ý, HCM lấy tàu từ Naples đầu năm 1928 đi lánh nạn ở Udon Thani Xiêm (Thái Lan) với tên mới ''Thầu Chín'' trước khi được QTCS gửi sang Hương Cảng vào cuối năm 1929 để thống nhất ba đảng CS trong nước thành ĐCSVN (sau đổi thành Đông Dương Cộng Sản Đảng) trong tháng 2-1930. HCM tiếp tục sống ở Hương Cảng với bí danh mới Tống Văn Sơ 宋文初cho đến khi bị chính quyền Anh bắt bỏ tù từ tháng 6-1931 đến đầu năm 1933 trước khi đi Liên Xô lánh nạn. Lý do Tống Văn Sơ alias Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Anh ở Hương Cảng bắt là do bị tình nghi có liên quan mật thiết với hai thành viên QTCS Joseph Ducroux hay Serge Lefranc và Hilaire Noulenc. Serge Lefrancc bị mật thám Anh bắt ở Singapore và Hilaire Noulenc ở Thượng Hải. Khi bị bắt, hai người này có mang theo cuốn sổ tay với địa chỉ các thành viên QTCS trong đó có tên Nguyễn Ái Quốc. Do Nguyễn Ái Quốc bị toà án Vinh tỉnh Nghệ An xử tử hình vắng mặt ngày 10-10-1929 nên chính quyền Pháp yêu cầu chính quyền Anh bắt để dẫn độ về VN. Nhờ luật sư người Anh Franck Loseby biện hộ giỏi nên NAQ chỉ bị tù đến đầu năm 1933 trước khi đi Liên Xô.
[Ông F. Loseby có mang vợ và con gái sang Hà Nội thăm HCM tháng 2-1960]
-Từ tháng 11-1938 đến 18-2-1941.
Theo quyển sách ''HCM: the Missing Years (1919-1941)'' NXB Hurst & Company, London, năm 2013 của bà Sophie Quinn-Judge, HCM bị thất sủng trong 5 năm ở Moskva (1933-1938) rồi sau đó trở lại TQ vào cuối năm 1938. HCM ở Diên An 延安, nơi căn cứ địa của ĐCSTQ, trong vài tháng rồi theo Bát Lộ Quân 八路军của Diệp Kiếm Anh 叶剑英 (về sau là một trong 10 nguyên soái) đi Quế Lâm 桂林, miền Nam TQ. Trong thời gian này, HCM lấy bí danh Hồ Quang 胡光và được phong hàm thiếu tá, đặc trách nghe điện đài cho đến khi lần đầu tiên về nước ngày 18-2-1941 ở hang Pác Bó sau gần 30 năm khi rời bến nhà Rồng Sài Gòn đầu tháng 6-1911 đi Pháp với chức vụ phụ bếp trên tàu Latouche-Tréville.
-Từ tháng 29-8-1942 đến tháng 8-1944.
Sau khi về nước, HCM thường qua lại hoạt động ở tỉnh Quảng Tây 广西. Tháng 8-1942, HCM có ý định đi Trùng Khánh 重庆để gặp Châu Ân Lai lần thứ hai (lần thứ nhất vào năm 1940 đi từ Côn Minh昆明). Trùng Khánh là thủ đô mới của chính phủ Tưởng Giới Thạch sau khi bị quân đội Nhật Bản chiếm thủ đô Nam Kinh 南京. Châu Ân Lai lúc này là đại diện của ĐCSTQ bên cạnh chính phủ Tưởng Giới Thạch trong thời kỳ hợp tác Quốc Cộng lần thứ hai. Bản doanh của phái đoàn Châu Ân Lai nằm ở ngoại ô Trùng Khánh. Nơi này còn có di tích dưới tên ''Hồng Nham thôn cách mạng kỷ niệm quán, 红岩村革命纪念馆''
[Người viết có đến tham quan nơi này trong đầu tháng 9-2000 sau khi lấy tàu thủy đi trên sông Trường Giang từ Nghi Xương (Yichang, 宜昌) tỉnh Hồ Bắc].
''Cố vấn'' Vĩnh Thuỵ (Bảo Đại,保大) được chính phủ HCM gửi đi Trùng Khánh năm 1946 để xin Tưởng Giới Thạch công nhận nhưng bất thành. Theo quyển sách ''Con Rồng An Nam, Le Dragon d'Annam'' của ông xuất bản năm 1980 ở Paris, trước khi lên đường về nước, ông nhận điện tín của HCM ''khuyên'' ông ở lại TQ. Bảo Đại hiểu rằng HCM không muốn ông về nước và cuối cùng ông ''chuồn'' sang Hương Cảng lánh nạn.
Khi đến Túc Vinh 足荣(TQ), HCM bị Quốc Dân Đảng bắt với lý lịch ''lem nhem'' và trong mình có nhiều đô la Mỹ mà đương thời ít người có [2]. HCM bị áp giải qua nhiều nhà tù trong khoảng một năm (từ 28-9-1942 đến 10-9-1943) rồi cuối cùng về Liễu Châu柳州, bản doanh của đệ tứ chiên khu của Trương Phát Khuê 张发奎. Theo nhiều nguồn tin, HCM được trả tự do nhờ sự can thiệp của Nguyễn Hải Thần 阮海臣thủ lãnh VN Cách Mạng Đồng Minh Hội viết tắt là Việt Cách với điều kiện là HCM phải hợp tác với đảng này. Tháng 3-1944, HCM tham dự Hội nghị đại biểu đoàn thể cách mạng hải ngoại của Việt Cách với tư cách ''đại biểu quốc tế phản xâm lược'' rồi về nước trong tháng 8-1944. Ông Nguyễn Hải Thần về sau là phó Chủ tịch trong chính phủ Liên Hiệp của HCM năm 1946 ở Hà Nội.
Trong thời gian bị tù (1942-1943), HCM có làm 133 bài thơ bằng tiếng Hán ''Ngục Trung Nhật Ký, 狱中日记'' nhưng còn gây nhiều tranh cãi.
II-Thời kỳ chống Pháp và thời kỳ VNDCCH
Có thể nói trong thời kỳ này, HCM gần như là người duy nhất thường qua lại TQ cho đến khi qua đời năm 1969. Sau đó là Bí thư thứ nhất rồi TBT Lê Duẩn 黎笋hay thủ tướng Phạm Văn Đồng 范文同qua lại đôi lần trong bối cảnh bất thuận lợi. Trong thời kỳ chống Pháp, HCM hai lần bí mật đi Bắc Kinh (1950 và 1952) để gặp ba lãnh tụ đương thời là Mao Trạch Đông 毛泽东, Lưu Thiếu Kỳ 刘少奇và Châu Ân Lai 周恩来. Trong chuyến đi tháng 2-1950, HCM được lãnh đạo TQ bí mật đưa sang Moskva để gặp Stalin và để lại một giai thoại đáng ghi lại. Theo ông Ngũ Tu Quyền 伍修权, thứ trưởng ngoại giao TQ có thuật lại trên tạp chí Triễn vọng Hương Cảng đăng tháng 11-1983 trích từ quyển sách của ông '' Trải nghiệm 8 năm ở bộ Ngoại giao'' rằng Mao lúc đó đang ở Moskva để ký kết ''Hiệp ước hữu hảo đồng minh tương trợ Trung-Xô'' ngày 14-2-1950. Châu Ân Lai cùng HCM đến Moskva bằng tàu hoả. Trong buổi chiêu đãi ngày 16-2-1950, HCM cũng được mời tham dự. HCM đề nghị với Stalin ký một Hiệp ước tương tự. Stalin liền hỏi HCM từ đâu bỗng dưng xuất hiện và với cương vị gì mà chẳng ai biết? HCM đáp trả chỉ cần phía Liên Xô cho ông bay một vòng trời rồi cho người đón tiếp và chụp ảnh rồi đăng tin lên báo, thế là xong! Stalin cười đùa nói đây thật là đầu óc tưởng tượng chỉ người phương Đông các đồng chí mới có mà thôi [3]. Mùa đông 1952, HCM trở lại Bắc Kinh đế gặp lãnh đạo TQ. Người ta thấy hình ông mặc bành tô dài, đầu đội nón đen đứng trong Trung Nam Hải 中南海nơi cư trú của ban lãnh đạo TQ. Trong khu Việt Bắc, HCM thường đến thăm đoàn cố vấn TQ do La Quý Ba 罗贵波đứng đầu (Họ La trở thành đại sứ đầu tiên của TQ ở Hà Nội sau 1954).
Trong thời gian Hội nghị Genève, HCM và Hoàng Văn Hoan sang Liễu Châu tỉnh Quảng Tây hội kiến với Châu Ân Lai và Kiều Quan Hoa 乔冠华 để bàn luận từ ngày 3-5 tháng 7-1954 về tiến trình của Hội nghị. Thực tế là phía TQ ép buộc HCM chấp nhận vĩ tuyến 17 là giới tuyến theo sự đề nghị của Pháp mà sau này Hà Nội trách móc trong bạch thư năm 1979 (Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 qua, NXB Sự Thật, 1979).
Sau khi về Hà Nội năm 1954, HCM hai lần viếng thăm chính thức TQ (1955 và 1959) không kể̉ những chuyến đi nghỉ hè, làm sinh nhật 19-5, đi dưỡng bệnh hay quá cảnh trước khi về nước. Những chuyến đi không chính thức của ông Hồ đều được lãnh đạo TQ tiếp đón nồng hậu. Tổng cộng HCM viếng thăm TQ khoảng 20 lần. Ngược lại, HCM không những tiếp kiến lãnh tụ TQ mà còn tiếp cả hàng chục phái đoàn TQ kể cả phái đoàn đánh Ping pong hoặc công nhân kiểu mẫu...
Sau đây là những chuyến đi không chính thức ở TQ của HCM.
-Sáu lần đi làm sinh nhật 19-5 ở TQ: 1960, 1961, 1962, 1964, 1965, 1966. Trừ năm 1963, HCM không đi TQ vì phải tiếp đón Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ. Phần lớn HCM đi Nam Ninh 南宁hay Quế Lâm 桂林làm sinh nhật với tướng Vi Quốc Thanh韦国清, một cố vấn quân sự TQ trong thời kháng chiến chống Pháp. Tướng Thanh đương thời là một lãnh đạo tỉnh Quảng Tây. Tháng 12-1961, HCM tiếp gia đình tướng Thanh ở Hà Nội và và làm lễ sinh nhật 19-5 ở Nam Ninh với gia đình tướng Thanh năm 1962. Ở đây xin mở dấu ngoặt về việc ông Hồ không làm sinh nhật của ông từ năm 1960 trong nước mà phải sang TQ. Các quan sát viên cho rằng kể từ năm 1960 trở đi, HCM bắt đầu sinh bệnh nên bị cặp '' bài trùng'' Lê Duẩn-Lê Đức Thọ 黎德寿trấn áp. Có lẽ vì vậy mà ông không muốn gặp các ''đồng chí'' của ông chăng?.
-Sáu lần đi chữa bệnh: một lần ở Hàng Châu 杭州tháng 12-1957, ba lần ở Bắc Kinh 北京6-1958, 9-1967, từ đầu tháng 1 đến giữa tháng 4 -1968, hai lần ở Tùng Hoá Ôn Tuyền 从化温泉tỉnh Quảng Đông 9-1963 và 5-1964. Châu Ân Lai có đến Quảng Đông thăm hỏi HCM trong hai lần này.
-Quá cảnh hay nghỉ hè: Không dưới 10 lần.
Những cuộc gặp gỡ không chính thức của HCM với Mao và lãnh đạo TQ.
Ngoài hai cuộc viếng thăm bí mật 1950 và 1952 và hai cuộc viếng thăm chính thức 6-1955 và 10-1959 như đã nói trên, HCM nhiều lần gặp Mao và lãnh đạo TQ qua các chuyến đi quá cảnh, nghỉ hè hoặc dưỡng bệnh.
-Ngày 20-7-1955, HCM từ Liên Xô quá cảnh ở Bắc Kinh được Châu Ân Lai tiếp đón ở phi trường rồi gặp Mao.
-HCM gặp Mao ở Hàng Châu tháng 12-1957 khi đi dưỡng bệnh.
-HCM trò chuyện với Mao ở ngoại ô Bắc Kinh tháng 6-1958 khi đi dưỡng bệnh,
-HCM gặp Mao tháng 2-1959 khi đi tham dự Đại hội lần thứ 21 của ĐCS Liên Xô ghé Bắc Kinh trên đường về nước.
-HCM gặp Mao và Lưu Thiếu Kỳ ở Lư Sơn 庐山tháng 8-1959.
-HCM đến thăm phó Chủ tịch nước bà Tống Khánh Linh 宋庆龄tháng 9-1959 ở Bắc Kinh.
-HCM từ Liên Xô quá cảnh được Châu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Chu Đức và Trần Nghị tiếp đón ở phi trường Bắc Kinh tháng 11-1960.
-HCM gặp Mao ở Bắc Kinh tháng 12-1960.
-HCM gặp Mao ở Bắc Kinh ngày 15-11-1961.
-HCM gặp Mao ở Bắc Kinh tháng 4-1965.
-HCM gặp Mao và Bí thư Cục Hoa Đông Đào Chú 陶铸ở Trường Sa 长沙tháng 5-1965
-HCM gặp Đặng Tiểu Bình ở Bắc Kinh tháng 5-1965.
-HCM cùng phó Chủ tịch nước Đổng Tất Vũ 董必武tham quan nuí Hoàng Sơn 黄山tháng 5-1965.
-HCM gặp Mao ở Hàng Châu tháng 6-1966 trong dịp đi nghỉ hè.
[Chắc chắn còn thiếu]
Trong thời gian này, thủ tướng Phạm Văn Đồng có viếng thăm TQ ngày 10-6-1961.
Cũng cần nhắc lại là do quan hệ gắn bó giữa hai nước nên ông Phạm Văn Đồng vội vã gửi công hàm ''ghi nhận và tán thành'' cho Châu Ân Lai ngày 14-9-1958 khi TQ tuyên bố quyết định về hải phận ngày 4-9-1958. Lời tuyên bố này bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang thuộc chủ quyền VNCH. Chính công hàm này của ông Phạm Văn Đồng mà phía TQ về sau cho rằng Hà Nội đã ''thừa nhận'' hai quần đảo này ''thuộc TQ''. Hà Nội về sau biện bạch nói rằng do bối cảnh quan hệ gắn bó đương thời giữa hai nước nên công hàm được gửi đi nhưng công hàm chỉ công nhận hải phận TQ trong giới hạn 12 hải lý và cho TQ coi đó là sự thừa nhận chủ quyền của hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một ''sự méo mó thô bạo của sự thật'' (La souveraineté du VN sur les archipels Hoang Sa et Truong Sa, Hanoi, 1979, trang 59). Đương nhiên, ai cũng hiểu rằng ông Đồng cũng chỉ thừa lệnh Bộ Chính trị của ĐCSVN mà thôi. Dù vậy, tai hoạ cũng đã lỡ rồi (le mal est fait).
Như trên cho thấy quan hệ cá nhân của HCM với TQ rất khăng khít trong giai đoạn 1950 đến 1969 đến nỗi khi ông qua đời, Châu Ân Lai sang Hà̀ Nội làm phúng điếu rồi Lý Tiên Niệm hướng dẫn phái đoàn cấ́p cao sang tham dự tang lễ. Ơ Bắc Kinh, Mao gửi vòng hoa phúng điếu đến Đại Sứ quán VNDCCH, phó Chủ tịch nước bà Tống Khánh Linh và phó thủ tướng Lý Phú Xuân cùng nhiều quan chức cao cấp đích thân đến Đại Sứ quán tham dự lễ mặc niệm trong khi giới quần chúng TQ ở Bắc Kinh, Quảng Châu, Nam Ninh, Côn Minh đông đảo đến Tổng Lãnh sự quán chia buồn. Rất khó mà thấy một lãnh tụ một nước bạn được TQ nuông chiều như thế.
Phía TQ thăm VN
Trong thời kỳ này, số người lãnh đạo phía TQ sang thăm chính thức VNDCCH có thể đếm trên đầu ngón tay.
-Châu Ân Lai và tướng Hạ Long 贺龙viếng thăm VN tháng 11-1956. Hạ Long là một trong 10 nguyên soái của TQ sau 1959.
-Châu Ân Lai và phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Trân Nghị 陈毅viếng thăm VN tháng 5-1960. Trần Nghị cũng là một trong 10 nguyên soái của TQ.
-Lưu Thiếu Kỳ, Chủ tịch nước thăm VN tháng 5-1963.
-TBT Đặng Tiểu Bình thăm VN tháng 2-1964.
-Châu Ân Lai thăm VN tháng 3-1971.
III-Thời kỳ CHXHCNVN sau 1976
Thời kỳ này có thể chia ra hai thời kỳ: thời kỳ 1976-1979 và thời kỳ 1991-2020. Từ 1979 đến 1990, quan hệ hai nước bị đóng băng nên không có các cuộc thăm viếng cấp cao.
Sau khi HCM qua đời năm 1969, TBT Lê Duẩn và thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp tục viếng thăm TQ nhưng ít nồng hậu thậm chí trong tình trạng căng thẳng.
Chẳng hạn Lê Duẩn đi TQ xin viện trợ trong tháng 9-1975. Bị từ chối, Lê Duẩn không ký thông cáo chung, huỷ bỏ yến tiệc chiêu đãi và lấy tàu hoả về Hà Nội. Điều này làm Đặng Tiểu Bình tức giận mà ông ta còn nhớ khi Lê Duẩn trở lại TQ vào tháng 11-1977. Cuộc gặp gỡ thất bại và cũng lần cuối cùng của Lê Duẩn trên đất TQ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đi Bắc Kinh tháng 7-1977 gặp phó thủ tướng Lý Tiên Niệm 李先念thì bị ông này trách móc đủ điều chưa kể những chuyến đi của phó thủ tướng Lê Thanh Nghị 黎青毅hoặc của đại tướng Võ Nguyên Giáp 武元甲cũng bị phía TQ làm nhục. Phó thủ tướng Nghị khi sang Bắc Kinh tháng 8-1975 xin viện trợ bị cho là người đi ''ăn xin''. Tướng Giáp trong chuyến đi đầu tháng 6-1977 không được người đồng cấp Diệp Kiếm Anh tiếp đón ở phi trường cũng như không có yến tiệc chúc mừng tân khách trong khi các lãnh tụ Khmer đỏ được lãnh đạo TQ kể cả Mao tiếp đón nồng hậu và trợ cấp viện trợ kinh tế lẫn quân sự.
Quan hệ giữa hai nước trở nên cực kỳ căng thẳng khi Bắc Kinh đòi Hà Nội đóng cửa ba lãnh sự Quảng Châu, Côn Minh và Nam Ninh vào giữa tháng 6-1978 và chấm dứt viện trợ kinh tế và kỹ thuật. Để đáp trả, VN gia nhập Comecon ngày 29-6 và ký ''Hiệp ước hữu nghị và hợp tác'' ngày 3-11-1978. Vào cuối năm 1978, quân đội Hà Nội chiếm Phnom Penh đuổi Khmer đỏ của Pol Pot và thành lập chính quyền thân Hà Nội do Hun Sen đứng đầu.
Tiếp theo đó là chiến tranh biên giới từ 17- 2 đến 16-3-1979 với mục tiêu hỗ trợ nhóm Khmer đỏ Pol Pol ở phía Nam dù nhóm này liên tục chống phá VN chưa nói đến việc TQ chiếm cứ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 còn thuộc VNCH. Trước đó, TQ lúc nào cũng không muốn Việt Nam thống nhất. Cựu bộ trưởng Pháp François Missoffe khi gặp lãnh đạo TQ đầu năm 1976 có ghi lại phía TQ nói với ông rằng: ''Bất chấp có 2 hoặc 3 VN, điều chính là không nên có 1'' (Duel rouge, NXB Ramsey, Paris 1977, tr.128).
Hậu quả là quan hệ giữa hai nước đóng băng trong 11 năm từ 1979 đến 1990. Phải đợi đến Hội nghị ''bí mật'' Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên 四川trong tháng 9-1990, quan hệ giữa hai nướ́c mới trở nên bình thường mà Việt Nam phải trả cái giá rất đắc.
Hội nghị Thành Đô (Chengdu, 成都)
Sau khi TBT Lê Duẩn qua đời tháng 7-1986, người mà phía TQ cho là một ''chướng ngại chính'', Nguyễn Văn Linh 阮文灵lên thay làm TBT ở Đại hội lần thứ VI (tháng 12-1986). TBT Linh đưa ra nhiều tín hiệu muốn thương lượng với phía TQ để bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Ông tuyên bố ở Đại hội VI: ''Chúng tôi sẵn sàng thương lượng với phía TQ bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu và bất cứ ở mức độ nào''. Lần đầu tiên sau chiến tranh biên giới trong tháng 2-1979, Hà Nội cho Quốc Hội xoá bỏ lời mào đầu (préambule) của Hiến pháp câu ''TQ là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất của VN'' ngày 27-8-1988. Võ Chi Công 武志功, Chủ tịch nước gửi điện chúc mừng lễ Quốc khánh 1-10-1988 của TQ mặc dù TQ cho quân đội chiếm đảo Gạc Ma thuộc Trường Sa của VN trong tháng 3 trước đó.
Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào cuối năm 1989, Bộ Chính trị ĐCSVN phân tích tình hình và đi đến kết luận là cần phải liên kết với TQ để bảo vệ ''Chủ Nghĩa Xã Hội'' trong tình hình thế giới có biến đổi.
Hội nghị Thành Đô diễn ra trong hai ngày từ 3 đến 4-9-1990. Phía VN bao gồm TBT Nguyễn Văn Linh, thủ tướng Đỗ Mười 杜梅và cố vấn Phạm Văn Đồng [a]. Phía TQ có TBT kiêm Chủ tịch nước Giang Trạch Dân 江泽民và thủ tướng Lý Bằng 李鹏. Mục tiêu của Hội nghị là tìm giải pháp chính trị cho Campuchia và bình thường hoá quan hệ Việt-Trung. Do văn kiện hội nghị không được chính thức công bố nên có nhiều người cho rằng có một ''mật ước'' theo đó VN sẽ trở thành một ''tỉnh tự trị'' của TQ kể từ năm...2020.
[a] Phía VN còn có thêm ba nhân vật sau: Hồng Hà 红河, Chánh Văn phòng TƯĐ, Hoàng Bích Sơn 黄碧山, TB Đối ngoại TƯ, Đinh Nho Liêm 丁儒廉, thứ trưởng ngoại giao. Sáu nhân vật chính VN này đều lần lượt qua đời.
Sau Hội nghị Thành Đô, các cuộc thăm viếng qua lại được tiếp diễn như sau:
1991
-Từ 5-10 tháng 11. TBT Đỗ Mười và thủ tướng Võ Văn Kiệt 武文杰viếng thăm chính thức TQ. Hai người được phía đồng cấp TQ Giang Trạch Dân và Lý Bằng tiếp kiến. Trong dịp này, hai nước công bố chính thức tái lập quan hệ bình thường và ký một hiệp định tạm thời về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới.
1992
-Từ 8-14 tháng 5. Nguyên TBT Nguyễn Văn Linh viếng thăm TQ được Giang Trạch Dân tiếp kiến. Mục tiêu của chuyến đi của Nguyễn Văn Linh là để trao đổi ''kinh nghiệm và quan điểm về cải cách kinh tế''.
-Từ 30-11 đến 4-12. Thủ tướng TQ Lý Bằng viếng thăm chính thức VN theo lời mời của thủ tướng VN Võ Văn Kiệt. Đây là lần đầu tiên một thủ tướng TQ viếng thăm VN sau 21 năm. Lần trước do Châu Ân Lai vào tháng 3-1971.
1993
-Từ 9 đến 15 tháng 11. Chủ tịch nước Lê Đức Anh 黎德英viếng thăm chính thức TQ. Tướng Anh được Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Kiều Thạch 乔石chủ tịch Quốc Hội và Lý Thuỵ Hoàn 李瑞环, chủ tịch Chính trị Hiệp thương tiếp kiến.
Đây là lần đầu tiên một Chủ tịch nước VN viếng thăm TQ sau 34 năm. Lần trước do Chủ tịch HCM năm 1959.
1994
-Từ 19-22 tháng 11. TBT, Chủ tịch nước TQ Giang Trạch Dân viếng thăm chính thức VN. Đây là lần đầu tiên, một Chủ tịch nước TQ viêng thăm VN. Lần trước cách đây 31 năm do Lưu Thiếu Kỳ hồi tháng 5-1963.
Họ Giang được TBT Đỗ Mười, thủ tướng Võ Văn Kiệt và hai cố vấn Phạm Văn Đồng và Nguyễn Văn Linh tiếp kiến.
1995
-Từ 26-11 đến 2-12. TBT Đỗ Mười viếng thăm chính thức TQ lần thứ́ hai theo lời mời của người đồng cấp Giang Trạch Dân.
1996
-Từ 27-28 tháng 6. Thủ tướng Lý Bằng hướng dẫn phái đoàn TQ sang tham dự Đại hội lần thứ VIII của ĐCSVN. Lần trước năm 1960, do phó thủ tướng TQ Lý Phú Xuân 李富春hướng dẫn tham dự Đại hội III. Người ta chú ý ít khi một thủ tướng tham dự Đại hội một nước bạn.
1997
-Từ 14-18 tháng 7. TBT Đỗ Mười viếng thăm chính thức lần thứ ba TQ.
1998
-Từ 19-23 tháng 10. Thủ tướng Phan Văn Khải 潘文凯viếng thăm chính thức TQ theo lời mời người đồng cấp Chu Dung Cơ 朱镕基. Trong dịp này, hai nước ký ba hiệp định hợp tác biên giới, tương hỗ pháp luật và lãnh sự.
-Từ 17-19 tháng12. Hồ Cẩm Đào 胡锦涛, phó chủ tịch nước TQ, nhân dịp hội nghị các nước khối Đông Nam Á (ASEAN+TQ+Nhật+Đại Hàn) ở Hà Nội được TBT Lê Khả Phiêu 黎可漂, Chủ tịch nước Trần Đức Lương陈德良, thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc Hội Nông Đức Mạnh 农德孟 tiếp kiến.
1999
-Từ 25-2 đến 2 tháng 3. TBT Lê Khả Phiêu viếng thăm chính thức TQ. Mục tiêu chuyến đi của Lê Khả Phiêu là vấn đề biên giới. Nhân dịp này, Lê Khả Phiêu và Giang Trạch Dân thiết lập quan hệ hợp tác theo phương châm ''16 chữ vàng'' sau: ''Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, 睦邻友好,全面合作,长期稳定, 面向未来''. Câu này bị dân gian chế giễu đổi thành: ''Láng giềng khốn nạn, cướp đất toàn diện, lấn biển lâu dài, thôn tính tương lai''!
-Từ 1-4 tháng 12. Thủ tướng TQ Chu Dung Cơ nhân dịp đi viếng thăm bốn nước Á Châu trong đó có VN theo lời mời của thủ tướng Phan Văn Khải. Phái đoàn ông Chu có đến 13 thành viên quan trọng.
2000
-Từ 25-28 tháng 9. Thủ tướng Phan Văn Khải viếng thăm chính thức TQ. Trong dịp này, TQ hứa viện trợ 300 triệu $ cho VN trong khi thủ tướng Khải tuyên bố việc phân định biên giới vịnh Bắc Bộ và việc hợp tác nghề cá sẽ giải quyết vào cuối năm 2000.
-Từ 25-29 tháng 12-2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương 陈德良viếng thăm TQ để tham dự lễ ký kết ''Hiệp định phân định biên giới'' và ''Hiệp định hợp tác nghề cá''.
[Hiệp ước phân định biên giới vịnh Bắc Bộ chỉ được phê chuẩn ngày 15-4-2004, sau gần 3 năm rưỡi theo đó VN bị mất 10.000 km2 (Theo Hiệp ước Pháp-Thanh năm 1887, VN chiếm 62%, nay chỉ còn chiếm 53,2%)].
Xin nhắc lại là hiệp đỉnh biên giới trên đất liền được hai ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm 阮孟琴(VN) và Đường Gia Triền 唐家璇(TQ) ký ở Hà Nội ngày 30-12-1999 mà không ít người nói TQ lấn chiếm 4-5 cây số phần đất VN ở ải Nam Quan trong khi thác Bản Giốc bị chia làm đôi, cửa sông Bắc Luân bị TQ chiếm 1/3 và VN thất thoát khoảng 700-1000 km2 trên đất liên.
2001
-Từ 19-22 tháng 4. Phó Chủ tịch nước TQ Hồ Cẩm Đào 胡锦涛sang tham dự Đại hội lần thứ IX của ĐCSVN. Trước Đại hội, ông Hồ được TBT Lê Khả Phiêu tiếp kiến và sau Đại hội ông đến chúc mừng tân TBT Nông Đức Mạnh 农德孟.
-Từ 30-11 đến 4-12. Tân TBT Nông Đức Mạnh viếng thăm chính thức TQ (Nông Đức Mạnh trướ́c đó đã hai lần viếng thăm TQ năm 1994 và năm 1995 ở cương vị Chủ tịch Quốc Hội). Trong dịp này, Nông Đức Mạnh khen ngợi sự hợp tác '''tốt đẹp'' giữa hai nước để đạt được hai Hiệp định về biên giới trên đất liền và việc phân định vịnh Bắc Bộ. Ông cũng hy vọng bang giao thương mại giữa hai nước sẽ đạt được 5 tỷ $ vào năm 2005 so với 2,8 tỷ $ năm 2001.
2002
-Từ 27-2 đến 1-3. TBT Giang Trạch Dân viếng thăm VN lần thứ hai.
Họ Giang được TBT Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, thủ tướng Phan Văn Khải và Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An 阮文安tiếp kiến. Họ Giang cũng có hội đàm xã giao với 2 cựu TBT Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu.
Trong dịp này, hai hiệp định được ký kết: hiệp định hợp tác kinh tế và khoa học và hiệp định khung về việc TQ cung cấp khoản tín dụng ưu đãi.
Cũng như năm 1999 ở Bắc Kinh khi tiếp Lê Khả Phiêu với phương châm ''16 chữ vàng'', lần này họ Giang thêm khẩu hiệu tinh thần ''4 tốt''. Đó là khẩ̉u hiệu ''láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tố́t, đối tác tốt, 好邻居, 好朋友, 好同志, 好伙伴'' mà không ít người chống đối ví như ''vòng kim cô'' siết trên đầu người VN.
2003
-Từ 7-11 tháng 4. TBT Nông Đức Mạnh trở lại thăm TQ lần thứ hai. Mục tiêu của chuyến đi là ''tăng cường quan hệ hữu nghị và truyền thống giữa hai nước''. Nông được tân TBT Hồ Cẩm Đào, thủ tướng Ôn Gia Bảo温家宝, Chủ tịch Quốc Hội Ngô Bang Quốc 吴邦国và chủ tịch Hội đồng Quân uỷ Giang Trạch Dân tiếp kiến. TQ chấp thuận ''xoá nợ'' 420,5 triệu Nhân dân tệ (50 triệu $) và hứa sẽ đóng góp xây dựng một trung tâm văn hoá và hữu nghị ở Hà Nội.
-Ngày 6 tháng 10-2003. Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo hội kiến người đồng cấp Phan Văn Khải ở Bali (Nam Dương).
-Ngày 19 tháng 10. TBT Hồ Cẩm Đào tiếp thủ tướng Phan Văn Khải trong dịp tham gia hội nghị Hợp tác kinh tế Á châu-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 11 ở Bangkok.
2004
-Từ 20-24 tháng 5. Thủ tướng Phan Văn Khải viếng thăm TQ lần thứ hai theo lời mời của thủ tướng Ôn Gia Bảo. Thủ tướng Khải hứa sẽ tạo điều kiện để TQ ''trở thành nước đối tác thương mại lớn nhất của VN''.
-Từ 6-9 tháng 10-2004, nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Hà Nội thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo lần đầu tiên viếng thăm chính thức VN. Thủ tướng Ôn mong muốn một phát trển hài hòa với VN.
2005
-Từ 18-22 tháng 7. Chủ tịch nước Trần Đức Lương viếng thăm chính thức TQ. Trong dịp này, Chủ tịch Lương tuyên bố VN sẽ hợp tác với TQ để hoàn thành sớm nhất việc cắm móc biên giới trên đất liền và xúc tiến việc thăm dò dầu hoả ngoài biển.
[Chuyến đi này, theo sự đánh giá cùa các chuyên gia, là để ''xoa dịu'' TQ về chuyến thăm viếng lần đầu tiên Hoa Kỳ của thủ tướng Phan Văn Khải từ ngày 19 đến 25-6].
-Từ 31-10 đến 2-11. TBT, Chủ tịch nước TQ Hồ Cẩm Đào viếng thăm chính thức VN. Ông Hồ được lãnh đạo Việt Nam Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương và Phan Văn Khải tiếp đón trọng thể. Trong dịp này ông Hồ đưa ra một đề xuất 5 điểm để tăng cường hợp tác song phương đặc biệt là việc hợp tác trong lãnh vực biển Đông và việc cắm móc biên giới trên đất liền giữa hai nước. TQ ký 13 văn kiện hợp tác với VN.
2006
-Từ 20-24 tháng 3: Giả Khánh Lâm贾庆林, uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Chính trị Hiệp thương theo lời mời của Phạm Thế Duyệt 范世阅, Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc viếng thăm Hà Nội. Họ Giả đề nghị tăng cường quan hệ cấp cao giũa hai Đảng và hai nước. Ông Giả được Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải và Phan Diễn tiếp kiên trọng thể.
[Người ta chú ý chuyến viếng thăm ''hữu nghị'' này diễn ra trước Đại hội lần thứ X của ĐCSVN]
-Từ 22-26 tháng 8. Sau khi được tái cử ở Đại hội X trong tháng tư, TBT Nông Đức Mạnh viếng thăm TQ lần thứ ba. Trong chuyến viếng thăm này, hai nước quyết định việc cắm móc biên giới trên đất liền phải hoàn tất trước cuối năm 2008. Hai bên còn đồng ý tăng cường đàm phán vấn đề biên giới trên biển và hợp tác để duy trì ổn định ở biển Đông.
-Thảng 10-2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 阮晋勇tham dự hội nghị cấp cao kỷ niệm TQ-ASEAN tại Nam Ninh. Trong dịp này, thủ tướng Dũng gặp người đồng sự TQ Ôn Gia Bảo.
-Từ 15-17 tháng 11. TBT, Chủ tịch nước TQ Hồ Cẩm Đào viếng thăm chính thức VN nhân dịp tham gia hội nghị APEC do Việt Nam lần đầu tiên tổ chức.
2007
-Từ 15-18 tháng 5. Tân Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết阮明哲viếng thăm chính thức TQ. Trong dịp này, ông Triết tuyên bố quan hệ với TQ là ''ưu tiên của chính sách ngoại giao của VN'' và cam kết ''duy trì trao đổi với TQ ở mọi các cấp cùng cải thiện sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau''.
Về Biển Đông, thông cáo chung viết: ''Hai bên đồng ý đẩy nhanh tiến trình đàm phán phân định vùng biển ngoài của vịnh Bắc Bộ và tiếp tục trao đổi ý kiến về hợp tác phát triển ở khu vực cùng đồng thời cùng nhau giữ gìn hòa bình ổn định ở Biển Đông''.
[Chuyến đi của ông Triết diễn ra trước chuyến công du Hoa Kỳ của ông từ ngày 19 đến 23 tháng 6 tới]
2008
-Từ 30-5 đến 2-6. TBT Nông Đức Mạnh viếng thăm TQ lần thứ tư. Ngoài cuộc đàm phán tăng cường quan hệ giữa hai nước về phương diện văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật vv.., hai bên còn thảo luận về biên giới trên đất liền và ngoài khơi cùng việc thực hiện cắm móc vào trước cuối năm 2008.
Trong các văn kiện ký kết có văn kiện dự án Bôxit Đak-Nông làm gây phẫn nộ trong giới trí thức, khoa họ̣c cũng như giới ngoại giao và quân sự̣ về phương diện huỷ hoại môi trường và an ninh quốc gia. Đứng đầu giới quân đội phản kháng có hai tướng huyền thoại là đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó đã 97 tuổi và trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên kiến trúc sư ''đường mòn HCM'', giới ngoại giao có thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh và nguyên đại sứ ở TQ từ 1974-1989. Họ cho rằng để nhà thầu Chinalco TQ khai thác dự án Bô Xít là rất cực kỳ nguy hiểm về an ninh quốc gia vì theo họ ''ai kiểm soảt vùng Cao Nguyên sẽ kiểm soảt toàn Đông Dương''.
[Chuyến đi này diễn ra trước chuyến công du đi Mỹ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự trù từ ngày 23 đến 23 tháng 6].
-Từ 20-23 tháng 10. Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên trên cương vị thủ tướng công du TQ. Ngoài vấn đề hợp tác song phương, hai bên có đàm phán về Biển Đông. Thông cáo chung viết: ''Hai bên đã trao đổi ý kiến một cách thẳng thắn và hữu nghị về việc gìn giữ hoà bình ổn định ở Biển Đông, khẳng định tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”.
[Quan sát viên chú ý ông Dũng đi công du ở nhiều nước phương tây, Nhật Bổn, Ấn Độ, Hoa Kỳ vv..trước khi công du TQ]
2009
-Từ 18-19 tháng 4. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi tham dự hội nghị kinh tế Bác Ngao博鳌ở Hải Nam 海南và sau đó đi Quảng Đông 广东và Hương Cảng 香港. Ở Hải Nam, ông Dũng hội kiến với thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo. Ở Quảng Đông và Hương Cảng, thủ tướng Dũng được Bí thư tỉnh uỷ Uông Dương 汪洋và Trưởng đặc khu hành chính Tăng Âm Quyền 曾荫权tiếp kiến.
-Ngày 16 tháng 10. Nhân dịp tham dự hội chợ quốc tế miền tây lần thứ 10 ở Thành Đô, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có buổi làm việc với thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo.
2010
-Từ 26-4 đến 1-5. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân viếng thăm triển lãm thế giới Thượng Hải 上海và Chiết Giang 浙江. Trong dịp này, Nguyễn Tấn Dũng được TBT Hồ Cẩm Đào tiếp kiến ngày 1-5.
-Ngày 30 tháng 10. Thủ tướng Ôn Gia Bảo tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Hà Nội được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và TBT Nông Đức Mạnh tiếp kiến.
2011
-Từ 11 đến 15 tháng 10. Tân TBT Nguyễn Phú Trọng 阮富仲viếng thăm TQ cùng ba uỷ viên bộ chính trị Phùng Quang Thanh冯光青, Đinh Thế Huynh丁世兄, Ngô Văn Dụ吴文諭và phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân阮善仁. Sau đó TBT Trọng đi thăm Quảng Châu 广州và Thâm Quyến 深圳.
Trong chuyến đi này, Việt Nam và Trung Quốc ký kết 6 văn kiện trong đó có văn kiện ''thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước'' là có gây tranh cãi.
-Từ 20 đến 22 tháng 12. Phó chủ tịch nước TQ Tập Cận Bình 习近平, viếng thăm Việt Nam được phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan阮氏缘và Lê Hồng Anh 黎红英tiếp kiến. Ngoài ra, Tập Cận Bình còn được 4 lãnh đạo ''tứ trụ'' Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang 张晋创, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Sinh Hùng 阮生雄tiếp kiến.
2012
-Ngày 7 tháng 9. Nhân dịp hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 20 do Nga Sô tổ chức ở Vladivostock, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội kiến với TBT & Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào. Hai chủ tịch cho rằng ''không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của hai nước''.
-Ngày 20-9. Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình tiếp thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Nam Ninh nhân dịp hội chợ các quốc gia Đông Nam Á (CAEXPO) lần thứ 9.
-Ngày 15-11. TBT Nguyễn Phú Trọng gửi điện văn chúc mừng tân TBT Tập Cận Bình.
2013
-Từ 19 đến 21-6. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viếng thăm chính thức TQ. Ông lần lượt được ''tứ trụ'' TBT và Chủ tịch Tập Cận Bình, thủ tướng Lý Khắc Cường 李克强, Chủ tịch Quốc Hội Trương Đức Giang 张德江và Chủ tịch Chính trị Hiệp thương Du Chính Thanh 俞正声tiếp kiến. Trong dịp này hai nước cho rằng ''Hữu nghị Việt Trung là tài sản quý báu của hai nước'' và khẳng định tuân thủ phương châm ''16 chữ vàng'' và tinh thần ''4 tốt''.
-Từ 13 đến 15. Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường lần đầu tiên viếng thăm chính thức Việt Nam được Nguyễn Tấn Dũng tiếp kiến. Ông Lý cũng hội kiến với TBT Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng.
Trong dịp này, hai bên ký nhiều văn kiện hợp tác như: Hiệp định về việc mở cơ quan xúc tiến thương mại, bản ghi nhớ về xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới, dự án hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng vịnh Bắc Bộ, thành lập viện Khổng tử 孔子ở đại học Hà Nội vv…
2014
-Ngày 16-10. Bên lề hội nghị ASEM-10 ở Milan (Ý), thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với người đồng sự TQ Lý Khắc Cường.
-Từ 25 đến 27 tháng 12. Du Chính Thanh, uỷ thường vụ BCT, Chủ tịch Chính trị Hiệp thương viếng thăm VN và được TBT Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thường trực ban Bí thư Lê Hồng Anh và Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân tiếp kiến.
2015
-Ngày 12 tháng giêng. TBT Nguyễn Phú Trọng điện đàm với TBT Tập Cận Bình.
-Từ 7 đến 10 tháng 4. TBT Nguyễn Phú Trọng viếng thăm TQ với 4 uỷ viên BCT là Phùng Quang Thanh, BT Quốc Phòng, Trần Đại Quang 陈大光, BT Công An, Đinh Thế Huynh, TB Tuyên Huấn TƯ và bà Nguyễn Thị Kim Ngân 阮氏金银, phó Chủ tịch Quốc Hội. Ngoài ra còn có Phạm Bình Minh 范平明, BT Ngoại giao và Hoàng Bình Quân 黄平君, TB Đối ngoại TƯ. Trong dịp này ông Trọng khẳng định: ''Quan hệ hợp tác hữu nghị với TQ là chủ trương quán lâu dài và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại cùa VN''. Nhiều văn kiện được ký kết trong đó có văn kiện kế hoạch hợp tác giữa hai Đảng giai đoạn 2016-2020.
-Tháng 9. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi Bắc Kinh tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm nhân dân thế giới thắng chủ nghĩa phát xít. Tuy nhiên, không có báo nào trong nước đăng tin.
-Từ 5- 6 tháng 11. TBT, Chủ tịch Tập Cận Bình viếng thăm Việt Nam cấp nhà nước và được TBT Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp kiến. Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc Hội Việt Nam. Nhiều văn kiện được ký kết. Nhiều cuộc biểu tình phản đối chống chuyến đi của Tập Cận Bình xảy ra ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh.
2016
-Từ 10 đến 15-9. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 阮春福viếng thăm chính thức TQ. Trong dịp này, thủ tướng Phúc tham dự hội chợ TQ-ASEAN (AEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh thương mại và đầu tư TQ-ASEAN (CABIS) lần thứ 13 tại Nam Ninh và Hương Cảng. Ở Bắc Kinh, thủ tướng Phúc được ''tứ trụ'' Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Trương Đức Giang, Du Chính Thanh tiếp kiến. Hai bên ký 9 văn kiện hợp tác.
Ơ Hương Cảng, ông được Lương Chấn Anh 梁振英, Trưởng đặc khu hành chính tiếp kiến.
2017
-Từ 12 đến 15 tháng giêng, TBT Nguyễn Phú Trọng hướng dẫn phái đoàn cấp cao gồm bốn uỷ viên BCT Võ Văn Thưởng 武文赏, Phạm Bình Minh, Ngô Xuân Lịch 吴春历, Tô Lâm 苏林và tám uỷ viên TƯĐảng viếng thăm TQ. Ơ Bắc Kinh, Nguyễn Phú Trọng được năm uỷ viên thường vụ BCT Tâp Cận Bình, Lý Khắc Cường, Trương Đức Giang, Du Chính Thanh và Vương Kỳ Sơn 王岐山tiếp kiến. Trong dịp này, ông Trọng tuyên bố ủng hộ TQ tổ chức thành công Diễn đàn thượng đỉnh hợp tác quốc tế về ''Một vành đai, một con đường'' trong năm 2017 và khẳng định tiếp tục kiên trì phương châm ''16 chữ vàng'' và tinh thần ''4 tốt''. Hai bên ký 15 văn kiện hợp tác trong đó có văn kiện ''Thoả thuận hợp tác đào tạo cán bộ cao cấp giữa hai Đảng''. Sau đó, phái đoàn đi viếng Hàng Châu.
-Từ 11 đến 15 tháng 5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang 陈大光viếng thăm chính thức TQ. Tháp tùng gồm có phó thủ tướng Vương Đình Huệ 王廷惠,TB Dân vận TƯ Trương Thị Mai 张氏梅, phó Chủ tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu 汪朱刘, chủ nhiệm Văn phòng chủ tịch nước Đào Việt Trung 掏越忠, chủ tịch UBND Tp Hà Nội Nguyễn Đức Chung 阮德钟, Chủ tịch UBND Tp Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong 阮成峰và̀ nhiều bộ trưởng vv...Ở Bắc Kinh, Trần Đại Quang được TBT Tập Cận Bình, thủ tướng Lý Khắc Cường, Chủ tịch Quốc Hội Trương Đức Giang, Chủ tịch Chính trị Hiệp thương Du Chính Thanh và bí thư Ban Bí thư Lưu Vân Sơn 刘云山tiếp kiến. Thông cáo chung có đoạn viết: ''Hai bên khẩn trương bàn bạc ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác kết nối giữa khuôn khổ ''hai hành lang, một vành đai'' và sáng kiến ''vành đai và con đường'' phù hợp với lợi ích, khả năng và điều kiện của mỗi nước''.
Sau đó Trần Đại Quang tham dự Diễn đàn ''một vành đai, một con đường''. Phái đoàn sau đó đi thăm Phúc Kiến 福建trước khi về nước.
-Ngày 13 tháng 11. TBT Nguyễn Phú Trọng chủ trì tiếp đón Tập Cận Bình viếng thăm chính thức Việt Nam ở chủ tịch phủ sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẳng. Người ta chú ý ông Trần Đại Quang chỉ tiếp xã giao ông Tập thay vì tiếp chính thức như theo nghi lễ ngoại giao. Ngoài ra, cuộc tiếp đón ông Tập rất long trọng với việc bắn 21 đại bác khác với cuộc tiếp đón TT Mỹ ông Trump trước đó một ngày (không có bắn 21 đại bác).
2018
-Ngày 10 tháng giêng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến thủ tướng Lý Khắc Cường nhân dịp hội nghị cấp cao Mekong-Lan Thương lần thứ hai ở Phnom Pênh.
-Ngày 4-11. Nhân dịp tham dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế ở Thượng Hải, Nguyễn Xuân Phúc được Tập Cận Bình tiếp kiến.
2019
-Ngày 25-4. Nguyễn Xuân Phúc thay Nguyễn Phú Trọng tham dự Diễn đàn hợp tác quốc tế ''Vành đai, con đường'' ở Bắc Kinh. Ông được Tập Cận Bình và Vương Hộ Ninh 王沪宁, uỷ viên thường vụ BCT và bí thư Ban Bí thư tiếp kiến.
2020-4-2021
Do đại dịch Covid 19, không có cuộc gặp gỡ cấp cao Việt-Trung trong năm 2020, ngoại trừ hai điện văn của Tập Cận Bình ''chúc mừng'' Nguyễn Phú Trọng ''tái cử'' TBT trong tháng giêng 2021 và Nguyễn Xuân Phúc ''được thăng'' Chủ tịch nước trong thàng tư 2021.
Tóm lại, lãnh đạo VN viếng thăm chính thức TQ nhiều lần hơn lãnh đạo TQ thăm VN từ 1991 đến 2019.
Chẳng hạn TBT VN thăm TQ 11 lần, Chủ tịch nước 6 lần, thủ tướng 6 lần. Ngược lại, TBT kiêm Chủ tịch nướ́c TQ chỉ viếng thăm VN 6 lần và thủ tướng 5 lần.
Ba TBT VN viếng thăm TQ nhiều nhất là Nông Đức Mạnh (bốn lần không kể̉ hai lần ở cương vị Chủ tịch Quốc Hội), Nguyễn Phú Trọng (ba lần không kể một lần ở cương vị Chủ tịch Quốc Hội), Đỗ Mười (ba lần). Riêng Thủ tướng Phan Văn Khải viếng thăm TQ ba lần.
Lời kết
Như trên đã thấy, quan hệ Việt-Trung trải qua nhiều cuộc thăng trầm từ khăng khít trong 19 năm (1950-1969) trong thời kỳ HCM, đến bang giao căng thẳng (1977-1990) rồi quan hệ bình thường từ 1991 trở đi.
Thời kỳ quan hệ khăng khít đưa đến sự mất cảnh giác như ông Trần Việt Phương, một cộng sự thân gần của Phạm Văn Đồng từ 1949-1969 buộc phải cay đắng thừa nhận: ''Trong lịch sử ngàn năm giữ nước của VN, chưa có thời đại nào ngây thơ, mất cảnh giác với TQ như thời đại HCM'' [4]
Trong khi đó phía TQ xem HCM như ''người trong nhà'' như trong lời giới thiệu của sách Tập ảnh: ''Sau khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được thành lập, Hồ Chủ tịch thường sang viếng thăm chính thức, sang nghỉ hè hoặc nhiều lần sang làm lễ sinh nhật ở Quảng Tây tựa như là quê hương của người'' [5].
Thời kỳ căng thẳng đưa VN đến tình trạng kiệt quệ. Trong nước, kinh tế suy thoái tụt hậu đến nỗi dân chúng phải ăn ''độn'', tình trạng bất ổn định khắp nơi, cả triệu người bỏ nước ra đi, gánh nặng quân viễn chinh ở Campuchia. Bên ngoài, VN bị Hoa Kỳ cấm vận trong 20 năm (1975-1995), Tây phương tẩy chay thậm chí đả kích, TQ tiếp tục chống phá xâm lược. Hà Nội chỉ còn nương dựa vào Liên Xô để sống còn nhưng ''hoạ vô đơn chí'', khối Liên Xô lại tan rã sau đó....
Thời kỳ quan hệ bình thường chủ yếu là nương dựa vào kẻ thù cũ để ''bảo vệ CNXH'' với hệ quả là VN mất nhiều phần đất trên đất liền lẫn biển đảo cùng đồng thời bị áp chế bởi gọng kìm ''16 chữ vàng và 4 tốt''.
Nguồn: Từ 1950-1969, lấy nguồn trên sách Tập ảnh ''Chủ tịch HCM và TQ'', từ 1969 trở đi lấy nguồn trên các báo chí trong ngoài nước trên mạng.
[1] Hoàng Tranh, 黄铮: ''Tăng Tuyết Minh, người vợ TQ của Nguyễn Ái Quốc, Forum Diễn Đàn, số 121, tháng 9-2002.
[2] Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, Chương VII, 2008.
[3] Tư liệu lịch sử về quan hệ HCM và Stalin những năm 1950 đăng trên Nghiên cứu lịch sử quốc tế ngày 8-6-2019. Trong tư liệu này có hai thư viết tay bằng tiếng Nga của HCM gửi Stalin ngày 31-10-1952.
[4] Huy Đức: Miếng bã chủ nghĩa quốc tế vô sản trong tay TQ trên Đàn Chim Việt ngày 22-4-2020.
[5] Tập ảnh ''Chủ tịch HCM và TQ, 胡志明主席与中国'', xuất bản tại Bắc Kinh 1995, 178 trang.
Vương Thuyên, tháng 4-2021
Hình
gặp gỡ lãnh đạo Việt Trung
(phần hai)
Mao và HCM trò chuyện ở ngoại ô Bắc Kinh tháng 6-1958. |
HCM đến thăm phó CT nước Tống Khánh Linh 宋庆龄tháng 9-1959. |
Hồ Chí Minh và Mao ngày 2-11-1960. |
Phạm Văn Đồng viếng thăm TQ ngày 10-6-1961. |
Chu Dung Cơ tiếp đón Phan Văn Khải tháng 10-1998 tại Bắc Kinh |
Lễ ký hiệp định biên giới trên đất liền do
hai ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm và Đường Gia Triền ký ngày 30-12-1999 ở
Hà Nội. |
Giang Trạch Dân và Trần Đức Lương ở Bắc Kinh ngày 25-12-2000 nhân dịp 2 nước ký hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và hợp tác nghề cá. |
Nông Đức Mạnh tiếp CT Quốc Hội Lý Bằng ở Hà Nội tháng
9-2001. |
Giang Trạch Dân viếng thăm VN
tháng 2-2002. |
Hồ Cẩm Đào tiếp Nông Đức Mạnh ở
Bắc Kinh ngày 17-4-2003.
|
Hồ Cẩm Đào tiếp Nông Đức Mạnh ở Bắc Kinh ngày 23-8-2006. |
Nguyễn Minh Triết và Nông Đức Mạnh tiếp Hồ Cẩm Đào ở Hà Nội ngày 16-11-2006 nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh APEC.. |
Hồ Cẩm Đào viếng thăm VN 16-11-2006 được Nguyễn Minh Triết và Nông Đức Mạnh tiếp đón. (Lưu Vĩnh Thanh 刘永清, vợ Hồ Cẩm Đào và Trần Thị Kim Chi, vợ Nguyễn Minh Triết) |
Hồ Cẩm Đào tiếp Nguyễn Minh Triết ngày 18-5-2007 ở
Bắc Kinh. |
Hồ
Cẩm Đào tiếp Nông Đức Mạnh ở Bắc Kinh ngày
31-5-2008. |
Ôn
Gia Bảo tiếp đón Nguyễn Tấn Dũng ở Bắc Kinh ngày
23-10-2008. |
Hồ Cẩm Đào tiếp Nguyễn Tấn
Dũng ở Bắc Kinh ngày 23-10-2008. |
Tập Cận Bình tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn
Sang ngày 19-3-2013 tại Bắc Kinh. |
Tập Cận Bình tiếp Nguyễn Phú Trọng ngày 7-4-2015 ở Bắc Kinh. |
Tập Cận Bình tiếp Nguyễn Phú Trọng ngày 12-1-2017 ở Bắc Kinh khi uống trà. |
Lý Khắc Cường tiếp Nguyễn Xuân Phúc ngày 13-9-2016 ở Bắc Kinh. |
Tập Cận Bình tiếp Chủ tịch nước Trần Đại Quang ở Bắc Kinh ngày 11-5-2017 |
Tập Cận Bình tiếp Nguyễn Xuân Phúc ngày 25-4-2019 ở Bắc Kinh. |
Chú thích về chức vụ các lãnh đạo Việt Trung
Việt Nam
1-Hồ Chí Minh*,胡志明: Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước đến 9-1969.
2-Phạm Văn Đồng*, 范文同: Thủ tướng (1955/6-1987) rồi cố vấn.
3-Nguyễn Văn Linh*, 阮文灵: TBT Đảng CSVN (12-1986/6-1991) rồi cố vấn.
4-Đỗ Mười*,杜梅: Thủ tướng (6-1988/8-1991), TBT Đảng (8-1991/12-1997) rồi cố vấn.
5-Võ Văn Kiệt*, 武文杰: Thủ tướng (8-1991/9-1997) rồi cố vấn.
6-Lê Đức Anh*, 黎德英: Chủ tịch nước (9-1992/9-1997).
7-Lê Khả Phiêu*, 李可漂: TBT Đảng (12-1997/4-2001)
8-Trần Đức Lương, 陈德良: Chủ tịch nước (9-1997/6-2006).
9-Nông Đức Mạnh农德孟: TBT Đảng (4-2001/4-2006) rồi (4-2006/4-2011).
10-Phan Văn Khải*, 潘文凯: Thủ tướng (9-1997/6-2006).
11-Nguyễn Tấn Dũng, 阮晋勇: Thủ tướng (6-2006/4-2016).
12-Nguyễn Minh Triết, 阮明哲: Chủ tịch nước (24-6-2006 đến 25-7-2011).
13-Trương Tấn Sang, 张晋创: Chủ tịch nước (25-7-2011 đến 2-4-2016)
14-Nguyễn Phú Trọng, 阮富仲:TBT (19-1-2011 đến 1-2-2021 rồi tiếp tục thêm nhiệm kỳ ba đến 2026). Nguyễn Phú Trọng kiêm thêm Chủ tịch nước từ 22-10-2018 đến 6-4-2021 khi Trần Đại Quang qua đời ngày 21-9-2018,
15-Trần Đại Quang*, 陈大光: Chủ tịch nước (31-3-2016 đến 21-9-2018)
16-Nguyễn Xuân Phúc, 阮春福: Thủ tướng (7-4-2016 đến 5-4-2021)
* Đã chết
Trung Quốc
1-Mao Trạch Đông*, 毛泽东: Chủ tịch Đảng cho đến 9-1976, Chủ tịch nước (1949-1959).
2-Châu Ân Lai*, 周恩来: Thủ tướng (10-1949/1-1976).
3-Lưu Thiếu Kỳ* 刘少奇: Chủ tịch nước (1959-1967)
5-Đặng Tiểu Bình*, 邓小平: TBT Đảng (1956-1966) rồi nhân vật số «1» từ 1987 đến 1997.
6-Hoa Quốc Phong*,华国锋: Thủ tướng (1976-1977) rồi Chủ tịch Đảng (1977-1981) kiêm thủ tướng (1977-1980)
7-Hồ Diệu Bang*, 胡耀邦: TBT (1981-1987)
8-Triệu Tử Dương*,赵紫阳: Thủ tướng (1980-1987) rồi TBT (1987-1989).
9-Giang Trạch Dân, 江泽民: TBT (6-1989/11-2002) và Chủ tịch nước (10-1992/11-2002).
10-Lý Bằng*, 李鹏: Thủ tướng (4-1988/9-1997) rồi Chủ tịch Quốc Hội (9-1997/11-2002).
11-Chu Dung Cơ, 朱镕基: Thủ tướng (9-1997/11-2002).
12-Hồ Cẩm Đào, 胡锦涛: TBT và Chủ tịch nước (11-2002/10-2012)
13-Ôn Gia Bảo, 温家宝: Thủ tướng (11/2002/10-2012)
10-Tập Cận Bình, 习近平: TBT và Chủ tịch nước (15-11-2012 đến 25-10-2017) rồi tiếp tục đến 2022)
14-Lý Khắc Cường 李克强: Thủ tướng (15-3-2013 đến 15-3-2018 rồi tiếp tục đến 2023).
* Đã chết